0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
TRỒNG VÀ CHĂM SÓC BƠ

TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

1. Thời vụ và khoảng cách trồng

Nên trồng vào đầu mùa mưa. Nếu trồng mùa nắng cần che bớt ánh sáng và tưới ẩm thường xuyên, trồng mùa mưa cần đặc biệt chú ý cho thoát nước.

Cây bơ có thân to lớn, nhất là giống Ăngti, nên ở các vùng thấp của Đông Nam bộ nên trồng cách nhau 8-10 m. Ở vùng cao nguyên Lâm Đồng, Đắc Lắk có thể trồng dày hơn khoảng 6 –8 m.

2. Cách trồng

miền Nam nước ta khí hậu nóng và mưa nhiều, cây bơ lại rất yếu chịu úng nước nên cần chọn trồng nơi đất cao, thoát nước, tốt nhất là chỗ đất hơi dốc một chút.

Đào hố trồng, kích thước hố mỗi chiều khoảng 0,6 m. Bón lót cho mỗi hố 10-15 kg phân hữu cơ hoai mục và 1 kg phân hỗn hợp NPK 16-16-8, trộn đều với đất mặt lấp đầy hố.
 

Chú ý là rễ cây bơ rất hay bị nấm gây hại, vì vậy cần bón phân đã ủ hoai, và đào hố bón phân lót sớm trước khi trồng 2 – 3 tháng.

Khi trồng cây con chú ý không làm tổn thương bộ rễ. Đặt cây cho miệng bầu ngang miệng hố, lấp đất bột quanh gốc rồi dùng chân nén nhẹ. Không để phân tiếp xúc trực tiếp với rễ. Cắm cọc giữ cây con khỏi gió lay, tưới nước đều thời gian đầu để cây chóng bắt rễ. Tủ gốc giữ ẩm bằng rơm rạ, cỏ khô.

Những năm đầu cây còn nhỏ có thể trồng xen các cây ngắn ngày như ngô, đậu, ...

3. Bón phân

Cây bơ lấy đi từ đất rất nhiều chất dinh dưỡng, theo Avilon (1986), nếu sản lượng bơ là 14.386 kg/ha thì lấy đi từ đất khoảng 40 kg N, 25 kg P2O5, 60 kg K20, 11,2 kg CaO và 9,2 kg MgO. Phân đạm có tác dụng lớn nhất đối với bơ. Triệu chứng thiếu kẽm trên cây bơ cũng thường xảy ra như đối với cam quýt. Thiếu kẽm thì lá bơ nhỏ đi, có những vệt vàng xen giữa các gân lá còn xanh, quả tròn hẳn lại, Cây bơ thời kỳ còn nhỏ chưa cho quả thì bón NPK theo tỷ lệ 1:1:1, khi cây lớn đã cho quả thì bón theo tỷ lệ 2:1:2.

Liều lượng bón với cây còn nhỏ mỗi lần từ 50 – 100 g phân NPK 16-16-8, mỗi năm bón 3 - 4 lần cách nhau 3 – 4 tháng. Nếu bón thêm phân Megiê càng tốt. Từ khi cây lớn đã cho quả, lượng phan bón tăng lên mỗi lần từ 200 - 400 g. Hòa phân với nước tưới hoặc đào rãnh rải quanh tán cây.

Sau mỗi vụ thu hoạch nên bón thêm phân hữu cơ khoảng 20 – 30 kg/cây và cũng phải bón phân đã hoai mục. Cây bơ rất thường bị nấm hại rễ, bón phân hữu cơ hoại có tác dụng hạn chế bệnh rất tốt, nếu có điều kiện nên bón thêm phân vi sinh. Nếu có biểu hiện thiếu kẽm pha sulfat kẽm (ZnSO4) nồng độ 0,2% phun lên lá. Hàng năm nên phun bổ sung phân bón lá có vị lượng, nhất là kẽm, sắt và mangan.

4. Chăm sóc

Quả bơ lớn lên trong mùa khô, lúc này cây rất cần nước nên phải tưới. Khi tưới không để nước đọng quanh gốc. Tốt nhất là dùng vòi phun mưa với lượng nước vừa phải.

Dọn sạch cỏ quanh gốc, nhất là thời gian cây còn nhỏ. Khi cây lớn nên để một lượng cỏ vừa phải giữ ẩm cho đất và hạn chế xói mòn mùa mưa. Trồng cây ghép có thể chỉ 1 - 2 năm đầu đã ra hoa, nên ngắt bỏ để giữ sức cho cây sinh trưởng, chỉ nên để quả sau 4 – 5 năm.

5. Đốn tỉa tạo hình

Cần đốn tỉa tạo hình ngay từ khi cây còn trong vườn ương nhất là với giống Ăngti sinh trưởng ngọn rất mạnh. Khi cành ghép cao 30 - 50 cm thì bấm ngọn và chỉ để cho 4 6 cành ngang tạo bộ khung khỏe và phân bố đều.

Khi cây trồng cao khoảng 1 m, cắt ngọn tất cả các cành chỉ để lại một đoạn dài khoảng 0,7 m từ phía gốc ra, các vết cắt đều phải bôi thuốc trừ nấm. Khi cây đã lớn đang cho quả không nên đốn nhiều nữa vì sẽ làm giảm sản lượng. Chỉ nên cắt bỏ những cành mọc tược từ thân chính, cành già cỗi, sâu bệnh, cành bị gãy do mưa gió. Trường hợp cây mọc cao quá, khó chăm sóc, thu hoạch có thể đốn ngon cho cây phát triển chiều ngang.

6. Thu hoạch

Quả bơ bảo quản tương đối dễ nên muốn có mùi vị thơm ngon có thể hái khi quả gần chín hoàn toàn. Ruột quả lúc này đã bắt đầu mềm nhưng còn cứng chắc. Nên hái cà cuống và chú ý không làm xây xát vỏ.