0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Phòng trừ sâu bệnh cây đậu phộng

Phòng trừ sâu bệnh.

Để cây lạc sinh trưởng tốt và cho năng, cần kịp thời phát hiện các loại bệnh và sâu gây hại để có biện pháp diệt trừ.

Có 3 nhóm sâu hại lạc là:

Nhóm sâu ăn lá: Sâu khoang, sâu xanh.

Nhóm sâu chích hút: Rệp, bọ trĩ, rầy xanh. Loại này vừa hại lá vừa là môi giới truyền bệnh cho lạc.

Nhóm hại rễ và quả: Sâu xám, dế, mối, sùng trắng.

Biện pháp bắt sâu bằng tay là tốt nhất. Tuy nhiên, nếu có biểu hiện sâu gây hại trên diện rộng thì phải phun các loại thuốc đặc trị.

Ngoài bị sâu gây hại, cây lạc còn dễ mắc phải một số bệnh như:

+) Bệnh đốm nâu: Vết bệnh có màu nâu, xung quanh có màu vàng rõ. Cây bị bệnh nặng lá sẽ rụng hàng loạt.
+) Bệnh đốm đen: Vết bệnh có hình dáng gần tròn, xuất hiện ở mặt trên của lá. Bệnh phát triển mạnh khi cây ra hoa rộ đến khi quả chín gây cho lá rụng sớm.

+) Bệnh gỉ sắt: Do một loại nấm xâm nhập từ mặt dưới của lá, hình thành nên những mụn nhỏ trông như gỉ sắt. Bệnh phát triển mạnh từ khi cây ra hoa đến khi quả chín.

+) Bệnh đốm mạng nhện.

Bệnh làm cho mặt lá có những vết loang rộng màu nâu đậm nhạt khác nhau, có những đường chạy ngang dọc như mạng nhện. Bệnh thường xuất hiện ở thời kỳ cây còn nhỏ mà nhiệt độ xuống thấp, mưa phùn kéo dài.

Các loại bệnh trên đều hại lá khiến cây rụng lá sớm, cây bị nặng lá rụng hàng loạt, cây chết. Để phòng trừ, dùng Boocđô 1% để phun.

Phun đợt 1: Sau khi gieo được 45 - 50 ngày.

Sau đó, phun 2 đợt nữa: Đợt sau cách đợt trước 2 - 3 tuần.

 

Cách pha chế dung dịch boocđô như sau:

Dùng 100 g phèn xanh hòa tan vào 8 lít nước trong 1 cái chậu sành hoặc chậu men (không dùng chậu sắt, kẽm, tôn). Tiếp đó, lấy 150 - 200 g vôi tôi hòa vào 2 lít nước sạch khác. Đem dung dịch nước phèn xanh đổ từ từ vào chậu nước vôi, vừa đổ vừa quấy đều. Như vậy là hoàn thành công việc pha chế dung dịch Boocđô.

Ngoài các bệnh hại lá, cây lạc còn dễ mắc bệnh thối tia quả và quả. Bệnh do một loại nấm gây ra. Để phòng trừ, cần xử lý hạt giống bằng thuốc trừ nấm trước khi gieo, áp dụng đúng cách các biện pháp canh tác, không trồng lạc trên các chân ruộng mà vụ trước đã có bệnh.

Thu hoạch, bảo quản.

Khi trên cây có 3/4 số quả đã già, các lá ở phía gốc và giữa cây đã chuyển sang màu vàng và rụng... là có thể thu hoạch lạc.

Chú ý không để thu hoạch bị sót. Nếu đất không tơi, bở thì phải phun nước vào rồi mới nhổ lạc.

Thu hoạch xong thì đem phơi khoảng 5 - 6 nắng. Không phơi quá lâu vì sẽ làm lạc bị chảy dầu. Kiểm tra bằng cách: Bóc quả, bóp nhẹ vào hạt lạc mà thấy vỏ lụa bong ra dễ dàng là đạt yêu cầu.

Lạc sau khi kiểm tra đã đạt yêu cầu thì đem vào để cho thật nguội. Khi nào sờ thấy mát tay mới cho vào chum, vại hoặc quây cót để bảo quản. Nơi cất giữ lạc phải đảm bảo khô ráo, thoáng mát. Chú ý phòng trừ sâu mọt, côn trùng, chuột... xâm hại.

* Bảo quản lạc giống cho vụ sau:

Rửa sạch chum sành rồi phơi nắng thật kỹ

Lạc giống sau khi phơi khô, chọn lại cẩn thận lần cuối, làm sạch tạp chất, để cho thật nguội mới cho vào chum.

Phủ một lớp trấu xay dày khoảng 20cm ở đáy chum (trấu phải được phơi khô trước đó). Tiếp đó, cho lạc vào chum. Khi lạc cách miệng chum 30 - 40cm thì phủ tiếp lớp trấu lên kín lạc. Dùng rơm khô khoanh tròn làm nắp kín miệng chum. Đậy kín miệng chum để chuột không xâm hại.

Chum phải được kế trên gạch cao 15 - 20cm, để nơi thoáng mát, xa chân tường. Với cách bảo quản này, tỷ lệ nảy mầm của lạc trong vụ sau sẽ đạt kết quả tốt.