0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Kỹ thuật trồng cây đậu phộng

Làm đất.

Chọn loại đất phù hợp để trồng lạc. Cày bừa kỹ cho đất tơi xốp, làm sạch cỏ rác. Có thể dùng vồ đề đập đất thêm, nhất là ở những chân đất thịt trung bình.

Việc làm luống gieo hạt thì tùy theo chân đất và địa hình cụ thể. Ở nơi đất cao, dễ thoát nước, đất bãi ven sông, đất cát ven biển: Làm thành bằng rộng 10 - 12m, cách 2 - 3 băng lại bố trí 1 cái rãnh để thoát nước mưa khi cần thiết. Nơi đất thấp, có thể bị úng khi mưa thì nhất thiết phải lên luống cao, mặt luống rộng 1,2 - 1,5 m, cao ít nhất 0,20 m.

Có thể lên luống trồng lạc theo hướng dốc về 1 phía, rãnh không cần sâu lắm. Nhưng phía đầu thấp của ruộng cần làm 1 cái rãnh to và sâu để nước từ các rãnh phía trên thoát xuống đó và ra ngoài.

Ở đất đồi, đất dốc phải làm luống theo đường đồng mức để tránh hiện tượng xói mòn đất.

Gieo hạt.

Trước khi gieo, hạt giống cần được hong nắng. Sau đó, cần thử sức nảy mầm của hạt bằng cách: Lấy 1 cái khay hoặc đĩa men, rải vào đó 1 lớp cát ẩm rồi gieo khoảng 50 - 100 hạt lạc lên đó. Nếu mặt cát khô thì phun thêm nước để giữ độ ẩm cần thiết.

Sau 3 ngày, kiểm tra tỷ lệ nảy mầm của hạt. Nếu lượng nảy mầm đạt tỷ lệ bằng và trên 85% thì có thể dùng loại hạt đó gieo trồng chính thức. Nếu tỷ lệ nảy mầm thấp hơn thì phải gieo tăng số hạt để đạt mật độ cây cần thiết. Trường hợp lượng hạt nảy mầm quá thấp thì nên thay hạt giống khác. Đây là cách thử chất lượng hạt giống mà nông dân nhiều nơi thường áp dụng trước khi gieo hạt chính thức để đem trồng.

Để đạt tỷ lệ hạt nảy mầm cao, cây con khoẻ... người ta thường ủ cho hạt nảy mầm rồi mới gieo. Hạt giống được ngâm vào nước ấm 40°C trong khoảng 3 - 4 giờ rồi đem ủ trong vòng 24 giờ. Khi hạt nhú mầm thì mới đem gieo. Dân trồng lạc ven biển Nghệ An thường ngâm hạt giống vào nước 2 sôi 1 lạnh trong 4 giờ, vớt ra hong ráo nước khoảng 4 - 6 giờ, tiếp đó ủ hạt trong túi vải khoảng 12, 18 giờ cho hạt nảy mầm rồi mới chọn đem gieo.

Ngoài ra, để thúc đẩy sự hình thành nốt sần, người ta còn xử lý hạt giống với chế phẩm vi sinh vật. Cũng có thể xử lý bằng các loại thuốc trừ nấm. Nhưng đã xử lý bằng phân vi sinh thì không dùng thuốc trừ nấm vì nó sẽ làm chết vì sinh vật. Cách xử lý cụ thể tùy thuộc vào mỗi loại thuốc và yêu cầu canh tác đề ra.

Mật độ cây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch. Mật độ cây ra sao là tùy thuộc vào loại đất, giống, vụ... Nói chung, cần đảm bảo mật độ trồng lạc từ 25 - 35 cây/m2.

Nếu gieo theo luống hẹp, để đạt mật độ 25 cây/mº thì phải gieo theo khoảng cách: 40 cm x 10cm x 1 hạt hoặc 40cm x 20cm x 2 hạt.

Muốn có 28 cây/m2 thì phải gieo: 35cm x 10 x 1 hạt hoặc 35 cm x 20 x 2 hạt.

Muốn có 33 cây/m2: 30 cm x 10 cm x 1 hạt hoặc 30 cm x 20 cm x 2 hạt.

Muốn có 35 cây/m2: 35 cm x 8 cm x 1 hạt hoặc 35 cm x 15 cm x 2 hạt.

Nếu gieo theo vạt, có thể áp dụng các khoảng cách: 35cm x 8 - 9cm x 1 hạt hoặc 40cm x 7 - 8cm x 1 hạt.

Nói chung, để việc chăm sóc, xới xáo được thuận tiện thì khoảng cách giữa các hàng nên từ 30cm trở lên.

Trên các chân đất lúa màu ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ: Lên luống 1,4m, có mặt luống 1 m, có thể gieo theo khoảng cách 30 cm x 10 cm x 1 hạt/hốc là đạt 33 cây/m2. Nếu gieo theo khoảng cách 33cm x 10cm x 1 hạt/hốc thì cũng được 30 cây/m2. Gieo hàng ngang luống sẽ tiện cho việc chăm sóc và thoát nước hơn.

Vùng bãi ven sông, vùng đất cát ven biển: gieo với khoảng cách 30 x 10 x 1 hạt là có thể đạt 30 - 33 cây/m2.

Trên chân đồi dốc, để đạt mật độ 20 - 25 cây/m2 nên gieo với khoảng cách 40cm - 45cm x 10cm - 15cm x 1 hạt.

Lượng hạt giống cân để gieo phụ thuộc vào chất lượng hạt giống và cách gieo. Với hạt giống có tỷ lệ nảy mầm khoảng 90% thì lượng giống cần sẽ là: 170 - 190kg lạc vỏ hoặc 120 - 130kg lạc nhân/ha (nếu trồng theo luống), 200 - 300kg lạc vỏ hoặc 140 - 160kg lạc nhân/ha (nếu trồng theo bằng, hay theo vạt).

Nên gieo sâu vừa phải (3 - 5cm), đất phải đủ ẩm. Không cho hạt giống tiếp xúc với phân bón (trừ trường hợp dùng phân vi sinh xử lý hạt giống trước khi gieo).

Ở nước ta có nhiều vụ lạc do điều kiện khí hậu thời tiết, loại đất, chế độ canh tác ở mỗi vùng khác nhau. Ở các tỉnh phía Bắc có 2 vụ lạc: vụ chính là vụ lạc xuân (từ tháng 1 đến tháng 7), vụ thường gieo vào tháng 7-8, thu hoạch vào tháng 11 - 12. Ở các tỉnh phía Nam thường dao động từ 1 - 3 vụ lạc/năm.

Có thể áp dụng biện pháp che phủ nilông cho lạc sau khi gieo sẽ có kết quả rất tốt. Làm như vậy, vào những năm trời rét vẫn có thể gieo đúng thời vụ quy định, cây vẫn mọc nhanh, sinh trưởng đều. Việc che phủ nilông còn có tác dụng giữ ẩm, chống cỏ dại cho lạc và góp phần tăng năng suất lạc.