0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Kỹ thuật trồng trám

Kỹ thuật trồng trám.

Trồng trám bằng cây ghép. Nên dùng cây gốc ghép 2 năm tuổi rồi mới ghép mắt. Tốt nhất là trồng trong bầu, sau đó ghép mắt cây con trưởng thành tốt mới ra ngôi. Trồng trám bằng cây ghép thì cây sẽ ra quả sớm.

Mắt ghép lấy từ cây lưỡng tính có năng suất cao. Để đảm bảo sức sống của cây ghép thì cây gốc ghép phải là cây mọc từ hạt. Lấy trám trắng ghép với trám trắng, trám đen ghép với trám đen.

Chọn quả trám đã chín, ngâm vào nước nóng khoảng 60° (đối với trám trắng), 65° (đối với trám đen). Đến khi thịt quả mềm thì tách hạt đem rửa sạch rồi phơi khô. Cũng có thể dùng hạt từ quả lên men tự hoại.

Gieo hạt trám trong bầu có phân hoại. Khi cây được 1 - 2 tuổi thì tiến hành ghép, sau đó sẽ ra ngôi.

Nếu cây gốc ghép còn nhỏ thì ghép mắt ở vị trí cách mặt đất 20cm. Khi cây con cao 1m thì bấm ngọn để phân cành, sau đó lại bấm ngon để 2 cành nhánh dài khoảng 50 80cm. Nếu cây gốc ghép lớn hơn, có thể ghép cách mặt đất 150cm. Khi có 1 - 2 cành thì bấm ngọn, đẻ cành dài 80cm, tạo thế cây lùn, cành ngắn. Để cành chính của cây ngắn thì cây sẽ cho năng suất cao hơn.

Nếu trồng trám trên đất đồi thì có thể làm nương bậc thang.

Đào hố rộng 80cm, độ sau tuỳ theo bộ rễ cây trám đem trồng.

Trồng trám theo những khoảng cách 6 x 6m hoặc 7 x 7m. Mật độ trồng khoảng 200cây/ha. Khi cây trám còn non, có thể trồng xen một số loại cây ăn quả khác như: dứa, ổi...

Trồng cây xong nên tủ đất, tủ rác. Nếu đất khô thì có thể tưới gốc.

Chăm sóc 

Thường nông dân ít có thói quen bón phân cho cây trám. Tuy nhiên, muốn cây có năng suất cao thì nhất thiết phải bón phân. Bón lót khi đào hố trồng. Khi cây phát triển được 1 tháng thì bắt đầu bón thúc. Bón vào các tháng 3, 6, 9 tương ứng vào thời kỳ trước khi ra hoa và phát triển quả. Mỗi lần bón 50 - 100kg phân chuồng/cây. Ngoài ra, nếu có điều kiện nên bón thêm các loại phân đạm, lân, kali, canxi.

Cây trám ít bị sâu bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có trường hợp cây bị bệnh sùi thân, bệnh chảy gôm, xén tóc đục cành, đục thân, bọ nẹt ăn lá... Cần chú ý xới xáo, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho trám

Thu hái.

Để nâng cao phẩm chất quả, bảo vệ cây thì thu hoạch bằng tay là cách tốt nhất. Nếu cây cao thì phải dùng sào tre có lưới để ngắt quả.

Thu hoạch trám với độ chín như thế nào tuỳ thuộc vào yêu cầu sản phẩm. Nếu để ăn tươi thì phải thu hoạch khi quả chín hẳn. Còn nếu để chế biến thì thu hoạch sớm hơn.