0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Kỹ thuật trồng chuối bom

Kỹ thuật trồng chuối bom

Yêu cầu sinh thái:

+ Đặc điểm ưu việt của giống chuối này là ít sâu bệnh hại, khả năng chịu hạn tốt và có thể trồng được trên những vùng đồi có độ dốc khá lớn.

+ Chuối bom sinh trưởng và phát triển tốt trong trong phạm vi nhiệt độ từ 25 - 35° C, độ ẩm không khí 70 - 85%, có khả năng thích ứng trong phạm vi ánh sáng rộng, cần nhiều ánh sáng để sinh trưởng, phát triển, cho năng suất và chất lượng quả cao nhất.

+ Có thể trồng được trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất nên chọn các loại đất thịt nhẹ, đất pha cát, đất phù sa, đất giàu mùn, thoáng, độ xốp cao, dễ thoát nước. Không trồng chuối trên các loại đất chua phèn, đất thấp, kém thoáng nước. Nếu trồng trên đất ruộng phải lên liếp cao, xẻ nhiều mương rãnh để thoát nước trong các tháng mùa mưa.

Kỹ thuật trồng:

+ Có thể trồng bằng chồi tách từ cây mẹ, bằng củ và cây con được nhân giống bằng phương pháp nuôi
cấy mô là tốt nhất, vì sạch bệnh, chất lượng đảm bảo, sinh trưởng, phát triển khỏe, nhanh và có độ đồng đều cao (trỗ cùng một lúc, mã đồng đều), năng suất cao, chất lượng đáp ứng nhu cầu ăn tươi và chế biến công nghiệp.

+ Mật độ trồng thích hợp từ 2.200 - 2.500 cây/ha. Trên liếp trồng hàng đổi cách nhau 2m, mỗi khóm để 1 cây mẹ và 2 cây con thay thế. Mỗi chu kỳ thu hoạch 2 vụ phá bỏ, cải tạo đất để trồng lại sẽ hạn chế được bệnh virus, nấm, tuyến trùng.

+ Thời vụ trồng: Với các tỉnh Nam Bộ có thể trồng quanh năm, nhưng cần căn cứ vào nhu cầu thị trường để bố trí các đợt trồng để có thời vụ thích hợp, tránh tổn thất.

Phân bón:

Bón lót mỗi hố 5 - 6kg phân chuồng trộn đều với 400g phân lân + 10 - 15g Furadan trước khi trồng cây.
+ Bón thúc đợt 1 sau khi trồng 10 - 20 ngày: 10 - 20g ure/gốc;

+ Đợt 2 sau khi trồng 30 ngày: 10g urê + 10g kali/gốc;

+ Đợt 3 sau khi trồng 60 ngày: 40g urê + 50g kali/gốc

+ Đợt 4 sau khi trồng 120 ngày: 100g urê + 100g kali/gốc;

+ Đợt 5 trước khi cây trổ buồng (khi cây ra lá bị non): 30g urê + 100g kali/gốc bằng cách rắc phân sát gốc, phủ đất và kết hợp tưới nước, tủ gốc giữ ẩm.

Chăm sóc :

Thường xuyên làm sạch cỏ, cắt bỏ lá già, lá sâu bệnh cho thông thoáng. Chú ý phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại như: sâu ăn lá, sâu đục gốc, rệp hại hoa, hại quả; bệnh thối gốc, bệnh rụt ngọn bằng các loại thuốc trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của ngành bảo vệ thực vật.

Thu hoạch và chế biến:

+ Từ khi chuối trỗ đến khi thu hoạch kéo dài khoảng 80 - 90 ngày tùy theo nhiệt độ và độ ẩm của môi trường. Thu hoạch khi thấy quả gần tròn cạnh.

+ Chuối chiên: Chuối xanh được bóc vỏ, thái lát mỏng đem ướp đường theo tỉ lệ 1kg chuối + 400g đường. Sau khi chuối đã ngấm đường, cho vào chảo dầu rán trong khoảng 40 phút, đến lúc chuổi bắt đầu giòn thì cho thêm gừng, vừng rán, chiên thêm khoảng 5
phút thì vớt ra để nguội, đem đóng bao sẽ giữ được độ giòn trong nhiều tháng liền.

+ Chuối sấy: Chuối đã chín được phân loại theo kích thước và độ chín, rửa sạch, bóc vỏ rồi đem xử lý bằng cách ngâm trong dung dịch Metabisunfit (12g/1) hoặc trong nước chanh (1 quả chanh/1) trong 6 giờ. Vớt ra để ráo nước rồi sấy với các thông số sau: Độ ẩm ban đầu 70%, độ ẩm cuối 8 - 20%, nhiệt độ sấy 95 - 100°C trong 1 - 2 giờ, 80 - 85°C khi độ ẩm còn 30 . 40%, 60 - 65°C đến khi khô. Tổng thời gian sấy 35 . 40 giờ để đạt tỷ lệ thành phẩm 1kg khô/5kg tươi. Để nguội, phân loại rồi đóng bao có thể bảo quản 1 năm.