GIỐNG VÀ NHÂN GIỐNG BƠ
Yêu cầu điều kiện sinh thái
Ở Mêhicô nơi cội nguồn của cây bơ có nhiệt độ trung bình 12,8 28°C và lượng mưa hàng năm từ 655 đến 1.475 mm. Ở nước ta nhiệt độ trong cả nước đều thích hợp, kể cả vùng cao Đà Lạt, nhưng lượng mưa thì hơi nhiều, tuy trong mùa khô thì vẫn phải tưới. Phạm vi nhiệt độ thích hợp nhất khoảng 20 – 25°C, nhưng cũng có nhiều giống chịu được một số thời gian nhiệt độ xuống dưới 15°C. Không có hiện tượng cây bơ không ra hoa vì nhiệt độ thấp nhưng nếu nhiệt độ cao quá thì ức chế ra hoa.
Lượng mưa hàng năm trung bình cần khoảng 1.500 - 2.000 mm và có mùa nắng rõ rệt. Khả năng chịu mưa tương đối khá, ngay cả trong thời gian từ ra hoa đến khi gần thu hoạch nếu có mưa cũng không ảnh hưởng nhiều, trừ phi mưa kéo dài liên tục hàng tháng.
Thời gian chiếu sáng không ảnh hưởng đến sự trổ hoa của cây bơ.
Cây bơ cũng trồng được trên nhiều loại đất miễn là thoát nước tốt. Nguy hiểm lớn nhất với cây bơ là đất ngập úng, độ ẩm đất quá cao. Trong các cây lâu năm có lẽ bơ là cây mẫn cảm nhất với độ ẩm cao của đất. Chỉ vài tiếng đồng hồ bị ngập nước, bộ rễ bơ đã bị ảnh hưởng, có thể bị thối và làm cây chết. Dù có trồng trên mô hoặc liếp cao nhưng nếu mạch nước ngầm chỉ sau 1 m thì vài năm sau khi trồng là cây bơ sẽ chết. Cây bơ cũng không chịu được mặn dù chỉ là nước lợ (hơi mặn). Độ pH đất thích hợp từ 5 đến 7.
Một điểm đáng lưu ý nữa là cành bơ rất giòn dễ gãy, vì vậy không trồng được ở nơi thường có gió bão.
Với những đặc tính trên, ở nước ta vùng Đồng bằng sông Cửu Long và từ Phan Thiết trở ra không trồng được bơ; miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là cao nguyên Lâm Đồng, là những vùng trồng bơ rất tốt. Lý do là ở những vùng này khí hậu ôn hòa, nhiệt độ không cao và cũng không thấp quá, lượng mưa đầy đủ và dễ thoát nước, không bị ngập úng.
Mực nước ngầm sâu, đất đỏ xốp, độ pH trong khoảng 5 6. Nhược điểm là có mùa khô hơi dài. Riêng vùng Bảo Lộc, Di Linh mùa khô ngắn nên là vùng trồng bơ thích hợp nhất. Những nơi khác mùa khô dài hơn nhưng không cần tưới cây bơ vẫn chịu đựng được, nếu tưới thì càng tốt. Chăm sóc tốt, một cây trưởng thành 10 – 12 năm tuổi cho 300 – 500 quả một vụ.
GIỐNG VÀ NHÂN GIỐNG
Cây bơ chỉ có một loài Persea americana (P. gratissima) nhưng do đã được thuần hóa từ lâu và trồng trong những điều kiện sinh thái khác nhau nên đã hình thành 3 nhóm giống khác nhau là Mêhicô, Goatemala và Ăngti. Vì cùng một loài nên các nhóm này có thể lại hoặc ghép với nhau dễ dàng để tạo thành nhiều giống lại cũng được trồng khá rộng rãi, nhất là ở Mỹ và Israel.
Các giống bơ đưa vào Việt Nam là những giống nhân bằng hạt nên bị lẫn lộn, không thuần, trong một vườn bơ thường có cả 3 nhóm giống. Sau đó lại tiếp tục nhận bằng hạt và ít được chăm sóc, chọn lọc, lại trong điều kiện khí hậu nóng ẩm nên các giống tốt không còn, chỉ còn lại nhóm giống Ăngti dễ thích nghi hơn nhưng lâu ngày cũng bị thoái hóa nên chất lượng quả bơ ở ta rất kém, càng khó tiêu thụ.
Sau đây là đặc điểm của các nhóm giống chính.
a. Nhóm giống Mêhicô: Cây nhỏ, ít lá, lá màu xanh vàng nhạt, khi vò nát có mùi hôi. Quả nhỏ, nặng 200 250 g, hình quả lê, hạt to và lỏng, khi lắc nghe tiếng kêu, cơm màu vàng. Tỷ lệ chất béo cao, có khi tới 25 - 30% nên chất lượng tốt. Sống được trên nhiều loại đất, mức chịu lạnh trung bình, có thể trồng lên độ cao 2.000 m trên mặt biển.
Thuộc nhóm này có một số giống như Mexicola, Puebla, Jalna, Duke... từ hoa nở đến quả chín khoảng 8 – 9 tháng. nước ta, năm 1969 một số giống nhóm này đã trồng ở Phú Hộ (Phú Thọ) nhưng chỉ sống 3 – 4 năm rồi chết. Ở trại Eakmat (Đắc Lắk) cũng có một số cây tuy chất lượng tốt nhưng phát triển rất kém, tới nay cũng đã chết hết.
b. Nhóm giống Goatemala: Cây to, cao, nhiều lá, màu lá xanh đậm, chồi non màu đỏ vàng, lá không có mùi thơm. Quả tương đối to, nặng trung bình 400 - 500 g, hình cầu, chỗ gần cuống nhỏ và kéo dài như bầu rượu. Vỏ dày và cứng, màu xanh đậm, khi chín chuyển màu đỏ. Hạt nhỏ, lắc không kêu. Cơm màu vàng xanh, lượng chất béo khá cao, trung bình 10 – 20%, ít nước. Ở ta, bơ nhóm giống Mêhicô và Goatemala được gọi là bơ sáp. Khả năng chịu lạnh tốt, có một số giống thuộc nhóm này như Taylor, Lula (hoa loại A), Tonnage (hoa loại B)... Từ ra hoa đến quả chín khoảng 10 – 11 tháng. Ở ta nhóm giống này còn trồng một ít ở Di Linh, Đồng Nai.
c. Nhóm giống Ăngti: Cây to, lá to và xanh nhạt, vò nát lá không có mùi hôi, quả khá lớn, nặng từ 400 1.000 g, vỏ mỏng và láng, màu xanh hoặc đỏ tím. Cơm vàng, gần vỏ có màu vàng xanh, chất béo 6 – 8%. Hạt to, lỏng, lắc có tiếng kêu. Nhóm giống này yếu chịu rét, thích hợp cho vùng thấp ở độ cao dưới 1.000 m.
Trong nhóm này có một số giống như Pollok, Waldin, Ruelhe...
d. Nhóm giống lai
Lai giữa Ăng-ti và Goatemala: Có các giống Collison, Winslowson. Cũng như các giống Ăng-ti, các giống lai này chủ yếu trồng ở vùng đồng bằng và miền Đông Nam bộ nơi đất không cao lắm như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai.
- Lai giữa Goatemala và Mêhicô: Có các giống Fuerte, Ryan, Nabal, Reed, Tova. Giống Fuerte là giống được trồng nhiều nhất. Quả xanh láng, hình quả lê, nặng 250 – 450 g, tỷ lệ chất béo cao từ 18 – 26%, hoa loại B, chịu lạnh khá. Có nhược điểm là ra hoa cách niên, có thể khắc phục bằng cách khoanh vỏ cành, cắt tỉa bớt hoa và quả non năm được mùa và phun chất điều hòa sinh trưởng NAA.
Ở miền Nam nước ta khí hậu tương đối nóng và ẩm, trồng các giống nhóm Ăng-ti là thích hợp nhất. Ở Tây Nguyên khí hậu mát mẻ hơn có thể trồng một số giống nhóm Mêhicô hoặc Goatemala. Để có giống tốt, công việc trước hết là xác định những cây tốt trong sản xuất ở các vùng rồi nhân lên bằng phương pháp vô tính. Sau đó cần nhập thêm một số giống tốt từ Cuba, Mỹ, nhất là từ các nước Đông Nam Á, chú ý các giống Pollok (nhóm Ăng-ti), giống Lula (nhóm Goatemala) và giống Fueter (lai Guatemala với Mêhicô). Trong sản xuất không nên chỉ trồng một nhóm vô tính mà trồng cả 2 nhóm A và B để có nhiều nguồn cây tốt cho việc tiếp tục nhân giống về sau.