Giống hồng
GIỐNG VÀ NHÂN GIỐNG
Giống hồng
Theo Voronxoy (1982) trên thế giới có 3 loài hồng trồng phổ biến là hồng dại (Diospyros lotus), hồng Virginia (D. virginiana) và hồng Phương Đông (D. kaki). Trong đó loài hồng dại trồng nhiều ở vùng núi Cap-ca-dơ (Nga), Iran, Ấn Độ, Trung Quốc, loài này quả nhỏ, chát, chín kỹ mới ăn được, thường phơi khô và làm mứt. Hồng Virginia trồng nhiều ở Mỹ, quả to, chất lượng tốt thường dùng làm gốc ghép cho hồng Phương Đông. Loài hồng Phương Đông quả to, ngon, hiện là loài trồng phổ biến nhất ở nước ta và các nước Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên.
Ở nước ta, năm 1990 tiến hành điều tra về cây hồng, bước đầu phát hiện có 3 loài:
Hồng lông (Diospyros tokinensis): Quả to, tròn hoặc tròn dẹt, khi còn xanh mặt ngoài quả có lông tơ màu xanh, khi chín thì lông rụng, vỏ màu vàng hồng, thịt quả vàng nhạt, nhiều hạt. Loài này có sản lượng cao nhưng phẩm chất quả kém nên ít được ưa chuộng. Vì quả có vị hôi nên còn gọi là hồng hôi, hồng trâu. Không dùng hạt của loài này làm gốc ghép vì khả năng tái sinh tiếp hợp không tốt.
Hồng cây (Diospyros lotus): Quả nhỏ, hình tròn dẹt, nhiều hạt. Thường lấy quả khi còn xanh để lấy nhựa dán quạt, diều sáo...
Hồng trơn (Diospyros taki) : Còn gọi là hồng Phương Đông, được trồng phổ biến nhất ở miền Bắc và vùng Đà Lạt. Quả tương đối to, khi chín màu đỏ vàng, ít hạt, sản lượng cao, phẩm chất quả ngon, được nhiều người ưa chuộng. Trong loài này có 2 nhóm là nhóm hồng ngâm và nhóm hồng rấm.
Nhóm hồng ngâm thì chất chát (tanin) trong quả có thể hòa tan trong nước nên ngâm trong nước sẽ hết vị chát và có thể ăn khi quả chưa chín hẳn, còn cứng. Hồng ngâm cũng có thể để ăn chín được.
Nhóm hồng rấm thì khi chưa chín dù có ngâm nước nhiều ngày vẫn không hết chát, do chất tanin của nhóm quả này không hòa tan trong nước mà chỉ có thể chuyển thành chất đường dưới tác động của nhiệt độ và các hormon chín (như đốt hương, đất đèn, ethrel, ...). Quả khi chín thì mềm, có màu đỏ đẹp, ăn ngọt.
Sau đây là một số giống hồng chính ở các vùng theo kết quả điều tra:
Vùng Đà Lạt (Lâm Đồng): Có các giống hồng trứng lốc, hồng trứng muộn, hồng Pome tròn, hồng chén, hồng Nhật. Ngoài ra còn có giống hồng ăn liền, có thể ăn ngay khi quả còn cứng, giòn và ngọt. 50g
- Vung Thạch Hà (Hà Tĩnh): Có các giống hồng vuông không hạt, hồng tròn.
- Vùng Nam Đàn (Nghệ An): Có các giống hồng cậy vuông, hồng nứa, hồng tiên, hồng tròn dài, hồng gáo, hồng chuột.
- Vùng Thừa Thiên - Huế: Có giống hồng vuông Huế.
- Vùng Lý Nhân (Hà Nam): Có các giốn hồng Nhân Hậu, hồng Văn Lý.
- Vùng Thạch Thất (Hà Tây): Có giống hồng Thạch Thất
- Vùng Vĩnh Phúc - Phú Thọ: Có các giống hồng Hạc Trì, hồng Tiến, hồng Trạch, hồng ngâm quả hình trứng, hồng ngâm quả hình trụ dài.
- Vùng Lạng Sơn: Có giống hồng ngâm không hạt.
Trong số các giống hồng trên, các giống có chất lượng tốt được trồng phổ biến nhất gồm có:
+ Hồng Lạng Sơn: Quả hình trái tim, 4 rãnh dọc không sâu lắm, trọng lượng 50 – 100 g, hoàn toàn không hạt. Chủ yếu ăn theo kiểu hồng ngâm, thịt đỏ, giòn và ngọt. Quả chín vào tháng 9 – 10.
+ Hồng Hạc Trì (Phú Thọ): Quả to, dài, có 4 cạnh rõ, trọng lượng 100 – 150 g, không hạt, chủ yếu cũng ăn kiểu hồng ngâm, ăn chín chất lượng cũng tốt. Chín muộn hơn hồng Lạng Sơn một chút.
+ Hồng Thạch Thất (Hà Tây): Quả to, hình trứng, không có khía, trọng lượng 100-250 g không hạt hoặc ít hạt. Ăn quả khi chín, màu đỏ vàng. Chín muộn vào tháng 11 – 12.
+ Hồng Thạch Hà (Hà Tĩnh): Quả to, hình hơi vuông, trọng lượng 200 - 300 g, không hạt hoặc chỉ có 1 – 2 hạt. Có thể ăn ngâm hoặc ăn chín. Chín muộn vào tháng 11 – 12.
Đặc điểm của các giống hồng còn phụ thuộc vào cách nhân giống. Hồng trồng bằng hạt thường dễ tính, không kén đất, sai quả và quả cũng ngọt. Nhược điểm chính là biến dị lớn, kích thước, màu sắc và chất lượng quả không ổn định, hạt nhiều và to. Hồng trồng bằng phương pháp nhân vô tính ít biến dị nên giữ được đặc điểm của giống, từ đó tạo thành một số giống riêng biệt, có hương vị tốt, không hoặc ít hạt, quả to và đẹp.