0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Đặc tính của cây nhãn

CÂY NHÃN

Nhãn được coi là cây trồng quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng cũng như ở trung du và miền núi.

Đây là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được các nhà vừn ưa chuộng. Cùi nhãn rất giàu chất dinh dưỡng. Tổng số hàm lượng đường trong cùi nhãn chiếm 12,38 - 22,55%, trong đó đường Glucoza là 3,85 - 10,16%. Tổng số axít chiếm 0,096 - 0,109%. Vitamin C: 43,12 - 163,7 mg/100g cùi quả. Vitamin K: 196,5 mg/100g cùi quả. Ngoài ra còn có các chất khoáng như Ca, Fe, P... đều là những chất bổ cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng của con người.

Quả nhãn thường được dùng để ăn tươi. Ngoài ra còn để làm đồ hộp, sấy khô, chế biến thành long nhãn. Không chỉ là một loại quả giải khát, quả nhãn còn được dùng làm thuốc trong Đông y. Long nhãn là thuốc bổ điều trị chứng suy nhược thần kinh, chứng sút kém trí nhớ, mất ngủ hay hoảng hốt. Hạt nhãn, vỏ nhãn được tán nhỏ làm thành vị thuốc trong Đông y.
So với một số cây ăn quả khác, nhãn là cây dễ trồng, tuổi thọ kéo dài, cho năng suất cao, thu nhập khá. Nhãn chính là một loại quả quý trong tập đoàn giống cây ăn quả nước ta.

Đặc tính của cây nhãn.

Nhãn là cây chịu hạn, chịu được ngập úng. Cây nhãn trồng được trên đất chua, đất nghèo dinh dưỡng ở vùng gò đồi và vùng đồng bằng thấp.

Nhiệt độ có ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, ra hoa, đậu quả của cây nhãn. Nhãn thích hợp với những vùng có nhiệt độ bình quân 20°C trở lên. Để cây phân hóa mầm hoa được tốt, mùa đông cần có một khoảng thời gian nhiệt độ thấp thích hợp (8 - 10°C là tốt nhất). Thời kỳ hoa nở, nhiệt độ thích hợp là 20 - 27°C. Vào mùa thu hoạch, cây nhãn lại đòi hỏi nhiệt độ cao.

Cây nhãn rất cần nước để phân hóa mầm hoa và đặc biệt là thời kỳ quả phát triển. Lượng mưa hàng năm cần từ 1.300 - 1600 mm. Trồng nhãn ở vùng đồi gò nhưng chăm sóc tốt thì cây vẫn cho năng suất cao. Tuy nhiên, đất thích hợp nhất để trồng nhãn là đất phù sa nhiều màu, ẩm mát, không bị ngập nước.
 

Nhãn cần đủ ánh sáng thì mới phát triển tốt. Nhưng nếu trồng ở nơi quá khô và ánh sáng gay gắt thì cây nhãn sẽ bị ảnh hưởng. Nhãn thích ánh sáng tán xạ hơn ánh sáng trực xạ ở thời kỳ cây con nên che bóng cho cây.

Cây nhãn trưởng thành có chiều cao từ 6 - 10 m. Tuy nhiên, có những giống cây có thể cao đến 20 m. Cây trồng bằng hạt thì có chiều cao và bộ rễ phát triển hơn cây trồng bằng chiết cành và ghép. Tán cây thường tròn đều. Lá non mới nhú có mùa đỏ nhạt. Thân cây sần sùi.

Hoa nhãn có 2 loại: Hoa lưỡng tính và hoa đực. Các loại hoa phát triển gối lên nhau trong 1 vụ hoa. Nhánh hoa mọc ở đầu ngọn cành không mang lá, có những gié nhỏ phân nhánh.

Thời gian từ khi hoa nở đến khi thu hoạch khoảng 3-5 tháng. Quả lúc còn non có màu xanh nhạt. Khi quả chín thì có màu vàng đục. Cây nhãn có quả to hay nhỏ, cùi dày hay mỏng, nhiều nước hay ít nước... tùy thuộc vào giống và cách chăm sóc.

Hiện nay, ở miền Bắc, giống nhãn được phân chia làm 2 nhóm: Nhóm nhãn cùi và nhóm nhãn nước.
 

+) Nhóm nhãn cùi: quả có cùi dày, ít nước. Khi thu hoạch, quả có trọng lượng từ 8,5 - 11,5 g/quả. Có những giống có trọng lượng quả từ 14 - 15 g/quả (tương đương 65 - 70 quả/kg).

+) Nhóm nhãn nước: Quả có cùi mỏng, khó tách. Khi thu hoạch quả có trọng lượng trung bình và thấp, chỉ đạt từ 5,3 - 6,2 g/quả (tương đương 150 - 200 quả/kg).

Ở miền Nam trồng phổ biến các giống: Nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn long, nhãn giống da bò. Trong số đó, giống nhãn tiêu da bò (hay còn gọi là nhãn tiêu Huế) có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh. Trọng lượng quả trung bình từ 8 - 10 g. Cây được 8 - 10 tuổi cho sản lượng từ 120 - 180kg quả/cây/năm.