Kỹ thuật trồng vải thiều
a. Nhân giống:
* Chiết cành:
Cây vải có thể trồng từ hạt. Nhưng nếu trồng từ hạt thì cây lâu cho thu hoạch, quả không còn giữ được những phẩm chất ban đầu của cây mẹ. Cách nhân giống phổ biến hiện nay là chiết cành. Cây chiết giữ được những đặc tính tốt của cây mẹ. Nhưng cây chiết có bộ rễ thường
ăn hông, không thích hợp với vùng gò đồi thường thiếu nước trong mùa khô.
Chọn cây mẹ đã cho quả liên tục trong nhiều năm, năng suất quả ổn định, tuổi cây từ 10 - 20 năm, cây khỏe và không sâu bệnh.
Chọn cành chiết là những cành bánh tẻ, đường kính gốc cành từ 1-1,5cm, chiều dài cành chiết từ 50 - 65cm. Chọn cành có 2 - 3 chạc, cành ngoài tán có đủ ánh sáng.
Chuẩn bị đất bó bầu: Bùn ao phơi khô hoặc đất vườn đập vụn trộn với phân chuồng hoai mục, mùn cưa và rơm rác mục. Tỷ lệ phân chuồng và đất là 1:3 hoặc 1:2, lượng mùn cưa và rơm rác mục vừa phải để tất cả tạo thành hỗn hợp đủ ấm.
Ở miền Bắc, người ta thường chiết cành vào tháng 2, 3, 4 (vụ xuân) hoặc tháng 8, 9, 10 (vụ thu).
Ở miền Nam, nếu trồng vải thì người ta thường chiết vào trước mùa mưa và sau mùa mua.
Dùng dao sắc cắt khoanh vỏ với kích thước 2 - 3cm. Bóc lớp vỏ ngoài cạo sạch lớp vỏ trắng đến gỗ. Lấy giẻ lau sạch vết cắt rồi bó bầu lại.
Bầu đất có đường kính 5 - 7cm, chiều dài bầu đất khoảng 10 - 1lcm. Bọc bầu đất bằng giấy pE trong, buộc chặt 2 đầu túi bầu để giữ đất.
Sau khi chiết từ 50 - 70 ngày, quan sát nếu thấy rễ bám chằng chịt ngoài mặt bầu, rễ chuyển từ màu trắng sữa sang vàng ngà (hoặc hơi xanh) thì cưa cành đem giâm vào vườn ươm. Khi cưa cành chiết từ trên cây cần cắt tỉa bớt lá. Cởi bỏ giấy pE, đặt cành chiết vào rọ tre, trong rọ có độn phân chuồng hoai mục như khi chiết. Nên giâm cành vào lúc trời râm mát. Hàng ngày, tưới nước cho vườn giâm cành và che bớt 50% ánh sáng tự nhiên.
Không nên giâm cành quá dày (mật độ nên là 20 x 20cm hoặc 30 x 30cm). Nếu trời lạnh khô, mỗi ngày tưới nước 1 lần vào buổi sớm, còn trời râm mát thì chỉ cần 2 - 3 ngày tới 1 lần. Đến mùa xuân, đem cành giâm trong vườn ươm ra để trồng.
* Ghép:
Phương pháp này đang được coi là chủ đạo trong việc nhân giống hiện nay. Cây con giữ được các đặc tính tốt của cây mẹ, nâng cao tính thích nghi đối với điều kiện khí hậu, đất đai của từng địa phương.
Dùng loại hạt giống chín sớm làm gốc ghép cho các giống chín muộn. Cần chọn giống sinh trưởng khoẻ, khả năng thích nghi cao, tiếp hợp tốt với chồi ghép. Chọn hạt gốc ghép chắc thì tỷ lệ nảy mầm cao. Hiện nay, việc dùng giống vải chua làm gốc ghép được áp dụng phổ biến.
Thu hạt xong phải rửa sạch, cạo hết thịt quả dính ở rốn hạt. Không nên phơi hạt ngoài nắng. Tốt nhất là gieo ngay hạt vì càng để lâu hạt càng mất sức nảy mầm.
Chọn đất thịt hoặc đất phù sa để gieo hạt. Đất phải được bón phân hữu cơ và phân lân. Gieo hạt trực tiếp vào bầu ươm hoặc gieo ra ngoài luống.
+) Gieo hạt vào bầu ươm: Rửa sạch hạt, sau đó ủ hạt vào cát hoặc đất phù sa. Khoảng 7 - 10 ngày hạt sẽ nhú mầm. Lúc đó, đem hạt ươm trực tiếp vào bầu (kích thước bầu khoảng 16 x 30cm, đáy bầu đục lỗ. Ở 1/3 bầu tính từ đáy, đục 6 lỗ, mỗi lỗ có đường kính từ 0,8 - 1cm để thoát nước). Chăm sóc đến khi cây đủ tiêu chuẩn thì tiến hành ghép.
+) Gieo hạt ra luống: Gieo khoảng 100 - 150 hạt/m2, lấp đất mịn, dày khoảng 1,5 - 2cm.
Phía trên phủ 1 lớp rơm rạ hay cỏ khô. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm. Chăm sóc đến khi cây đủ tiêu chuẩn thì đem ghép.
Có nhiều phương pháp ghép vải như ghép áp, ghép nêm, ghép chẻ bên, ghép tháp (nối ngọn). Mỗi phương pháp ghép đều có thời vụ ghép thích hợp riêng. Nhưng chủ yếu ghép trong điều kiện nhiệt độ 20 - 30°C, độ ẩm không khí 80 - 90%, trời không nắng gắt.
Ở phía Bắc, người ta thường ghép vải vào tháng 3, 4, 5 (vụ xuân) và tháng 9, 10 (vụ thu). Còn ở phía Nam thì tùy theo tình hình thời tiết mà chọn thời điểm ghép thích hợp.
Dao ghép phải sắc, nhát cắt ngọt, không xơ. Người thao tác đòi hỏi phải có kỹ thuật nhuần nhuyễn, thành thục. Đặt cành ghép (đoạn cành ghép) vào gốc ghép, buộc dây vừa chặt, đều.
Sau khi ghép được 15 - 20 ngày, đoạn cành ghép và gốc ghép liền nhau thì mở dây nilông để cho mắt ghép bật mầm. Khi cành ghép được 15 - 20cm thì tiến hành làm cỏ, vun gốc, bón phân.
Cần thường xuyên vạt bỏ mắt dại từ gốc ghép. Chú ý làm cỏ nhẹ nhàng, tránh va chạm vào gốc ghép và cành ghép. Cứ cách 1 tháng lại bón phân thúc cho cây con 1 lần. Thường xuyên tưới nước, bắt sâu cho cây. Khi cần thiết phải phun thuốc để phòng trừ sâu bệnh hại.