0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
CÂY LẠC

CÂY LẠC

Cây lạc thuộc họ đâu, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, được phân bổ từ vùng nhiệt đới khô nóng đến vùng cận nhiệt đới tương đối ẩm.

Ở nước ta, lạc là một trong những cây lương thực có tính chủ lực, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, vừa xuất khẩu ra nước ngoài. Có thể dùng trực tiếp hạt lạc khô, hoặc chế biến ép thành dầu, làm mứt, bánh kẹo... Trong hạt lạc có chứa từ 22 - 27% protein, 40 . 50% dầu, 15,5% gluxit, 2,5% cenlulô... Sử dụng sản phẩm từ lạc sẽ tăng lượng chất đạm, chất béo cho cơ thể.

Cây lạc đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Có năm chúng ta đã xuất khẩu đến 70% sản lượng lạc. Mấy năm gần đây chúng ta đã xuất 70 - 80 ngàn tấn lạc nhân qua các nước như: Pháp, Đức, Italia...

Ngoài phân củ là sản phẩm thu hoạch chính, thân, lá của cây lạc còn được dùng làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân xanh bón cho đồng ruộng. Trồng lạc còn có tác dụng cải tạo đất. Người ta thường trồng cây lạc luân canh với nhiều loại cây khác hoặc trồng lạc để phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn đất.

Cây trồng trên nền đất vừa thu hoạch lạc hoặc trồng xen đều cho năng suất rất cao. Sở dĩ như vậy vì trong rễ cây lạc có những nốt sần - chúng không ngừng biến đạm tự do trong không khí thành dạng đạm dinh dưỡng mà cây hút được.

Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được một số nhà máy chế biến dâu lạc tinh luyện để sản xuất ra các sản phẩm dầu lạc có chất lượng cao, vừa để tiêu dùng trong nước, vừa để xuất khẩu. Vì vậy, việc phát triển thêm diện tích trồng lạc, nghiên cứu ra các giống mới, áp dụng các biện pháp canh tác lạc hiệu quả... là một điều hết sức cần thiết.

Đặc tính của cây lạc.

Cây lạc đòi hỏi khí hậu nóng và ẩm. Nhiệt độ để cây lạc nẩy mầm thấp nhất phải trên 12C, từ 15°C trở lên hạt lạc đã bắt đầu nảy mầm tốt.

Cho nên khi gieo hạt, phải đảm bảo nhiệt độ thì lạc mới mọc được. Nếu không may, gieo gặp rét, nhất là khi gieo hạt đã ủ nứt nanh mà gặp rét kéo dài thì hạt sẽ không mọc. Hoặc có mọc thì sẽ gặp hiện tượng mà nông dân gọi là “đùi gà” dẫn đến mật độ cây giảm, cây sinh trưởng kém và năng suất cũng rất kém. Nếu gặp phải rét đậm có khi xảy ra hiện tượng chết hàng loạt ở cây con. Nói chung, nhiệt độ thích hợp cho cây lạc phát triển là 20 - 30°C.

Yếu tố nhiệt độ có ý nghĩa quyết định thời gian sinh trưởng của cây lạc. Ở các đợt gieo vào đầu năm, nhiệt độ thấp nên cây lạc phát triển chậm, thời gian ra hoa kéo dài, cây phân cành muộn. Có một điều là: Dù gieo đợt trước hay đợt sau thì thời gian ra hoa rộ cũng gần như nhau (quãng cuối xuân, đầu hè).

So với các cây đậu đỗ khác như: đỗ tương, đỗ xanh... thì cây lạc có khả năng chịu hạn tốt hơn. Tuy nhiên, nếu bị hạn thì cây lạc sẽ giảm khả năng sinh trưởng cũng như năng suất hạt. Độ ẩm mà cây lạc cần là 60 - 70%.

Khoảng 80% trọng lượng tươi của cây là nước. Vì thế, chế độ tưới nước có ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Nếu để cây bị hạn, tán lá sẽ bé hơn, cành và hoa ít, thân cây ngắn. Nếu bị hạn vào thời kỳ ra củ sẽ làm giảm trọng lượng củ, hạt không nảy mầm và tỷ lệ nhân cũng giảm.
 

Thời kỳ lạc sắp cho thu hoạch, cần có thời tiết khô ráo. Nếu lúc này mà mưa nhiều sẽ làm thối củ, lạc dễ mọc mầm tại ruộng.

Cây lạc thích nghi được với điều kiện ít ánh sáng. Cho nên, trong những tháng đầu năm, trời âm u thì lạc vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ đặc tính này mà khi trồng xen với nhiều loại cây khác, cây lạc vẫn cho năng suất cao. Tuy nhiên, số lượng hoa ra nhiều hay ít lại phụ thuộc vào số giờ nắng. Vì vậy, khi trồng xen phải chú ý đến thời vụ gieo của từng loại cây, mật độ xen...

Đất trồng lạc cần đảm bảo khả năng giữ nước và thoát nước tốt. Nói chung, loại đất tơi xốp rất thích hợp với trồng lạc. Người ta thường trồng lạc trên đất cát ven biển, ven sông, đất đỏ bazan, đất xám. Các loại đất từ thịt nhẹ đến trung bình nếu có điều kiện thoát nước tốt cũng có thể trồng lạc được, nhưng làm đất tốn công hơn. Độ pH của đất từ 6 - 7 là thích hợp nhất cho trồng lạc.