0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Trừ sâu cây su su

 Phòng trừ sâu bệnh

Cây su su ít bị sâu bệnh gây hại, một số sâu bệnh chính như: Sâu khoang, dế cắn phá ở giai đoạn cây non, bệnh sương mại, phấn trắng, virus khảm xuất hiện không nhiều, có thể bị nhện hại, rệp hại hoặc tuyến trùng nốt sưng rễ với mức độ nguy hiểm hơn.

Trồng su su lấy ngọn nên ngọn su su non, xanh mơn mởn cũng dễ bị các loại sâu ăn lá phá hoại.

1. Sâu tơ (Plutella xylostella)

Sâu tơ là loài gây hại chính trên cây rau cải và với lá non su su nó cũng ăn nhưng ít hơn. Nó có thể gây hại 39 loại rau khác nhau. Sâu tơ cũng là loại sâu hình thành tính kháng thuốc nhanh nhất. Ở Tam Đảo mật độ sâu tơ thường gia tăng và gây hại nặng vào cuối mùa khô - sang đầu mùa mưa (vào tháng 3 - 4 - 5) gây ảnh hưởng đến chất lượng ngọn su su.

Sâu trưởng thành thường gọi là sâu bay, con cái có màu sáng, bụng to hơn con đực. Trưởng thành ít bay mà thường di chuyển theo gió, chúng hoạt động mạnh và thường giao phối vào lúc chập tối đến nửa đêm. Do đó, áp dụng biện pháp tưới phun mưa vào lúc chiều tối để cản trở sự giao phối của sâu trưởng thành cũng là một biện pháp phòng trừ tốt.

Trứng: Thường thì một con cái đẻ từ 50 - 400 trứng. Trứng nhỏ, màu vàng, có hình bầu dục. Trứng đẻ rải rác hoặc thành từng ổ ở mặt dưới lá, trung bình từ 10 - 20 trứng. Trứng từ 4 - 5 ngày thì nở thành sâu non.

Sâu non: Sâu non có màu xanh nhạt, có 5 tuổi, chúng ăn lá cây chủ yếu là phần thịt lá, khi bị đánh động chúng nhanh nhẹn lẩn trốn hoặc nhả tơ đu mình rơi xuống khỏi mặt lá. Toàn bộ giai đoạn sâu non kéo dài từ 10 - 14 ngày.

Nhộng: Khi sâu non đầy sức thì hóa nhộng. Nhộng thon, khi còn non có màu xanh, sau chuyển sang màu vàng, trước khi vũ hóa có màu nâu hoặc nâu đen. Giai đoạn nhộng kéo dài 6 - 8 ngày. Toàn bộ vòng đời của sâu tơ kéo dài từ 20 - 26 ngày tùy theo điều kiện thời tiết khí hậu.  Sâu tơ ăn và phá hủy bộ lá của cây, khi mật độ sâu cao chỉ còn lại gân lá. Sâu non có thể ăn chồi hoặc búp non làm cho cây không thể phát triển được.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Hủy bỏ tàn dư cây trồng giúp giảm mật độ sâu 

+ Tưới phun mưa vào lúc trời chiều tối khi sâu trưởng thành ra rộ cũng là biện pháp phòng trừ sâu tơ tốt để ngăn cản việc giao phối và đẻ trứng của sâu trưởng thành.

+ Theo dõi diễn biến thành phần thiên địch và sâu non, phun thuốc khi sâu còn nhỏ tuổi, không phun thuốc khi mật độ kí sinh, thiên địch cao, khi cây đã có nụ hoa tăng cường sử dụng thuốc vi sinh, thuốc ít độc hại và thuốc có thời gian cách li ngắn. Phải luân phiên thay đổi các loại thuốc khi sử dụng.

+ Khi mật độ sâu cao, sử dụng các loại thuốc thông dụng như: Các loại thuốc trừ sâu vi sinh, thuốc diều hòa sinh trưởng Match, success 25EC, Map permethrin 10EC, 25EC...

2. Sâu xám (Agrotis ypsilon)

Sâu xám là loại sâu ăn tạp, phá hại hầu hết các loại cây trồng đặc biệt là cây con hay cây mới trồng. Tuy nhiên việc phòng trừ sâu xám không mấy khó khăn khi người nông dân phòng trừ kịp thời.

Sâu trưởng thành to đen, thân màu xám, hoạt động vào ban đêm và có thể bay khá xa, trưởng thành đẻ khá nhiều trứng.
 

Trứng được để riêng lẻ hoặc theo từng cụm nhỏ xung quanh gốc cây, ở lá hay trên thân cây. Trứng có sọc nổi, lúc mới đẻ có màu vàng nhạt, sau chuyển sang màu kem hoặc màu nâu. Sau 3 - 5 ngày trứng nở.

Sâu non có màu nâu đen, có đường kẻ màu nâu nhạt ở giữa và hai sọc hai bên. Đầu rất đen với hai điểm trắng. Sâu non thường hoạt động vào ban đêm, ban ngày thì lẩn tránh trong đất hoặc trong rác rưởi, có thể tìm thấy chúng ở độ sâu 12cm. Sâu thường cuộn tròn khi bị động. Sâu non có 5 - 6 tuổi, kéo dài khoảng 28 - 35 ngày.

3. Sâu xám Nhộng:

Nhộng màu đỏ đậm, dài khoảng 25mm, giai đoạn nhộng kéo dài 7 - 10 ngày.

Sâu xám chỉ có thể sống trên đất khô, khi ngập úng sâu có thể bị chết. Sâu xám có thể gây hại nặng cho cây giống và cây mới trồng. Ban đêm sâu non chui lên mặt đất và ăn thân cây sát mặt đất. Ở đất cát, gần bờ hoặc lùm cây rậm rạp thường bị hại nặng. Đất có cỏ rậm rạp là nơi sâu xám trú ngụ nhiều nhất vì con trưởng thành thích những chỗ này để đẻ trứng.

Biện pháp phòng trừ: Nếu có điều kiện tưới ngập nước để tiêu diệt sâu non và nhộng trên những ruộng có nhiều sâu xám, hãy thực hiện biện pháp phòng trừ sau:

+ Cày xới để sâu non và nhộng lộ lên làm mồi cho chim và các động vật khác. Đối với những ruộng nhỏ có thể bắt sâu bằng tay.

+ Việc phun thuốc trực tiếp vào gốc cây khi mới trồng cũng có thể diệt được sâu xám nhưng hiệu quả không cao.

+ Khi cần thiết nên phun thuốc vào chiều tối bằng một số loại thuốc thông dụng như Sumialpha 5EC, Sherpa 25EC...

4. Sâu khoang (Prodenia litura fabricius)

Sâu khoang phân bố rất rộng rãi ở nhiều vùng, là loại sâu ăn tạp, có thể gây hại nhiều loại cây trồng khác nhau.

Trưởng thành: Cánh trước màu nâu vàng, cánh sau màu trắng, ngài có thân dài 16 - 21mm. Trưởng thành thường vũ hóa vào buổi chiều, lúc chập choạng tối thì bay ra hoạt động cho tới từ nửa đêm về trước. Ngài đẻ trứng có tính chọn lọc kí chủ rõ rệt.
 

Trứng: Trứng hình bán cầu, khi mới để có màu trắng vàng, sau chuyển dần thành màu vàng tro, tới lúc sắp nở có màu tro tối. Trứng xếp với nhau thành ổ có lông màu nâu vàng phủ ở ngoài. Trên cây su su, sâu non thường đẻ trứng thành ổ trên mặt sau của lá, một ổ trứng có tới vài trăm trứng. Sau 5 - 10 ngày trứng nở.

Sâu non thường tập trung thành từng đám gặm ăn thịt lá và biểu bì mặt dưới lá, chừa lại biểu bì trên và gân lá. Khi sâu lớn dần thì phát tán phá hại và lúc. này sâu có thể ăn khuyết lá hoặc cắn trụi lá, chúng thải phân làm điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập và phát triển ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất của cây. Sâu non đầy sức có màu nâu đen hoặc nâu tối. Khi mới nở sâu non sống tập trung, khi có động thì bò phân tán ra xung quanh. Sâu lớn lên thì có phản ứng với ánh sáng rõ rệt, ban ngày thường ẩn nấp ở nơi tối hoặc khe đất. Trong những ngày trời râm hoặc mưa nhẹ thì sâu non bò lên cắn phá cây. Thời gian sâu non trung bình 20 - 27 ngày.

Nhộng: Nhộng hình ống màu nâu tươi hoặc nâu tối. Thời gian phát dục của nhộng từ 10 - 18 ngày. Sâu khoang ưa nhiệt độ ấm nóng, độ ẩm cao. Nhiệt độ thích hợp cho các pha phát dục tứ 29 - 30°C và độ ẩm thích hợp trên 90%.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Phát hiện kịp thời bắt ổ trứng hoặc sâu non mới nở. Đây có thể là biện pháp thiết thực trong việc phòng trừ sâu khoang.
 

+ Làm đất phơi ải kĩ, xới xáo làm cỏ kịp thời sau khi đã trồng cây.

+ Khi cần thiết sử dụng một số các loại thuốc thông dụng như: Pen tac 2EC, Politrin 440EC, Pegasus 500SC.

Dùng chế phẩm nấm đối khắng Trichoderma

 

Biện pháp chính khắc phục sâu bệnh hại su su là phòng hơn chữa, thực hiện các nguyên tắc của IPM:

+ Chọn đất thoát nước tốt, luân canh với cây trồng nước hoặc cây trồng khác họ để hạn chế bệnh hại.

+ Chọn giống khoẻ, sạch bệnh.

+ Vệ sinh đồng ruộng trước và sau mỗi vụ gieo trồng.

+ Su su nổi tiếng là cho sản phẩm an toàn, rất ít khi người trồng phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với chúng, tuy nhiên có thể sử dụng các loại thuốc ít độc hại khi cần thiết.
 

Ghi chú: Cách pha chế liều lượng, nồng độ phun, cách phun làm theo hướng dẫn trên bao bì của từng loại thuốc.

+ Đối với bệnh tuyến trùng nốt sưng rễ: Đây là loại bệnh khá nguy hiểm và rất khó trừ, theo các nhà nghiên cứu, biện pháp hữu hiệu nhất là vệ sinh đồng ruộng, luân canh với cây trồng nước, hoặc có thể trồng cây họ cúc xen kẽ làm cây dẫn dụ tuyến trùng, khi cây cúc trưởng thành thì nhổ bỏ cả rễ thu gom lại và đốt bỏ.

+ Đối với bệnh khảm virus: Vệ sinh tàn dư và có dại sạch sẽ, khi chớm phát hiện những cây bị bệnh đầu tiên thì nhổ bỏ ngay để tránh lây lan, sau đó tưới vôi vào gốc hạn chế nguồn bệnh trong đất, phun trừ các môi giới truyền bệnh như rệp, bọ phấn nếu có.