0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Thức ăn cho cá tra cá basa nuôi trong bè

D. THỨC ĂN CHO CÁ

Để cá bố mẹ có đầy đủ sức khỏe và sinh sản ra đàn con có chất lượng tốt thì thức ăn cho chúng phải đủ về số lượng và chất lượng. Hàm lượng chất dinh dưỡng như đạm, đường, mỡ, vitamin, khoáng chất trong thức ăn phải cân đối. Trong đó, hàm lượng đạm phải chiếm ít nhất 30% (đối với cá tra), 40% (đối với cá basa) thì cá mới phát triển và thuần thục tốt.

Hiện nay người ta sử dụng 2 loại thức ăn chủ yếu, đó là thức ăn tự chế biến và thức ăn viên công nghiệp.

I. Thức ăn tự chế biến

Công thức chế biến: Có thể chế biến thức ăn cho cá từ những nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương như: cá tạp tươi, cá khô, bột cá, bột đậu nành, cám gạo, tấm, bột bắp, bánh dầu, rau xanh, bí... Ngoài ra cũng cần bổ sung thêm các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, premix khoáng để giúp cá tăng cường sức đề kháng, phòng chống bệnh tật và nhanh phát dục.

Lưu ý: Tuyệt đối không dùng các hóa chất hay chất kháng sinh bị cấm sử dụng để chế biến thức ăn. Không sử dụng các loại nguyên liệu dơ bẩn, bị mốc meo, hết hạn sử dụng. Các loại thức ăn có nguồn gốc động vật như cá tạp, cá vụn, đầu tôm, các phụ phẩm ở lò mổ phải đảm bảo sạch sẽ, không chứa mầm bệnh, không bị ươn thôi.

Có thể trộn thức ăn cho cá theo các công thức sau đây:

Công thức 1:

- Cá tạp tươi: 60%

- Cám gạo: 9%

- Premix khoáng và vitamin: 1%

- Rau xanh: 30%

- Vitamin C: 10mg/100kg thức ăn

- Chất hỗ trợ tiêu hóa cho cá

Công thức 2:

Cá vụn khô: 35%

Cám gạo: 15%

Bột ngô: 19%

Premix khoáng: 1%

Rau xanh: 30%

Vitamin C: 10mg/100kg thức ăn

Công thức 3:

- Bột cá lạt: 20%

- Cám gạo: 20%

- Bột bắp: 19%

- Premix khoáng: 1%

- Rau xanh: 40%

- Vitamin C: 10mg/100kg thức ăn

Công thức 4:

 - Cá tạp, cá vụn (tươi): 90%.

- Cám gạo: 9%

- Premix khoáng: 1%

- Vitamin C: 10mg/100kg thức ăn

Công thức 5:

Cá vụn khô: 65%

- Cám gạo: 15%

- Bột ngô (bắp): 19%

- Premix khoáng: 1%

- Vitamin C: 10mg/100kg thức ăn

Công thức 5:

- Bột cá lạt: 60%

- Bột đậu tương: 20%

- Bột ngô (bắp):19%

- Premix khoáng: 1%

- Vitamin C: 10mg/100kg thức ăn

 Nấu chín thức ăn:

Hỗn hợp thức ăn phải được trộn đều, nghiền nát và nấu chín rồi mới cho cá ăn. Lò nấu, máy cắt thức ăn phải đặt trên bè để thuận tiện trong việc cho cá ăn. Thức ăn sau khi nấu chín, để nguội, cho vào máy cắt thành viên hoặc sợi rồi rải cho cá ăn.

II. Thức ăn viên công nghiệp

Thức ăn dạng viên có 2 loại: dạng chìm và dạng nổi với nhiều kích cỡ khác nhau. Dạng thức ăn nổi thì cá dễ ăn hơn. Mỗi dạng thức ăn có chứa thành phần dinh dưỡng khác nhau, tùy theo từng giai đoạn phát triển của cá mà chọn loại phù hợp.

Thức ăn viên phải đảm bảo còn hạn sử dụng, không bị mốc, không chứa các hóa chất hay thuốc kháng sinh bị cấm sử dụng.

III. Cách cho cá ăn

Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần, sáng và chiều. Buổi sáng, cho ăn lúc 7 - 8 giờ; buổi chiều, cho ăn lúc 16 - 17 giờ.

- Khẩu phần ăn hàng ngày: Đối với thức ăn tự chế biến, khẩu phần ăn khoảng 5 - 8% thể trọng cá, tức là cứ 100kg cá thì cho ăn 5 - 8kg thức ăn. Đối với thức ăn công nghiệp, khẩu phần ăn khoảng 2 – 3% thể trọng cá, tức là cứ 100kg cá thì cho ăn khoảng 2 – 3kg thức ăn.

Không nên đổ thức ăn một lần xuống bè, mà đổ từ từ để cá ăn hết thức ăn. Khi cho cá ăn, phải theo dõi hoạt động và độ hứng thú ăn của cá, xem cá còn đói hay đã no để từ đó điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Lưu ý về khẩu phần ăn trong từng giai đoạn nuôi vỗ:

Cá tra và cá basa ăn khá nhiều trong giai đoạn đầu nuôi vỗ, do đó khẩu phần ăn hàng ngày trong giai đoạn này cao hơn ở những giai đoạn sau (với thức ăn chế biến, khẩu phần ăn có thể tới 8% trọng lượng cá; với thức ăn công nghiệp thì khẩu phần ăn có thể tới 3%). Trong giai đoạn thuần thục và chuẩn bị đẻ thì cá ăn kém hơn, do đó khẩu phần ăn phải giảm xuống. Khi nhiệt độ lên trên 32°C, cá ăn rất ít hoặc bỏ ăn. Do đó, trong những ngày này nên giảm lượng thức ăn đáng kể nhằm tránh tình trạng cá ăn không hết, thức ăn thừa làm ô nhiễm nước.

E. QUẢN LÝ BÈ

- Trong quá trình nuôi vỗ cá bố mẹ, phải thường xuyên kiểm tra các chi tiết bè như dây neo, phao, lưới chắn để kịp thời tu chỉnh khi có sự cố; gỡ bỏ rác rưởi bám vào bè để nước lưu thông dễ dàng. Khi nước chảy yếu, dùng máy bơm quạt nước để tăng thêm lượng oxy hòa tan trong nước. Vào mùa lũ, khi có nhiều phù sa, phải thường xuyên thổi lớp bùn lắng đọng ở đáy bè để tránh tình trạng nước bị ô nhiễm. Trên mặt sàn bè, hàng ngày phải dọn vệ sinh sạch sẽ khu vực nấu và chứa thức ăn.

Cần phải theo dõi chặt chẽ các yếu tố thủy lý, thủy hóa để có biện pháp xử lý khi có sự thay đổi. Các yếu tố môi trường nước như độ pH, nhiệt độ, hàm lượng oxy hòa tan đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và phát dục của cá. Ví dụ: pH < 5 sẽ dễ làm chết cá; 5 < pH < 6 thì cá khó thuần thục. Nhiệt độ nước trên 32°C thì cá dễ bỏ ăn, tuyến sinh dục dễ bị thoái hóa. Hàm lượng oxy hòa tan thấp thường dẫn đến tình trạng cá nổi đầu, nếu không khắc phục kịp thời thì có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe sinh sản của cá, thậm chí làm cá chết.