0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Quy cách cạo mủ cao su

CẠO MỦ CAO SU:

Công nhân cạo mủ có thói quen là cạo mủ rất sớm. Đúng là lúc sáng sớm, số lượng mủ cạo mới được nhiều, càng trưa lượng mủ chảy ra ít hơn. Rạng sáng, khi ánh sáng lờ mờ cho thấy rõ được đường cao là công nhân cạo mủ đã bắt đầu công việc của mình. Trừ trường hợp những ngày trời mưa, dù đến sớm cũng không cạo được, vì phải chờ cây khô ráo. Do đó, nếu gần trưa mà trời còn mưa, hoặc cây còn ướt, coi như ngày đó phải nghỉ cạo. Đó cũng là một trong những lý do tuy mùa mưa cây cho mủ nhiều, nhưng tổng sản lượng thu được trong mùa này lại không cao.

Cây Cao su càng lớn tuổi càng cho lượng mủ nhiều hơn là những cây mới cạo. Trong 3 năm đầu (khoảng từ năm thứ sáu đến năm thứ tám) Cao su chưa trưởng thành đúng mức thì một ngày cạo hai ngày nghỉ (tiếng lóng trong nghề gọi là cạo phần ba). Cây 8 năm trở lên thì ngày cạo ngày nghỉ (cạo phần hai). N Đừng quá tham mỗi ngày mỗi cạo vì như vậy sẽ vắt hết sức lực của cây, khiến cây sớm kiệt lực.

+ Mở miệng cạo: Sau khi dùng dụng cụ thiết kế xong miệng cạo đầu vào đấy, ta dùng dao cạo xả miệng cạo 3 nhát dao:

Nhát thứ nhất: nhát cạo chuẩn.

Nhát thứ hai: nhát vạt nêm.

Nhát thứ ba: nhát hoàn chỉnh miệng cạo.

Cạo ép má dao từ từ đến độ sâu mức cạo qui định sau cho cách lớp tượng tầng từ 1mm đến 1,2mm là vừa. Nếu cạo cạn hơn sẽ cho ít mủ, còn cạo sâu hơn mức ấy, tức là gần sát tượng tầng, tuy như vậy cắt được nhiều ống mủ, nhưng nếu lỡ phạm vào tượng tầng sẽ gây nên vết thương ở vỏ, dẫn đến sự rốil bạn hoạt động của vỏ, có nguy cơ sinh ra những u bướu làm hư lớp vỏ tái sinh. Đó là điều nên tránh. Nếu cạo xuôi, lát dao chỉ nên dày chừng 1,2mm đến 1,5mm vỏ là vừa. Cạo dày hơn mức ấy sẽ hao dăm (hay vỏ), tiêu tốn bề dài mặt cạo uổng phí. Trung bình một năm chỉ tốn vỏ cạo có 16cm, chia ra mỗi quí 4cm vỏ.

Nếu cạo ngược, mỗi lần cạo mức hao dăm từ 1,5mm đến 2mm, như vậy một năm tốn vỏ cạo khoảng 30cm tối đa, mỗi quí hơn 7cm.

Để đạt được điều đó, đầu từng quí, từng năm, ta nên vạch trên vỏ cạo để đánh dấu mức hao vỏ từ đâu đến đâu để tự lo liệu mà cạo cho khỏi hao vỏ.

+ THAO TÁC:

 Công nhân cạo mủ thường có tay nghề cao vì họ đã từng được theo học một khóa tập huấn dài ngày với nhiều bài học lý thuyết lẫn thực hành nên rất thông thuộc công việc.

Người đảm nhiệm việc cạo mủ của giới tiểu điền, đa số họ cũng xuất thân từ nông trường Cao su ra, hoặc kiêm nhiệm công việc này tại vườn nhà; đa số truyền nghề lại cho bà con, họ hàng, cho nên trong giới cạo mủ ai cũng có tay nghề vững cả.

Tất nhiên họ phải thuần thuộc cả 5 bước chính về kỹ thuật cạo mủ, mà người thợ cạo nào cũng buộc phải nhập tâm: như tay phải, tay trái cầm dao cạo ra sao, tư thế đứng như thế nào cho đúng cách. Rồi đến cách thao tác cạo mủ ra sao, sử dụng dao như thế nào cho đúng cách để làm đứt ngọt dăm cạo...

Thường thì công việc của người công nhân cao mủ trong ngày (đúng ra là trong phần vụ cạo mủ) có những công việc như sau:

+ Công nhân cạo mủ đến giàn úp thùng để úp 2 cái thùng lớn (thùng 25 lít), người trong nghề gọi tắt là “thùng 25” để phòng ngừa bị mưa và lá cây cùng như bụi bặm khỏi rớt bụi vào thùng.

+ Sau đó họ đến từng cây để bóc mủ miệng, mủ chén (bỏ hết vào chiếc thùng nhỏ xách theo bên mình), rồi tiện tay sửa lại cho đúng vị trí của máng, của kiềng rồi úp chén trên kiềng. Cạo xong lớp dăm
mới đặt ngửa chén lên để mủ qua máng chảy vào chén (Sở dĩ úp chén trước khi cạo dăm vì tránh dăm rơi vào chén làm bẩn mủ).

+ Như vậy là cạo xong một cây. Xong việc cây này thì họ theo hàng cạo sang cây khác cho đến mút hàng. Sau đó, từ đầu hàng phía bên kia bắt đầu cạo lai...

Khi cạo hết số cây mà mình phụ trách (trung bình khoảng 350 cây) thì nghỉ ngơi một chút để chờ mủ xuống chén. Thời gian mủ xuống chén khoảng hơn 2 giờ là xong.

Sau đó, họ cũng đến từng cây một (bắt đầu từ cây cạo đầu tiên) trút mủ từ chén vào thùng 10 tức thùng nhỏ dung tích 10 lít. Đặt ngửa chén lại như cũ để tiếp tục hứng mủ dù biết trước chỉ còn chút ít nhưng không thể bỏ uổng phí. Mủ này gọi là mủ chén hay mủ tạp.

Hễ đầy thùng 10 lít thì họ trở lại giàn úp thùng lúc sáng, đặt thùng 25 lít xuống đất để trút mủ thu được vào thùng (trút mủ qua rổ lược) chứa lại đó. Khi tất cả số mủ thu được chứa vào cả 2 thùng 25 lít xong thì chờ tổ trưởng đến tính công (vô sổ mỗi ngày). Để đề phòng bụi bặm hay lá cây bay vào thùng chứa mủ, đã có tấm ni-lông phủ kín lên miệng thùng, bên ngoài có dây thừng ràng lại.
 

Sau đó công nhân cạo mủ chờ khi xe bồn đến, giao mủ, thế là xong việc.

+ Kích thích mủ: Dùng thuốc kích thích chảy mủ là làm chậm lại sự bít mạch mủ ở miệng cạo, như vậy sẽ kéo dài thêm sự chảy mủ để thu lợi nhiều hơn.

 

Chỉ nên dùng thuốc kích thích chảy mủ cho những vườn cây sinh trưởng mạnh, được bón phân đầy đủ và chăm sóc tốt.

Thế nhưng, việc dùng thuốc kích thích mủ cũng nên hạn chế ở mức độ vừa phải, hoặc không nên sử dụng thuốc có nồng độ hoạt chất quá cao, tuy sản lượng mủ thu được có nhiều hơn, nhưng có thể đem lại hậu quả xấu về sau như vườn sớm kiệt sức, vỏ tái sinh nổi u gây hư hại nặng, cây cũng có thể bị khô miệng cạo, mất mủ.

Chỉ khi biết sử dụng đúng nồng độ và liều lượng thuốc như qui định thì mới cho kết quả tốt. Nhịp độ bôi thuốc kích thích mỗi tháng chỉ một lần mà thôi, lạm dụng sẽ có hại. Thuốc kích thích chảy mủ hiện có nhiều loại như hoạt chất Ethephone chẳng hạn.

Khi cây được bôi thuốc kích thích do mủ chảy dai dẳng nên phải thu mủ buổi chiều. Thuốc chỉ đem lại tác dụng tốt khi được bồi trước 48 giờ.

+ Trách nhiệm của người thợ cạo mủ: Cái lợi của việc lập vườn Cao su là để khai thác mủ. Muốn mức lợi này tăng lên thì ngoài việc đầu tư đúng mức và chăm sóc chu đáo cho vườn cây, người công nhân cạo mủ còn phải có trách nhiệm nữa.

Nếu công nhân cạo mủ tỏ ra tắc trách trong công việc hàng ngày của mình, thì ngoài việc thất thu mủ ra, còn mang lại nhiều điều tác hại khác cho vườn cây.

Ai cũng biết cây Cao su trong thời kỳ kinh doanh chẳng khác nào cái máy in tiền, làm giàu cho chủ. Cái máy đó mà hư hỏng thì nguồn lợi lớn coi như mất đi. Nói như vậy có nghĩa trách nhiệm của người công nhân cạo mủ là phải biết cách chăm sóc cây thật chu đáo, theo dõi tình trạng sức khỏe của cây, làm vệ sinh cho vườn cây trong phạm vị phụ trách của mình, và nhất là khai thác số cây đó theo đúng qui trình kỹ thuật, làm sao đạt được năng suất cao và ổn định lâu dài.