Phun thuốc trừ sâu ở nhiệt độ cao có lợi hay có hại
Câu 44 :Hỏi: Phải sử dụng các thuốc nào trừ nhện hại cây ?
Đáp: Trước đây thuốc trừ nhện rất hiếm. Nay, các thuốc trừ nhện thông dụng là Rufast 3EC,Comite 73EC, Nissorun 5 EC, Microthiol 80 WP, Kumulus 80WP. Nhện rất mau quen thuộc, nên thay đổi chủng loại thường xuyên và áp dụng theo chỉ dẫn trên nhãn. Các loại thuốc trừ nhện này tương đối ít độc đối với động vật máu nóng.
Câu 45: Hỏi: Các biện pháp nào để phòng trừ sên ốc hại hoa màu, đồng ruộng?
Đáp: Sên và ốc phá hại nhiều loại cây trồng như ngũ cốc, rau màu, cây ăn quả và cây cảnh. Chúng chẳng những làm biến dạng nông sản, mà còn hủy hoại cây con hay làm giảm chất lượng do các vết nhớt của chúng. Ốc bươu vàng phá hại trên ruộng mạ, lúa non, thậm chí cả trên lúa già.
Muốn phòng trừ ốc bươu vàng có hiệu quả cần vệ sinh đồng ruộng, đặt lưới chặn ngay nguồn nước, bắt ốc để làm thức ăn gia súc, bắt ổ trứng để thiếu hủy chúng; ngăn ngừa khả năng di chuyển thông qua biện pháp kiểm dịch, hạ mực nước trên ruộng, đánh rãnh và dùng vôi hoặc thuốc hóa học. Methaldehyd và Methiocarb là 2 loại thuốc trừ ốc, sên hữu hiệu nhất, thường được gia công dưới dạng bột tan hay dạng viên.
Câu 46: Hỏi: Xin cho biết về dịch chuột và biện pháp phòng trừ?
Đáp: Chuột sinh sản nhanh, gây hại cho cây trồng và nông sản. Biện pháp phòng trừ chuột tốt nhất là ngăn ngừa sự hình thành quần thể chuột ở độ thấp nhất quanh năm, áp dụng các biện pháp đồng loạt và mang tính cộng đồng.
Một số biện pháp diệt chuột:
- Xác định sự có mặt của chuột qua dấu chân, đường chạy, hang, vết gặm, cây trồng bị hại và phân chuột.
- Quanh nhà giữ không cho cỏ mọc, ít bụi rậm, không để thức ăn thừa hay các phế thải . Tạo vòng bảo vệ thân dừa, cọ dầu để diệt chuột có đường leo
- Giữa bờ và mặt ruộng cần có một rãnh nước hẹp (rộng khoảng 40 cm) để ngăn chuột đào hang
Diệt chuột đồng bằng phương pháp dùng bẫy cây trồng
Dùng bả diệt chuột:
Thuốc trừ chuột truyền thống được chia làm 2 nhóm:
Nhóm độc cấp tính: tác động đến chuột nhanh, cực độc, ngay liều đơn cũng có thể gây chết chuột, thí dụ thuốc Phosphua kẽm
Nhóm độc mãn tính: tác động của thuốc chậm, chuột phải ăn nhiều lần. Những chất này thường là hợp chất chống đông máu như Wafarin, Coumatetralyl và Chlorophacinone được sử dụng rộng rãi nhất để diệt chuột
Câu 47:Hỏi: Xin cho biết các loại thuốc thông dụng nào để phòng trừ bệnh cây?
Đáp: Việc phòng trừ bệnh cây bao gồm các tác nhân gây bệnh là nấm, vi khuẩn và siêu vi trùng. Phần lớn các loại thuốc trừ bệnh cây hiện nay là thuốc trừ nấm (Fungicide) và một số rất ít thuốc trừ vi khuẩn (Bactericide), chưa có thuốc trị bệnh cây do siêu vi trùng (vi rút).
Do phần lớn các loại thuốc trừ bệnh có tác dụng chọn lọc cao, nên phải chọn đúng loại thuốc, phù hợp với thời kỳ sinh trưởng của cây và trên kết quả dự tính dự báo chiều hướng phát triển bệnh (phụ thuộc nhiều vào thời tiết), cần tập trung phun phòng trước khi bệnh xuất hiện rộ trên diện tích cây trồng.
Câu 48: Hỏi: Phun thuốc trừ sâu ở nhiệt độ cao có lợi hay có hại?
Đáp: Ở điều kiện nhiệt độ cao, trời nóng bức, phun thuốc trừ sâu rất dễ bị ngộ độc, vì càng nóng, hơi độc bốc lên càng mạnh, phản ứng hóa học giữa thuốc sâu với các chất trong cơ thể càng nhanh. Vì vậy, người ta tránh phun thuốc trong một số giờ nóng bức trưa hè. Tuy nhiên nhiệt độ cao và ẩm độ cao làm cho thuốc phun trên cây nhanh chóng bị phân hủy và có thể rút ngắn thời gian từ khi phun cho tới lúc thu hoạch mà không sợ thuốc vẫn còn sót lại trên cây trồng.
Câu 49: Hỏi: Những nguyên tắc chính để giải độc thuốc trừ sâu bệnh?
Đáp: Có 3 nguyên tắc chính:
Tống nhanh chất độc ra khỏi cơ thể: Chất độc nhiễm vào cơ thể bằng nhiều đường nhưng chủ yếu là đường tiêu hóa, nên để tống chất độc ra ngoài, người ta thường rửa dạ dày hay gây nôn mửa
Phân hủy hay trung hòa chất độc: Để làm giảm tác hại của chất độc trong cơ thể, người ta dùng các thuốc hút giữ các chất độc, dùng các thứ thuốc biến chất độc thành chất không độc, hoặc dùng các thuốc có tác dụng đối kháng
Chống các hậu quả do chất độc gây nên: giúp cơ thể vượt qua giai đoạn nguy hiểm của ngộ độc: Chất độc thâm nhập vào cơ thể bất kỳ đường nào, trong trường hợp nặng cũng đều gây nên những biến lọan trên bộ máy tuần hoàn, hô hấp, làm cơ thể thiếu oxy và đồng thời làm ảnh hưởng đến các họat động của gan, thận. Vì thế, chống các hậu quả do ngộ độc thuốc trừ sâu là chống tình trạng thiếu oxy; chống trụy tim mạch, chống những tai biến về máu; và chống những tai biến về gan.