Một lược sử về nước mắt!
Khi lên chức cha, Charles Darwin bắt đầu ghi chép sự phát triển cảm xúc của con mình. Công việc này đã là một phần trong thói quen thường ngày của gia đình ông. Darwin ghi lại thời tiết, những lần mình xì hơi, hắt xì và hành vi của những con giun đất được ông giữ trong một cái lọ trên đàn piano. Những đứa con của mình là một nguồn dữ liệu quá hấp dẫn mà ông không thể bỏ qua.
Willie là đứa con đầu lòng. Darwin cù chân con mình với một cuộn giấy và quan sát tiếng cười từ con. 14 tháng sau, Annie chào đời. Darwin quan sát khoảnh khắc cô phản ứng khi nhìn thấy mình trong chiếc hộp đồng hồ bỏ túi bóng láng của bố; và sự kinh ngạc của cô bé khi một cái bánh quy mỏng bị mắc kẹt trong tay mình. Tuy nhiên, khóc mới là điều khuấy động sự tò mò trong ông nhất.
Darwin cẩn thận giữ các ghi chép về những phút bột phát cảm xúc này, ông ghi lại khi nào đôi mắt bình thường, khi nào đẫm nước mắt – và kết luận rằng dù khi mới sinh, ta có thể khóc lóc inh ỏi, nhưng cũng cần một khoảng thời gian để con người có thể chủ động khóc.
Ông viết, “Lần đầu tiên tôi nhận ra sự thật này là khi nhỡ gạt tay áo vào mắt một trong những đứa con mới 77 ngày tuổi, khiến bên mắt đó bật khóc giàn giụa; và cho dù nó la hét một cách dữ dội, đôi mắt còn lại vẫn không ướt, hoặc chỉ bị lấm chấm chút nước mắt”. Để khóc, ông cho rằng, "cần chút luyện tập ".
Darwin đã thu thập hầu hết các dữ liệu này vào những năm 1840, khi các con ông còn bé. Đó là thập niên bình yên nhất của cuộc đời ông. Cuộc phiêu lưu trên tàu Beagle của ông đã ở lại đằng sau; ông đã ổn định cuộc sống với vợ mình, Emma, ở Nhà Down, một biệt thự tiện nghi ở khu đồng quê Kent. Công chúng đang ngấu nghiến cuốn sách miêu tả chuyến đi Nam Mỹ, trong đó ông kể chi tiết các bữa tối ăn thịt rùa ở Galapagos, chuyến khai quật hóa thạch con lười khổng lồ và những suy ngẫm của ông về các mẫu vật các giống người mà ông bắt gặp trên đường.
Bản thảo cho cuốn “Nguồn gốc muôn loài” vẫn còn dang dở trên bàn làm việc. Khi nó xuất hiện vào năm 1859, cuốn sách đó đã bùng nổ như một núi lửa phun trào trong xã hội. Hơn 150 năm sau, chúng ta vẫn còn cảm nhận được chấn động nó đã tạo ra. Tầm ảnh hưởng của "Nguồn gốc muôn loài" lớn đến mức ta quên mất cả các tác phẩm khác của Darwin. Đáng tiếc nhất là cuốn sách ấp ủ từ những khám phá tại gia ở trang trại ở Kent, tác phẩm mà bằng những cách tinh tế hơn cũng đã tạo ra sức ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai.
Cuốn “Sự biểu đạt trong các cảm xúc của Người và Động vât” (1872) đã so sánh các biểu đạt cảm xúc, của những người sống cùng Darwin, gặp ông trong các chuyến đi – và hàng trăm người nữa ông chưa bao giờ thấy mặt. Với mối quan hệ rộng lớn, Darwin đã gửi hàng trăm bức thư và các bảng câu hỏi nghiên cứu đến các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới. Ông nài nỉ một nhà sinh học tại Brazil để cho ông biết liệu các con khỉ ở Nam Mỹ có nhăn đôi mắt “khi chúng khóc bởi nỗi sầu khổ và đau đớn”.
Từ các một nhóm các nhà thám hiểm truyền giáo và bác sỹ, ông tập hợp và xây dựng hồ sơ nghiên cứu về các thói quen khóc của những người bản địa Úc. James Brooke, tiểu vương Sarawak, cung cấp cho ông dữ liệu về cảm xúc của cộng đồng người Dayak ở nội địa Borneo. Tristam Speedy, cận vệ Hoàng tử Alamayu Simeon ở Abyssinia từ phương xa đã gửi cho ông những nghiên cứu về xúc cảm của người Đông Phi. Từ những dữ liệu phong phú này, Darwin đã rút ra được một số kết luận hết sức thuyết phục.
Ông đưa ra giả thuyết, chính cách chúng ta thể hiện cảm xúc đã tạo ra xúc cảm. Chúng ta không khóc vì buồn, đúng hơn hành động khóc thông báo với chúng ta rằng mình đang buồn. Nói theo ngôn ngữ của ngành Khoa học thần kinh, khi ta coi mọi hành vi đều khởi sinh từ phản ứng giữa các neuron, thì giả thuyết này nghe có vẻ kì cục, nhưng không hẳn đã bị bác bỏ– như một nghiên cứu của người Nhật từ năm 2007, họ đã tưới nước mắt nhân tạo lên các đối tượng thí nghiệm của mình và như Darwin đã dự đoán, họ nhận thấy: nhiều người đã trải qua các cảm giác của nỗi buồn.
Dẫu vậy, ý tưởng “khóc” dai dẳng nhất của Darwin lại nằm ở góc độ văn hóa. Một nhà báo tại New Zealand đã kể với ông câu chuyện của một đầu bếp người Maori “đã khóc như một đứa trẻ vì các thủy thủ đã phá hỏng chiếc áo choàng yêu thích của ông bằng cách rắc bột gia vị lên”. Ông đã từng quan sát hành xử tương tự từ boong tàu Beagle, đáng chú ý nhất là một người Tierra del Fuego mới mất gia quyến, ông đã “lần lượt, khóc dữ dội một cách quá khích, và cười nồng nhiệt với bất cứ thứ gì khiến ông thích thú”.
Ông lập luận, nền văn minh đã sinh ra sự kiềm chế cảm xúc, và những người man rợ dường như thoải mái bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ hơn nhiều. Ông kết luận,“Những người hoang dã khóc rất nhiều kể cả do những lý do rất nhỏ. Người Anh khóc rất ít, trừ khi họ phải chịu đựng sức ép từ /nỗi buồn lớn nhất/những gì đáng buồn nhất.”
Ngày nay, nhận xét này nghe thật vớ vẩn. Dù vậy, Darwin cũng không viết nó từ vị thế của một người thiếu hiểu biết. Ông hiểu sức ép của nỗi buồn lớn nhất.
Vào năm 1851, con gái yêu của ông, Annie đã rời bỏ ông và gia đình mãi mãi bởi căn bệnh lao phổi. Cô bé mới 10 tuổi. (“Chúng tôi đã mất đi niềm vui trong cuộc sống gia đình và niềm vui tuổi già”, Darwin viết). Và những kẻ hoang dã? Cách viết này bây giờ khiến ta cảm thấy khó chịu, nhưng giả định đó của ông – khi cho rằng những cư dân tại các quốc gia Phương Tây giàu có rơi nước mắt ít hơn những người thành thị tại các quốc gia đang phát triển – vẫn còn vững chắc cho đến đầu thập niên này của thế kỷ 21.
Khi lần đầu thăm Nhà Down 20 năm trước, sự xúc động đã sẵn hiện diện trong tôi. Tôi là kiểu cậu nhóc hay bắt cá gai trong những máng nước và làm dấu thánh giữa lễ Kinh Lạy Cha. Darwin là anh hùng thời ấu thơ của tôi. Đứng trong không gian nghiên cứu nhỏ bé khiêm nhường của ông, thật dễ để tưởng tượng một người đàn ông vĩ đại đẩy các bản kính trong kính hiển vi, liếc nhìn các cuốn vở hư hại bởi nước, nhăn lông mày trông giống như khỉ của mình. Thật dễ để cảm động đến rơi nước mắt.
Những người Hồi giáo khóc trước Ka’aba, những người Do ái khóc tại án Bích. Trong phòng làm việc của Darwin, những kẻ không tin vào Chúa lại có thể rơi những giọt nước mắt lý trí nóng hổi, nơi mà một nhà tự nhiên học sống dưới thời Victoria “bị hành hạ bởi sự nghi ngờ” đã ngồi đó để đọc lại mối quan hệ giữa thế giới loài người và vũ trụ.
Dù sao, tôi khóc bởi một thứ rất đỗi trần tục. Một cái ghế đẩu ba chân – một cái ghế thấp, đơn giản, và không có gì ấn tượng, được gắn thêm những bánh xe bằng đồng để chủ nhân của nó có thể di chuyển nhanh chóng giữa bàn viết của mình và bàn làm việc mà không bị cắt mạch suy nghĩ. Các mép gỗ của nó đầy các vết vạch trầy xước, cứ như ai đó đã kéo mạnh nó dọc theo bức tường. Đây chính xác là những gì đã diễn ra, theo lời hướng dẫn viên.
Darwin hiếm khi làm việc qua bữa trưa, ông thường dành phần còn lại trong ngày cho các hoạt động với gia đình. Một khi hoàn thành các nghiên cứu buổi sáng, ông sẽ “nhường” chiếc ghế cho những đứa con của mình, chúng sẽ đẩy chiếc ghế dọc theo hành lang, giả vờ như đây là một chiếc thuyền. Có thể là chiếc Beagle. Đây là hình ảnh đã khuấy động các cảm xúc trong tôi – Charles Darwin, một người thiên tài và một người cha tốt.
Dù sao thì, đặt trong bối cảnh cuốn “Sự biểu đạt trong các cảm xúc của Người và Động vật”, phản ứng này của tôi có vẻ như lăng mạ với Chủ nghĩa Darwin, những tư tưởng đã được hệ thống hóa trong chính căn phòng này. Tôi không khóc bởi nỗi sầu khổ, buồn thảm, hay gì khác, mà bởi sự kết nối tinh thần với nhà tư tưởng vĩ đại mà tôi ngưỡng mộ. Dẫu sao, các bài viết của Darwin hình như không xem xét khả năng của thứ tình cảm đó. Có lẽ, vào năm 1872, người ta cảm nhận mọi thứ khác với bây giờ.
Brad Pitt in “Babel” (2006)
Chúng ta nói khác với tổ tiên của mình. Chúng ta mặc quần áo khác, tuân theo các triết lý khác, đi theo những tư tưởng khác. Liệu các cách cảm nhận ngày xưa đã nhường chỗ cho các tính cách mới, ý thức mới? Thế hệ học giả mới nghiên cứu lịch sử của các cảm xúc tin chắc rằng sự biến mất này là đúng và muốn chúng ta nhìn nhận cảm xúc của mình là các sản phẩm của các quá trình văn hóa và lịch sử lớn, thay vì đơn giản là các phản ứng thông thường giữa các neuron.
Luận điểm đầu tiên của họ là: khái niệm của cảm xúc chỉ mới xuất hiện gần đây.
Đến từ Pháp vào đầu thế kỷ 19, tư tưởng đó cho rằng cơ thể con người là một thực thể của các phản xạ vật lý và chứng co giật không kiểm soát được, những giọt nước mắt, những cơn rùng mình và run rẩy, đó là những thứ đã hất cẳng lối suy nghĩ đậm chất thần học và xưa cũ.” Phát biểu bởi Tiffany Watt Smith, từng là đạo diễn tại Nhà Hát Cung Điện Hoàng Gia, hiện tại cô là nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu lịch sử Tình cảm tại trường Đại học Queen Mary ở London.
Cô lập luận, trước khi diễn ngôn về Tình cảm được nảy mầm, người ta nói đến hiện tượng khác – “những niềm say mê”, “những quan điểm về đạo đức”, “các tai ương của linh hồn” – những điều này không phải lúc nào cũng được đặt trong cơ thể con người. Đối với người Hy Lạp, quan điểm trong cái rủi có cái may đã quấn phăng đi những luồng gió bất hạnh trong bầu không khí. Những ẩn sĩ Cơ Đốc Giáo ở thế kỷ thứ tư đã bị dằn vặt bởi một trong bảy tội lỗi của con người:“acedia”, sự lười biếng, một hình thức tôn giáo được truyền bá trong vô vọng bởi các ác quỷ tuần tra trên hoang mạc từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Các thực thể sống phi-người khác cũng có thể đau buồn bởi các cảm xúc mạnh mẽ: ời Phục Hưng, khi những cây cọ đang yêu, người làm vườn sẽ là bà mối cho các đám cưới này bằng cách bện những lá cây có chủng loại gần họ với nhau.
Watt Smith đã biên soạn “Cuốn sách về những cảm xúc của loài người”, trong đó cô đã đưa ra lịch sử của 156 cảm xúc loài người. Bạn đã trải qua rất nhiều cảm xúc đó – phổ biến như “cảm giác tội lỗi”, “phẫn nộ”, “thờ ơ”. Cho dù mang những cái tên kỳ lạ, nhưng các cảm xúc còn lại nghe cũng khá quen thuộc, - như basorexia, sự thôi thúc mạnh mẽ bất chợt muốn hôn ai đó; hoặc matutolypea, tâm trạng chán nản trào dâng khi thức dậy vào buổi sáng, thường là trong khoảng thời gian giữa lúc chuông báo thức đồng hồ kêu và thời điểm uống cốc cà phê đầu tiên trong ngày.
Đối với các độc giả người Anh bản địa, một số đề tài của cô là những sự bí ẩn được khóa sau cánh cửa văn hóa của ai đó khác. Amae, một thuật ngữ Nhật Bản mô tả cảm giác thoải mái khi bạn nhượng bộ tạm thời sự quan tâm chăm sóc và uy quyền của người yêu. Liget, sự nhiệt tình dữ dội truyền đi trong các bộ lạc của người Philipin, đã thúc đẩy họ đến các hoạt động kỳ công lớn – đôi lúc là làm nông, đôi lúc là giết người. Awumbuk, cảm giác trống trải của những người Baining tại Papua New Guinea sau khi các du khách đã rời đi. Họ cho rằng, những vị khách khi rời đi đã để lại đằng sau cảm xúc nặng nề (một bát nước được để qua đêm để hấp thụ năng lượng này).
Có lẽ, phần thú vị nhất trong cuốn sách nói về những cảm xúc ngày nay ta vẫn còn cảm nhận, nhưng đã được tái cấu trúc lại. Ví dụ, đầu thế kỷ 19, nỗi luyến tiếc quá khứ được coi là tình trạng nan y. Những người đàn ông ở tuổi 20 được cho là rất nhạy cảm. Vào giữa Cuộc nội chiến Hoa Kì, các bác sỹ đã ghi nguệch ngoạc lời hấp hối của hàng trăm ca chứng tử. Vào những năm 1830, những nhà chức trách của ngành y Pháp đã cảnh báo rằng sự gắn bó quá mức với người và những địa điểm đã mất có thể đẩy những người chịu đựng cảm xúc đó đến sự già cỗi. “Từng chút, từng chút một, những nét đặc trưng của anh ta sẽ trở thành nỗi u sầu; khuôn mặt của anh ta dần có các nếp nhăn; tóc anh ta dần rụng, cơ thể của anh ta trở nên hốc hác, đôi chân của anh ta run lên dưới sức nặng của mình; một cơn sốt triền miên sẽ phá hoại sức khỏe anh ta… cách diễn giải từ ngữ của anh trở nên không mạch lạc; cơn sốt của anh sẽ trở nên nặng hơn, và sớm thôi anh ta chắc chắn sẽ chết.”
Vào khoảng giữa thế kỷ 19, chứng này đã được loại khỏi danh sách các triệu chứng bệnh . Các bác sỹ xác nhận rằng, công nghệ đã chữa được điều này. Nếu bạn khao khát những viễn cảnh của tuổi trẻ, bạn có thể lên tàu hoả và dành cả buổi chiều chạy lăng xăng trong đó. Nếu bạn mệt mỏi khi buồn bã nhớ về người y tá thời thơ ấu của mình, bạn có thể gửi một bức điện hỏi han sức khỏe của bà. “Mừng thay”, một chuyên gia phản ánh, “sự hoài cổ đã giảm bớt ngày qua ngày; người dân trở nên ngày càng có thể quen hơn với việc chống lại căn bệnh thương nhớ quá khứ”.
Với hầu hết chúng ta, cuộc vật lộn đã kết thúc – trên thực tế, chúng ta coi cảm xúc luyến tiếc là một niềm vui và còn chủ động nuôi dưỡng nó bằng việc mua sắm những món đồ cổ đắt tiền.
Khoa học cũng thay đổi thái độ của mình. Vào năm 2012, một nghiên cứu của người Mỹ đã đo được chỉ số điều trị của cảm xúc này: “Sự hoài cổ khiến con người ta cảm thấy được yêu và bản thân có giá trị, nó sẽ gia tăng cảm giác được xã hội bao bọc khi ai đó cảm thấy cô đơn.” Vào năm sau, các nhà nghiên cứu Anh Quốc đã đưa ra kết quả còn hiển nhiên hơn, người đứng đầu đề tài đó báo cáo rằng, “thực vậy, về mặt vật lý, cảm xúc luyến tiếc còn khiến chúng ta cảm thấy ấm áp hơn”.
Trung tâm nghiên cứu lịch sử các Cảm xúc nằm tại chính giữa điểm Cực Đông London, nó tọa lạc trên một khuôn viên ôm lấy một trong những khu mộ Do ái cổ nhất tại Anh. Những học sỹ ở đây đã chia sẻ những phát hiện của họ tại một trang blog chung. Một số nghiên cứu sự chán nản, một số khác quan tâm đến sự tởm lợm. Một người đang quan tâm đến cảm giác xấu hổ và giận dữ vào cuối thời Trung Cổ, đầu thời kỳ hiện đại tại Tây Ban Nha. Một người khác đang nghiên cứu chứng rối loạn dạ dày đã ảnh hưởng đến những tài xế xe buýt vào những năm 1930, nguyên nhân ở đây là do khói cacbon mô-nô-xít, thay vì có thể là bệnh thần kinh như nhiều người lầm tưởng (Mà điển hình nhất là việc nhà sinh vật học Mác Xít J.B.S. Haldane đã quy định cách chữa trị qua việc đọc Lenin).
Diane Kruger in “Joyeux Noel” (2005)
Jules Evan, một thành viên sáng lập Viện đã phát hiện sự đón nhận nhiệt tình đến không ngờ tại Hàn Quốc đối với tư tưởng của các triết gia Hy Lạp khắc kỷ, những người coi tình cảm như thể niềm tin hoặc những quan điểm có thể sửa đổi. Jules Evans hiện nay đang tham gia khảo sát toàn cầu về niềm hạnh phúc trong tôn giáo, khảo sát này cũng bao gồm một nghiên cứu về các cảm xúc cực đoan tại của nhóm khủng bố IS và al – Qaeda. Các nhà nghiên cứu tại Queen Mary có được mối quan hệ tốt với một nhóm nhỏ liên hiệp các học viện, nhưng phát triển, nghiên cứu các lĩnh vực tương tự – đó là Học viện Max Planck tại Berlin, Mạng lưới Miền Tây Bắc Âu nghiên cứu về sự thân mật (tình dục), và Trung tâm Hội đồng Nghiên cứu của người Australia xuất chúng nghiên cứu lịch sử cảm xúc, trung tâm này được tài trợ lớn nhất và nhiều nhất, với các trụ sở tại Adelaide, Brisbane, Melbourne, Perth và Sydney.
Giám đốc Trung Tâm London, Thomas Dixon có vẻ là một người đàn ông có tinh thần tuyệt vời –thân thiện, cảm hứng làm việc luôn lan truyền đến mọi người bởi công việc của mình, khi tôi đến chờ tại cửa vào tòa nhà của ông với cốc trà sữa và hai loại bánh kem. Ông ta trông có vẻ hài lòng. Ấn phẩm gần nhất được công bố của ông, “Biểu tượng nước Anh u sầu” - một phân tích lịch sử sắc bén về sự gò bó trong cảm xúc người Anh, đây là một trong các cuốn sách lịch sử được tán dương nhất của năm 2015. Luận điểm của cuốn sách là chủ nghĩa xét lại một cách thú vị. Cuốn sách đã xem xét các quan niệm cảm xúc quen thuộc nhất - sự bảo thủ của người Anh – và cũng hé lộ rằng đó là một lầm lẫn lịch sử. Cụm từ này có vẻ như đã được tạo ra tại Mỹ, và ám chỉ thẳng tới nước Anh ở khoảng nửa đầu thế kỷ 20, như một nền văn hóa dân tộc đã được quân sự hóa và có uy quyền lớn, càng ngày càng thích nghi hơn với cú sốc của xung đột toàn cầu.
Ông cho rằng, nước Anh trước thời kỳ này đã đúng hơn phải là một quốc gia đầy cảm xúc và nước mắt đẫm má, khoảng thời gian mà những giọt nước mắt có được địa vị cao. Các chính trị gia biện hộ cho lý lẽ của mình bằng cách khóc “không quá lố” tại Nghị viện. Các ông vua đã khóc để minh chứng sự chân thành của mình. Những người hâm mộ cuốn tiểu thuyết cuốn hút “Người đàn ông cảm xúc” (1771) (The Man of Feeling) đã đọc cái cách một người hùng – một quý ông trong cuốn sách đã dâng “Những giọt nước mắt tôn kính” đến những người ăn mày, trẻ mồ côi và gái làng chơi, và họ đã cố gắng bắt chước sự nhạy cảm của anh ta. Dixon viết,”Khóc là một hoạt động mang tính đạo đức và tôn giáo; nó là thứ phải được tu dưỡng, được kiềm chế, được luyện tập, được học hỏi và được thực hiện.” Đó là lịch sử mà có vẻ như Darwin đã hiểu được một chút.
Trong một bài thơ suy ngẫm về những tổn thương tinh thần từ cuộc cách mạng Pháp, William Blake đã quả quyết rằng “Giọt nước mắt là thứ thuộc về trí tuệ.” Điều này đã trở thành câu chú được lặp đi lặp lại đối với Dixon và các đồng nghiệp của ông. Phương châm của Blake cho rằng Khóc không phải là điểm mà sự suy nghĩ chấm dứt– một trạng thái mà chúng ta sẽ được giản tiện một khi các quá trình tưu duy phức tạp mất đi – mà là bằng chứng cho thấy chúng ta suy xét rất nhiều về thế giới xung quanh và từ đó rút ra một kết luận thận trọng.
Đó là thử thách với ngôn ngữ của sự tự do và kìm hãm dự phần trong các cuộc hội thoại của chúng ta về tình cảm – chúng ta có xu hướng xin lỗi vì mình đã khóc, nó cũng như việc chúng ta xin lỗi khi mất kiểm soát được bàng quang của mình. Dixon cho rằng, “Khi cơ thể của chúng ta phản ứng quá xúc động, chúng ta cũng đang suy nghĩ cùng với cơ thể của mình”. Cho nên, lịch sử các cảm xúc cũng giống như lịch sử các tư tưởng.
Khi bắt đầu thực hiện công trình nghiên cứu về khóc, Dixon đã đưa nghiên cứu của Charles Darwin về Willie, Annie và các những đứa con khác của vợ chồng ông vào danh sách những thứ cần đọc nhất. Dixon thậm chí còn có ý định noi gương của Darwin và sử dụng con trai của mình làm đối tượng thí nghiệm – nhưng những sức ép từ cương vị người cha trẻ đã khiến ông không thể thực hiện nó. Có lẽ, điều đó cũng không vấn đề gì. Vào năm 2011, các bằng chứng thí nghiệm mới xuất hiện đã phá vỡ các phỏng đoán trong cuốn “Sự biểu đạt cảm xúc của Người và Động vật” và đã hỗ trợ cho các bằng chứng lịch sử sâu sắc hơn mà Dixon đang tích lũy.
Vào thế kỷ 20, hầu hết nghiên cứu đều đi theo con đường đã được khai sáng bởi Darwin. Vào năm 1906, nhà tâm lý học người Mỹ, Alvin Borgquist đã xem xét các kết quả khảo sát toàn cầu của ông về những nhà thám hiểm và người truyền giáo, và quả quyết rằng “các chủng tộc người ở cấp độ thấp thường khóc nhiều hơn so với những người ở nền văn minh.” Thuật ngữ của Borquist có thể không tồn tại ở thế kỷ 20, nhưng giả thiết về cảm xúc lạnh lùng của người Phương Tây đã minh chứng cho sự tồn tại lâu dài của quan điểm này một cách phi thường. Định kiến này lan rộng ra khắp các ngành nghiên cứu.
Sử gia người Hà Lan Johan Huizinga đã xuất bản “Thời Kỳ Trung Cổ thiếu sức sống” (1919), lần theo sự biến mất của khía cạnh hoang dã và bừa bãi của cuộc sống Trung Cổ - đó là lối sống ta có thể thấy trong các bức vẽ Bruegel, khoác vẻ ngoài là một cuộc khiêu vũ, nhảy nhót đầy những lố bịch, kì dị quanh các quảng trường Flemish. Nhà xã hội học người Đức Norbert Elias đã xuất bản cuốn “Tiến trình Khai hóa Văn minh” (1939), cuốn sách đã diễn tả sự phát triển của văn hóa lịch sự - một đế chế mới của các cảm xúc nồng ấm hơn mà sẽ xâm chiếm và làm dịu các đường lối đương thời già cỗi hơn và hỗn loạn hơn. (Sự kiện mấu chốt trong tiểu sử Elias là bài diễn văn về cái chĩa rơm vào thế kỷ 16).
Kỉ nguyên hiện đại có vẻ như bằng lòng với định kiến này. Sau này vào năm 2011, nghiên cứu của một nhóm tâm lý học lâm sàng người Hà Lan đã đưa nó về dĩ vãng . Ad Vingerhoets và nhóm của ông đã kiểm tra dữ liệu từ 37 quốc gia – đây là kết quả các cuộc phỏng vấn được lấy từ câu chuyện cuộc sống đẫm nước mắt của người trả lời. Kết luận đưa ra có thể khiến Darwin phải khóc. Họ cho rằng, “Các cá thể sống trong các quốc gia thịnh vượng hơn, dân chủ hơn, hướng ngoại hơn và chủ nghĩa cá nhân hơn, sẽ có xu hướng trả lời mình khóc thường xuyên hơn”.
Dù những người chịu đựng các hoàn cảnh kinh tế khó khăn có thể bị sự phiền muộn quấy rầy nhiều hơn, nhưng ở các nền văn hóa thịnh vượng hơn và phát triển hơn, người ta khóc nhiều hơn. Đàn ông Úc và Mỹ được biết đến là những người khóc nhiều nhất; trong khi đó, những người đàn ông Nigeria, Bulgary và Malaysia khóc ít nhất. Phụ nữ tại Thụy Điển đấu tranh công khai hơn những người phụ nữ tại Ghana và Nepal.
Ở các quốc gia có sự bình đẳng giới với mức độ cao, phụ nữ sẽ khóc nhiều hơn so với các quốc gia có chỉ số này ở mức độ thấp hơn. Bằng chứng cũng cho thấy – đối lập với định kiến trong nhiều thế kỷ – người dân tại các đới khí hậu lạnh hơn khóc thường xuyên hơn những người sống tại vùng khí hậu ấm hơn. Nghiên cứu cũng cho biết, những giọt nước mắt không phải là bằng chứng cho lý thuyết về chủ nghĩa man rợ, như cách nghĩ của Darwin. Những giọt nước mắt thậm chí cũng không phải thói quen cũng những người khốn khổ, mà là dấu hiệu của đặc ân mà chỉ các thành viên trong những xã hội thoải mái nhất và đáng sống nhất trên thế giới mới được tận hưởng.
Dixon cho rằng, “Nếu bạn sống trong những hoàn cảnh rất căng thẳng và khó khăn, khóc là sự xa xỉ. Chúng ta biết rằng khi bị mất đi người thân yêu, ta sẽ sốc và đau đớn đến mức không thể rơi những giọt nước mắt. Vì thế, có lẽ chúng ta nên nhìn những giọt nước mắt của mình như dấu hiệu của sự kìm nén nỗi đau, và có thể chịu đựng các cảm xúc tiêu cực. Nếu bạn đang rất đau khổ và chịu đựng hoàn cảnh rất khó khăn, đó không phải là lúc cho những giọt nước mắt.”
Ở các quốc gia xảy ra chiến tranh hoặc đói kém, các quan sát cũng không mấy đối lập với suy nghĩ thông thường. Dorte Jessen, người đứng đầu bộ phận Jordan đối phó với khủng hoảng người Syria nhập cư của Chương trình Lương thực thế giới, đã dành hơn 1 thập kỷ nhìn đôi mắt “khô cạn” của những người thiếu thốn các nhu cầu thiết yếu. Vào nạn đói tại Vùng Sừng Châu Phi năm 2011, bà đã ở tại một trạm dân di cư lộn xộn tại Dadaab, Kenya, 60 dặm tính từ ranh giới với Somalia. Cô kể lại, ngay đầu ca trực, cô đã nhìn thấy một người mẹ và hai con nhỏ nhận các khẩu phần ăn khẩn cấp - các bao chứa hỗn hợp ngọt gồm: nước đậu, dầu ăn thực vật và ca cao được trộn lẫn với nhau.
Chỉ cách điểm phân phát vài bước chân, người mẹ xé toạc một trong các túi và đưa cho đứa con lớn nhất của mình. “Họ không nói hoặc thể hiện chút cảm xúc nào. Họ chỉ tiếp tục đi,” Jessen ghi lại.” Một khi bạn đã đi qua một điểm kiệt quệ nhất định, đơn giản là bạn sẽ không còn năng lượng dư thừa để biểu lộ cảm xúc”.
Vào năm 1890, triết gia William James đã nêu ra sự khác biệt giữa “khóc nức nở” – một trường hợp tâm lý học được đi kèm với“niềm vui cay đắng” – và cảm giác “nỗi đau đớn quắt queo” khó chịu hơn. Hình như, một số trải nghiệm quá u ám cho những giọt nước mắt. Theo những người tù từng ở trong các trại tập trung của Phát Xít Đức, một số người còn nói với vẻ tội lỗi, họ không hề khóc khi bị tra tấn. Tại tòa án xét xử tội phạm chiến tranh vào tháng 5 năm 2015, Susan Pollock, nạn nhân người Hungary còn sống sau vụ tàn sát người Do Thái hàng loạt của Đức Quốc Xã đã nhớ lại đôi mắt không nhỏ lấy một giọt nước khi nhìn thấy mẹ mình đang bị xử tử trong phòng gây ngạt. Bà nói, “Tôi không khóc, tôi chỉ muốn tự chìm sâu vào chính bản thân để không ai thấy mình nữa”.
Chúng ta có thể tưởng tượng điều đó trên bản đồ “trũng” của lịch sử thế giới, những nơi không mấy ai biết đến sẽ được ghi lại như những hồ nước mặn. Nhưng tôi ngờ rằng, một khi các lò nung thời thế chiến đã nguội, khối lượng lớn những giọt nước mắt sẽ rơi chủ yếu bởi những người đến tưởng nhớ nạn diệt chủng hơn là bởi chính các nạn nhân. Cuộc sống tại trại tập trung đã nhất thời khiến Pollock cảm thấy mình là một kẻ vô nhân đạo. Vậy ở Auschwitz hay tại tại hủy diệt Treblinka, người ta khóc vì cái gì? Có lẽ, trong hoàn cảnh đó, những giọt nước mắt cũng vô dụng như đôi hoa tai kim cương vậy.
Bạn không cần phải cầu khẩn đến nạn diệt chủng người Do Thái hay đói kém để nhận thức bản chất xa xỉ của khóc, hoặc sự tồn tại của một nền kinh tế cảm xúc mà ở đó, một số người có được đặc ân để thể hiện tình cảm của mình và những người khác thì không thể.
Các tác phẩm văn học và tài liệu lịch sử đã ghi chép lại, đó rõ ràng là cảm giác khinh miệt của Odysseus về đứa con trai Telemachus của mình cho đến khi cậu bé ôm ông kiểu Hy Lạp và khóc cho da dáng một hoàng tử; các bác sỹ Pháp ở thế kỷ 19 đã cảm thấy lúng túng khi chứng kiến các triệu chứng khóc lóc và sợ hãi không kiểm soát được– chứng bệnh ở những người phụ nữ quý tộc tao nhã – ở những công nhân đường sắt cơ bắp thuộc giai cấp lao động đã bị chấn thương trên các đường ray. Nó cũng ở trong nền văn hóa đương đại. Nếu các chính trị gia khóc, giá trị giọt nước mắt của họ sẽ được ước định bởi những tay bình phẩm, những người hành động như người bán đồ nữ trang, họ nheo mắt để nhìn được các dấu hiệu của sự giả dối và kim cương giả.
Vào tuần đầu tiên của năm, Barack Obama đã khóc khi ông thúc đẩy Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ siết chặt việc quản lý sử dụng súng, các máy ảnh đã bắt lấy từng li từng tý biểu lộ cảm xúc của ông, tiếng nhấp máy của họ đổ xuống ào ào như cơn mưa trên mái Nhà Trắng. Các nhà quan sát đồng cảm với bài phát biểu đã tán dương đó như những giọt nước mắt lương tâm, là bằng chứng “nước mặn” cho tính chân thực trong các lập luận của tổng thống. Kẻ thù tổng thống lên Twitter, Fox News lại dùng luận điệu rằng các ngón tay của ông có miếng hành.
Những nhà lãnh tụ sáng suốt, nói chung ở cả nam và nữ, nắm giữ một lĩnh vực chuyên nghiệp, mà ở đó việc thể hiện cảm xúc là chấp nhận được. Đối với người khác, những giọt nước mắt là quá mạo hiểm. Nhân viên tổng đài y tế, những người trả lời các cuộc gọi khẩn cấp, đã được huấn luyện để giúp họ tiết chế các cảm xúc của mình khi họ khuyên những người nuốt nhiều viên thuốc, hay những bậc cha mẹ với đứa con sơ sinh của mình ngừng thở. Chúng ta sẽ coi nước mắt là sự sao nhãng bổn phẩn nếu các bác sỹ phẫu thuật, y tá, cảnh sát và người lính khóc trong giờ làm việc, làm nhiệm vụ. Họ đã từ bỏ quyền được khóc của mình tương tự cái cách những người lao động khác đánh mất sự kỳ vọng của họ với giờ làm cố định và tiền lương trả khi ốm. Sự gò bó của họ cho chúng ta không gian để thể hiện nỗi đau hoặc sự biết ơn của mình, thứ mà ta mua từ họ qua hệ thống thuế.
Cùng với sự phát triển của thế giới, các cảm xúc mạnh mẽ của con người cũng phát triển, nhưng thường theo lối các công dân của thời đại mới không thể ngay lập tức nhận ra. Truyền thông xã hội đang tạo ra các nghi thức mới cho sự tức giận và phẫn nộ. Các báo cáo về biểu tượng giọt nước mắt đã trở thành những viên đạn trong cuộc chiến tuyên truyền giữa Ukraina và Nga. Tại Nhật, một hoạt động tên là rui-katsu (kiếm tìm nước mắt) đã phát triển, trong đó các khách hàng sẽ tụ họp để xem đĩa DVD xúc động hoặc trả tiền cho một người “nước mắt lưng tròng” để đến nơi họ làm việc và ôm họ.
Saoirse Ronan in “Brooklyn” (2015)
Tại Trung Hoa, những người già nổi giận với thứ văn hóa tình cảm mới mà họ biết nó bắt nguồn từ văn hóa Phương Tây – có thể lấy ví dụ điển hình bởi một cảnh ngắn trong chương trình hẹn hò thực tế “Nếu bạn là người đó” vào năm 2010, một người tham gia chương trình gợi ý vợ tương lai của mình đi hẹn hò với anh bằng xe đạp. Cô nàng trả lời, “Em thà khóc trong chiếc BMW”. Đó là lời bình luận không có sự dàn dựng, nhưng hình như nó khớp với thứ gì đó về tương lai của Trung Hoa – và vì thế, cũng là của thế giới.
Lịch sử các cảm xúc là ngành nghiên cứu mới mẻ. Và cũng chỉ đang ở điểm phát khởi của một câu chuyện dài về cảm xúc loài người. Thomas Dixon hỏi, “Phải chăng chúng ta đang viết lịch sử của thứ gì đó mà về bản chất đã luôn luôn như vậy trong tâm trí của loài người, nhưng được thể hiện và giải thích trong nhiều cách khác nhau? Hoặc, liệu chúng ta, như phần lớn những người trong ngành sẽ nghĩ, đang tìm ra sự thật lịch sử của tâm trí loài người? Bạn nhận ra rằng bạn không cảm nhận chỉ theo lối mòn; cảm xúc hiện tại của bạn được định hình bởi ngôn ngữ, kinh nghiệm, gia đình, sự giáo dục, thể chế xã hội và thể chế chính trị của bạn.”
Nếu ai cũng thấu hiểu được điều này, thì nó đã thay đổi ta như thế nào? Chúng ta sẽ trở thành ai, nếu chúng ta có thể lập biểu đồ về lưu lượng của các đại dương nước mắt, đo được chiều dài của những nơi hạn hán nước mắt, hay trải qua các cảm xúc của mình như những sự kiện lịch sử cũng như trong chính cơ thể chính mình? Hy vọng rằng, Con người có thể nhìn lại những khoảng thời gian này, những thứ cổ xưa đầy vết trầy xước, những tư tưởng cổ xưa của mình, và nhỏ giọt nước mắt nhân hậu và tình cảm.
Trạm Đọc
Chuyển Ngữ: Ngọc Rởm
Theo 1843 Magazine