KỸ THUẬT NUÔI TÔM SÚ ( TÔM GIỐNG)
Hiện nay, tôm giống được vớt trong thiên nhiên đem về nuôi, dưới dạng tôm bột, gọi là ấu trùng. Từ ấu trùng trở thành con tôm trưởng thành, còn phải qua giai đoạn hậu ấu trùng. Cứ mỗi giai đoạn như vậy kéo dài một vài tuần.
Tôm giống được bán ra với nhiều lứa lớn nhỏ khác nhau. Dù thả xuống ao nuôi lứa lớn hay lứa nhỏ, ta cũng nên chỉ thả một lứa để sau này tôm được tăng trưởng đồng đều. Như vậy, tránh cho tôm cùng ao tranh giành mồi ăn lẫn nhau, hoặc có khi ăn thịt lẫn nhau, do tôm lớn ăn hiếp tôm nhỏ.
Bản thân con tôm rất yếu ớt, không phải mười con như một, con nào cũng lành mạnh, đầy đủ bộ phận trong mình như nhau. Có con mất râu, có con mất chân. Tôm con thả xuống ao không cách nào sống đủ 100%, được sáu bảy chục là điều may. Do đó, ban đầu ta cứ thả mật độ dày, sau đó “sàng qua sảy lại” là vừa.
Tôm là con vật năng động, ở dưới nước thì mỗi khi di chuyển cong mình “búng” đi những bước rất xa, còn lên cạn thì nhảy choi choi. Đó là những tôm mạnh. Con tôm mạnh khỏe còn biểu hiện ở thân mình trong bóng. Mua tôm con ta hãy lựa những lứa tôm như vậy mà nuôi.
Cẩn thận hơn, ta nên bắt một ít con thả vào số nước sạch, thấy chúng bơi lội ngược dòng, đôi râu tỏ ra hình chữ V, đuôi cũng xòe rộng, đó là tôm mạnh khỏe, nên chọn nuôi.
Tôm giống yếu ớt, dù bán với giá rẻ, ta cũng đừng ham, vì có khi về nuôi mười phần không được một. Tiền mất tật mang thêm khổ.
Cái khó của việc đi mua tôm giống là vấn đề di chuyển đưa tôm về nhà.
Như phần trên chúng tôi đã nói, con tôm rất yếu ớt, nhất là tôm con, cho nên vận chuyển chúng từ nơi mua về đến tận ao thường là việc khó khăn, không ai không lo nghĩ tới. Nếu con đường vận chuyển gần, đi chừng nửa ngày đường thì được, nhưng nếu quá xa phải đi lâu hơn thì tôm có thể bị mệt hao hụt nhiều.
Nếu di chuyển trong buổi thì người ta có thể cho tôm giống vào bao ni lông rồi bơm dưỡng khí vào cho tôm sống là tốt nhất. Người ta dùng một bao ni lông thật lớn, trong đó 1/3 bao đựng tôm giống, 2/3 bao còn lại bơm đầy dưỡng khí vào cho bao phình to. Xong bịt kín miệng bao lại rồi chở tôm về nhà. Việc di chuyển bằng ghe tốt hơn là bằng đường bộ, vì ít bị dằn xóc.
Người ta có thể cho tôm giống xuống ruộng trong khoang ghe để chở về ao nuôi cũng tốt, nhưng không nên chở với mật độ quá dày, vì có thể không đủ dưỡng khí cho tôm sống. Trong khoang cần phải đặt một số chà nhỏ để tôm con bám vào.
Xin lưu ý là nước đổ vào khoang cho tôm sống tạm trong khi vận chuyển phải là loại nước trong ao ương mà tôm đã sống trước đây. Không nên vì một lẽ gì mà tự ý pha trộn nước sông nước suối vào khoang khiến tôm có thể vì đó mà bệnh và bị chết.
Một khi con tôm giống đã yếu sức, đã bị xây xát mình mẩy, đã bị mất mát một phần nào cơ thể thì không thể sống sót nổi. Vì vậy, vận chuyển tôm ta nên cẩn thận, nhẹ nhàng. Nếu chở tôm trong xe bít bùng, nóng bức trong thời gian dài, tôm giống có thể chết với số lượng khá lớn. Trong trường hợp này, cần phải mở cửa xe cho thông thoáng.
Thả tôm vào ao
Thả tôm giống xuống ao nuôi cũng không phải là việc dễ dàng. Việc này rất hệ trọng, cũng nằm trong kỹ thuật nuôi tôm. Nhiều người xem thường việc này mà cuối cùng phải gặp sự thất bại chua cay, gần cụt cả vốn liếng.
* Tôm giống phải được thả vào lúc sáng sớm hoặc buổi chiều, đó là lúc khí trời mát mẻ, êm dịu. Tránh thả vào giữa trưa nắng gắt, cũng như khi mưa to gió lớn.
* Nhiệt độ nước trong ao phải hợp với nhiệt độ nước mà tôm đã sống trước đây, cụ thể nhất là nhiệt độ hiện có trong bao ni lông.
* Độ chua pH của hai môi trường sống trước sau cũng không được quá chênh lệch.
* Độ mặn giữa hai môi trường sống trước sau cũng không được chênh lệch nhau nhiều. Tất nhiên, muốn làm được việc đó, không phải là không khó khăn. Vì rằng, môi trường sống trước đây của tôm có thể cách xa hàng trăm hoặc vài ba trăm cây số, chứ đâu phải chung vùng mà hy vọng môi trường nước sẽ giống nhau. Do đó, khi thả tôm xuống ao, ta phải hết sức cẩn thận, tiến hành từng bước một.
* Cách tốt nhất là thả xuống ao một ít tôm giống và thường xuyên quan sát xem chúng sinh sống ra sao, nếu thấy hợp thì thả xuống hết, còn không thì tìm cách khắc phục tình trạng.
* Có thể ngâm bao đựng tôm giống xuống ao nuôi độ nửa giờ để cân bằng nhiệt độ trong ngoài, rồi mới thả. Khi thả tôm ta mở miệng bao rồi nghiêng nhẹ bao cho nước ao vào từ từ... sau đó, để cho tôm tự ra khỏi bao mà vào ao, chứ không nên mạnh tay xốc đổ xuống một cách thô bạo khiến tôm vì đó mà giập mình, khó nuôi.
* Không nên đứng một chỗ mà thả tôm, vì như vậy là ta vô tình tập trung tất cả tôm giống vào một nơi, gây khó khăn bước đầu tìm mồi của chúng. Nên thả tản mạn khắp ao, mỗi nơi một ít để tôm giàn trải khắp ao,phân tán đều khắp.
* Trung bình 2 ký tôm giống ta nuôi trong 100 mét vuông ao là vừa. Nếu đếm ra con thì cũng được trên dưới 400 với con, vì tôm nuôi cũng có chiều dài khoảng vài ba phân,tức một tháng tuổi. Thả tôm vào ao là một chuyện, nhưng sau đó tôm sinh sống ra sao lại là một chuyện khác. Ta cần phải thường xuyên theo dõi, nhất là trong tuần lễ đầu. Nếu thấy có hiện tượng gì không vừa ý là phải tìm cách khắc phục ngay.
Trong những ngày đầu, thế nào ta cũng gặp nhiều xác tôm chết thường đó là những con yếu sức hay bị thương tật, bị va giập mà chết. Số này có khi lên đến từ 10 đến 20%, nhưng không nên coi đây là chuyện đáng lo.
Ta chỉ lo khi thấy tôm không chìm lặn xuống đáy tìm mồi mà lại nổi lờ đờ trên mặt nước, hoặc lội ngang ao. Hoặc khi thấy vỏ tôm tự nhiên đổi màu như xanh lơ, đỏ hoặc vàng. Hay vỏ tôm không còn trong như trước mà trở nên đục, lại mềm, nhăn nheo. Nhất là khi bắt con tôm lên đặt vào lòng bàn tay, không thấy tôm nhảy xoi xói. Đó là tôm đã bệnh. Bệnh gì thì phải nghiên cứu để chữa trị kịp thời. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở phần bệnh của tôm.
Thường thì dọc theo bờ ao, người ta đặt nhiều cái sàng đan bằng tre nứa, đan rất khít, vuông vức, bề cạnh khoảng từ 60 đến 80cm, có dây thòng xuống nước, trong đó đặt thức ăn cho tôm vào ăn. Muốn kiểm soát sức khỏe của tôm ra sao, thỉnh thoảng người ta nhắc sàng lên, hễ thấy tôm lao xao nhảy loạn xạ là lứa tôm khỏe mạnh, đang trên đà lớn xổi. Mặt khác, ban ngày mà không thấy tăm dạng tôm nổi lên mặt nước, còn ban đêm tôm bơi dọc theo bờ, cũng là tôm khỏe mạnh. Nếu bắt tôm lên, thấy ruột tôm chứa đầy thức ăn, chứ không gián đoạn khúc có khúc không, vỏ tôm lại trong là tôm háu ăn, mau lớn. Con tôm mà yếu sức, bệnh hoạn trông rất dễ biết, mình mềm oặt trên tay, màu sắc cũng không bình thường.
Theo dõi sức khỏe của tôm nên coi là việc làm thường xuyên, ngày nào cũng phải quan tâm tới.
Thường thì những người nuôi tôm nuôi cá, họ có thói quen mỗi ngày vài lần, sáng chiều thường đi dọc quanh các ao để quan sát tổng thể từ bờ bộng, đến tình trạng nước cũng như sức khỏe vật nuôi ra sao, để nếu cần thì lo khắc phục đúng lúc, đỡ thiệt hại phần nào hay phần ấy.