0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
KỸ THUẬT NUÔI TÔM SÚ (THỨC ĂN CHO TÔM SÚ)

THỨC ĂN CHO TÔM SÚ

Tôm là giống phàm ăn, lại ăn tạp. Trong đời sống tự nhiên, tôm ăn đủ thứ cả thực vật lẫn động vật, có khi cát đất nó cũng không từ. Với các động vật thối rữa, tôm thích ăn nhất.

Nuôi tôm trong ao, ta phải cung cấp khẩu phần ăn cho tôm đầy đủ thì tôm mới mau lớn được. Tất nhiên, cũng như nuôi các giống vật khác như heo, bò, gà, vịt... thức ăn càng giàu đạm thì tôm càng mau lớn, thức ăn quá kém thì tôm sẽ chậm lớn.

Thức ăn của tôm gồm có cá tạp, tôm, thịt, gan, tim heo, thịt gà vịt, bắp, gạo, tấm cám, bánh đậu nành, bánh đậu phộng, xác dừa... Có thể cộng thêm các vitamin cùng khoáng chất vào thức ăn cho đầy đủ chất bổ dưỡng.

Còn chất rau tươi thì tôm có thể tự tìm lấy trong ao qua các loài tảo, rong rêu lúc nào cũng sẵn có.

Thức ăn của tôm có thể cho ăn sống hoặc nấu chín đều tốt cả. Nhưng, thường thì người ta nấu chín, vì nấu một lần là có thể để dành ăn nhiều bữa trong ngày.

Nhưng dù nấu chín hay cho ăn sống, thức ăn cũng phải được xay gần nhuyễn, tức là có những hột, những viên cỡ hạt cát to để tôm dễ ăn. Thường thì sau khi thức ăn được nấu hoặc hấp chín, người ta đổ vào rổ rá có mắt nhỏ, hoặc dùng vải mùng, mắt lưới nhôm cực nhỏ, ép xuống thành từng sợi, từng hột nhỏ để đem rải cho tôm ăn.

Cho tôm ăn, không nên tập trung một chỗ khiến tôm xúm vào tranh mồi khó khăn, mà phải rải ra nhiều nơi khắp ao để tôm đón nhận thức ăn đầy đủ thoải mái.

Thường thì người ta đan những tấm sàng bằng tre như kiểu cái mẹt, cái nia có dây thòng xuống dưới mức nước chừng 30 40cm, rắc mồi lên trên để tôm tìm đến ăn.

Con tôm dùng bộ râu để vừa tìm phương hướng vừa đánh được mùi thức ăn nên rủ nhau đến ăn mồi. Những ngày đầu thì còn bỡ ngỡ, nhưng những lần sau quen dần, hễ thấy sàng lay động nước ao là chúng tụ tập rất nhanh để ăn mồi.

Cho ăn theo cách này vừa ít hao tốn thức ăn, vừa đo lường được mức tiêu thụ thức ăn của tôm là bao nhiêu để gia giảm. Sau đó, còn có điều lợi là dễ dàng quan sát được sức khỏe của tôm hàng ngày ra sao.

Gặp thức ăn ngon vừa miệng là tôm ăn nhiều, nếu thức ăn không khoái khẩu thì chúng ăn ít. Cũng nên căn cứ vào điều đó để điều chỉnh thức ăn sao cho hợp khẩu vị của tôm.

Tôm ăn mỗi ngày đến bốn năm bữa, mỗi bữa nên chia cách đều nhau chừng ba bốn giờ.

Sau mỗi bữa ăn, ta nên chịu khó đem những tấm sàng này đến một mương nước nào đó mà cọ rửa cho sạch, không nên để thức ăn cũ bám vào đó từ ngày này sang ngày khác dễ làm hư thối thức ăn, có hại cho sức khỏe của tôm.

Thường thì người ta phỏng chừng trọng lượng của tôm trong ao là bao nhiêu để tính khẩu phần thức ăn cho tôm. Chẳng hạn trong ao có 100 ký tôm thì trong ngày cho ăn từ 10 đến 12 kg thức ăn (chia ra nhiều bữa). Nhưng cách chia khẩu phần này không chính xác bằng chịu khó mỗi lần cho ăn mỗi lần chịu khó quan sát thức ăn ngay trên sàng. Nếu ít thì tăng thêm, thừa thì bớt lại.

Xin lưu ý là tôm còn nhỏ háu ăn và tiêu thụ thức ăn không thua kém gì tôm lớn.

Càng ăn nhiều, tôm càng mau lớn và mỗi lần lớn là mỗi lần chúng lột vỏ. Thời gian lột vỏ của tôm không theo một chu kỳ nhất định như loài trăn rắn, hễ lớn đến đâu thì lột xác đến đó. Nếu được ăn no đủ, bổ dưỡng, tôm mau lớn thì thời gian lột vỏ ngắn lại. Ngược lại, nếu ăn uống thiếu thốn, tôm chưa mập mạnh, chậm lớn thì thời gian lột vỏ kéo dài lâu hơn.

Trong chu kỳ đời sống của một con tôm thịt, chúng có thể lột xác đến sáu bảy lần, mỗi lần lột xác thì tăng trọng chừng vài gram ở con tôm sú.

Khi lột xác, tôm thường tìm đến chỗ nước cạn gần bờ và thời gian để lột xong vỏ chỉ cần vài mươi phút là xong.

Con tôm vừa lột thì thân mình yếu đuối, thường nằm yên một chỗ, hoặc bám vào cành chà. Phải mất hết cả buổi trời, lớp vỏ mới cứng lại, tôm mới tỉnh hồn lại vía, mạnh mẽ như lúc chưa lột.

Thường thì tôm chọn thời gian đêm hôm hoặc mờ sáng để làm chuyện lột vỏ. Trong đời sống tự nhiên bên ngoài, tôm lột vỏ vào lúc nước ròng.

Sự lột vỏ của tôm là hiện tượng tự nhiên, không có gì đáng ngại cả. Tôm lột vỏ là những con tôm đang mạnh, đang trên đà tăng trọng. Cua còng gì cũng vậy, cua sắp lột là con cua thịt chắc, đầy gạch.

Bây giờ trở lại phần thức ăn của tôm.

Như phần trên chúng tôi đã trình bày, tôm là giống ăn tạp, lại háu ăn. Thức ăn gồm có đạm động vật, đạm thực vật. Vì vậy, thức ăn của tôm cũng dễ tìm kiếm, lại rẻ tiền.

Thức ăn chính là cá tạp, cua, sò ốc, con tép, con ruốc, không có những thức này, ta thay vào bột cá cũng được.

Tôm còn ăn cả bột bắp, tấm cám bột đậu nành, bánh dầu phộng, xác dừa, khoai lang, khoai mì...

Do đó, địa phương có những thức ăn gì có thể thay thế được những thức ăn trên, lại rẻ tiền ta có thể dùng thay thế được cả.

Tuy nhiên, tôm cũng như cá, thức ăn không nên thay đổi đột ngột, khiến tôm lạ miệng kén ăn. Nếu có thay đổi cũng phải thay đổi từ từ, nay một ít mai một ít để tôm quen dần với thức ăn mới.

Thức ăn mà càng nhiều đạm thì tôm càng thích; số đạm phải có từ 30% trở lên mới thích hợp với khẩu vị của tôm. Chúng tôi xin đơn cử một vài công thức để quý vị tự pha trộn:

Bột cá: 40%

Bánh đậu phộng : 05%

Bánh đậu nành :05%

Bột bắp: 20%

Cám nhuyễn: 25%

Tấm:05%

Hoặc:

Bột bắp: 35%

Cám nhuyễn: 20%

Bột cá: 40%

Tấm:0,5%

Artemia cho tôm

Hiện nay, thức ăn cho tôm đã được các cơ sở chế biến thức ăn gia súc chế biến sẵn. Ta có thể mua về cho tôm ăn rất tiện lợi. Điều cần là nên cho tôm ăn đủ bữa, đừng cho ăn bữa đói bữa no, đừng cho ăn theo cách tùy hứng, khi có khi không. Đành rằng, năm ba ngày liền nhịn ăn, con tôm không chết, chúng có thể tìm thức ăn có sẵn trong nước, trong ao, nhưng với mật độ tôm thả quá nhiều, thức ăn thiên nhiên không tài nào cung cấp được. Một khi con tôm phải tiêu thụ dần mỡ và thịt của mình thì tôm chỉ ốm dần đi, làm sao tăng trọng được.