KỸ THUẬT NUÔI TÔM SÚ (NƯỚC NUÔI TÔM)
NƯỚC NUÔI TÔM
Như phần trên chúng tôi vừa trình bày, con tôm sú sống thích nghi với nước có độ mặn từ 15% đến 25% và độ chua pH từ 7,5 đến 8,5.
Tôm có thể chịu được độ mặn cao hơn hay thấp hơn nhiều, nhưng chỉ một thời gian, độ tuổi nào đó mà thôi, sống trong môi trường nước lạ, tôm sẽ bị bệnh hoặc chết. Vì vậy, độ mặn trong ao ta phải cố giữ cho điều hòa. Trong trường hợp gặp cơn mưa lớn, lượng nước mưa làm cho mực nước ao dâng cao, thì phần trên chính là nước ngọt, ta cần phải xả bớt ngay để giữ lại độ mặn cần thiết cho ao. Trong trường hợp gặp mùa hạn hán kéo dài, khiến độ mặn trong ao cao hơn, tất nhiên ta phải thêm vào ao một lượng nước ngọt cần thiết, vì xin được phép nhắc lại, độ mặn của nước ao thay đổi không tốt cho sức khỏe của tôm. Đó là điều ta nên tránh.
Thường thì muốn biết môi trường nước trong ao tốt xấu ra sao, có thích nghi với tôm hay không, thì thỉnh thoảng ta nên quan sát màu sắc của nước ao để biết:
* Nếu màu nước xanh đậm:
Có nghĩa đáy ao có lớp bùn dày, tôm dễ nhiễm bệnh. Nếu tình trạng nguy kịch thì tốt hơn hết là nên dời tôm sang nuôi một ao khác, có điều kiện tốt hơn. Sau đó, lo vét kỹ đáy ao trước khi nuôi lại lứa tôm khác. Công việc này ít ra cũng mất hàng tháng mới xong, vì phải cải tạo lại từ đầu như phơi kỹ đáy ao, rồi rắc vôi, phủ phân hữu cơ...
* Nếu nước ao có màu xanh lợt:
Là nước đầy đủ dưỡng khí, đủ độ mặn, ít độ chua, tôm sinh trưởng tốt.
* Nếu nước có màu nâu vàng:
Coi như là môi trường sống thích hợp với tôm nhất.
* Nếu nước có màu sẫm tối:
Là nước ao tù đọng lâu ngày, cần phải cho nước mới vào ao. Cũng có thể do đáy ao có lượng bùn dày. Môi trường này cản trở sức tăng trưởng của tôm.
Xin được lưu ý là tôm thích sống ở vùng nước chảy chứ không thích sống chỗ nước tù đọng. Vì vậy, ao nuôi tôm phải có nước ra vô thường xuyên mới tốt. Lợi dụng bản tính này của tôm, nên những tay câu tôm chuyên nghiệp thường buông cần nơi có luồng nước chảy như mương nước, cống nước, thế nào cũng giật được tôm to.
* Nếu nước trong ao trong:
Thì có nghĩa là nước có nhiều phèn, tôm sống không nổi nên chết dần. Nước phèn nhiều thì tảo không sinh sôi nảy nở được, tôm cũng thiếu mồi ăn. Gặp trường hợp này, ta có thể rải phân hữu cơ xuống ao, từ 20 ký đến 40 ký cho 100 mét vuông, tùy theo nước trong ít hay trong nhiều. Có thể rải khắp mặt ao, hoặc rải dày tại bốn góc ao cũng được.
Nước trong ao tôm qua trong hay quá đục đều không tốt. Nếu nước đục quá thì phải thay ngay một phần nước trong ao, nước trong quá thì cứu chữa bằng cách phủ đáy ao bằng phân hữu cơ.
Thường người ta đo độ trong của nước ao bằng cách thọc cánh tay của mình xuống nước. Khi quan sát không thấy bàn tay của mình nữa thì phần trên là lớp nước trong. Lớp nước này dày chừng 40cm là tốt, nếu dày hơn là xấu. Nếu nước trong mà xuyên thấu tận đáy thì ao nhiễm quá nhiều phèn, tôm không sống được.
Nhiệt độ nước ao
Nhiệt độ của nước trong ao nuôi tôm sú trung bình nằm giữa khoảng 25 đến 30 độ C. Thường thì nhiệt độ cao do mực nước trong ao quá thấp, vì vậy nếu mực nước trong ao sâu từ một mét hai đến một mét rưỡi thì tôm sẽ có nhiệt độ lý tưởng để sống.
Hàm lượng oxy trong đó
Tôm rất cần nhiều dưỡng khí để sống. Tôm thường kiếm mồi (trong thiên nhiên) ở nơi có nước chảy siết, nhưng đồng thời nước ở nơi này cũng có hàm lượng dưỡng khí cao nên tôm thích lui tới. Do đó, ao nuôi tôm mà thiếu dưỡng khí thì tôm không sống được.
Thấy có hiện tượng trong đêm hôm hay vào lúc tinh sương, mà tôm nổi lên bơi lội trên mặt ao, hoặc thỉnh thoảng nhảy choi choi lên cạnh bờ, là ao đang thiếu dưỡng khí trầm trọng. Ta nên thay nước ao ngay, đồng thời làm xao động mặt ao để giúp nước ao có thêm dưỡng khí.
Nên nhớ là bình thường con tôm sống ở tầng giữa và tầng đáy của hồ, ít khi bơi lội nhởn nhơ trên mặt nước, trừ trường hợp nước ao thiếu dưỡng khí trầm trọng.
Kinh nghiệm cho thấy nếu ao rộng và sâu lại nằm ở vị trí thoáng mát, nhất là mật độ tôm thả không dày thì ít có trường hợp thiếu dưỡng khí trầm trọng khiến tôm chết hàng loạt.
Ao nuôi tôm mà nhiều dưỡng khí là thích hợp với sự tăng trưởng của loài tôm. Vì vậy, việc thay đổi một phần nước thường xuyên cho ao là điều vô cùng cần thiết. Ngoài ra, ta phải đốn cây nhánh dọc quanh bờ ao để mặt ao được quang đãng, đón nhận được đầy đủ ánh sáng mặt trời, gió để ao lúc nào cũng thoáng mát, tăng thêm nguồn dưỡng khí cần thiết cho sự tăng trưởng của tôm. Đừng tưởng cây cối chung quanh ao che khuất khiến ao lúc nào cũng rợp mát là tốt. Đừng tưởng mặt nước trong veo, lúc nào cũng tĩnh lặng là hay. Nước càng xao động, càng luân lưu theo dòng chảy mới thích nghi với đời sống của tôm. Nói một cách khác, ao tù nước đọng không thích hợp với tôm.