KỸ THUẬT NUÔI TÔM SÚ ( MÔI TRƯỜNG SỐNG )
NUÔI TÔM SÚ
Tôm sú là con tôm ở vùng nước lợ, tức là nước có độ mặn từ 15 – 25%. Vì vậy, nơi thích hợp nuôi loại tôm này là những vùng gần biển, vùng có nguồn nước lợ. Độ mặn nói trên là độ mặn lý tưởng nhất, thích hợp nhất, gặp môi trường nước mặn hơn hay ngọt hơn, tôm vẫn sống được, nhưng không thích nghi đối với chúng.
Những vùng nước lợ của đồng bằng sông Cửu Long từ Gò Công trở xuống, nhiều nơi nuôi được giống tôm này.
Tôm sú lớn con hơn tôm thẻ, nuôi mau lớn lại có giá vì được các bà nội trợ ưa chuộng và cũng là nguồn hàng xuất khẩu mạnh nên được nhiều người chọn nuôi.
Tôm là thức ăn được mọi người ưa chuộng, nhất là tôm còn tươi rói (Đắt như tôm tươi – thành ngữ). Ngày nay, giá cả của tôm sú, tôm thẻ rất cao. Vì lẽ đó, nuôi tôm là việc làm thức thời, nếu ta có đất đai rộng rãi để đào ao hồ và một số vốn liếng là có điều kiện để chăn nuôi rồi.
1.Ao nuôi tôm sú
Tôm sú được nuôi trong ao, ao lớn hay nhỏ là tùy theo số tôm được nuôi nhiều hay ít. Nhưng, thường thì mỗi ao cũng từ nửa công đất đến một công đất mới gọi là làm ăn kinh tế được. Ao mà nhỏ quá thì cũng phải bỏ công chăm sóc, nuôi chẳng lợi gì.
Ao nuôi tôm có hai loại: Loại thứ nhất là ao để ương tôm bột (tức tôm con) và ao để nuôi “tôm bán thịt” tức là tôm đã trưởng thành được từ ba đến năm tuần tuổi.
2. Ao ương
Ao ương thường không cần lớn và cũng không cần đào nhiều, nuôi với tính cách gia đình thì chỉ đào một ao cũng đủ. Đây có thể là từ một cái ao sẵn có chỉ cần gia cố thêm bờ bông cho đúng quy cách, hay một cái ao mới đào. Hình thức cái ao vuông tròn, hay lục giác, bát giác ra sao cũng được. Tuy nhiên, nếu là ao mới thì nên đào theo hình chữ nhật vì kinh nghiệm cho thấy như vậy dễ kéo lưới bắt tôm hơn. Chiều dài của ao gấp đôi hay gấp ba bốn lần chiều rộng mới tốt.
Chung quanh ao phải có bờ cao bao bọc chắc chắn vừa để tránh nước tràn ra ngoài khi ngập lụt, khi gặp cơn mưa lớn và cũng vừa giữ được mực nước ổn định trong ao. Muốn vậy, bờ ao phải được đắp bằng đất thịt, đất pha sét, lại bảo đảm không có sự rò rỉ bất cứ từ lý do gì. Xin lưu ý là ao tôm thường là nơi cư ngụ của các loại cua còng. Những vị khách không mời mà tới này thường đào hang qua lại phá hại bờ bộng, khiến nước rò rỉ ra ngoài gây tổn hại ít nhiều cho việc nuôi tôm.
Chính vì vậy nên bờ ao thường được đào theo lối thoại thoải từ trên xuống dưới. Và nên tránh trồng dừa, trồng tre trúc trên bờ ao, vì những loại cây này có rễ vừa ăn sâu vừa ăn xa khiến bờ có nhiều lỗ mọi không sao hàn gắn được. Bờ còn phải được bồi đắp thường xuyên để tránh sụp lở.
Đáy ao cần bằng phẳng, tránh để cho nơi lõm nơi lồi thành gò đống. Đáy ao hơi thoai thoải dốc về phía cống xả để khi cần tháo nước sẽ cạn hồ, việc khai thác tôm dễ dàng hơn.
Ta phải phơi ao thật khô dưới nắng lớn độ một hai tuần để diệt hết cá dữ, diệt hết các mầm bệnh. Sau đó, rắc sơ một lớp vôi bột ở đáy ao và cạnh bờ ao, rồi phủ đáy ao bằng một lớp mỏng phân trâu bò hay phân ngựa phơi khô (những chất này sau sẽ biến thành phiêu sinh vật làm thức ăn cho tôm con). Ta cho nước vào ao từ từ, lần đầu chừng vài tấc nước, tuần sau cho nước vào ao từ 5 tấc đến 9 tấc là vừa.
Mực nước trong ao ương tôm không nên cạn dưới 5 tấc và cũng không được cao quá 9 tấc. Xin lưu ý là mỗi ao ương phải có hai ống bộng hay hai cống bằng gỗ hay bằng xi măng, có đường kính khoảng từ 20 đến 30cm đặt ở hai đầu ao, tiếp giáp với hai mương lớn (để cung cấp nước cho ao và khi cần để thoát nước trong ao ra được dễ dàng).
Cống này vừa có hệ thống đóng mở khi cần và có lưới mắt cực nhỏ để ngăn ngừa cá dữ từ ngoài lọt vào và cũng ngừa tôm con từ trong ao thoát ra không cho chúng lai vãng gần ao nuôi tôm.
Trung bình một mét khối ao ương có thể nuôi được 200 tôm con trong thời gian bốn tuần tuổi đầu. Sau đó, tôm được vớt sang nuôi tại ao nuôi tôm thịt.
2. Ao nuôi tôm thịt
Ao dành để nuôi tôm thịt cũng giống như ao nuôi tôm ương, nhưng có điều rộng hơn gấp nhiều lần, có thể 1000 mét vuông hoặc rộng hơn. Tuy nhiên, ao rộng quá cũng bất tiện trong việc bảo quản bờ bóng, khó khăn trong việc phân bố thức ăn đều khắp cho tôm, cũng như trong việc thu hoạch sau này.
Ao nuôi tôm thịt có mực nước cao từ một mét hai đến một mét rưỡi nên phải đào sâu hơn ao nuôi tôm ương và bờ phải cao và chắc chắn hơn. Bờ ao phải cao hơn mực nước ao chừng 50 – 60cm và phải bảo đảm không được lún lở mới được.
Xin lưu ý là tôm không sống thích nghi với nước phèn, độ pH trung bình từ 7,5 đến 8,5 mà thôi. Vì vậy, vùng đất nhiều phèn không thể đào ao nuôi tôm được.
Trong trường hợp gặp đất có độ phèn vừa phải thì ta đào lớp đất trên cùng để riêng ra, sau này dùng phủ lên lớp trên của đáy ao. Còn lớp đất phèn dưới sâu thì nên đem đi đổ thật xa. Đất dùng đắp bờ cũng nên dùng đất thịt hay đất sét (để khỏi thấm nước) mà đắp, không nên dùng đất phèn để đắp bờ, sau này gặp mưa, phèn sẽ xì ra trôi xuống ao giết hại tôm.
Đào ao xong, ta nên tháo cạn nước để phơi đáy ao suốt một hai tuần, đồng thời diệt hết cá dữ, cũng như các loài có hại cho tôm như lươn, ếch nhái, cá tạp nói chung.
Sau đó, ta rải một lớp vôi mỏng ở đáy và dọc bốn bên bờ ao, rồi rải một lớp phân hữu cơ đều khắp đáy ao, trung bình ba mét vuông một ký lô phân ngựa, hoặc phân bờ phơi khô. Chính lớp phấn này sẽ biến thành thức ăn cho tôm.
Ta cho nước vào ao từng đợt một, cứ vài ngày tháo cống cho nước vào vài tấc, cho đến khi trong ao có mức nước chừng 1 mét rồi ngưng để thả tôm. Khi tôm đã lớn, độ ba bốn tháng tuổi thì mức nước trong ao phải sâu từ 1 mét 2 đến 1 mét rưỡi mới tốt. Với mức nước này, trong ao lúc nào cũng giữ được nhiệt độ cần thiết cho tôm tăng trưởng, ta không còn phải lo ngại gì. Mà lượng dưỡng khí trong ao cũng khó lòng thiếu hụt khiến tôm phải bệnh.
Tóm lại, ta phải luôn luôn lo củng cố bờ bông thật kỹ, vì bờ bộng mà sụp lở hoặc rò rỉ thì tôm nuôi sẽ bị thất thoát, nếu không mực nước trong ao cũng không thể ổn định được như ý muốn của ta và như vậy việc chăn nuôi sẽ bị thất bại.