Kỹ Thuật Nuôi Tôm Hùm Alaska ( Đặt lồng nuôi )
I.CHỌN ĐỊA ĐIỂM ĐẶT LỒNG NUÔI
Chọn địa điểm đặt lồng nuôi tôm hùm là khâu đầu tiên và rất quan trọng. Địa điểm chọn đặt lồng nuôi phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Nơi có độ mặn cao, tương đối ổn định trong khoảng từ 30 - 36%o, ít bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, những vùng biển có nhiệt độ từ 24 - 32ºC, tốt nhất là từ 26 - 30°C.
Có nguồn nước trong sạch, ít bị ảnh hưởng bởi chất thải công nghiệp, nông nghiệp và đô thị
- Là nơi kín gió, có độ sâu phù hợp cho việc xây dựng và quản lí lồng nuôi, mức nước tối thiểu khi triều xuống thấp nhất phải đạt 2m, chất đáy là cát; cát bùn; hoặc chất đáy cát, cát bùn có lẫn đá san hô nhỏ, hoặc vỏ động vật thân mềm.
Gần nguồn giống, thức ăn và giao thông thuận tiện.
II. THIẾT KẾ VÀ XÂY DỰNG LỒNG NUÔI
Tùy vào điều kiện từng vùng mà có thể thiết kế các kiểu lồng nuôi khác nhau. Hiện nay có 2 kiểu lồng nuôi phổ biến: kiểu lông hở và kiểu lồng kín.
1. Kiểu lồng hở
Là loại lồng được cố định bởi các cọc gỗ ghim xuống đất.
Nguyên vật liệu và cách xây dựng.
- Kích thước lồng nuôi phù hợp là: 4 x 4(m); 3 x 4(m) và 4 x 5(m), chiều cao cọc phụ thuộc vào độ sâu nơi đặt lồng, tốt nhất nên đặt ở nơi có độ sâu 2 - 5m (lúc thủy triều thấp nhất).
Nguyên vật liệu và cách làm:
+ Cọc gỗ: có thể dùng gỗ tròn f=15 - 20 cm hoặc gỗ xẻ (gỗ 5 x 10cm), chiều dài cọc gỗ phụ thuộc vào độ sâu nơi đặt lồng (cọc gỗ phải có chiều dài cao hơn độ sâu tối đa khi triều cường tại nơi đặt lồng khoảng 0,5m). Cọc được vót nhọn một đầu và được cắm chặt xuống đất, khoảng cách giữa 2 cọc từ 1,5 - 2m.
+ Nẹp ngang thường dùng gỗ tròn có f= 12 - 15 cm hoặc dùng gỗ xẻ (gỗ 4 x 6 cm), nẹp cách nẹp 1,5 đến 2m.
+ Sắt làm khung lồng: dùng sắt tròn (sắt rằn) có f= 18 – 20 mm, được làm thành các khung hình chữ nhật, khoảng cách giữa 2 thanh sắt từ 1 - 1,2m, chiều cao (rộng) của khung sắt làm thân lồng cao từ 1 - 2m. Lưới lồng được bện trực tiếp vào các khung sắt sau đó lắp ghép lại và được cố định bởi khung cọc gỗ.
+ Lưới lồng: Hiện nay, phổ biến là làm lồng theo kiểu lồng 1 lớp hoặc 2 lớp, lưới lồng ghép sát vào nhau. Vật liệu bằng lưới sợi hoặc lưới PE, kích thước mắt lưới 2a = 25 - 35mm (tùy theo cỡ giống thả nuôi), đối với lưới đáy còn làm thêm một lớp lưới ruồi nhằm đảm bảo thức ăn không bị lọt ra ngoài khi cho ăn. Ngoài ra để an toàn, cần gia cố thêm một lớp lưới cước (cước 150 – 180), kích thước mắt lưới 2a = 35 - 40mm ở những phần có làm khung sắt. Những lồng sử dụng để tương tôm hùm giống thì kích thước mắt lưới nhỏ hơn sao cho đảm bảo tôm không chui ra ngoài ( 2a < 5mm).
+ Mặt trên của lồng phải có nắp đậy bằng lưới nhằm tránh thất thoát tôm do bắt trộm hay khi triều dâng cao ngập lồng nuôi. Trong những ngày nắng nóng, lồng nuôi xây dựng ở những vùng nước nông phải tiến hành che mát trên mặt lồng bằng các vật liệu như lá dừa, cót, hoặc dùng nắp lồng bằng lưới ruồi để tránh tôm hoạt động quá nhiều hay tôm bị đóng rong.
2. Kiểu lồng kín (lồng di động)
Loại lồng này thích hợp ở những vùng nhiều sóng gió, độ sâu lớn.
- Kích thước lồng kín thường nhỏ hơn lồng hở để thuận tiện cho việc di chuyển.
- Kích thước lồng phù hợp theo: dài x rộng x cao tương ứng là: 3 x 2 x 2 (m) hoặc 3 x 3 x 2 (m), thiết kế giống một hình hộp chữ nhật được tạo bởi các khung sắt hình chữ nhật, trên phần nắp lồng được đặt một ống nhựa f = 10 - 15 cm để thuận tiện trong việc cho ăn.
Vật liệu sắt, cách làm khung, vật liệu lưới và cách bện lưới vào khung sắt tương tự như lồng hở.
Loại lồng này không được cố định bằng cọc, có thể di chuyển một cách dễ dàng từ nơi này đến nơi khác.
Trong trường hợp ở nơi nhiều sóng gió, loại lồng này phải được cố định bằng các dây neo.
Dù là kiểu lồng kín hay hở cũng đều đặt lồng cách đáy ít nhất là 0,5m.
Nhược điểm của loại lồng này là khó thao tác, khó chăm sóc và quản lí hơn kiểu lồng hở.
3. Lồng ương tôm giống
Lồng ương tôm giống chủ yếu thiết kế theo kiểu kín, khung lồng được làm bằng sắt (f=16 - 20), kích thước phổ biến là (2 x 2 x 20m, lưới lòng được làm 2 lớp với kích thước mắt lưới 2a = 2 - 3 mm.
4.Bè nuôi
Hiện nay, do hiện tượng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng nên việc nuôi tôm hùm bằng bè trở thành ưu thế hơn so với nuôi lồng cố định hay lồng chìm, tuy nhiên, việc nuôi tôm hùm bằng bè cũng cần lưu ý một số điểm sau:
-Vùng đặt bè phải kín gió, các vật liệu như phao, gỗ, dây neo phải chắc chắn tránh làm bò bị chao đảo nhiều.
-Cần phải che mát lồng bằng các vật liệu như: bạt, cót,...