0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Kỹ thuật nhân giống dứa

Kỹ thuật nhân giống dứa

Nhân giống dứa bằng chồi

Nhân giống dứa không phải bằng hạt mà bằng "chồi", còn gọi là con giống. Nhân giống dứa có thể so sánh với các chồi ở cây chuối, đã có đủ thân, lá, rễ, trồng xuống đất gặp điều kiện đủ nhiệt, đủ ẩm là mọc rất dễ. Vấn đề chính của nhân giống dứa là làm sao có đủ số lượng chồi, với chất lượng cần thiết, vào đúng thời gian cần thiết để trồng cho kịp thời vụ.
 

Trên cây dứa có 3 loại chối chính, tính từ ngọn cây dứa trở xuống.

- Chồi ngọn:

Ở trên ngọn quả dứa, gồm rất nhiều lá ngắn ở chân mỗi lá ngắn đều đã có rễ khí sinh nên trồng dễ sống. Loại chồi này là một con giống tốt vì nặng (vài trăm gam trở lên) mọc khỏe, lớn nhanh, tuy nhiên so với chồi nách lâu ra quả, do chứa nhiều nước nên không để được lâu, vận chuyển hay có hao hụt vì thối.

- Chồi cuống:

Ở ngay gần chân quả dứa, trên cuống quả. Loại chồi này không ổn định về số lượng, kích thước. Có giống dứa có chồi cuống có giống không, chồi cuống cũng không phát triển nhanh như chồi ngọn hoặc chồi nách. Ở nhiều giống, ở chân chồi cuống có những quả dứa "tí hon". Nói chung chỉ dùng loại chồi này khi hiếm con giống và thường phải nuôi trong vườn ương một thời gian cho chồi đạt kích thước cần thiết trước khi đem trồng.

- Chồi nách:

Là chồi phát sinh trên thân cây dứa cao hay thấp trên cây tùy giống, tùy điều kiện thời tiết, dinh dưỡng. Thường chồi nách chỉ nảy sinh khoảng 1 tháng sau khi hoa dứa đã phân hóa. Chồi nách thường được coi là con giống tốt nhất vì:

+ Nặng, dự trữ nhiều chất dinh dưỡng. +Trồng bằng chồi nách, cây dứa ra hoa tương đối sớm.
 

+ Thân chồi đã hóa gỗ đến mức cần thiết, tách khỏi cây mẹ có thể dự trữ vài ba, thậm chí 4, 5 tháng không thôi, chờ có đủ số lượng cần thiết rồi mới trồng nhất loạt.

Tuy nhiên nhược điểm cơ bản nhất là số chồi nách thường quá ít không đủ để làm giống (ngoại trừ trường hợp có giống như dứa hoa Phú Thọ lại có quá nhiều chồi nách nhưng chồi quá nhỏ, không đủ tiêu chuẩn đem trồng).

Tạo ra đủ số chồi với trọng lượng cần thiết ở vào thời vụ cần thiết, vì vậy là một trong những quan tâm lớn của ngời trồng dứa quy mô công nghiệp.

+ Cách chăm sóc vườn dứa sau khi thu hoạch để ra được nhiều chồi nách:

Vườn dứa sau khi thu hoạch, chưa thể có chồi nách tốt, đủ điều kiện để đem trồng. Vì vậy sau khi thu hoạch cần chăm sóc một thời gian để chồi nách có thể phát triển. Việc làm cụ thể là:

• Chống cỏ dại mọc rộ lên sau khi thu hoạch. Có thể làm cỏ bằng tay, có thể dùng thuốc trừ cỏ.

• Chống rệp và kiến là những bạn đồng hành làm tổn thất nhựa dứa, gây bệnh "vin", và những tổn thất này có thể tiếp tục gây hại ở các chồi nách dùng làm giống.

• Chặt nhẹ những lá già bằng dao phát đặc biệt ở những vườn dứa mọc um tùm. Chặt bỏ lá già có nhiều tác dụng: lá bị chặt bỏ làm thành một lượt rác chống cỏ dại và mất nước, vườn dứa sau khi đến nhiều ánh sáng hơn kích thích việc ra chồi nách.

• Bón phân, chống rệp, chống hạn có thể cùng làm một lúc bằng cách phun các dung dịch trong có đạm, kali (kali không cần nhiều hơn đạm như khi bón nuôi quả) và thuốc trừ rệp.

 

Nếu muốn có nhiều chồi nách hơn thì cần phải kéo dài thời gian chăm sóc, không phải chỉ 3 - 7 tháng và 6 - 12 tháng. Dù sao vườn dứa ngày càng già đi, sức để chồi chậm lại, hiệu quả của việc chăm sóc giảm dần và với giống Cayenne không gai, thường chỉ có thể thu hoạch được từ 2 - 4 chồi nách dù có kéo dài thời gian chăm sóc để cây dứa đẻ thêm chồi.

Nhân giống cấp tốc

Có những trường hợp cần phải nhân giống thật nhanh, ví dụ:

  • Khi muốn mở rộng diện tích trồng.
  • Khi có một giống tốt mới nhưng số lượng con giống hạn chế.

 

Những trường hợp này người ta áp dụng những biện pháp đặc biệt như :

+ Phá hủy mô phân sinh tận cùng ở ngọn:

Có thể dùng một mũi khoan nhỏ, khoan sâu vào ngọn phá hủy mô phân sinh, bắt buộc cây ra nhiều chồi mới. Trước khi phá hủy mô có thể xử lý ra hoa nhân tạo để mô phân sinh dài ra dễ phá hơn (2 - 3 tháng trước khi phá).

+ Dùng những mắt ở thân già:
 

Cắt hết lá ở thân già. Cắt thân thành những khoanh dày 3cm, mỗi khoanh cắt thành 4 hay 8 mảnh. Như vậy một thân dứa có thể cắt thành 50 mảnh đem giâm ở vườn ương có thể sản xuất được 500.000 cây con/ha. Có thể cấy thưa những cây con để chúng mọc nhanh. Tuy vậy sau 4 tháng ương, cây con mới nặng 20g và lại phải lương thêm 8 tháng nữa chồi mới đạt kích thước bình thường để có thể đem trồng.

+ Dùng hóa chất và cấy mô:

Nhân giống dứa bằng biện pháp cấy mô, không có khó khăn về kỹ thuật nhưng giá thành sản xuất một con giống dứa tiêu chuẩn quá cao, cộng với sự cần thiết phải trồng một số lượng lớn cây giống trên 1ha (30.000 - 40.000 cây/ha) nên chưa thể áp dụng biện pháp nhân giống này trong sản xuất mặc dù hệ số nhân giống có thể rất cao.

 

3 cách nhân giống vô tính dứa

- Nhân giống bằng hom thân:

Sau khi thu hoạch, chọn cây phát triển tốt, không bị sâu bệnh đem về tách hết vỏ và rễ để lấy thân hom (không quá non), dài 15 - 20cm; sau đó chẻ làm đôi. Đem ngâm vào dung dịch thuốc phòng trị rệp sáp và bệnh nấm theo liều khuyến cáo từ 5 - 10 phút, sau đó vớt ra phơi 2 - 3 ngày nơi râm mát cho khô mặt cắt rồi đem vào nhà giâm.

Nhà giâm nên có mái che mưa và giảm cường độ ánh sáng, có hệ thống phun sương (có thể sử dụng bình phun phun định kỳ để duy trì âm độ từ 90 - 95%).

Môi trường giâm bằng cát hoặc mạt cưa, nhưng chú ý phải giữ ẩm và thoát nước tốt. Đặt hom với khoảng cách 3 x 3cm, lấp sâu 0,5 - 1cm là vừa. Mỗi thân hom nhân từ 10 - 15 chồi non.

- Nhân giống bằng chồi ngọn:

Chồi ngọn là phần trên cùng của quả dứa. Chọn chồi từ những quả tốt đồng đều, không sâu bệnh. Xử lý chồi bằng thuốc trừ rệp và nấm như đối với chồi nách. Sau đó chẻ dọc chồi thành 4 phần như nhau, tách mỗi phần thành nhiều hom, mỗi hom từ 3 - 4 lá (có cả phần lõi).

 

Môi trường giâm xử lý như đã nêu trên. Tách hom xong đem giâm, đặt phần lõi vào trong môi trường, lập lại rồi phun nước giữ ẩm thường xuyên. Nhà giàn phai có mái che và hệ thống phun sương Mỗi chồi ngọn có thể nhận được 20 chồi con.

 

- Nhân giống bằng phương pháp hủy đỉnh sinh trưởng:

Chọn những cây trồng ngoài ruộng sinh trưởng tốt, không nhiễm sâu bệnh, có từ 16 - 25 lá. Dùng đục có phần lõm bên trong, chiều dài từ 30 - 50cm tùy theo chiều cao của cây.

Bóc bỏ một số lá non trong noãn rồi đục vào tâm của phần ngọn, xoay 2-3 vòng. Rút đục ra và trong đục có đỉnh sinh trưởng của cây. Hủy đỉnh sinh trưởng xong, phun thuốc ngừa bệnh.

Trong cả ba phương pháp nhân giống này, khi thấy xuất hiện chồi non có chiều con 5 - 7cm thì tách và đem trồng ngoài đồng đến khi đạt tiêu chuẩn cây giống thì đem trồng đại trà.

Lưu ý: Khi giâm, chồi non xuất hiện rất nhiều đợt. Kể từ khi thu chồi đợt 2, nên bổ sung thêm phân để nuôi các chồi còn lại. Đối với phương pháp hủy đỉnh sinh trưởng, có thể để chối con trên cây mẹ đến khi đạt kích thước giống, tuy nhiên số chồi sẽ giảm.