0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Điều trị bênh cá tra và cá basa nuôi trong bè

ĐIỀU TRỊ BỆNH Ở CÁ TRA VÀ CÁ BASA NUÔI TRONG BÈ

A. NGUYÊN NHÂN MẮC BỆNH

Bệnh ở cá tra và cá basa nuôi trong bè được chia thành hai loại: bệnh truyền nhiễm và bệnh không truyền nhiễm. Bệnh truyền nhiễm gây ra do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Bệnh không truyền nhiễm chủ yếu do môi trường sống không thích hợp, do cá thiếu các vitamin và khoáng chất hoặc do các sinh vật gây ra.

B. ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÁ TRA VÀ CÁ BASA

Việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh cho cá thường khó khăn hơn nhiều so với các loài động vật trên cạn. Kết quả điều trị phụ thuộc vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn, chẩn đoán bệnh đúng hay sai, phương pháp điều trị có thích hợp không. Nếu phát hiện bệnh sớm thì khả năng điều trị dứt bệnh sẽ cao. Ngược lại, phát hiện bệnh muộn thì quá trình điều trị sẽ kéo dài, khả năng hết bệnh thấp.

I. Bệnh xuất huyết đường ruột

1. Triệu chứng

Cá bị bệnh thường có hiện tượng: bụng phình to, vây bụng sung huyết, hậu môn sưng đỏ và lồi ra, bơi lội lờ đờ, biếng ăn.

2. Điều trị

Có thể điều trị bằng phương pháp cho ăn:

Trộn Sulfathiazole và Thyromine vào thức ăn với liều lượng: 6g Sulfathiazole + 5g Thyromine/100kg ca.

Hoặc trộn 10g Sulfaguanidin trong 70kg thức ăn tự chế biến.

Cho cá ăn liên tục trong 5 ngày. Từ ngày thứ ba, giảm lượng thuốc xuống còn phân nửa.

3. Phòng bệnh

Để phòng bệnh xuất huyết đường ruột ở cá, có thể dùng cỏ mực (thái nhỏ) nấu chung với thức ăn tự chế biến (1kg cỏ mực/70kg thức ăn) rồi cho cá ăn. Cứ 2 tuần cho cá ăn một lần.

II. Bệnh đốm trắng

1. Nguyên nhân mắc bệnh

Bệnh thường xảy ra khi cá bị xây xát do vận chuyển, đánh bắt hoặc do nhiệt độ nước thay đổi đột ngột.

2. Triệu chứng

Cá mới nhiễm bệnh thường bỏ ăn, gốc vây lưng xuất hiện một số đốm trắng, dân dân lan xuống đuôi rồi đến toàn thân. Khi bệnh nặng, cá bơi lờ đờ và chết rất nhanh sau đó.

3. Điều trị

Nếu phát hiện bệnh sớm thì có thể điều trị hết bệnh. Còn phát hiện khi bệnh đã nặng thì thường không thể chữa trị. Có thể điều trị bệnh này bằng phương pháp cho ăn:

Dùng Sulfadimezin (5g/100kg cá) và Oxytetracycline(2g/100kg cá) trộn với thức ăn tự chế biến. Sau đó trộn với Superfact (250g/100kg thức ăn) rồi cho cá ăn.

Hỗ trợ tiêu hóa cho cá

III. Bệnh trùng bánh xe

1. Nguyên nhân mắc bệnh

Bệnh do trùng bánh xe (có hình dạng giống bánh xe) tấn công vào da, mang và các gốc vây làm cá bị bệnh. Bệnh dễ phát sinh trong điều kiện nuôi với mật độ dày, môi trường nước dơ bẩn. Bệnh thường xảy ra trong giai đoạn cá giống.

2. Triệu chứng

Cá mới nhiễm bệnh thường có hiện tượng thân xuất hiện lớp nhớt màu trắng đục, cá nổi đầu ở gần mặt nước và tập trung nơi có dòng nước chảy. Khi bệnh nặng, cá lờ đờ, lảo đảo rồi chìm xuống đáy ao và chết.

3. Điều trị

Dùng muối ăn (NaCl) với nồng độ 2 – 3%, tắm cho cá từ 5 - 15 phút. Hoặc dùng đồng sunfat (CuSO4) nồng độ 2 – 5mg/l tắm cho cá từ 10 – 15 phút. Cũng có thể phun trực tiếp đồng sunfat (nồng độ 0,5 - 0,7g/m3 nước) xuống ao để trị bệnh cho cá.

Cần phải thường xuyên thay nước để giữ cho nước ao được trong sạch.

IV. Bệnh trùng quả dưa

1. Nguyên nhân mắc bệnh

Bệnh do trùng quả dưa (Ichthyophthiosis) gây ra. Loại trùng này thường ký sinh trên da, mang và vây cá. Bệnh thường gặp ở giai đoạn cá giống.

2. Triệu chứng

Khi mới mắc bệnh, cá thường nổi đầu lên mặt nước, bơi lội lờ đờ. Khi bệnh nặng, mang cá sẽ bị tổn thương, dẫn đến cá bị ngạt thở và chết.

3. Điều trị

Tắm cho cá bằng hỗn hợp muối ăn (NaCl) và thuốc tím (KMnO4), liều dùng: 7kg muối ăn + 4g thuốc tím/m3 nước.

Thường xuyên thay nước ao để giữ cho môi trường nước được trong sạch.

V. Bệnh sán lá đơn

1. Nguyên nhân mắc bệnh

Bệnh chủ yếu do sán Dactylogyrus (sán lá 16 móc) và Gyrodactylus (sán lá 18 móc) gây ra. Chúng thường ký sinh vào mang cá, làm lở loét nghiêm trọng. Bệnh thường xảy ra đối với cá hương và cá giống.

2. Triệu chứng

Cá bị bệnh thường nổi đầu gần mặt nước và tập trung nơi có dòng nước chảy. Khi bệnh nặng, mang cá bị viêm và tiết nhiều nhớt, tia mang rời ra, dần dần cá không hô hấp được và chết.

3. Điều trị

Dùng thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 20g/ m3 nước, tắm cho cá từ 15 – 30 phút. Hoặc dùng muối ăn nồng độ 2 - 3%, tắm cho cá từ 5 - 10 phút.

Thường xuyên sục khí ao bằng nước oxy già (H2O2) với nồng độ 150 - 200ppm trong 1 giờ.

Nên thay nước ao định kỳ để giữ cho nước ao luôn được trong sạch.

VI. Bệnh giun sán nội ký sinh

1. Tác nhân gây bệnh:

Bệnh do giun móc (Acanthocephala), sán dây (Bothricephalus) hoặc giun tròn (Philometra) gây ra.

2. Triệu chứng:

Bệnh giun sán nội ký sinh thường không gây thành dịch, không làm chết cá hàng loạt nhưng làm cho cá chậm lớn, gây yếu. Giun sán có thể gây tắc hoặc thủng ruột, tạo điều kiện cho các loài vị khuẩn khác phát triển và gây bệnh cho cá.

3. Điều trị

Trộn thuốc tẩy giun sán vào thức ăn và cho cá ăn, đồng thời thay nước ao định kỳ để giữ cho môi trường nước được trong sạch.

VII. Bệnh trùng mỏ neo

1. Tác nhân gây bệnh

Bệnh gây ra bởi trùng Lernaea. Loại trùng này có dạng giống mỏ neo (nên thường gọi là trùng mỏ neo), dài khoảng 8 - 16mm, đầu có mấu cứng như mỏ neo.

2. Triệu chứng

Cá mắc bệnh sẽ có biểu hiện biếng ăn, gầy yếu, bơi lội lờ đờ. Tại những chỗ trùng bám thường có

hiện tượng xuất huyết. Đây là điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây bệnh khác như nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, virus phát triển.

3. Điều trị

Trước khi thả cá nuôi, phải kiểm tra xem cá có bị trùng mỏ neo ký sinh không, nếu có thì dùng thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 10 - 25g/m2 tắm cho cá trong 1 giờ. Ngoài ra có thể tắm cho cá bằng lá xoan với liều lượng 0,3 – 0,5kg/m3 nước.

VIII. Bệnh rận cá

1. Tác nhân gây bệnh

Bệnh gây ra bởi loại trùng thuộc giống Argulus, có màu trắng ngà, hình dạng giống như con rận cá. Loại này có thể nhìn bằng mắt thường.

2. Triệu chứng

Trùng thường tấn công vào da cá, hút máu cá, làm viêm loét da. Khi đó, các tác nhân gây bệnh khác như nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, virus sẽ tấn công vào vùng da bị lở loét và gây bệnh cho cá.

3. Điều trị

Có thể dùng thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 10g/m3 tắm cho cá trong 1 giờ.

IX. Bệnh nấm thủy mi

1. Tác nhân gây bệnh

Bệnh gây ra bởi nấm Saprolegnia hoặc Achlya. Các loại nấm này phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 18 - 25°C.

2. Triệu chứng

Trên da cá bị bệnh thường xuất hiện những vùng trắng xám với những sợi nấm nhỏ như sợi bông.

3. Điều trị

Có thể điều trị bằng một trong các cách sau:

Sát trùng vết thương trên cơ thể cá bằng dung dịch Potassium dichromate 5% hoặc Iodine 5%.

Dùng muối ăn (NaCl) với nồng độ 25.000ppm tắm cho cá từ 10 - 15 phút. Nếu dùng với nồng độ 1.000 - 2.000ppm thì không giới hạn thời gian tắm.

Dùng dung dịch thuốc tím (KMnO4) nồng độ 10ppm tắm cho cá trong 15 phút.

X. Bệnh nhiễm khuẩn huyết Aeromonas

1. Nguyên nhân mắc bệnh

Bệnh do nhóm vi khuẩn Aeromonas gây ra. Bệnh dễ phát sinh trong môi trường nước bị nhiễm bẩn, bị ô nhiễm từ các nguồn nước thải công nghiệp, hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp. Nuôi với mật độ dày cũng là nguyên nhân làm cho cá dễ mắc bệnh.

2. Triệu chứng

Cá bị bệnh thường có hiện tượng cơ thể xuất hiện từng mảng đỏ và các khối u, bụng có biểu hiện sẫm màu từng vùng, lưng có nhiều vết thương, đuôi và vây bị hoại tử, mắt mờ đục, lồi và sưng phù.

3. Điều trị

Có thể dùng thuốc tím (KMnO4) để tắm cho cá, liều dùng là 4g/m3 nước). Số lần tắm cho cá tùy vào tình trạng bệnh. Bệnh nặng thì 1 hoặc 2 tuần tắm một lần. Bệnh nhẹ thì có thể 1 tháng tắm một lần. Ngoài ra,

Ngoài ra có thể chữa trị bằng cách trộn thuốc vào thức ăn và cho cá ăn:

+ Với thuốc Oxytetracyline: cho cá ăn từ 7 - 10 ngày, liều lượng 55 - 77mg/kg thể trọng cá.

+ Với thuốc Streptomycin: cho cá ăn từ 5 - 7 ngày, liều lượng từ 50 - 77mg/kg thể trọng cá.

+ Với thuốc Kanamycin: cho cá ăn trong 7 ngày, liều lượng 50mg/kg thể trọng cá.

+ Với thuốc Sulfamid: cho cá ăn từ 7 - 10 ngày, liều lượng từ 150 - 200mg/kg thể trọng cá.

XI. Bệnh nhiễm khuẩn Pseudomonas (thường gọi là bệnh đốm đỏ)

1. Nguyên nhân mắc bệnh

Bệnh do nhóm vi khuẩn Pseudomonas gây ra. Bệnh dễ phát sinh trong điều kiện môi trường nước có hàm lượng oxy hòa tan thấp, cá thiếu dinh dưỡng, nuôi với mật độ dày.

2. Triệu chứng

Cá bị bệnh thường có hiện tượng cơ thể xuất hiện nhiều đốm đỏ rỉ máu và tiết ra nhiều chất nhờn. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể cá và gây tổn thương nghiêm trọng, nếu không chữa trị kịp thời thì cá chết rất nhanh.

3. Điều trị

Phải thay nước thường xuyên, đồng thời kết hợp tắm cho cá bằng thuốc tím (KMnO4). Hoặc điều trị bằng phương pháp cho ăn thức ăn có trộn thuốc Oxytetracyline, Streptomycin, Kanamycin, Sulfamid...

XII. Bệnh nhiễm khuẩn huyết Edwardsiella

1. Nguyên nhân mắc bệnh

Bệnh do vi khuẩn Edwardsiella tarda gây ra. Bệnh dễ phát sinh trong điều kiện môi trường nước kém chất lượng hoặc nuôi với mật độ dày.

2. Triệu chứng

Cá bị bệnh thường xuất hiện những vết thương nhỏ trên da, dần dần làm cho da bị mất sắc tố. Có trường hợp vết thương xuất hiện bên dưới biểu bì, cơ. Khi ấn vào chỗ vết thương thì phát ra mùi hôi. Ngoài ra, vây đuôi của cá thường bị tưa rách làm cá mất khả năng hoạt động.

3. Điều trị

Thường xuyên thay nước, đồng thời kết hợp phương pháp cho ăn thức ăn có trộn các loại thuốc Oxytetracyline, Streptomycin, Kanamycin, Sulfamid.

XIII. Bệnh do dinh dưỡng không hợp lý

1. Nguyên nhân mắc bệnh

Ngoài các bệnh nêu trên, còn có một số bệnh phát sinh do cá bị thiếu hay mất cân đối về dinh dưỡng.

Thức ăn thiếu các axit amin như Arginin, Lysin, Methionin sẽ làm cho cá còi cọc, chậm lớn và dễ mắc bệnh. Thức ăn thiếu các khoáng chất cần thiết như Se (selen) thì cá dễ bị bệnh phù, thiếu Zn (kẽm) thì cá dễ bị mờ mắt, đục thủy tinh thể.

Ngoài ra, nếu thức ăn thiếu các loại vitamin thì cá cũng dễ mắc bệnh. Đối với cá giống, nếu không cung cấp đủ vitamin C thì cá dễ bị tóp nắp mang, dị hình cột sống. Đối với cá thương phẩm, thiếu vitamin C sẽ làm cho thịt cá kém chất lượng, thịt bị vàng, hàm lượng đạm trong thịt thấp. Cá thiếu vitamin C trầm trọng thì sức đề kháng sẽ giảm, dẫn đến cá chậm lớn và dễ mắc bệnh.

Nếu thiếu các loại vitamin như A, B12, axit folic thì cá thường có biểu hiện kém ăn, thiếu máu. Thiếu vitamin E thì mỡ và thịt cá sẽ bị vàng.

2. Phòng bệnh

Để phòng một số bệnh do dinh dưỡng, phải thường xuyên bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất vào thức ăn hàng ngày cho cá.