Điều kiện sinh thái trồng hồng
Điều kiện sinh thái trồng hồng
a. Khí hậu
Nhiệt độ: Hồng là cây ưa khí hậu ôn đới và á nhiệt đới, không chịu được nhiệt độ cao. Trong giai đoạn sinh trưởng cây hồng cần nhiệt độ tương đối cao, từ 20 – 30°C. Giai đoạn ra hoa cần nhiệt độ thấp, khoảng 10°C.
Cây hồng là cây định kỳ rụng lá, cần có một thời gian nghỉ cùng với nhiệt độ thấp nhất định để phân hóa mầm hoa. Ở một vùng nào đó, nhiệt độ mùa đông không thấp xuống một mức độ nhất định, cây hồng không có nghỉ đông nên không ra lộc và ra hoa bình thường được. Tuy vậy so với các cây rụng lá khác như táo, đào, lê, mận, thì cây hồng chịu được nhiệt độ cao hơn. Còn so với vải thì hồng chịu được lạnh và nóng tốt hơn.
Vì vậy ở nước ta, cây hồng được trồng trong phạm vi rộng hơn, từ vùng cao Đồng Văn, Sapa cho tới vùng đồng bằng, vào tới Hà Tĩnh. Riêng ở Đà Lạt trồng hồng tốt, ra hoa kết quả bình thường, trong khi đào, mận, vải không trồng được.
Lượng mưa và độ ẩm. Ở Trung Quốc cây hồng trồng phổ biến ở vùng núi khô hạn, lượng mưa hàng năm chỉ khoảng 500 mm, mạch nước ngầm sâu tới 10 m, sản lượng tuy có thấp một chút nhưng chất lượng tốt. Ở những vùng có lượng mưa cao tới 2.000 mm/năm, cây hồng vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Tình hình này chứng tỏ cây hồng vừa chịu hạn vừa chịu ẩm, được coi như cây của vùng á nhiệt đới ẩm. Tuy vậy khả năng chịu úng có mức độ, không nên trồng nơi có mực nước ngầm cao, đất quá ẩm và bị đọng nước mùa mưa.
Ánh sáng: Hồng là cây ưa ánh sáng, khả năng quang hợp mạnh do bộ lá dày, to, xanh thẫm (nhiều diệp lục). Cần trồng nơi nhiều ánh sáng, mật độ không dày quá và đốn tỉa cành để bộ lá phân bố đều.
b. Đất
Cây hồng có thể trồng trên nhiều loại đất miễn là có tầng đất sâu và thoát nước. Tuy vậy ở vùng đất phù sa màu mỡ cây mọc khỏe, năng suất cao. Vùng đất cát hoặc đất sét thiếu chất dinh dưỡng và đọng nước bộ rễ phát triển kém, cây sinh trưởng không tốt lắm và dễ bị rụng quả. Ở những nơi có mạch nước ngầm cao, khi cây lớn từ năm thứ 3 – thứ 4 trở đi sẽ bị ảnh hưởng, rễ bị thối, cây sinh trưởng kém dần và có thể bị chết. Yêu cầu mạch nước ngầm phải sâu trên 1 m.
Độ pH thích hợp khoảng 5,0 – 6,5, có thể chịu đất hơi chua nhưng không quá mặn. Nếu pH dưới 5 cần bón vôi. 3. Yêu cầu dinh dưỡng
Cây hồng cần đầy đủ chất dinh dưỡng để sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Trong đó cần nhiều nhất là đạm, lân, kali, canxi, magiê và các chất vi lượng như kẽm, bo, ...
Triệu chứng thiếu chất dinh dưỡng biểu hiện như sau:
Thiếu đạm (N): Lá vàng và nhỏ, cành ngắn, quả bị chín ép.
Thiếu lân (P): Lá màu xanh tối, hơi cuốn lại, hàm lượng đường trong quả bị giảm.
Thiếu kali (K): Các lá già bị nhăn nheo, mép lá khô và cuốn lại, quả dễ bị rụng.
Thiếu magiê (Mg): Trên lá có các đám màu nâu nhạt, rìa lá bị khô.
Thiếu kẽm (Zn): Lá có màu nâu nhạt trong khi gân lá còn xanh, lá nhăn nheo và nhỏ lại.
Thiếu bo (B): Trên quả có những điểm xốp.
Khi cây có biểu hiện thiếu cần bón thêm phân hoặc phun lên lá.