Cây hồng
Cây hồng được trồng phổ biến để ăn quả hiện nay là cây của vùng á nhiệt đới, nguồn gốc Trung Quốc và Nhật Bản. Trên thế giới, nước trồng hồng nhiều nhất là Trung Quốc, khắp nước đâu đâu cũng trồng hồng, có nhiều giống tốt, chất lượng cao, sinh trưởng thuận lợi. Sau đó là các nước Nhật, Ý, Triều Tiên, Braxin.
Hồng là loại quả có chất lượng cao, quả hồng chưa tới 15 - 20% đường, lượng axit rất thấp, chỉ 0,1 - 0,2%. Lượng vitamin C nhiều tương đương với cam quýt. Ngoài ra còn có vitamin A, B1, B2, PP.
Quả hồng dùng ăn tươi và phơi khô, khi phơi khô hàm lượng đường tăng lên đến trên 60%. Trong đông y, quả hồng còn là một vị thuốc tốt. Quả hồng ngâm rượu uống là một vị thuốc bổ chữa suy nhược, tai quả hồng dùng chữa ho, đầy bụng. Quả hồng cũng còn dùng chữa bệnh huyết áp cao.
Hồng còn là một cây cảnh đẹp. Mùa hè thì lá xanh thẫm, mặt trên bóng láng, mùa thu lá chuyển sang sắc đỏ trước khi rụng. Cuối thu hồng trút hết bộ lá, chỉ còn lại những quả vàng đỏ trên cành, làm cho cây hồng có một vẻ đẹp riêng, không cây nào có.
Quả hồng có vị ngon ngọt đặc biệt, hình dạng cân đối, vỏ nhẵn bóng và có màu đỏ tươi, là một loại quả quí về chất lượng và hấp dẫn về hình thức. Vì vậy, người Mỹ gọi hồng là “mỹ phẩm phương Đông”.
Ở nước ta, hồng cũng được coi là một loại quả quí, thường dùng trong việc thờ cúng, biếu xén trong những dịp lễ tết. Từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc ở đâu cũng trồng hồng. Từ lâu đã hình thành những vùng hồng nổi tiếng như Lạng Sơn (Hồng Lạng), Hạc Trì (Hồng Hạc), Thạch Thất (Sơn Tây), Thạch Hà, Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Hiện nay vùng trồng hồng đã mở rộng tới Thừa Thiên - Huế.
Ở miền Nam hồng chỉ trồng ở cao nguyên Đà Lạt, do có mùa đông lạnh thích hợp.
Từ lâu, người Trung Quốc đã đánh giá cây hồng có 7 ưu điểm lớn (thật tuyệt), như sống lâu, bộ lá dày, lá rụng mùa đông, vỏ thân nhẵn nhụi, màu sắc lá chuyển theo mùa, quả ngon, lá rụng có thể dùng đóng sách. Ngoài ra cây hồng còn là cây dễ tính, thích hợp nhiều loại đất, khả năng chống chịu tốt, năng suất cao và ổn định. Ở Phú Hộ (Phú Thọ) trồng mật độ 100 cây/ha, mới 5 – 6 năm mà mỗi cây cho bình quân 30 – 40 kg quả. ở Trung Quốc có cây già tới 300 năm mà vẫn cho hàng tấn quả.
Ở miền Bắc và Đà Lạt, hàng năm cây hồng ra hoa nhiều vào tháng 3 4, quả chín vào tháng 8 9, có giống chín muộn vào tháng 11-12. Mùa thu, vào dịp rằm tháng 8, hồng chín ăn với cốm xanh là một đặc sản ở miền Bắc.
ĐẶC TÍNH
1. Đặc tính thực vật học
Cây hồng thuộc họ Thị (Ebenaceae), là cây thân gỗ lâu năm. Cao trung bình 10 – 15 m, có
cây cao trên 20 m. Tán cây rộng, có dạng hình tháp, hình tròn hoặc hình dù. Lá đơn, to, màu xanh đậm. Quả hình tròn, hình trứng hoặc vuông, màu vàng hoặc đỏ có 4 cạnh, thịt quả màu vàng, không hạt hoặc có hạt. Đặc điểm quả thay đổi khá nhiều tùy giống.
a. Đặc điểm nẩy lộc ra cành
Hồng là cây thay lá hàng năm về mùa đông. Thời gian thay lá (thời gian nghỉ) ngắn hay dài, sớm hay muộn phụ thuộc vào nhiệt độ. Nhiệt độ thấp thì thời gian thay lá sớm và kéo dài. Ở miền Bắc nước ta, hồng bắt đầu rụng lá vào cuối tháng 10, sang đến giữa và cuối tháng 2 năm sau mới ra lộc, thời gian nghỉ kéo dài tới 4 5 tháng.
Từ khi bắt đầu ra lộc cho đến khi cành ngừng sinh trưởng gọi là một đợt cành. Cây còn trẻ đang sung sức một năm ra 3 – 4 đợt cành, Cây lớn, cây già chỉ ra 1 2 đợt cành. Đợt cành thứ nhất ra đầu năm gọi là cành xuân) thường chia thành 3 loại cành:
- Cành sinh trưởng là cành không ra hoa, chỉ có lá làm nhiệm vụ tăng khối lượng cho cây và tích lũy chất dinh dưỡng nuôi hoa, quả.
- Cành mang hoa đực thường nhỏ, mọc từ gốc cành năm trước.
Cành mang hoa cái và hoa lưỡng tính là những cành mang quả, phần lớn phát sinh ở gần ngọn của cành sinh trưởng năm trước chưa ra quả.
Bằng cách cắt tỉa cành đúng cách có thể tạo ra một tỷ lệ thích hợp giữa các loại cành trên tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển điều hòa, cho năng suất cao và ổn định.
b. Đặc điểm ra hoa
Khoảng 30 – 40 ngày sau khi nảy lộc thì ra hoa và hoa ra ở nách lá thứ 3 - 8 tính từ chân cành quả lên ngọn. Thời gian ra hoa kéo dài 20 – 25 ngày. Có 3 loại hoa:
Hoa đực nhỏ, mọc thành chùm, chỉ có nhị và bao phấn.
- Hoa cái có nhụy rất phát triển, nhị đực bị thoái hóa.
- Hoa lưỡng tính có cả nhụy cái và nhị đực, có thể tự thụ phấn được.
Hoa đực và hoa cái có thể cùng có trên một cây nhưng tỷ lệ có khác nhau. Cây còn trẻ, khỏe, dinh dưỡng đầy đủ thì hoa cái nhiều; nếu cây già, dinh dưỡng kém thì hoa đực nhiều hơn. Những cây trồng bằng hạt thường có hoa lưỡng tính, thụ phấn và đậu quả dễ dàng nhưng nhiều hạt và chất lượng kém.
Những giống hồng tốt thường có hoa đơn tính, hoặc đực hoặc cái. Có giống không cần thụ phấn cũng đậu quả, quả không có hạt và kích thước khá đồng đều như các giống hồng Lạng Sơn, hồng Hạc Trì. Có nhược điểm là hoa cái ít nên năng suất thấp và đòi hỏi đất tốt.
Có những giống cần thụ phấn thì quả mới to, đẹp. Không được thụ phấn tốt thì quả nhỏ, không có hoặc có ít hạt, như giống hồng Thạch Thất. Đối với những giống này nên trồng xen những giống hồng lại nhiều hoa đực với tỷ lệ khoảng 1/10 để tăng cường thụ phấn. Các loài côn trùng và gió sẽ giúp cho việc thụ phấn. Đôi khi cũng áp dụng cách thụ phấn nhân tạo bổ sung nếu gặp thời tiết xấu, ít ong bướm.
Cách làm là vào buổi sáng đi hái những hoa đực sắp nở đem về ngắt lấy bao phấn phơi trên giấy trong phòng khô ráo. Sau 1 - 2 ngày bao phấn khô cho vào túi giấy hoặc lọ màu nâu đậy kín để thụ phấn dần. Khi thụ phấn dùng bút lông hoặc que nhỏ trên đầu quấn ít bông nhúng vào túi hạt phấn rồi chấm lên đầu nhụy cái của hoa mới nở. Theo các tác giả Triều Tiên, cứ 1.000 hoa thì được 2,5 g phấn và cần 100 g phấn để thụ cho 1 ha hồng nếu dùng bút lông. Thụ phấn bổ sung giúp tăng đậu quả, quả to, đẹp và chất lượng tốt.
Sau khi trồng từ 3-5 năm cây hồng bắt đầu ra hoa đậu quả. Hiện tượng rụng hoa rụng quả xảy ra khá nhiều, tỷ lệ rụng trên 90%. Trong đó hoa bị rụng nhiều nhất. Sau đó khi quả đã đậu cho đến khi chín vẫn tiếp tục bị rụng. Nhiều nhất là khi quả mới đậu còn nhỏ, làm giảm năng suất đáng kể. Nguyên nhân gây rụng quả có nhiều, do sâu bệnh, do mưa gió và chủ yếu là do sinh lý. Cây không đủ phấn, kết quả quá nhiều, thiếu dinh dưỡng, bị hạn là những nguyên nhân sinh lý thường làm cho tỷ lệ rụng hoa rụng quả tăng.
Biện pháp chống rụng quả có hiệu quả thường áp dụng là bón phân, tưới nước đầy đủ, nếu quả đậu nhiều cần tỉa bớt, thụ phấn bổ sung và phun các chất điều hòa sinh trưởng auxin, GA3. Kinh nghiệm tỉa quả là để lại 1 – 2 quả trên các cành quả ngắn, 2 – 3 quả trên các cành quả dài hoặc cứ 15 – 20 lá còn xanh thì để lại 1 quả.