0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Cách phòng trị nhện rám vàng

Cách phòng trị nhện rám vàng

Nhện rám vàng Phyllocoptruta oleivora hại cam, quýt là một loài nhện thuộc họ Eriophyidae.

Phân bố:

Nhện rám vàng được coi là một trong các loài gây hại cam, quýt quan trọng nhất trên thế giới. Chúng phân bố tại nhiều nước thuộc châu Mỹ, châu Phi và châu Á. Đây là loài bản địa của vùng Đông Nam Á.
- Phạm vi ký chủ:

Gây hại trên các loài cây thuộc giống cam chanh (Citrus), đặc biệt là chanh, cam, bưởi, quất, quýt.

Triệu chứng và mức độ gây hại:

Cả nhện trưởng thành và nhận non tập trung chích hút dịch vỏ quả, khiến vỏ quả biến màu, chuyển sang màu xỉn, màu xi măng hoặc màu nâu đen, thường được gọi là “rám/nám quả”. Triệu chứng hại điển hình là khi quả đủ lớn, vỏ quả có màu xám bạc, mất màu xanh hoặc vàng đặc trưng. Toàn bộ vỏ quả hay một diện tích lớn phía dưới quả có màu thâm hơi nâu hoặc thâm đen, làm giảm đáng kể giá trị thương phẩm. Nếu bị hại từ lúc quá nhỏ, quả không lớn được, có khi bị khô đét và rụng. Những quả bị hại thường tập trung ở chỗ rậm rạp trong tán lá hoặc nơi ít ánh sáng. Hiện tượng rám quả do nhện rám vàng nhiều hơn là do nhện trắng.

Mặt dưới lá khi bị hại thường có màu nâu hơi đen hoặc hơi vàng. Cành nhỏ màu nâu hơi tím hoặc thâm đen
Đặc điểm hình thái:

Nhện rám vàng (NRV) Phyllocoptruta oleivora A. có kích thước cơ thể nhỏ, màu vàng, không nhìn thấy bằng mắt thường. Cơ thể có hình củ cà rốt và hơi dẹt. Có 2 đôi chân hướng về phía trước. Vuốt bàn chân có 5 lông. Trứng hình cầu, màu trắng hơi vàng.

Trứng được đẻ rải rác trên quả hoặc gần gân chính lá. Xác lột màu trắng, khi nhiều tạo nên đám trắng bạc.

Sự phân bố của nhện rám vàng trên 2 mặt của lá và trên các đợt lộc khác nhau là không giống nhau. Mật độ của nhện rám vàng có liên quan khá chặt chẽ với lượng mưa.

Khi cây chưa ra hoa kết trái, nhện sống ở tầng lá bánh tẻ là chính. Sau khi quả đậu, chúng di chuyển từ các lá dưới lên các lá trên và lên quả.

Cách phòng trị:

Áp dụng biện pháp IPM, trong đó chú ý các điểm sau đây:

+ Cắt tỉa tạo tán thông thoáng và bón phân cân đối.

+ Tiến hành tưới nước theo kiểu phun mưa để rửa trôi một phần nhện nhỏ trên các bộ phận của cây.

+ Thường xuyên điều tra, xác định những diện tích bị nhện nhỏ gây hại, tiến hành sử dụng dầu phun như: Visorber 88.3 EC, dầu khoáng SK Enspray 99 EC để phun trừ. Khi sử dụng dầu phun cần tuân thủ các nguyên tắc khuyến cáo của nhà sản xuất.

Đặc biệt không pha dầu phun với một số thuốc có hoạt chất hóa học như: Carbaryl, Dimethoate, propergite, chorothanil vì sử dụng các hợp chất này pha với dầu để phun sẽ gây ngộ độc cho cây, như cháy lá, rụng lá, đốm đen trên lá, cháy chóp lá, những đốm dầu trên lá và quả.

Phun dầu vào sáng sớm, thời tiết râm mát, không phun trong các điều kiện thời tiết: Hạn hán, sau ngập lụt, có gió to, lạnh bất thường hoặc nhiệt độ trên 32°C.

Ngoài ra, khi sử dụng dầu phun có thể trừ được một số loại dịch hại khác như: Rệp vảy, sâu vẽ bùa... và ngăn chặn một số loài côn trùng môi giới truyền bệnh virus như: Rầy mềm, rầy phấn trắng. Đồng thời diệt trừ rầy chổng cánh môi giới truyền bệnh greening (vàng lá gân xanh).

+ Ngoài ra có thể dùng đơn lẻ các loại thuốc để phun trừ nhện như: Ortus 5 SC, Danitol 10 EC, Comite 73 EC... Phun theo liều lượng khuyến cáo, phun ướt đều bề mặt lá và các bộ phận khác trên cây.

+ Sử dụng thuốc trừ dịch hại trên cam chanh một cách chọn lọc, tránh phun các loại thuốc quá độc đối với thiên địch của nhện hại.

Khi áp dụng các loại thuốc hoá học cần chú ý: Phun ướt đều hai mặt lá và quả với lượng thuốc 800 lít/ha. Ở những nơi tỷ lệ hại cao trong các năm trước nên tiến hành phun 2 lần thuốc trừ nhện rám vàng vào các thời điểm khi hoa nở xong và quả có đường kính 1 - 2cm. Các loại thuốc có thể sử dụng là Pegasus, Nissorun, Comite, Ortus và Danitol.