0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
CÁCH NUÔI TÔM CÀNG XANH (THỨC ĂN CỦA TÔM)

THỨC ĂN CỦA TÔM

Tôm là loài ăn tạp, lại là loài háu ăn. Chúng gần như tìm thức ăn cho vào bụng cả ngày lẫn đêm. Vì vậy, với tôm còn nhỏ, ta nên cho chúng ăn thêm một hai bữa vào ban đêm để chúng mau lớn.

Với tôm lớn, ta có thể cho ăn ngày ba bữa: bữa sáng là bữa chính, hai bữa sau là bữa phụ. Nhưng tôm con thì ngày cho ăn năm bữa mới vừa sức.

Tôm rất thích ăn mồi động vật, nếu địa phương nào có nguồn mồi động vật nhiều mà giá hạ thì cho tôm ăn đến mức 50%, hoặc hơn càng tốt. Còn không thì ta có thể hạn chế khoảng 20 đến 30% cũng được.

Mồi động vật gồm có cá vụn, cá tạp (biển hay đồng cũng được) thịt gia súc như gà vịt, trâu bò... (tất nhiên là dùng loại phế phẩm không dùng cho người - giá rẻ) cua, tôm, tép, ruốc, sò ốc... Có thể dùng bột cá thay thế cho cá tạp cũng được.

Ngoài ra, ta còn dùng thực phẩm tinh bột như bắp, tấm, gạo, cám nhuyễn, khoai mì, khoai lang... Các loại chất béo như xác dừa, bánh đậu nành, bánh đậu phộng..

Trong khẩu phần ăn của tôm, ta dùng 40% thức ăn động vật, trộn với 40% tinh bột và phần còn lại là chất béo.

Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh từng địa phương mà ta có thể gia giảm chút ít.

Thí dụ:

Thức ăn động vật: 40%

Tinh bột (bắp, cám, tấm): 40%

Chất béo (xác dừa, bột đậu nành): 20%

Chẳng hạn vùng thức ăn động vật hiếm hoi, thì có thể sửa đổi:

Thức ăn động vật: 20%

Tinh bột: 50%

Chất béo: 30%

Hoặc:

Thức ăn động vật:15%

Tinh bột 40%

Chất béo: 45%

Thức ăn tự ta pha trộn sao cho hợp lý và rẻ tiền. Nhưng khi áp dụng cũng nên để tâm theo dõi về sự tăng trọng của tôm có tiến triển hay không. Nếu không thì tùy nghi mà sửa đổi lại công thức phù hợp khác.

Điều cần là nên thay đổi từ từ, nay một ít, mai một ít. Không nên thay đổi khẩu phần ăn một cách đột ngột, có hại cho sức khỏe của tôm.

Thức ăn của tôm có thể cho ăn sống hoặc nấu chín dưới dạng sền sệt để còn dễ vò viên, vì tôm thích ăn thức ăn dưới dạng viên nho nhỏ như viên cát lớn. Cũng có thể cho ăn theo dạng khô, như các nước ngoài chế biến.

Muốn vậy, ta phải xay nhỏ mọi loại thức ăn trước khi cho ăn sống hoặc nấu cho ăn.

Thức ăn khi được nấu chín thì ép vào khuôn đáy có lỗ nhỏ vừa lọt cọng bún, để tạo ra sợi nhỏ ngắn hoặc hột. Có thể bỏ thức ăn vào lưới mùng hoặc lưới sắt có lỗ cực nhỏ mà bóp ra thành hột để cho ăn ngay hoặc phơi khô cho ăn dần...

Hiện nay, ngoài thị trường có bán sẵn thực phẩm nuôi tôm được chế biến sẵn như thức ăn heo gà, ta có thể dùng được.

Không nên tập trung thức ăn vào một chỗ, như góc ao, như vậy tiện cho mình nhưng bất lợi cho tôm vì chúng phải tranh giành thức ăn của nhau, con mạnh lấn mồi con yếu. Một là ta rải thức ăn đều khắp mặt ao để tôm tìm mồi thoải mái, mạnh yếu, lớn nhỏ gì cũng no nê cả.

Nhưng cách tốt hơn hết là cho tôm ăn bằng sàng. Sàng là cái mẹt lớn, hoặc như cái nong, đan bằng tre hoặc nứa, hình tròn hay hình vuông, có bề cạnh chừng 80cm, một mét. Ta rải đồ ăn lên sàng rồi hạ sàng xuống dưới mặt nước chừng ba bốn tấc để tôm tự động tìm đến sàng mà ăn.

Cho ăn theo cách này có hai điều lợi là ta kiểm soát được sức ăn của tôm, nếu ăn dư thì lần sau bớt khẩu phần lại, nếu ăn thiếu thì lần sau tăng khẩu phần lên. Ngoài ra, ta còn có dịp quan sát sức khỏe bầy tôm, sự tăng trọng của chúng ra sao để tùy đó mà liệu định.

Tôm nuôi chủ yếu sống nhờ vào thức ăn mà ta ban phát cho chúng hàng ngày. Vì vậy, đừng nghĩ rằng “con cá sống nhà nước” mà xao nhãng việc cho ăn, hoặc bữa đói bữa no, bữa có bữa không, một ngày ăn, năm bảy ngày nhịn là việc không nên.

Đồng ý là con tôm có thể tìm được chút ít thức ăn như rong tảo, phiêu sinh vật sống trong nước, nhưng với mật độ tôm nuôi khá dày như vậy thì thức ăn thiên nhiên nào có thấm gì!

Mỗi ngày ta phải đem tất cả sàng ra mương cạo rửa cho sạch sẽ, tẩy rửa hết những thức ăn cũ còn vướng lại trên sàng để nước ao khỏi bị hôi thối ô nhiễm, có hại cho sức khỏe của tôm nuôi.

Có một cách tính thức ăn cho tôm là trọng lượng thức ăn bằng 5 đến 7% trọng lượng tôm trong hồ (tất nhiêu là tính chung tất cả các bữa ăn trong ngày). Thế nhưng, cái khó là làm sao tính được chuẩn xác trọng lượng của tôm trong hồ là bao nhiêu. Làm sao kiểm soát được điều đó, khi giống tôm có lối sống ngầm dưới đáy? Vì vậy, cho ăn sàng là cách kiểm tra tôm tốt nhất.

CÁCH THU HOẠCH

Tôm càng xanh thường được nuôi trong các ao lớn, có diện tích từ 500 mét vuông trở lên một hai ngàn mét, nên việc thu hoạch khó khăn hơn tôm sú, nuôi ao cỡ nhỏ.

Sau những tháng dài với nhiều âu lo và vất vả, nay đến ngày thu hoạch thì tất nhiên ai cũng mừng. Già trẻ gái trai trong nhà đều rủ nhau ra ao. Mà thu hoạch tôm quả là phải cần nhiều nhân lực, đôi khi phải cậy nhờ đến cả người ngoài, những chuyên viên về lưới, bắt, chứ tay ngang không ai làm nổi.

Vì rằng, bắt con tôm không phải đem về ăn mà là đem bán. Tôm đem bán cần nhất phải sống (đắt như tôm tươi mà! không được gãy cẳng gãy càng, cũng không được giập mình, vì như vậy khách hàng mới ưa, như vậy mới xuất khẩu được. Do đó, tay ngang thì làm sao khai thác được tôm?

Hơn nữa, bắt tôm phải bắt cho nhanh, thanh toán hiện trường càng gấp càng tốt. Vì vậy, mỗi người phải có phần vụ khác nhau và ai cũng phải lo chu toàn công việc của người ấy mới được.

Người tập hợp đầy đủ xong, còn phải lo đầy đủ dụng có để đánh bắt như lưới, rộng, rổ, sô, thau, thùng, ghe... để rộng cho tôm sống, bảo quản tôm cho tốt, ít ra cũng đến tận trạm thu mua.

Thường thì có ba cách để khai thác tôm:

* Với ao nuôi có kỳ hạn, lại có cống đáy thoát nước cạn kiệt thì người ta cứ tháo kiệt nước rồi hè nhau xuống bắt tôm. Mỗi người chia nhau đứng một quãng và gắng bắt cho hết những tôm xuất hiện chung quanh mình. Hết chỗ này người ta mới bước dần sang chỗ khác. Con tôm khi bị sặc bùn thì quẫy chứ không nằm im, vì vậy ta cũng dễ phát hiện để bắt hết.

* Tôm bắt được nên chia ra làm hai hạng: Hạng thương phẩm là hàng lớn, ít ra cũng nặng từ 50gr mỗi con trở lên, đem rộng vào thùng, vào vèo có chứa nước sạch sau này tập trung lại đem bán. Còn những tôm nhỏ hơn thì bắt rộng riêng, sau này thả vào ao nuôi tiếp,chờ bán lứa sau.

* Trong trường hợp tháo không cạn hết nước, thì trước đó người ta đã lo dùng lưới để lưới tôm, bắt bớt một phần lớn. Sau đó tháo nước, nước còn lại trong ao có thể còn không nhiều, chừng 30 đến 40cm, ta lại kéo lưới lần hai. Số tôm còn lại trong ao, muốn bắt chỉ còn cách sục bùn cho tôm xót mắt nổi lên mà bắt.

* Với ao nuôi lâu năm, tức là nuôi nhiều lứa liên tiếp, thì chỉ lần khai thác sau cùng mới tháo cạn kiệt hết nước để bắt hết tâm theo cách trên. Còn những lần khai thác trước đó, thì vài tháng một lần, người ta tổ chức lưới tôm, con nào to thì bắt bán, con nào nhỏ (dưới 50gr) thì thả vào ao nuôi tiếp để bán lứa sau.

Với loại ao này, như phần trên chúng tôi đã trình bày là . cứ thỉnh thoảng vài tháng, ta có thể thả thêm một lứa tôm khác vào ao, do đó trong ao lúc nào cũng có nhiều cỡ tôm: loại bán được, loại sắp bán và loại còn là... hậu ấu trùng, cần nuôi bốn năm tháng nữa mới bán được!

Chỉ đến lần sau cùng, cần phải bắt dứt điểm để cải tạo lại ao nuôi lứa khác, người ta mới tháo cạn kiệt mà bắt hết tôm

Tất nhiên, như quý vị cũng biết, với ao nhỏ thì khai thác theo cách trên dễ dàng hơn ao lớn. Ao lớn mà có hệ thống thoát nước không tốt, thác không cạn kiệt thì bắt tôm quả là khó khăn, nếu không sử dụng lưới thì không tài nào bắt hết được.

Con tôm khi cạn nước ao, chúng thường có phản ứng là bò nhanh lên chỗ khô ráo, lên thành ao để tìm kế thoát thân. Vì vậy, ta phải bố trí người bắt kịp thời. Thường những con tôm này là tôn mạnh khỏe, tôm lớn.

Khi phải sục bùn để bắt số tôm còn sót lại trong ao thì phải thao tác cho nhanh, gọn, vì tránh cho tôm bị sục bùn vào mang, khó sống.

Trong khi tát nước bắt tôm, thế nào cũng bắt được một số cá dữ như lóc, trê, rô và... rắn, đủ để làm món nhậu khoái khẩu, bù lại những giờ vất vả vừa qua.