CÁCH NUÔI TÔM CÀNG XANH (THẢ TÔM VÀO AO NUÔI)
Tôm giống đem về tận nơi không nên vội vã thả vào ao nuôi, ai nóng vội làm việc này có thể gặp thất bại đáng tiếc.
Trước hết ta hãy thả một ít tôm giống xuống môi trường nước của ao xem có thích hợp với nó hay không, bằng cách múc một thau nước ao lên, hoặc đặt một cái thúng lớn xuống ao rồi thả tôm vào chừng một vài giờ để xem sức khỏe của tôm như thế nào. Nếu thấy chúng vẫn sống sởn sơ thì coi như môi trường ở ao thích nghi với chúng và thả được..
Khi thả tôm nên thả từ từ... thả đều khắp diện tích chứ không nên thả chùm một góc nào đó.
Nếu tôm đựng trong bao ni lông thì ta nên ngâm bao xuống nước ao độ mươi lăm phút để nhiệt độ trong ao và trong bao được cân bằng, giữ cho sức khỏe của tôm được ổn định. Sau đó, ta mở miệng bao và nghiêng cho tôm tự động ra từ từ. Ngay từ phút đầu tôm giống cần được sống phân tán rộng khắp diện tích ao để tiếp nhận dưỡng khí đầy đủ và tìm thức ăn trong nước được dễ dàng.
Công việc thả tôm vào ao nuôi, ta không nên tỏ ra gấp gáp, nóng vội, phải làm từ từ và nhẹ nhàng, mọi hành động đều có cân nhắc tính toán kỹ.
Xin nhắc lại là gặp môi trường sống mới (ở ao) khác xa với môi trường sống cũ (ngoài sông cái), tôm giống sẽ chết hàng loạt. Ta phải tạo điều kiện tốt cho tôm thích ứng dần với môi trường mới. Do đó, dù có sự khác biệt ở mức chịu đựng được, chúng cũng có thể sống được, mức hao hụt sẽ giảm.
Tất nhiên, trong công tác vận chuyển và thả tôm xuống ao, không bao giờ tránh được sự hao hụt. Mức hao hụt độ mươi phần trăm cũng chưa phải là con số lớn, vì tôm không chịu nổi sự dằn xóc dọc đường và sự “choáng” khi phải sống với môi trường lạ.
Khi thả tôm ta đừng ham thả dày. Cổ nhân có câu: “Cây chạm lá cá chạm vi”, có nghĩa là cây mà trồng khít quá thì sai này cành lá giao nhau không tốt trái. Còn dưới ao mà thả cá với mật độ cao thì cá lấy gì mà ăn, dưỡng khí đâu mà thở.
Con tôm cũng vậy, thả dày quá không được, mặc dầu vẫn biết “cái tôm chẳng chật gì bể”, nhưng nhiều tôm mà ao hẹp tôm cũng khó sống, mà nếu sống được cũng phát triển chậm. Cứ 100 mét vuông ta thả khoảng 3 đến 4 ký tôm giống là vừa.
Được sống trong môi trường rộng rãi, ăn uống no đủ thì tôm vừa chóng lớn, vừa mạnh khỏe, mang lại lợi tức nhiều hơn. Thà là thả nuôi một ký tôm giống mà sau vụ mùa thu được 30kg tôm thịt, còn hơn là thả cho dày mà kết quả lại không được bao nhiêu!
PHƯƠNG THỨC NUÔI
Có ba phương thức nuôi tôm được áp dụng từ trước đến nay đối với nông dân mình:
* CÁCH THỨ NHẤT LÀ:
Nuôi tôm chung với cá: Tất nhiên cá nuôi ở đây là cá chỉ ăn phiêu sinh vật và ăn thực vật, chứ không làm hại tôm. Cái lợi là cá sẽ dọn sạch những thức ăn dư thừa của tôm ở trong ao, trong hồ, mạnh cá cá sống, mạnh tôm tôm sống.
* CÁCH THỨ HAI LÀ:
Cứ nuôi một lứa tôm chừng sáu bảy tháng lại cải tạo ao một lần, để tiếp tục nuôi lứa khác.
* CÁCH THỨ BA LÀ:
Nuôi vài ba lứa tôm liên tiếp: hết lứa này thu hoạch rồi thả nuôi tiếp lứa khác, hoặc cứ vài tháng thả xuống ao một lứa tôm, sau đó cứ vài tháng lại lưới lên lựa những tôm thương phẩm bán trước, tôm nhỏ thả trả về ao nuôi tiếp để bán kỳ sau... Nuôi độ vài ba năm như vậy mới tháo cạn kiệt, cải tạo ao toàn diện lại một lần.
Xét trong ba cách nuôi trên thì:
Cách thứ nhất bất lợi, vì rằng giá cá không cao bằng giá tôm, tại sao ta không thả tôm vào cho mật độ dày hơn nữa, thả cá làm chi? Hơn nữa, thời gian nuôi con cá để bán được cũng phải cả năm, ít ra cũng chín mười tháng, chứ sáu bảy tháng như nuôi tôm thì cá đâu đủ sức lớn. Mặt khác, thức ăn mà cá ăn cũng là thức ăn của tôm, chứ tôm đâu có chê bai thứ gì. Tôm là loài tạp ăn mà!
Cách thứ hai đối với chúng tôi là cách tốt nhất. Vẫn biết là tuy có mất thời gian trong việc cải tạo lại ao và tuy có tốn kém, nhưng nhờ đó mà kiện toàn lại bờ bộng, nạo vét bùn đáy ao, đồng thời trừ khử hết địch hại cho tôm. Thiết nghĩ đi bước nào chững chạc bước ấy lại hay hơn.
Cách thứ ba thì đỡ mất thời giờ và tốn kém trong việc cải tạo ao nuôi, thế nhưng nếu bờ bộng thực sự chưa tốt, không bảo đảm được địch hại cho tôm thì có hại nhiều hơn là có lợi. Với ao thật tốt về mọi mặt, kể cả việc bờ bộng, hệ thống cấp và thoát nước thì nuôi theo cách này cho nhiều lợi.
THEO DÕI
Con tôm nằm trong ao, chạy đi đâu mà mất? Thế nhưng, nếu nuôi không đúng kỹ thuật thì nó có nhiều cách “mất” mà mình không ngờ trước được! Chẳng hạn như nước thiếu oxy, độ phèn cao, thức ăn không phù hợp... cũng làm cho tôm suy yếu hoặc chết dần mòn. Vì vậy, nuôi tôm cũng như nuôi cá, ta phải để tầm quan sát chúng thường xuyên.
Thỉnh thoảng ta nên đi một vòng quanh các ao để xem lại bờ bộng, coi lại nắp cống xả có hở không (nếu hở thì tôm bỏ ao đi hết, đồng thời địch hại lại có cơ hội ngàn vàng để tràn vào ao), coi sức khỏe của tôm ra sao.
Thời gian theo dõi nên dành vào lúc sáng tinh mơ và lúc chập tối để xem con tôm sinh hoạt ra sao. Nếu thấy chúng sống dưới sâu là tốt, ngược lại nếu thấy tôm nổi đầu vênh, râu ngoe nguẩy là nước ao thiếu dưỡng khí trầm trọng. Thời gian sáng và tối trong ngày là giai đoạn hàm lượng dưỡng khí trong ao thấp, khi mặt trời lên cao thì mức dưỡng khí có dịp tăng lên.
Trong khi cho tôm ăn, ta nên thỉnh thoảng dỡ một sàng ăn lên để coi tôm phản ứng nhanh lẹ thế nào, ăn uống ra sao để tùy đó mà liệu định. Hễ sàng xao động là tôm nhảy tứ tung, đó là tôm mạnh. Thức ăn cho bình thường mà tôm ăn không hết thì phải tìm hiểu tại sao: do thức ăn kém chất lượng hay do tôm bệnh?
Ta cũng nên tìm hiểu đến sự lột vỏ của tôm ra sao. Nếu tôm lột nhiều là điều mừng, vì chỉ có tôm mạnh mới lột vỏ, mà mỗi lần lột là mỗi lần lên cân. Tôm ốm yếu, bệnh tật thì không lột vỏ.
Tôm lột vỏ vào ban đêm. Khi lớp vỏ ngoài đã già thì lớp vỏ mới bên trong đã hình thành. Chỉ cần ít phút là tôm cởi bỏ được lớp vỏ cũ bên ngoài và lớp vỏ mới mềm mại lộ ra. Lúc lột thì cơ thể tôm yếu nên tìm chỗ trú ẩn tạm, vì sợ địch hại.
Chúng thường núp ở trong những hốc đất, trong túm rễ cây, hoặc bám vào cành cây khô nhờ che chắn... Và phải độ năm sáu giờ, lớp vỏ mới cứng lại, tôm mới hoạt động bình thường như trước.
Nếu tháng nào thấy tôm lột vỏ nhiều là ta có thể vững tin là đàn tôm đang tăng trọng mạnh.
Xin được phép nhắc lại là con tôm lột vỏ không theo chu kỳ nhất định nào, mà hễ mập mạnh là lột vỏ, bất kể thời gian lột giữa hai kỳ ngắn dài. Còn nếu yếu, trong mình không thừa mứa chất dự trữ thì nó không đủ sức hình thành được lớp vỏ non bên trong. Con tôm nhỏ sở dĩ mau lột vỏ vì nó rất háu ăn, do đó mới mau lớn.
Khi thấy cá lóc hoặc ếch nhái xuất hiện trong ao thì phải tìm cách diệt trừ hết cho bằng được. Có thể câu rê, câu cắm, hoặc dùng súng hơi để bắn.
Cóc nhái mỗi lần chỉ sát hại chừng vài con tôm con, nhưng với cá lóc thì ăn khủng khiếp. Nên nhớ cá lóc phải ăn nhiều ký mồi mới tạo được 1 ký thịt!
Đó là chưa nói đến rắn, nhất là loài rị cá, bụng chứa cả ký mồi vẫn chưa thấy no.
Nhiều người cẩn thận, quanh bờ ao một hàng rào lưới sắt mắt nhỏ ngăn ngừa cá lóc, cá trê, rô và rắn từ bên ngoài xâm nhập vào ao.