0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
CÁCH NUÔI TÔM CÀNG XANH HIỆN NAY

NUÔI TÔM CÀNG XANH

Trong mấy năm gần đây, đi đến đâu cũng nghe nhiều người bàn đến việc NUÔI TÔM CÀNG XANH. Thì ra, đây là mặt hàng xuất khẩu mạnh, được các nước ưa chuộng, với giá cao.

Tôm càng xanh như mọi người đều biết là con tôm của nước ngọt có thân mình khá lớn, có thể đạt đến ba bốn trăm gram mỗi con, thậm chí nhiều con nặng đến nửa ký.

Tôm càng xanh cũng được coi là con tôm đặc sản của miền Nam, vì chúng chỉ tập trung sinh sản ở miền Nam nhiều nhất, trong các sông ngòi kênh rạch, ao đìa... Nghĩa là chúng sinh trưởng rất nhiều trong thiên nhiên, mỗi năm có thể khai thác được chừng bảy tám ngàn tấn chứ không phải ít.

Được biết, tại miền Nam có bốn vùng tôm càng xanh tập trung sinh sống nhiều nhất. Đó là:

* Sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ.

* Vùng Long An, Kiên Giang, Minh Hải 

* Vùng sông Tiền, sông Hậu.

* An Giang và Đồng Tháp

Mỗi năm, từ tháng 9 cho đến những tháng đầu năm sau là mùa khai thác tôm càng xanh. Trong thời gian này, mùa tôm Cửu Long ngày đêm ra công đánh bắt bằng đủ loại ngư cụ như chài lưới, cào, đăng, câu. Những tháng còn lại của năm, số tôm ít dần đi, nhưng đến mùa thì chúng lại rộ lên nhiều trở lại.

Được biết, tôm càng xanh không phải sinh sản theo mùa mà là sinh sản cả năm, vì hình như lúc nào tôm cái cũng ôm trứng. Tôm đực lại có khả năng phối giống bất kỳ lúc nào,tôm trưởng thành mỗi lứa có thể sinh được từ 80 ngàn đến 100 ngàn trứng. Đã thế, mỗi năm một tôm mẹ không phải chỉ đẻ một lứa, mà có thể đến ba bốn lứa. Thường thì mùa đ chính của chúng là vào khoảng tháng tư đến tháng mười. Đây là thời gian người ta tổ chức đi vớt tôm bột về nuôi dưỡng,

Khi trứng đã trở nên màu vàng là trứng đã già, thì tôm đực và cái giao phối với nhau.

Khi giao phối, tôm cái có dáng bơi ngửa, phơi bụng lên trên con đực bơi úp xuống, áp lỗ sinh dục vào lỗ sinh dục của tôm cái ở góc đuôi chân vùng ngực thứ ba. Toàn thân con đực rung lên vài lần, rồi khối tinh màu trắng sữa như chất keo được tiết ra dính vào phần bụng của tôm cái.

Vài giờ sau thì tôm cái đẻ và khối trứng hàng trăm ngàn cái này coi như đã được thụ tinh. Trứng đẻ ra được chuyển tới khoang bụng, đây là phòng ấp trứng và ba tuần sau thì trứng nở ra ấu trùng.

Ấu trùng sống trong nước như loài phiêu sinh vật, chúng cứ trôi theo dòng nước thành từng đàn lớn. Nhưng chỉ độ mươi ngày sau đó thì chúng tách đàn sống riêng lẻ, háu ăn và mau lớn.

Chúng tôi cũng xin được nói thêm là tôm càng xanh tuy sống ở nước ngọt, nhưng đến thời kỳ sinh sản thì chúng lại đến vùng nước lợ để sinh đẻ. Những tôm con (ấu trùng) nở tại vùng nước lợ thì sau này sống sơn sơ mau lớn. Ngược lại, những tôm sinh sản trong vùng nước ngọt thì đời sống rất ngắn ngủi, chỉ bốn năm ngày!

Ấu trùng phải trải qua nhiều đợt biến thái, mất hơn một tháng mới biến thành hậu ấu trùng, tức tôm nhỏ. Tôm nhỏ có hình dạng của một con tôm trưởng thành, nhưng khi di chuyển, chúng chỉ bò chứ không bơi. Tôm thích sống ở tầng đáy hồ và lúc nào cũng lùng sục tìm thức ăn. Chúng ăn rất nhiều và ăn rất tạp. Thức ăn của tôm là các loài giun nhỏ, các loại ấu trùng của các sinh vật nhuyễn thể cũng như có xương sống, ăn các loại rong tảo... Khi thiếu thốn thức ăn, tôm có thể ăn thịt lẫn nhau để thỏa mãn cơn đói.

Tôm chỉ sống tạm trong vùng nước lợ chừng mươi ngày rồi di cư về vùng nước ngọt, tản mạn về các sông suối, kênh rạch, ruộng đồng. Phải mất tháng sau nữa, tôm mới trưởng thành thật sự. Nhưng nếu là tôm thương phẩm thì ta còn phải nuôi đến sau bảy tháng tuổi, trong điều kiện nuôi dưỡng thật tốt.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, từ Âu sang Mỹ, từ Á sang Phi, vì thấy rõ được nguồn lợi to lớn do việc nuôi tôm càng xanh mang lại, nên họ đua nhau nuôi với tính cách quy mô. Chung quanh ta, cũng có nhiều nước bạn nuôi loại tôm này từ lâu và có nguồn xuất khẩu khá lớn như Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippine...

Việt Nam từ trước đến nay, chủ yếu là khai thác nguồn tôm sẵn có trong thiên nhiên, còn việc nuôi dưỡng thì chỉ bắt đầu mới mấy chục năm trở lại đây. Nhưng chắc chắn trong tương lai gần, ngành nghề này sẽ có cơ hội phát triển mạnh

Một phần là nguồn tôm giống có sẵn trong thiên nhiên có thể cung ứng đủ cho nhu cầu, hai là khắp miền Nam nơi nào lại không có lắm kênh nhiều rạch, dễ dàng thiết lập ao hồ để nuôi tôm một cách quy mô. Nông dân có thể tận dụng ao hồ sẵn có để nuôi tôm với tính cách gia đình, như họ đã từng bỏ vốn ra nuôi gà, nuôi cá. Hơn nữa, thực phẩm của tôm cũng dễ kiếm tìm, địa phương nào cũng có sẵn, lại rẻ tiền nữa. Vì ở đâu lại không có con cua, con còng, con tép, con ruốc, ở đâu lại không có bắp, có cám, có đậu, có khoai?

Loài tôm này cũng có thể sinh trưởng được ở các vùng nước lợ, nhưng độ mặn chỉ khoảng 5%... Do đó vùng nuôi tôm càng xanh có thể còn được nới rộng hơn nữa... Hiện nay, được biết ở miền Bắc nước ta cũng đang nuôi thí nghiệm loại tôm này xem nó có thể thích ứng được với khí hậu lạnh hay không. Nếu việc thí nghiệm này thành công thì con tôm càng xanh sẽ có một tương lai xuất khẩu sáng lạn hơn nhiều.