CÁCH NUÔI TÔM CÀNG XANH ( CHỌN TÔM GIỐNG )
Tôm giống mà chúng ta chọn nuôi từ trước đến nay là nguồn tôm tự nhiên do ngư dân đánh bắt về bằng những ngư cụ như lưới, cào, đăng, đáy... Thực ra thì chúng ta cũng có trại tôm giống ở Vũng Tàu nhưng số tôm con tại đây sản xuất chưa được bao nhiêu, chưa thể đáp ứng được một phần nhu cầu.
Tôm giống đánh bắt về thường được chia ra nhiều hạng to nhỏ: loại nhỏ nhất là loại trong 1kg có cả ngàn con, loại trung - trong 1kg có khoảng bốn năm trăm con, loại lớn - 1kg khoảng vài trăm con... Và dĩ nhiên, mỗi loại như vậy đều có giá tiền khác nhau.
Với loại nhỏ thì phải nuôi ở ao ương độ ba bốn tuần mới vớt ra nuôi ao tôm thịt. Còn loại lớn chừng vài trăm con một ký thì có thể mua về thả thẳng xuống ao nuôi luôn.
Với tôm giống, ta phải chọn theo những tiêu chuẩn sau đây:
* Tôm cùng lứa, lớn sàn sàn bằng nhau, không nên chọn loại lớn nhỏ xô bồ, chênh lệch thân mình quá đáng khiến tôm lớn hiếp tôm bé, giành ăn lẫn nhau hoặc ăn thịt lẫn nhau. Mặt khác, tôm lớn không đều sau này khi thu hoạch cũng khó bán.
* Tôm phải khỏe mạnh, nhảy xoi xói khi lên khỏi mặt nước, không bị giập mình hay xây xát, không được gãy chân gãy càng. Tôm giống mà bệnh tật như vậy dù có rẻ cũng không nên nuôi.
* Nên chọn tôm hơi lớn một chút cho dễ nuôi, bớt sự hao hụt. Tôm cỡ vài trăm con một ký là vừa nuôi.
* Con tôm mạnh là tôm có vỏ màu trắng trong, pha xanh nhạt, vỏ cứng chứ không mềm, chân đầy đủ. Nếu thả vào nước, tôm sẽ bơi ngược dòng, đuôi xòe rộng và đôi râu cũng xòe hình chữ V...
CHUYỂN VẬN TÔM GIỐNG
Tôm giống nhỏ như con tép, nặng chừng vài gram mỗi con, nên nếu vận chuyển từ nơi bán về ao nuôi không cần thận, sẽ bị hao hụt nhiều. Tôm bị xóc mạnh cũng chết, bị thời tiết dọc đường nóng quá cũng chết, mật độ cao, chật chội quá cũng chết, nếu không cũng giập mình khó nuôi... (xin xem lại phần vận chuyển tôm giống ở bài tôm sú, phần đầu)
Từ trước đến nay, người ta có nhiều cách để chuyển vận tôm giống:
* Mua số nhiều có thể rộng vào khoang ghe, trong có chất chà để tôm giống bám vào. Chuyển vận theo lối này thì êm, con tôm lại được số nhiều.
* Cho tôm giống vào những cái rộng đan bằng tre (có thể chế bằng lưới mắt nhỏ cũng được), rộng đặt cập vào mạn xuống rồi chèo từ từ mà đi. Chở bằng cách này thì chở được ít, vì mỗi rộng như vậy chỉ chứa được ba bốn ký tôm giống là cùng.
* Cho tôm giống vào túi ni lông lớn, cứ 1/3 thể tích của bao dành chứa nước và tôm, 2/3 còn lại thì bơm dưỡng khí vào cho tôm sống tạm khi vận chuyển. Cũng cần phải tính là cứ 1 lít nước đựng trong bao có thể chứa được vài ba chục tôm giống mà thôi. Mua nhiều tôm là phải dùng nhiều bao. Ta có thể sắp xếp các bao ni lông co này lên xe hoặc xuống ghe để chở về nhà.
Xin được lưu ý là trên đường vận chuyển tôm (bằng bao ni lông), cần phải cho tôm được mát mẻ. Không khí trong xe nóng bức quá cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, có khi bị hao hụt nhiều.