CÁCH NUÔI TÔM CÀNG XANH ( AO NUÔI )
AO NUÔI
Tôm sú là con tôm chỉ sống ở vùng nước lợ, nên chỉ ở những vùng gần biển, nơi có nguồn nước lợ quanh năm mới nuôi được giống tôm này. Nhưng với tôm càng xanh là loại tôm chỉ sống với nước ngọt nên trừ vùng nước lợ ra, nơi nào cũng có thể đào ao, đào hồ nuôi được.
Ao nuôi tôm càng xanh hình thức cũng giống như ao nuôi tôm sú như chúng tôi đã trình bày ở phần đầu sách, thế nhưng nếu điều kiện đất đai rộng rãi, ta có thể đào ao có diện tích rộng hơn. Có thể từ vài trăm mét vuông đến một hai ngàn mét vuông. Nếu nuôi nhiều càng tốt.
Ao nuôi tôm cũng có hình thể chữ nhật, chiều dài gấp đôi hay gấp ba chiều rộng mới dễ cho việc kéo lưới khai thác tôm sau này. Tuy nhiên, cũng tùy vào điều kiện đất đai sẵn có, hoặc ao hồ sẵn có, ta có thể đào ao với hình dáng vuông tròn hoặc lớn nhỏ gì cũng có thể nuôi tôm càng xanh được cả.
Miễn là:
* Chung quanh ao phải có bờ cao để ngăn ngừa nước mưa, nước lũ từ ngoài tràn vào. Và bờ phải chắc chắn, không thể sụp lở. Muốn vậy thì đất đắp bờ phải là đất thịt hoặc thịt pha sét, để khỏi thấm nước.
* Ao phải có hệ thống cấp và thoát nước, có bộng hay cống chắc chắn. Hai đầu cống hay bộng, đầu ra đầu vào gì cũng phải có lưới lọc mắt cực nhỏ để ngăn chặn cá dữ vào ao và ngăn ngừa tôm trong ao thoát ra ngoài.
* Trước khi thả tôm, dù là ao cũ, cũng phải tháo nước can ao, phải phơi đáy ao trong mươi ngày để diệt hết cá dữ và những loại địch hại của tôm. Chắc quý vị cũng biết con tôm là mồi ngon của nhiều loài: cá, cua, lươn, ếch nhái, gà vịt, chim chóc. Do đó không cẩn thận ngăn ngừa trước các giống này thì việc nuôi tôm khó lòng gặt hái được thành công. Ngoài ra, nếu là ao cũ phải cải tạo lại, ta còn phải vét hết lớp bùn dưới đáy ao cho kỹ, rắc vôi bột khắp bề mặt đáy và hai bên bờ ao để khử phèn. Nếu phèn ít thì rải mỏng, nhưng nếu phèn nhiều thì cứ 100 mét vuông ao phải rải 30 kg vôi mới đủ.
Sau đó, ta còn phải phủ một lớp phân hữu cơ như phân bò, phân ngựa phơi khô lên khắp mặt ao để sau này làm thức ăn cho tôm. Vài ngày sau đó, ta có thể mở cống khơi cho nước vào từ từ, mỗi ngày một ít, cho đến khi được một thước thì ngưng.
* Phải chặt cây hoặc mé hết nhánh cây rườm rà rậm rạp chìa ra mặt ao, cản trở ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống ao. Ao rợp mát chỉ có hại cho tôm vì ao sẽ thiếu dưỡng khí cho tôm sinh sống. Xin lưu ý là nguồn dưỡng khí cung cấp cho ao nuôi tôm phải nhiều hơn nuôi cá.
* Ao nuôi tôm phải có hệ thống cống hay bộng thật tốt. Cống hay bộng gồm có hai loại: cống khơi và cống đáy. Cống khơi đưa nguồn nước từ ngoài vào ao, phải được đặt trên cao mực nước ao. Còn cống đáy, còn gọi là cống thoát được đặt ở bờ đối diện với cống khởi và đặt sát đáy ao, để khi cần tháo nước, ao sẽ cạn kiệt. Đầu ra và đầu vào của hai loại cống này đều phải được bao che lưới mắt cực nhỏ để ngăn ngừa địch hại vào ao giết hại tôm nuôi và đồng thời cũng ngăn chặn không cho tôm đào thoát ra ngoài sông suối. Sơ hở về việc này có thể cụt vốn lúc nào không hay. Giới chăn nuôi tôm cá thường dùng từ “bờ bông”, đủ nói lên cái âu lo của họ đối với bờ bộng khi đào ao nuôi tôm nuôi cá đến mức nào. Bờ mà lở thì tôm cá chui ra, bộng mà chận nắp không kỹ thì vật nuôi cũng theo đó mà ra ngoài! Sat nghiệp, cụt vốn là cái chắc!