0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
CÁCH NUÔI BA BA ( THỨC ĂN BA BA )

THỨC ĂN CỦA BA BA

Trong đời sống thiên nhiên, ba ba là giống ăn tạp. Thức ăn vừa là động vật, vừa là thực vật.

Thức ăn động vật thì có tôm cá, cua còng, sò ốc và thích nhất là xác động vật thối rữa.

Thức ăn thực vật gồm có các loài rong tảo, cùng những thực vật thủy sinh khác.

Trong ao nuôi, chúng cũng tỏ ra dễ ăn uống: ăn cả động vật, thực vật, thức ăn tinh bột và cả chất béo như khẩu phần của tôm cá và các loài gia súc khác.

Trong khẩu phần của ba ba có cá tạp, tôm cua, sò ốc, tép ruốc, cóc nhái, trùn đất... Về tinh bột thì có bột bắp, gạo, tấm, cám nhuyễn, mỡ trâu bò, heo...

Như vậy, khẩu phần thức ăn của ba ba cũng na ná như khẩu phần của tôm: phân nửa đạm, phân nửa tinh bột và chất béo. Có thể thêm vitamine khi cần. Chẳng hạn, ta có thể pha trộn công thức như sau:

Bột bắp : 30%

Cám nhuyễn : 20%

Cá tạp: 40%

Tấm:07%

Mỡ, chất béo :03%

Hoặc:

Bột bắp : 20%

Cám nhuyễn : 30%

Bột cá lạt: 30%

Tấm:10%

Bánh dầu phộng:7%

 Mỡ, chất béo :3%

Lăn quăn thái sấy khô 

Chúng tôi khuyến khích quý vị nên tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của địa phương mình, vừa nhiều vừa rẻ để thay thế vào những thức ăn có trong công thức nhưng lại hiếm và đắt tại nơi quý vị ở. Ta có thể lấy khoai mì thay tấm chẳng hạn. Hoặc thay cá tạp bằng tép ruốc hoặc thịt gia súc (tất nhiên là loại phế phẩm không dùng cho người, rẻ tiền...)

 

Xin lưu ý là ba ba không ăn được bột cá mặn. Vào mùa lạnh, ta nhớ tăng khẩu phần mỡ và chất béo cho chúng nhiều hơn là trong mùa nóng nực.

Thức ăn của ba ba nên nấu chín rồi vò viên như viên bi, thả xuống ao cho chúng ăn. Không nên thả thức ăn tập trung một chỗ, vì như vậy chúng sẽ phải tranh giành nhau và cắn mổ nhau.

Được biết, nết ăn của ba ba rất xấu, chúng không từ tốn đứng ăn mồi mà cướp giật rồi tha đi nơi khác ăn. Ăn hết mồi lại trở về chỗ cũ tranh cướp miếng khác. Đây là cách ăn của loài chó sói hung tợn.

Thường thì ta phải phân phối thức ăn cho chúng với liều lượng như tôm, là từ 5 đến 7% tính theo trọng lượng bầy đàn là vừa đủ. Tất nhiên, con số đó chia ra làm nhiều bữa trong ngày.

Mỗi ngày ta cho ba ba ăn hai bữa sáng và chiều. Với ba ba nhỏ và ba ba trưởng thành, nên cho ăn nhiều bữa hơn để chúng tăng trọng nhanh, vì giai đoạn này chúng đang trên đà lớn xổi.

Ta có thể tập cho ba ba ăn theo lối ăn sáng như cách tập cho tôm ăn

Sàng được đan bằng tre, nửa như kiểu đan mệt, đan nong nia, hình tròn hay hình vuông cũng được. Cũng có thể dùng cái thúng lớn, bỏ mồi vào bên trong rồi thòng dây xuống sâu cho ba ba tìm đến ăn mồi.

Cho ăn theo cách này, ta dễ dàng kiểm soát được sức tiêu thụ thức ăn của chúng hàng ngày nhiều ít ra sao, để còn tìm cách gia giảm cho hợp lý. Thời gian cho ăn nhiều lắm là một giờ, ta nhấc sàng lên thức ăn thiếu hay thừa tất là biết rõ.

Thức ăn mà thiếu thì vật nuôi đói. Ngược lại, thức ăn quá thừa mứa thì vừa phí phạm, vừa làm ô nhiễm nước ao, có hại cho sức khỏe của vật nuôi.

Nếu trong ao có thả cá thì khi cho ăn, ta cũng phải trù liệu đến phần ăn của cá, vì cá cũng ranh mãnh vào giành mồi với ba ba.

Xin được lưu ý là những ngày trời ấm áp thì ba ba ăn rất nhiều. Ngày nào trời trở lạnh thì chúng ăn ít. Trời quá lạnh thì chúng không ăn, mà lặn sâu xuống đáy ao vùi mình trong bùn cho ấm. Thiết tưởng quí vị nên biết điều đó để điều chỉnh khẩu phần ăn cho phù hợp.

Ngoài thức ăn được cấp phát từng bữa, nếu đói ba ba có thể tự tìm mồi sẵn có ở dưới ao nuôi, như ăn thủy sinh vật và cá nuôi sẵn trong ao.

Xin được nhắc lại là ao nuôi ba ba, ta cũng làm theo cách nuôi cá sấu là dưới ao nên nuôi cá rô phi, cá mè, cá trê và thả bèo tây hoặc trồng rau muống để ba ba có nguồn thức ăn dự trữ, đồng thời có thể tránh nắng, tránh rét.

Bèo và rau nên thả chừng 1/4 diện tích ao, vì nước ao rất cần đến tia nắng rọi xuống hằng ngày, giúp cho nước tăng thêm lượng dưỡng khí.

Điều đó cũng có nghĩa là không nên trồng cây to rợp bóng chung quanh ao. Nếu có thì nên mé nhánh cho mặt ao quang đãng.