0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
CÁCH NUÔI BA BA ( SINH SẢN )

SỰ SINH SẢN

Ba ba chọn mùa ấm áp làm mùa sinh sản. Ở vùng khí hậu quanh năm ôn hòa thì chúng có thể đẻ quanh năm, còn ở xứ lạnh thì suốt mùa đông là mùa ngưng sinh sản.

Tại nước ta, đầu xuân tiết trời ấm áp, ba ba bắt đầu bắt cặp và giao phối với nhau. Thời gian yêu thương kéo dài hàng tháng, có khi vài tháng mới chấm dứt. Sau đó, chúng mới đẻ trứng.

Tuổi động dục của ba ba là từ hai đến ba tuổi. Thường thì con nào mạnh khỏe thì động dục sớm, con nào thể chất yếu ớt thì tuổi động dục trễ hơn.

Vì vậy khi chọn ba ba nuôi làm giống, người ta đều chọn những con có sức khỏe tốt nhất, trong mình lại không có thương tật gì.

Ba ba thường đẻ trứng vào ban đêm, thích hợp nhất là vào lúc trời mưa. Khi đẻ, chúng thường tự tìm chỗ đào hang để đẻ. Vì vậy, trên bãi đất trống ở cạnh hồ, ta nên tạo sẵn những ổ giả, bằng cách đào những hố nhỏ có phủ cát để ba ba đào bới trở lại rồi đẻ trứng vào đó cho tiện. Chính người nuôi cũng cần biết ổ trứng nằm ở đâu để tiện canh chừng và chờ ngày lấy trứng đem vào nhà ấp theo cách nhân tạo.

Nuôi cá sấu cũng vậy, người ta cũng đổ sẵn cát đất ở những dải đất gần bờ, để khi đẻ trứng, cá sấu cứ bò lên đống đất cát có sẵn đó mà đào bới để đẻ trứng vào.

Khi tìm được một nơi vừa ý để làm ổ đẻ, ba ba mẹ cũng tỏ ra lăng xăng qua lại tìm kiếm nhiều nơi. Gặp những chỗ đất mềm, nó dừng lại dùng mõm và đầu khoét sâu xuống một cái hố tròn, rồi quay mình lại đẻ hết số trứng trong bụng vào đó. Đẻ xong, ba ba quay lại dùng chân cho đất cát lấp kín trên mặt ổ để ngụy trang che giấu kẻ thù.

Thường thì trứng ba ba cũng bị nhiều kẻ thù rình mò đánh cắp, đó là chuột, rắn, kỳ đà... Chúng nó đánh hơi và tìm cách đào bới lên mà ăn.

Ba ba mẹ không trực tiếp nằm ấp trứng (cũng như loài rùa và sấu) mà nhờ sức nóng của mặt trời chiếu rọi vào tạo độ nhiệt cần thiết giúp trứng nở.

Ba ba mới đẻ lứa so thì chỉ đẻ vài ba trứng. Con nào càng lớn tuổi càng đẻ nhiều trứng hơn. Những con sống lâu năm. mỗi lứa đẻ có thể bốn năm chục trứng.

Mỗi ngày lúc bụng đã no nê, con mẹ thường mon men lại gần ổ để canh chừng kẻ thù phá hoại trứng, chứ không phải để ấp. Người đời thấy vậy cho là ba ba ấp bóng, khi thấy ổ nằm một nơi mà mẹ lại nằm một ngả.

Thực ra, người ta dùng câu thành ngữ: “Ba ba ấp bóng” ngụ ý ám chỉ đến những người không có tinh thần trách nhiệm, làm việc chiếu lệ, làm qua loa gọi là làm lấy có mà thôi. Câu này cũng nhằm ngụ ý chê trách những người làm việc liều lĩnh, lúc nào cũng nhắm mắt làm liều những việc mà mình chưa biết chắc được là có thành công hay không!

Thời gian trứng nở còn tùy thuộc vào khí hậu và thời tiết bên ngoài ra sao. Nếu là mùa nắng thì trứng mau nở, nhưng vào mùa mưa, trứng sẽ chậm nở. Nhưng thường thì phải mất hơn tháng rưỡi tính từ ngày đẻ, trứng mới chịu nở. .

Ba ba con vừa mới ra đời rất mạnh khỏe, tự nó khẻ mỏ rồi chui ra. Ra khỏi vỏ, chúng biết bò ngay và trời phú cho chúng sự tinh khôn là biết tìm đúng hướng có ao nước mà bò xuống. Nước là môi trường sống của chúng mà!

Lúc ổ con sắp nở, linh tính như báo trước cho ba ba mẹ hay biết, nên thường chúng có mặt kịp lúc. Chúng đón bầy con vội vã leo xuống mép nước và sẵn sàng đương cự với mọi kẻ thù để bảo vệ đàn con với tất cả mọi giá.

Quả thật, đây là lúc ba bà con bị nhiều kẻ thù rình rập để bắt ăn thịt. Trên trời thì có quạ diều, dưới đất thì có kỳ đà, rắn, mèo, chó

Mẹ thì lo lắng bảo vệ con như vậy, nhưng xem ra đàn con hình như không nghĩ là trên đời này có mẹ. Chúng cứ hối hả bò dần xuống nước và phân tán mỗi con một nơi.

Trời phú cho ba ba con sơ sinh khôn lanh trước tuổi, so với một số loài động vật khác. Gặp nước là chúng nhào đại xuống và bơi thành thạo. Sau đó không lâu, chúng tự biết tìm thức ăn để tự nuôi sống mình.

Đó là trứng nở theo cách tự nhiên. Thường ba ba mẹ vừa đẻ trứng là người nuôi theo dõi và canh chừng ổ trứng độ ba tuần. Sau đó, họ lấy trứng lên đưa vào nhà ấp máy. Với trứng cá sấu, người ta cũng làm như vậy. Ấp bằng máy thì trứng mau nở hơn và con sơ sinh không lo bị thất thoát vì một thứ kẻ thù nào cả.

Trong thiên nhiên, ba ba sơ sinh tìm ăn các loài giun nước, các sinh vật, các ấu trùng nhuyễn thể sống trong nước. Nghĩa là tuy còn nhỏ nhưng chúng đã biết ăn tạp, thứ gì vớ được là cho ngay vào mồm. Nhưng trong bể nuôi thì những ngày đầu ta quá cưng chiều nên cho chúng ăn thức ăn bổ dưỡng như tròng đỏ trứng gà luộc nghiền nhuyễn, sau đó vài ngày cho ăn trùn chỉ hoặc thịt bò xay... Lần lần, ta tập cho chúng ăn loại thực phẩm dành cho những con trưởng thành.

Ba ba tăng trưởng rất chậm. Ba ba sơ sinh lại rất khó nuôi, số hao hụt khó tránh khỏi không ít thì nhiều, nhất là cũng nên phân phát cho mỗi con một cái thau lớn, trong chứa vào tháng tuổi thứ hai.

Cách nuôi ba ba con cũng như nuôi trăn con, ta không thể nuôi chung được, vì chúng có thể cắn mổ nhau, ăn thịt nhau, nhất là khi đói. Ba ba vốn có bản tính hung dữ, ưa gây sự, lại háu ăn, sẵn sàng lăn xả vào giành mồi của nhau và cắn xe nhau. Vậy tốt hơn hết là ta nên nuôi riêng chúng, hoặc là phải cẩn thận can thiệp kịp lúc khi chúng gây hấn với nhau.

Với trăn con, người ta nuôi riêng trong tháng đầu mỗi con một ngăn chuồng nhỏ, cho ăn uống riêng. Còn với ba ba con, cũng nên phân phát cho mỗi con 1 cái thau lớn, trong chứa nước độ 10cm, giữa thau úp một cái tô sành làm củ lao để khi cần nó leo lên khô nằm.

Khi được vài tháng tuổi, lúc này mỗi con đã nặng trên dưới 20gr là lúc có thể nuôi tập trung chúng vào các ao nhỏ, tất nhiên là có tường rào chung quanh chắc chắn để khỏi bị thất thoát, để chúng sống gần gũi thiên nhiên hơn, tự nhiên hơn.

Tốt hơn hết, nếu nuôi quy mô, trong khu vực nuôi ta đào những mương nước lớn và sâu, có cống bộng thông thương với nhau và mức nước trong ao chịu ảnh hưởng của thủy triều lên xuống, nôm na gọi là có nước vô nước ra hàng ngày để môi trường sống khỏi ô nhiễm. Từng khúc mượng được ngăn lại thành từng ô, có tường rào bao bọc, bên trên có đất để chúng khi cần lên cạn sinh hoạt thoải mái.

Cứ mỗi ngăn là nhốt một cô ba ba, căn cứ theo tháng tuổi hay căn cứ theo kích cỡ để dễ cho ăn, dễ chăm sóc, theo dõi. Đây coi như là cái ao thu gọn lại để nuôi ba ba con. Khi chúng trưởng thành thì ta dùng vợt hay lưới vớt sang nuôi vào ao lớn để bán thịt hay để sinh sản sau này.

Xin nhắc lại là giống ba ba không thích nghi được với môi trường nước dơ bẩn, vì vậy trong thời gian nuôi dưỡng chúng, việc thay nước là việc ta nên quan tâm hàng đầu. Nước nuôi con ba ba lại cần sạch sẽ hơn nữa. Nước có độ lạnh dưới 20 độ, ba ba con cũng có thể bệnh.

Khi bệnh thì chúng yếu ớt, đi đứng như như bơi lội uể oải, không rụt đầu vào sát trong mai, nếu bị lật ngửa ra, không đủ sức, tự lật lại... Ba ba đã suy yếu thì nuôi khó sống.

Tóm lại, giống ba ba chỉ sống trong nước ngọt, thích nghi với thời tiết ấm áp, nhiệt độ trong ao từ 25 đến 30 độ C là vừa, nước ao phải sạch, không hôi thối ô nhiễm. Nếu được sống trong môi trường có thủy triều lên xuống thì chúng thích hơn. Vì vậy, ta không nên quá tham mà thả với mật độ dày (vì trong ao còn nuôi cá). Với ba ba con thì 15 con nuôi trong một mét khối nước, ba ba trưởng thành thì ít lần. Nuôi với mật độ dày thì chúng lại có cơ hội gây hấn nhau. Mà trong chăn nuôi thì điều đó không ai muốn xảy ra. Ngay nuôi gà cũng vậy, gà mà đá nhau thì không bề mặt cũng xước mỏ, có khi dập cả buồng trứng. Ba ba mà bị thương tích thì vừa chậm lớn, mà bán ra sẽ mất giá...

Nuôi ba ba là một nghề mới, rất mới nhưng lại có nhiều triển vọng tốt đẹp. Chỉ cần nắm vững được phần kỹ thuật, có đất rộng cặp bờ sông suối, kênh rạch là nuôi giống này tốt nhất. Có điều là nên nuôi nhiều chứ nuôi năm mười con thì chẳng bỏ công chăm sóc!

Lăn quăn thái sấy khô thức ăn dinh dưỡng cho ba ba