0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Các loại bệnh hại và cách phòng trị ở xoài Phần 1

Các loại bệnh hại và cách phòng trị ở xoài

1.Bệnh đốm đen - xì mủ

- Bệnh này khá phổ biến trên các vùng trồng xoài (20%). Trong những năm gần đây, bệnh gây hại nhiều trên các vườn xoài trái vụ vì chúng nằm trong mùa mưa và nhất là các đợt mưa đêm.

- Tác nhân gây bệnh:

Do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. mangeferae indicae gây ra.
Triệu chứng bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển:

+ Bệnh gây hại trên lá, thân và trái của nhiều giống xoài.

+ Khởi đầu bằng những đốm bệnh có màu nâu đen nhỏ trên lá và thân. Chúng lớn dần lên và có thể liên kết lại thành những vết loét bất định. Trên lá khi các vết này lớn có thể làm thành một vùng trũng xuống so với bề mặt lá.

+ Trên chồi non và quả có những vết nứt dọc, có màu nâu đen, đôi khi bị chảy nhựa trên những vết nứt này nên bệnh còn được gọi là xì mủ.

+ Bệnh phát triển nhanh và mạnh vào những tháng mưa nhiều và đặc biệt là từ tháng 9 đến tháng 11.

- Phòng trị:

+ Vi khuẩn có khả năng lưu tồn lâu trong lá, cành bệnh, xác bã thực vật, nên sau khi thu hoạch cần thu dọn sạch vườn, cắt bỏ những cành và lá bệnh rồi đem tiêu hủy chúng.

+ Các loại thuốc có thể áp dụng hiệu quả phòng trị bệnh này như: Champion, Kasuran, Cọc 85, Kocide, Copper zine. Phun định kì 7 ngày/lần.

+ Sử dụng thuốc Kasumin hoặc Starner để phun trị.
+ Vì vi khuẩn thường tấn công qua vết thương nên cần tránh làm tổn thương cây. Nên phun thuốc sau khi cắt tỉa, thu hoạch quả và nhất là sau các trận mưa.

+ Đối với những giống xoài có giá trị kinh tế cao như: xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc và tán cây cao vừa phải thì nên sử dụng bao quả chuyên dùng do Đài Loan sản xuất để bao quả, sẽ rất hiệu quả trong phòng trừ bệnh này, vì loại bao này giúp thoát nước tốt và không làm gãy lông tơ trên vỏ quả.

2.Bệnh thán thư trên xoài

- Tác nhân gây bệnh:

Xoài là cây ăn quả dễ trồng, có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, trong những năm gần đây, diện tích trồng xoài đã gia tăng đáng kể ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Song song với sự gia tăng diện tích, dịch hại trên xoài cũng ngày càng trở nên trầm trọng. Trong đó, bệnh thán thư là phổ biến và gây hại khá nghiêm trọng trên năng suất và phẩm chất trái.

- Bệnh thán thư xoài do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, phá hại trên cả lá, đọt, bông và quả. Trên lá, bệnh thường có những đốm góc cạnh màu nâu đỏ, lớn khoảng 3 - 5mm, dễ bị thủng rách, lá rụng khi bệnh nặng. Khi trời ẩm ướt, mầm bệnh tấn công trên hoa, vết nâu xuất hiện dọc trên hoa và hoa bị khô. Trên quả, đốm bệnh nâu đen, hơi tròn hoặc lõm sâu. Các đốm bệnh trên vỏ quả cũng có thể liên kết với nhau, thịt quả phía trong dốm bệnh bị khô đi và dính theo vỏ quả khi lột. Nếu bệnh xuất hiện sớm trên quả non thì quả bị rụng. Mâm bệnh có thể tấn công quả non, quả lớn và cả quả sau thu hoạch, tồn trữ. Bệnh lây lan, phát triển mạnh khi trời mưa nhiều, ẩm độ không khí cao. Giai đoạn ra hoa gặp sương mù nhiều, bệnh dễ phát triển, làm rụng hoa.

Phòng trị:

+ Thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để tránh lây lan;

+ Bón phân cân đối, đặc biệt là cần phải tránh bón thừa đạm;

+ Tỉa cành, tạo tán PP để tạo sự thông thoáng trong vườn cây, giảm độ ẩm trong vườn.

+ Vào giai đoạn cây mang quả nên sử dụng bao để bao quả (phun thuốc ngừa bệnh 1 lần trước khi bao).

+ Sau thu hoạch, ngâm quả trong nước nóng 55°C trong 20 - 30 phút sẽ tránh được bệnh cho đến khi quả chín. Đây là biện pháp dễ làm, ít tốn kém và rất hiệu quả, quả ngọt và có màu vàng hấp dẫn.

+ Khi trời ẩm ướt, sương mù nhiều nên phun thuốc hóa học ngừa hoặc phun khi bệnh mới chớm. Một số thuốc hiệu quả với bệnh thán thư: Antracol 70WP, Score 250EC, Manage 15WP, Plant 50WP, Thi O-M 70WP... Chú ý giữ đúng thời gian cách li để nông sản không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

 

3. Bệnh thối trái

Bệnh này và bệnh thán thư góp phần làm thiệt hại đáng kể quả xoài sau thu hoạch, làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển và tồn trữ quả xoài sau thu hoạch.

- Triệu chứng:

+ Bệnh này biểu hiện triệu chứng bằng một đốm đen bắt đầu từ cuống lên thịt quả ở đầu trái.

+ Bệnh phát triển nhanh xuống thịt trái ở các phân khác trong điều kiện ấm, độ ẩm cao, vết bệnh chuyển màu từ nâu tối sang tím đen, thịt quả bên trong trở nên mềm và ứ nước. Quả nhiễm bệnh bị hỏng hoàn toàn trong thời gian 3 - 4 ngày.

- Tác nhân:

Tác nhân gây ra bệnh này là nấm Botryodipdia theobrome, có tên khác là Diplodia natalensis hay Lasiodiplodia triflorae.

- Phòng trị:

+ Nguồn bệnh như cánh chết, vỏ cây, cuống trái nên được loại trừ.

+ Quả nên được thu hoạch trước khi chín với cuống còn dính ít nhất là 0,5cm.

+ Đầu cuống trái nơi vết cắt nên quét thuốc trừ nấm như Mancozeb hay thuốc gốc đồng (Cu).

+ Nhúng quả trong dung dịch Borax 6% ở nhiệt độ 43°C trong 3 phút, sau đó nhúng quả trong dung dịch thuốc Benomyl (600 - 1000ppm) trong khoảng nước nóng 52°C trong 5 - 10 phút.


4.Bệnh chết cây con

Bệnh này là bệnh quan trọng trên cây con, nhất là cây trong bầu nilon. Giai đoạn gây hại nặng nhất là lúc cây được 1 - 2 tháng sau khi ghép.

- Tác nhân gây bệnh: Pythium sp.

Triệu chứng bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển:

+ Cây con bị bệnh thường có biểu hiện lá bị mềm rủ và tái màu, có những vết đen xuất hiện ở gốc lá, lớn dần và lan rộng đến phần gân chính của lá, sau đó lá bị héo cụp xuống và uốn cong lại rồi chết.

+ Hệ thống rễ bị thối ở vùng cổ rễ rồi lan rộng.

+ Chẻ dọc vùng nhiễm bệnh thấy có những nước, biến màu nâu đen trong mạch dẫn và phân gỗ dọc theo thân chính hướng xuống vùng rễ. Thường cây bị nhiễm bệnh ở vùng ghép.

+ Mạch dẫn bị hư và dẫn đến hấp thu dinh dưỡng, nước kém làm cây bị héo và chết.

+ Nấm có thể sống hoại sinh trong đất hoặc kí sinh trên cây, khi gặp điều kiện thuận lợi như tưới quá nhiều nước cho cây, hoặc trồng mật độ cao chúng sẽ tấn công cây con.
Phòng trị:

+ Chủ yếu là phải chọn nơi đất trồng khô ráo, cây con nên đặt trên liếp, bầu đất phải thoát nước tốt, đất vô bầu không quá nhiều đất sét.

+ Có thể trộn các loại thuốc như Metalaxyl với Mancozeb để rải vào đất hay phun lên cây.

 

5.Bệnh lở cổ rễ

Bệnh xuất hiện trên các vườn bị ngập nước hay cây trồng trên đất thoát nước kém.

- Tác nhân gây bệnh: Do nấm Rhizoctonia solani:

Triệu chứng bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển:

+ Triệu chứng thường thấy là cành lá dây lên, khô và rụng. Quan sát hệ thống rễ cây thì thấy hệ thống rễ cây bị thối, kèm theo mùi hôi. Khi lột vỏ thì thấy phần vỏ bên dưới cũng bị biến màu đen và xuất hiện các vết những nước.

+ Thường những cây con là dễ nhiễm bệnh nhất, tế bào cây trở nên xốp, màu nâu hay đen rồi cây bị đổ quỵ và chết. Bệnh xuất hiện và gây hại nặng trong thời gian mưa nhiều.

- Phòng trị:

+ Làm đất kĩ, mương liếp thoát nước tốt, tránh đọng nước hay ngập úng vào mùa mưa.

+ Cung cấp thêm lượng hữu cơ cho cây và tưới hoặc rải nấm đối kháng Trichoderma cho vườn cây.

+ Phun các loại thuốc gốc đồng (Cu) trên tán cây và tưới thuốc lên gốc cây và vùng lân cận.
 

6.Bệnh bồ hóng

Bệnh này tương đối phổ biến trên vườn xoài, chúng hoại sinh trên kí chủ. Chúng sử dụng mật do rầy, rệp tiết ra, vì trong mật có nhiều đường, amino acid và protein.

- Tác nhân gây bệnh: Capnodium mangiferae.

Triệu chứng bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển:

+ Đốm bồ hóng thường xuất hiện trên thân, cành, nhánh và lá nhưng cũng có thể nhiễm cả quả. Nấm hiện diện trên lá, cành làm nên những mạng đen và tạo thành lớp như giấy đen.

+ Trên quả chúng phát triển thành những đốm đen thỉnh thoảng chảy dọc thành những giọt do mưa rửa trôi bào tử nấm.

-Phòng trị:

Nên phun các loại thuốc trừ sâu để diệt các loại rầy, rệp tiết mật giúp nấm phát triển. Phun các loại thuốc trừ nấm gốc Dithiocarbamate.

7.Bệnh đốm rong

Bệnh này cũng tương đối phổ biến, chúng không chỉ xảy ra trên xoài mà còn trên rất nhiều cây ăn quả khác. Bệnh xảy ra trên những vườn ít được chăm sóc, kém thoát nước. Bệnh gây hại chủ yếu là làm giảm quá trình quang hợp của cây.
Tác nhân gây bệnh: Do tảo Cephaleuros virescens gây ra.

- Triệu chứng bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển:

+ Sự xuất hiện của các đốm màu cam, rỉ sắt có đường kính khoảng 5 - 8mm trên mặt trên hoặc dưới của lá, sau đó chúng liên kết lại tạo thành những mảng lớn hơn có màu xanh xám đục. Những vết bệnh này làm cho cây kém quang hợp. Sau khi những đốm bệnh này bị tróc ra sẽ để lại những mảng đen.

+ Chúng được phát tán qua giọt nước, theo gió. Điều kiện môi trường nóng ẩm trong tán cây là điều kiện thích hợp nhất cho chúng phát triển.

Phòng trị:

Nên có biện pháp canh tác thích hợp tránh tạo môi trường tốt cho chúng; cung cấp đủ dinh dưỡng. trồng mật độ vừa phải và nên tỉa cây tạo sự thông thoáng cho cây. Nên chăm sóc vườn bằng cách phun xịt các loại thuốc trừ sâu bệnh nhằm tăng khả năng kháng của cây đối với sâu bệnh.

 

8.Bệnh phấn trắng

- Tác nhân gây bệnh: Oidium mangiferae.

- Triệu chứng bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển:

Bệnh thường thấy trên hoa, quả và các cành, lá non. Nấm gây bệnh thường xuất hiện trên bề mặt các bộ phận của cây. Các vết bệnh thường bị bao phủ bởi một lớp bụi phấn màu trắng làm cho cây bị cháy khô và đen.
- Phòng trị:

Bào tử nấm được hình thành trên các bộ phận bị nhiễm bệnh như: lá, chồi non, quả, và được phát tán nhờ gió rồi dẫn đến sự lây nhiễm thứ cấp. Sử dụng các loại thuốc bột có lưu huỳnh như Kumulus, Okesulfulạc có thể ngăn chặn được sự phát triển của bệnh.

 

9. Bệnh đốm nâu

Bệnh xuất trên tất cả các giống khi lá không phát triển khỏe mạnh, ngay cả trên cũng bị nhiễm khi tồn trữ.

Tác nhân gây bệnh: Pestalotiopsis mangiferae.

- Triệu chứng bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển:

+ Triệu chứng xuất hiện như những đốm nâu trắng, kích thước biến động từ vài milimét đến vài centimét, những đốm bệnh nhỏ có thể liên kết lại tạo nên những vết bệnh lớn, không có hình dạng cụ thể, màu xám. Rìa đốm bệnh màu nâu đen trong khi tâm vết bệnh màu trắng xám.

+ Bệnh xuất hiện cả trên quả và lá. Trên quả nếu chúng tấn công ở cuống quả thì có thể làm quả rụng.

Phòng trị:

Có thể phun các loại thuốc như Mancozeb hay Zineb hoặc các thuốc gốc Benzimidazole.