Bệnh chết nhanh chết chậm cây hồ tiêu và phương pháp hóa học
BỆNH HẠI
1. Bệnh tuyến trùng
Hồ tiêu bị nhiều loại tuyến trùng gây hại, trong đó có hai loại tuyến trùng gặp là: Tuyến trùng gây nốt sần Meloidogyne và tuyến trùng đục hang Radophylus. Tuyến trùng đục vào rễ chích hút dịch cây, tạo điều kiện các loại nấm xâm nhập và gây hại. Rễ tiêu bị sưng, thối, lá vàng sinh trưởng kém, không ăn phân, rễ có bướu hoặc thối từng điểm, thân khô héo, tạo vết thương làm nấm xâm nhập phát triển mạnh.
+ Biện pháp phòng trừ: Bón phân cân đối, vệ sinh đồng ruộng. Trồng cúc vạn thọ xung quanh gốc tiêu (rễ cây cúc vạn thọ tiết ra một chất làm nạn chế sinh sản của tuyến trùng). Sử dụng Xanh Malachit 10G, xới đất quanh gốc bệnh cách gốc 30 – 50cm, rộng 10cm, sâu 10 - 15cm, rải thuốc 20-30gr/gốc lấp đất tưới nước. Mocap 720 ND pha lcc/1lít nước tưới đều 2 lít/gốc hoặc sử dụng Regent, Vibasu...
2. Bệnh chết nhanh (thối rễ)
Do nấm Phytophthora sống trong đất gây nên. Nấm này có thể tấn công riêng lẻ, song đa số có sự kết hợp của các loài nấm khác như Fusarium, Pythium, Rhizoctonia cùng tấn công làm cây tiêu chết nhanh chóng.
Bệnh có thể gây hại ở tất cả các bộ phận của cây, nhưng nguy hiểm nhất vẫn là trên cổ rễ, hủy hoại mạch dẫn, làm cho việc dẫn truyền nước và dinh dưỡng nuôi cấy bị ngừng trệ, cây tiêu sẽ bị héo rũ và chết rất nhanh Nấm Phytophthora có nguồn gốc thủy sinh, khi gặp mưa, bệnh sẽ phải triển mạnh và ngấm ngầm gây hại bộ rễ của cây. Đến khi thấy cây chết thì thực ra bộ rễ đã bị nấm tấn công trước đó hàng tháng rồi, vì thế cây tiêu thường bị chết hàng loạt vào cuối mùa
+ Triệu chứng: Cây tiêu đang sinh trường xanh tốt, bị nấm tấn công ở bộ rễ và phần thân nằm trong đất sẽ làm cho các mầm ngừng phát triển, chuyển màu xanh nhạt, biến thành màu vàng và rụng, phần dây thân trên mặt đất có dấu hiệu héo. Phần lớn là sẽ rụng hết trong 1 đến 2 tuần, để lạ các cành trơ trụi. Sau đó toàn bộ dây tiêu bị héo và chết khổ. Cũng có khi lá rụng một lượt với lóng (còn gọi là bệnh tiêu sầu), hiện tượng rụng lá và đốt thường bắt đầu từ ngọn trở xuống. Bệnh xảy ra khá nhanh, sau một vài tháng cả cây tiêu chết. Nhổ cây tiêu lên thấy bộ rễ tiêu bị thối đen, gốc thân cũng bị thối.
Nấm gây bệnh chết nhanh ở hồ tiêu phát triển mạnh trong mùa mưa, xâm nhập phân hủy bộ rễ và gây chết hàng loạt vào cuối mùa mưa. Những vườn tiêu bị nhiễm bệnh đa số là ẩm thấp, bị đọng nước trong mùa mưa và do chăm sóc kém, bệnh này có thể lây lan qua đất, nước, dụng cụ canh tác... Bệnh chết nhanh trên cây tiêu rất khó trị, vì khi thấy triệu trứng héo dây thì bộ rễ đã bị nấm bệnh tấn công từ 1.5 đến 2 tháng trước đó rồi, vì vậy phải thường xuyên thăm vườn tiêu, phát hiện bệnh sớm để xử lý kịp thời.
+ Biện pháp phòng trừ:
Đất trồng tiêu phải cao ráo, tơi xốp, thoát nước tốt như đỉnh đồi, lưng đồi... Đất phải được phơi ải trước khi trồng. Chọn giống kháng bệnh và không bị bệnh. Bón phân cân đối làm cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, tạo sức đề kháng cho cây. Chú ý sử dụng nhiều phân hữu cơ hoặc phân vi sinh. Thường xuyên cắt tỉa lá già, những cành vô hiệu, cành lươn, cành sát mặt đất để tạo độ thông thoáng cho vườn cây, hạn chế làm tổn thương rễ tiêu khi chăm sóc tránh sự xâm nhập của nấm bệnh vào trong cây. Vệ (sinh vườn sạch sẽ, thu gom tàn dư cây bệnh đi tiêu hủy để tránh lây lan, trồng cây họ đậu giữa hàng tiêu. Không trồng xen những cây cũng là ký chủ của nấm Phytophthora vào vườn tiêu như cà tím, cà pháo, cà chua, ớt, bầu bí, khoai sọ, cà rốt, súp lơ...
Thiết kế rãnh thoát nước trong các hàng tiêu, xung quanh vườn tiêu, phá bỏ các bờ ngăn nhằm giúp thoát nước trong mùa mưa, tránh để ứ đọng nước trong bồn. Sử dụng hệ thống tưới nước kết hợp bón phân qua đường cống. Tăng cường bón phân hữu cơ cho cây tiêu, nên bón mỗi năm khoảng15 – 20 kg phân chuồng mục trộn với chế phẩm Trichoderma cho một trụ tiêu. Nên sử dụng thêm phần Calcium Nitrate, phân bón lá Multi-K, MKP, Poly Feed... để tăng cường canxi và vi lượng cho cây, không nên bón urê quá nhiều.
Điều tiết vườn tiêu đảm bảo độ ẩm thích hợp, trồng cây che bóng hợp lý giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh. Tăng cường bón vôi và tiêu diệt côn trùng, tuyến trùng, mối kiến gây hại rễ. Phun một số loại thuốc trừ bệnh như Aliette 80WP, Rydomyl... Chặt những cây tiêu bị bệnh nặng và đào hết rễ để tiêu hủy, sau đó rắc vôi vào gốc để diệt nấm bệnh, tránh lây lan ra diện rộng. Nếu trong vùng thường xuất hiện bệnh, vào mùa mưa phun thuốc Ridomin Gold, Acrobat, Alpine... định kỳ 1 - 2 tháng/ lần cho cá vườn tiêu.
Bài Viết Thuốc Xanh Trong Trị Bệnh Chết Nhanh Chết Chậm Cây Tiêu Và Ở Cây Thanh Long
3. Bệnh chết chậm (vàng lá)
Bệnh do nấm Fusarium sp, nhưng trong nhiều trường hợp là sự kết hợp với các nấm khác như Lasiodiplodia, Pythium sp, Rhizoctonia xâm nhập vào bộ rễ gây hiện tượng chết chậm trên cây tiêu. Các loại nấm này thường tồn tại hàng năm ở trong đất, phát sinh phát triển trong đất bón ít phân hữu cơ, đất chua, trên tàn dư của cây trồng trước và trên cây giống (do lấy giống ở những vườn tiêu bị bệnh hoặc ở những vườn tiêu mới bón phân dư lượng chất dinh dưỡng trong hom còn nhiều làm cho cây không đủ sức chống chịu với nấm bệnh), do vườn tiêu bị ngập úng sau mỗi đợt mưa, dự nước từ ngoài tràn vào mang theo mầm bệnh hoặc do lối canh tác chưa đúng kỹ thuật. Khi trong vườn tiêu xuất hiện tuyến trùng, chúng thâm nhập vào bộ rễ của cây gây sát thương nghiêm trọng, làm cho rễ phát triển yếu khó hút được dinh dưỡng, chất khoáng và nước. Mặt khác, khi bộ rễ bị tổn thương sẽ dễ bị nấm tấn công và gây hại làm cho cây suy kiệt từ từ, ngừng sinh trưởng và chết dần dần.
+ Triệu chứng: Cây tiêu bị bệnh có biểu hiện sinh trưởng và phát triển chậm, lá nhỏ lại, nhạt màu hoặc chuyển sang úa vàng giống như thiếu phân, thiếu nước. Sau đó lá, hoa, các đốt và quả rụng dần từ dưới gốc lên ngọn, chứ không rụng và héo từ đọt xuống như triệu chứng ở bệnh chế nhanh.
Gốc thân cây bệnh có nhiều vết màu nâu đen, dần dần vết bệnh lan làm thối lớp vỏ gốc, phần lõi thân bên trong chuyển sang màu nâu nhạt. Lâu ngày, khi bệnh phát triển nặng, toàn bộ gốc và rễ cây tiêu trở nên thâm đen thối mục, sau đó cây héo khô và chết dần dần.
Từ khi cây tiêu có biểu hiện bị bệnh đến khi bị nặng hoặc chết có thể kéo dài một năm. Bệnh chết chậm có thể làm chết từ một đến hai dây hoặc cả nọc tiêu. Bệnh này thường xảy ra ở các vườn tiểu có hàm lượng đất chua, ẩm ướt, bị đọng nước và bón ít phân hữu cơ.
+Biện pháp phòng trừ: Thu gom tàn dư của cây bệnh và cỏ dại trong vườn tiêu hủy trước khi trồng tiêu mới. Thường xuyên dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa cây nọc, cây che bóng, dây lươn... Tia bớt lá ở gốc cách mặt đất 50 - 60 cm để gốc tiêu luôn được thông thoáng, có ánh sáng chiếu vào. Bón nhiều phân hữu cơ, đủ phân NPK và bón thêm vôi cho tiêu đồng thời đào mương thoát nước để các gốc tiêu không bị đọng nước trong mùa mưa, hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm cho cây. Tiêu hủy cây bị bệnh và rắc vôi vào gốc diệt mầm bệnh. Hàng năm dùng thuốc gốc đồng, hoặc thuốc Kozuma 8SL, Funguran-OH 50WP tưới 1-2 lần vào đầu và cuối mùa mưa.