Cây Cà Phê
CÂY CÀ PHÊ
Cà phê chỉ được con người biết đến giá trị từ khoảng giữa thế kỷ XVIII. Ngày nay, cây cà phê đã trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao. Sản phẩm cà phê là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhiều nước, trong đó có nước ta.
Tuy các chất dinh dưỡng trong hạt cà phê chiếm tỉ lệ không cao, song các sinh tố, đặc biệt là vitamin B có hàm lượng khá cao. Tác dụng chủ yếu của cà phê là nâng cao sinh lực, chống mệt mỏi cho cơ thể con người.
Hoạt chất chủ yếu trong cà phê là cafein (hàm lượng từ 0,8 - 3%) - nếu dùng với liều lượng thích hợp sẽ có tác dụng kích thích thần kinh, giúp tế bào não tăng cường khả năng làm việc, khả năng tư duy, thúc đẩy hoạt động của hệ tuần hoàn, tăng cường phản ứng của cơ bắp... Vì những lẽ đó, cà phê là thức uống ngày càng được ưa chuộng trên toàn thế giới.
Trồng cà phê trên đất đồi núi có tác dụng phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ nước, chống xói mòn và bảo vệ được môi trường.
Mặc dù giá cà phê luôn biến động nhưng cà phê vẫn là cây thu lợi nhuận, có giá trị kinh tế cao.
Trồng cà phê là một trong các giải pháp tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động miền núi hiện nay đang thiếu việc làm.
Theo thống kê: Từ năm 1985 đến năm 1990, bình quân mỗi năm cả thế giới tiêu thụ gần 4,2 triệu tấn cà phê (riêng các nước Bắc Mỹ và châu Âu đã sử dụng hơn 3,6 triệu tấn). Thực tế, những nước tiêu thụ cà phê nhiều lại là những nước không trồng cà phê. Điều này gợi mở cho những nước có thể trồng cà phê như nước ta tập trung mở rộng sản xuất nâng cao chất lượng cà phê để có thể xuất khẩu nhiều hơn nữa ra thị trường thế giới.
Cà phê ưa nhiệt độ bình quân hàng năm cao, trong đó cà phê chè sinh trưởng và phát triển thuận lợi từ 19 - 23°C. So với các loại cà phê khác, cà phê chè có khả năng chịu nhiệt hơn (nhiệt độ từ 2-3 °C trong thời gian ngắn không ảnh hưởng tới cây). Trong các giống cà phê đang trồng ở nước ta thì các giống Catura, Catimor chịu rét khá hơn các giống Bourbon, Typica.
Nhiệt độ từ 38°C trở lên gây ảnh hưởng xấu tới cây cà phê.
Khi trồng cà phê cần chú ý đến sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm. Độ chênh lệch này cao thì phẩm chất cà phê thơm, ngon (vì ban ngày nhiệt độ cao thúc đẩy quá trình quang hợp, tích luỹ chất khô, ban đêm nhiệt độ xuống thấp sẽ hạn chế sự tiêu hao các chất đã được tích luỹ).
Nói chung, cà phê cần mua và độ ẩm. Riêng cà phê chè, hàng năm cần lượng mưa từ 1200 - 1500mm. Nếu lượng mưa được phân bổ tương đối đều từ khi hoa nở đến khi thu hoạch thì rất tốt cho cây cà phê. Sau khi thu hoạch, cà phê chè cần khoảng 2 tháng cuối năm khô lạnh để phân hoá mầm hoa. Nhưng khi hoa nở và quả non được hình thành mà không có mưa thì tỷ lệ đậu quả thấp, quả bị lép. Do vậy thời gian này, nếu gặp khô hạn, nhất thiết phải tưới nước cho cây cà phê.
Gió khô nóng kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và năng suất cà phê. Để ngăn ngừa, cần có đai rừng phòng hộ, trồng cây che bóng, tủ gốc giữ ẩm, trồng cây phân xanh giữa hàng...
Cây cà phê ưa ánh sáng tán xạ. Vì vậy, cần trồng cây che bóng. Cần lựa chọn cây che bóng thích hợp, có tán lá thưa vừa phải.
Cà phê là loại cây lâu năm, có bộ rễ khoẻ, phát triển tốt và ăn sâu tới 1m. Đất trồng cà phê phải là đất màu mỡ thì cà phê mới cho năng xuất cao, tuổi thọ của cây được kéo dài. Đất còn phải tơi xốp, có khả năng giữ ẩm cũng như khả năng thoát nước tốt, độ PH từ 5,5 - 6,5.
Với những yêu cầu đó, đất đỏ bazan là loại đất thích hợp với cây cà phê hơn cả.