Bệnh thối rễ, vàng lá, rụng lá
Bệnh thối rễ, vàng lá, rụng lá
Bệnh thối rễ, vàng lá (hay còn gọi là bệnh thối rễ rụng lá, thối rễ, vàng lá, rụng lá, chết nhanh...) do nấm Fusarium solani gây ra.
Lúc đầu, cây bị bệnh vẫn bình thường nhưng gần lá có màu vàng trắng, phiến lá ngả màu vàng xanh, sau đó rụng đi, đặc biệt là khi có gió hoặc lấy tay rung lắc cây. Các lá già bị rụng trước sau đó đến các lá phía trên. Nhìn toàn cây thấy gốc, cành trơ trụi chỉ còn một ít lá đọt.
Ban đầu chỉ vài nhánh bị bệnh, sau đó bệnh lan dần ra toàn cây. Cây ra nhiều chồi ngắn và nhỏ, nhiều bông, quả bị chua, cuối cùng cây bị chết hoàn toàn.
Nếu đào kiểm tra bộ rễ sẽ thấy khi cây chớm bị bệnh chỉ vài nhánh rễ bị thối, có những sọc nâu trên rễ chạy từ chóp rễ vào phía trong và vào những rễ lớn hơn, vỏ rễ tuột khỏi phân gỗ. Sau đó bệnh lan nhanh ra toàn bộ rễ làm cho cả bộ rễ bị thối, ứng với lúc này phía trên cây cũng bị rụng hết lá, chỉ còn là đọt và cây bị chết hoàn toàn.
Nấm F. solani ưa môi trường acid hơn môi trường kiêm. Chúng xâm nhập vào trong rễ cây có thể do một số điều kiện sau đây:
Thứ nhất, tình trạng yếm khí lâu dài của đất vào tháng cuối mùa mưa (do đất có thành phần sét cao nên mao quản nhỏ, giữ nước lâu và khó rút nước).
Đất luôn ở trong tình trạng thiếu oxy, rễ cây phải hộ hấp trong tình trạng yếm khí làm cho tế bào rễ non bị chết. Nấm F. solani sẽ xâm nhập vào những tế bào chết này. Từ đây, nấm tiết ra độc tố làm cho mạch gỗ của rễ và thân cây bị mất tính trường nước, xẹp lại, ngăn cản sự vận chuyển chất dinh dưỡng và nước từ trong đất lên nuôi cây.
Thứ hai, trong các tháng mùa khô thiếu nước hoặc vào những giai đoạn nhà vườn xiết nước (không tưới nước để kích thích cho cây ra hoa đã làm cho cây thiếu nước, một số rễ ăn sâu xuống để tìm nguồn nước cung cấp cho cây. Khi mùa mưa đến, đất thoát nước không kịp, mực thuỷ cấp nâng cao, những rễ ăn sâu xuống đất phía dưới bị ngập úng, ngộp và thiếu oxy làm cho rễ suy yếu, thối. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nấm tấn công nhanh hơn vào trong rễ gây hại.
Thứ ba, những vườn chủ động giữ được mực thuỷ cấp theo ý muốn thường có rất nhiều mối. Trong đó có các loài mối ăn rễ non của cây. Điều này có thể cũng góp phần tạo ra những “cửa ngõ” cho nấm xâm nhập vào trong rễ gây hại (nấm F. solani khó xâm nhập được vào rễ khi còn lành).
Ngoài những con đường xâm nhập trên đây, nấm còn xâm nhập vào trong rễ qua các vết thương cơ giới do một số loài tuyến trùng sống trong đất như: Paratylenchus coffea, Radopholus similis, Tylenchulus semipenetrans, Meloidogyne sp gây ra.
Ngoài gây hại trực tiếp cho bộ rễ, nấm F. solani còn kích thích cây tạo ethylene làm cho lá vàng nhanh và rụng sớm.
Như vậy, để phòng trừ bệnh thối rễ vàng lá trên cây cam, quýt không phải là đối phó với nấm F. solani mà phải làm sao cho đất tơi xốp và thoáng khí, diệt tuyến trùng trong đất, thay đổi cách xử lý ra hoa bằng hoá chất thay vì dùng biện pháp xiết nước...
Để hạn chế tác hại của bệnh, bà con nông dân có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:
- Lên liếp cao, thoát nước tốt. Nếu đất thấp phải có hệ thống bờ bao vững chắc để có thể chủ động bơm nước ra khỏi vườn khi cần thiết.
- Tăng cường bón phân hữu cơ, tro trấu, mùn.. để giúp đất tơi xốp. Bón thêm vôi để nâng cao độ pH của đất.
Nên dùng hoá chất để kích thích ra hoa trái vụ thay cho biện pháp xiết nước.
- Tăng cường thêm phân lân, kali để tăng sức đề kháng của rễ đối với bệnh và kích thích cây ra thêm rễ mới, hoặc tưới MKP để cây phục hồi nhanh hơn.
Nếu vùng đất có tuyến trùng nên kết hợp rải Basudin 10 H hoặc Regent 0,3 G (100g) + Ridomil 72 WP (30g)/gốc.
Nên kiểm tra vườn quýt thường xuyên để phát hiện sớm và có biện pháp dùng thuốc kịp thời. Nếu
cây mới chớm bị bệnh có thể pha dung dịch thuốc Thiram 85 WP, hoặc Benomyl 50 WP, Derosal 60 WP, Ridomil 72 WP, Nustar... với liều lượng 30 - 50g/10lít nước tưới cho một gốc, tưới 2 lần/năm.