Ươm giống cao su
B. LẬP VƯỜN ƯƠM:
Để có một số lượng lớn cây Cao su con cùng một lứa tuổi, chọn lựa ra được những cây có sức lớn đồng đều, không bị bệnh tật từ thân đến rễ để trồng, ta phải lập vườn ươm cây con. Thay vì như cách cũ mà trước đây ông cha ta đã làm là trồng bằng cách gieo thẳng hột giống ra hỗ trống, rồi chờ cây con đủ lớn đúng độ ghép mới ghép cành, ghép mắt. Cách xưa cũ này có những điều bất tiện cho việc chăm sóc, và nhất là không thể tạo được tất cả cây trong lô lớn đồng đều như nhau.
Tùy vào số lượng cây con giống cần trồng sau này nhiều hay ít mà ta dự tính lập vườn ươm rộng hay hẹp. Với những tiểu điền, nếu diện tích trồng chỉ một vài ha thì kích thước vườn ươm chỉ cần rộng 200m vuông cũng đủ. Trồng với diện tích rộng hơn thì diện tích vườn ươm phải rộng hơn.
Điều đòi hỏi là đất làm vườn phải cao ráo và bằng phẳng; đất tốt được cày bừa, cuốc xới nhiều lần cho thật tơi xốp. Điều đó cũng có nghĩa là đất vườn ươm không có tạp chất lẫn lộn như sỏi đá, rễ cây, cỏ dại... Sau đó vườn được phân thành ô hoặc lên liếp để trồng. Nên thiết kế lối đi đủ rộng để công nhân lui tới chăm sóc tưới cây mỗi ngày.
Vườn ươm phải có sẵn nguồn nước tưới đầy đủ, vì cây con cần rất nhiều nước tưới, nhất là trong mùa khô.
Tùy theo sự dự tính của mình tum trần 10 tháng tuổi hay bầu mắt ngủ mà lập vườn cho đúng cách thức.
Chúng ta cũng cần hiểu thế nào gọi là cây tum trần 10 tháng tuổi, và thế nào là cây trồng bầu mắt ngủ.
+ Cây tum trần 10 tháng tuổi, nói gọn là cây tum, là cây Cao su con có 10 tháng tuổi, sau khi ghép mắt ghép thành công, được bứng từ vườn ươm đem ra trồng tại hố.
+ Cây bầu mắt ngủ: Là cây Cao su con được ươm hột trong bầu, sau đó ghép mắt ghép thành công, và rạch bầu đem cây con ra trồng tại hố.
1. Làm vườn ươm cây tum: Sau khi cày bừa kỹ và san bằng thửa đất thì bắt tay vào đào mương rãnh, mỗi mương có chiều ngang 50 phân, chiều sâu cũng 50 phân, vách thẳng đứng và chiều dài từ 15 đến 20m. Với tiểu điền có vườn ươm hẹp, thì tùy vào diện tích đất mà mình lo liệu.
Khi đào, dù là đào thủ công hay đào bằng phương tiện máy móc thì lớp đất mặt bên trên mương rãnh cũng phải để riêng sau này dùng trộn chung với phân chuồng để lấy lại xuống mương rãnh để gieo hột giống. Lớp đất bên dưới đào lên để dùng vào việc khác. Sau khi lấp hỗn hợp đất và phân vào đây mương rãnh, phải phơi ải ngoài nắng gió vài mươi ngày rồi mới đặt hột giống xuống gieo.
2. Làm vườn ươm bầu mắt ngủ: Sau khi mặt bằng vườn ươm đã được cày bừa xong thì bắt tay vào việc đào rãnh. Rãnh ươm bầu mắt ngủ chỉ cần rộng 30 phân, và sâu 25 phân là đủ, nhưng vách rãnh cũng phải thẳng đứng, còn chiều dài cũng từ 15 đến 20m là vừa. Rãnh này không cần lấp đất và
phân như rãnh của vườn ươm tum, vì chỉ dùng làm nơi đặt bầu ươm xuống. Nhờ có bờ thành hai bên kìm chắc lúc nào cũng giữ bầu nằm yên đúng vị trí chứ không thể nghiêng ngả, giữa hai rãnh nên chừa một lối đi khoảng 8 tấc để tiện việc lui tới chăm sóc.
C. CÁCH GIEO HỘT GIỐNG:
Hột Cao su giống như phần trên đã nói phải thu từ cây Cao su “mẹ” có những đặc điểm ưu việt, lại chưa đến tuổi quá già, tức là cây trong lứa từ 10 đến 20 tuổi là tốt.
Hột giống phải là hột mới rụng, nặng, không bể giập, lớn, không bị dị tật, và vỏ có màu sáng bóng. Hột còn mới thì bên trong phối nhũ còn tươi, khả năng nẩy mầm cho tỉ lệ cao (không nên để lâu quá một tuần) đem ươm ngay mới tốt.
1. Liếp ươm hột: Như quí vị đã biết, khi đặt hột giống ra vườn ươm hay bầu ươm thì hột giống Cao su phải được ươm trước cho ra rễ “gai dứa” hoặc trễ là rễ “chân nhện” trên liếp cát. Bộ Chỉ trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 ngày là hột giống đã ra rễ. Chỉ cần thấy hột giống nứt rễ là ta phải lấy ra ươm liền, không nên để trễ vì nếu rễ mọc ra quá dài khi di chuyển dễ bị đứt hay giập nát. Vì vậy, sau vài ba ngày vui hột giống vào cát, hàng ngày ta phải chịu khó mọi lên mỗi nơi một vài hột để theo dõi.
Nếu ươm số nhiều thì phải tạo nhiều lớp cát. Liếp chỉ cần rộng một mét đến một mét hại, và dài chừng 10m, trên đó độ dày của lớp cát cỡ 10cm. Trên liếp nên có mái che sơ để hạn chế mưa tạt và ánh nắng trực xạ chiếu vào, ảnh hưởng xấu đến việc nảy mầm của hột giống. Giữa hai liếp nên tạo một lối đi khoảng 60 phân là đủ. Còn nếu các vị tiểu điền ươm hột giống thì có thể tự chế những khay cát bằng gỗ, hay chọn một đám đất bằng phẳng, dùng ván tấn chung quanh, đổ lớp cát dày 10cm bên trong là được.
Trước khi ươm hột Cao su giống, ta phải làm nứt vỏ cho dễ nảy mầm bằng cách gõ nhẹ hột vào một vật cứng nào đó. Sau đó, nên cẩn thận ngâm hột vào thuốc Dieldrin pha với tỉ lệ 5 phần ngàn (5/1000) để khử kiến và nấm dại trong vài mươi phút.
Mặt cát được làm ấm (tránh để ngập úng) rồi đặt úp bề lõm (bụng) của hột xuống dưới, phần con (lưng) hướng lên phía trên. Hột giống nên đặt cách nhau vài phân, cho lún sâu vào cát cũng vài phân.
Việc chăm sóc trong giai đoạn này là lo tưới cho cát được ấm. Nên tưới ngày 2 lần bằng loại thùng tưới có tia nước nhỏ như phun sương, tưới trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều mỗi ngày.
2. Cách gieo hột giống ra vườn ươm tum: Hột giống sau khi nhú mầm mới đem ra vườn ươm đặt vào mương rãnh. Lúc thấy rễ nhú ra độ 4-5 milimet, gọi là rễ gai dứa, là lúc đưa ra vườn ươm tốt nhất. Nếu để trễ chừng vài ba ngày, rễ sẽ dài gần một phân, gọi là rễ chân nhện, tuy vẫn gieo được, nhưng có thể bị hư hao do phải di chuyển xa.
Xin lưu ý là rễ con và mầm non của cây Cao su (nếu để dài chừng vài phân) rất giòn và yếu, sơ sẩy một chút là đã gãy và giập. Do đó, khi nhặt hột giống vừa nảy mầm (mới nhú bằng bột gạo) ra khỏi liếp cát, ta phải cẩn thận và nhẹ tay. Rồi lại nhẹ nhàng đặt từng hột vào rổ có lót lá chuối tươi cho êm mát (hoặc lớp khăn hay vải dày đã nhúng nước cho ấm), bên trên cũng lấy lá chuối phủ lên để mầm và rễ khỏi héo úa. Việc làm đó đúng như câu: “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Ra đến vườn ươm, ta ươm hột giống đã nảy mầm lên mương rãnh với khoảng cách 25cm và đặt theo kiểu nanh sấu. Nếu đặt theo hàng thẳng thì hột cách hột khoảng 30cm, hàng cách hàng khoảng 50cm.
Đặt hột giống xuống đất cũng theo qui cách: Phần bụng của hột hướng xuống dưới, phần lưng hướng lên trên, mầm hột cùng hướng theo một hướng nhất định do mình chọn.
Việc chăm sóc vườn ươm tum 10 tháng tuổi có 2 việc quan trọng cần làm: đó là tưới nước và diệt trừ cỏ dại. Trong vài tháng đầu phải năng tưới nước mỗi ngày. Ngày tưới 2 lần sáng và chiều. Trong mùa nắng hạn nên tưới 3 lần mới đủ ẩm. Sau thời gian đó chỉ tưới cách nhật, nhưng cũng ngày 2 lần, và nên tưới với vòi có tia nước nhỏ. Với cỏ dại thì phải nhổ hằng ngày, vì nó sẽ tranh ăn chất dinh dưỡng của Cao su con.
Muốn cho cây tum mau lớn, ta phải bón phân thúc. Phân chuồng hoai, phân rác mục, phân NPK đều thích hợp với Cao su. Từ tháng thứ hai sau ngày ươm hột, ta nên bón thúc mỗi tháng một lần.
Cây tum cũng thường bị bệnh, nhất là bệnh ở lá và rễ, ta nên theo dõi, tìm hiểu đúng căn bệnh để kịp thời chữa trị.
Mặt khác, với những cây con ươm yếu, chậm lớn, dị tật ta nên loại bỏ đừng tiếc. Cứ 3 tháng nên “thanh lọc” một lần, dù số hao hụt có mất hết phân nữa cũng mặc, chỉ giữ lại những cây thực sự khỏe mạnh, đúng tiêu chuẩn mới ghép mắt mà thôi. Nên khắt khe với chính mình trong việc “thanh lọc” này, nếu muốn có lô Cao su đúng với ý muốn sau này.
3. Cách gieo hột giống vào bàu mắt ngủ: Việc ươm hột Cao su giống vào bầu mắt ngủ có vài công đoạn phải làm trước hay làm ngay khi bắt đầu gieo hột giống vào cát. Khi hột vừa nảy mầm (trong vòng tuần lễ) thì phải đem gieo vào bầu ngay. Nếu bầu chưa lo đủ số thì mọi việc sẽ trễ nải.
a/ Vỏ bầu để gieo hột giống tiện nhất là dùng bao ny-lông loại dày 0,08mm, có kích cỡ 20 phân x 40 phân, hoặc 30cm x 40cm, như vậy bầu mới đủ chất dinh dưỡng nuôi sống cây và giúp bộ rễ đủ chỗ rộng rãi để phát triển mạnh. Không nên dùng bầu với kích thước nhỏ hơn.
Đục lỗ thoát nước ở phần đáy bầu và khoảng 10 phân đoạn đáy bầu. Lỗ thoát nước không cần rộng, chỉ bằng mút đũa cho nước rỉ ra, và khoảng cách giữa hai lỗ khoảng 5cm là vừa.
b/ Trộn hỗn hợp đất và phân chuồng hoai rồi xúc đổ đầy bầu ươm, không cần dùng tay nén chặt, nhưng cũng phải đổ đến đâu lắc nhẹ đến đó để hỗn hợp phân và đất dẽ xuống đều đặn. Sau đó tưới nước cho đất ấm, và cứ để như vậy vài hôm sau mới gieo hột giống vào.
Mỗi bầu nên gieo 2 hột, cách xa nhau khoảng 5cm. Nên lấy que thọc vào lớp đất mặt của bầu tạo thành cái hố nhỏ, sau đó để úp bụng hột giống xuống nhẹ nhàng, sao cho mầm nhỏ và bộ rễ mới thành hình không bị giập, gãy mới đạt yêu cầu.
Sau khi cây Cao su con lên cao một, hai tầng lá hễ cây nào sinh trưởng tốt thì giữ lại, cây mọc yếu ớt hoặc bị dị tật thì nhổ bỏ đi.
Cách tưới nước vào bầu cũng như cách tưới nước tại vườn ươm cây tum, mỗi ngày tưới hai lần, tưới với vòi có tia nước nhỏ cho bầu đủ ấm là được. Khi cây đã mọc được một hai tầng lá (mỗi tầng lá mọc cách nhau 40cm) tức là cây đã lớn thì tưới nước cách ngày, cũng hai lần sáng chiều.
Nên thường xuyên diệt hết cỏ dại mọc trong đất bầu và vườn ươm, và xới tơi tảng đất mặt của bầu lên cho thông thoáng, điều cần là tránh làm thương tổn đến rễ bàng.
Lượng phân dùng trộn vào đất trong bầu chỉ đủ để nuôi cây con trong một vài tháng đầu, vì vậy, mỗi tháng ta nên bón thúc thêm. Phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây trong bầu ra sao và cần ngăn ngừa các bệnh để giúp cây tăng trưởng mạnh.