Sâu bệnh cây cao su
Cao su là giống cây bị nhiều loài sâu bệnh hại tấn công, hầu hết là do nấm, và một số ít là côn trùng. Bệnh thường tấn công nhiều nhất ở lá, kế đó là thân cây và sau đó là rễ cây.
Ngay từ giai đoạn còn trong vườn ươm, cây Cao su con đã bị các bệnh như phấn trắng lá, đốm mắt chim và đốn vòng; ngoài các loài sâu bọ như mối tấn công vỏ cây, như sùng làm thối gốc rễ, như nhện đỏ, nhện vàng, làm lá bị dị dạng... Khi cây Cao su trưởng thành, các thứ bệnh về lá, về thân, về cành cũng thường xuyên bị các loài sâu bệnh hành hạ, có khi phải “chết dở sống dở”.
Sau đây là một số bệnh mà Cao su thường mắc phải:
• Bệnh phấn trắng lá: Bệnh này do nấm Oidiumheveae gây ra. Cây mắc bệnh này thì ở hai mặt lá đều có nấm màu trắng xuất hiện, bìa lá bị cong queo, héo rũ xuống rồi rụng.
Bệnh này thường xuất hiện vào cuối năm, lúc mùa Cao su thay lá, khiến lá non bị rụng làm cây đã yếu lại càng yếu sức thêm. Cần phải trị bệnh kịp thời để giúp cây ra lá mới, vì khi lá mới thay hoàn tất thì mới khai thác mủ được. Như vậy tác hại của bệnh này không nhỏ, sản lượng mủ sẽ giảm nhiều.
Được biết các dòng vô tính như PB 28/59, như RRIM 628 dễ mắc bệnh phấn trắng lá này. Và những cây yếu sức, phát triển kém cũng dễ mắc bệnh, nếu trước đó vài tháng ta bón thúc cho cây thì cây có khả năng lướt được bệnh này.
Cách phòng bệnh là chờ lúc cây bắt đầu ra lá chân chim thì phun lưu huỳnh lên lá. Nên sử dụng vào lúc sáng sớm, khi trời ít gió và khô ráo.
• Bệnh héo đen đầu lá: Bệnh này do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra cho tất cả vườn Cao su trong nước. Bệnh xuất hiện vào mùa mưa ẩm, nhất là những vùng có mưa nhiều, tác hại mạnh trên các vườn cây con, và cả cây đã trưởng thành trồng trong lộ.
Cây bị bệnh lá non có viền nâu đỏ, dần dần lá héo rồi rụng
Lá già thường không rụng nhưng cũng cong queo, dị dạng. Bệnh nặng thì đọt cây vàng úa, khô ngọn, khô cành rồi chết dần, nên dân gian gọi đây là “bệnh chết ngược”. Những cây bệnh nhẹ thì lướt qua được, nhưng sau đó mất sức lâu ngày mới gượng nổi, nếu được tăng cường phân bón thêm.
Trị bệnh này nên dùng thuốc Bordeaux pha với nồng độ 1% phun lên tán lá non với nhịp độ một tuần một lần cho đến khi bệnh dứt.
•Bệnh loét mặt sọc dạo: Bệnh này do nấm Phytophthora spp gây ra, xuất hiện nhiều ở các vùng có mật độ mưa cao, độ ẩm cao và nhiệt độ thấp.
Bệnh thường xuất hiện trên đường cao mới, có dạng sọc đen nhỏ ăn sâu vào vỏ. Khi bệnh trở nặng thì SỌC đen trở thành sọc lớn, tạo ra những khối u bướu gây trở ngại cho việc cạo mủ. Vỏ bệnh khi đã bị thối rữa thì làm hư luôn mặt cạo.
Bệnh thường tác hại lên các dòng RRIM 700, PR 107...
Đề phòng bằng cách thường xuyên làm vệ sinh mặt cao, không cạo phạm vào tượng tầng.
Thuốc trị bệnh này là Actidione, Dofilatan bội lên miệng cạo.
• Bệnh nấm hồng: Đây là bệnh thường gặp nhất hầu như tại tất cả những vùng trồng Cao su trong nước ta. Bệnh tác hại trên cây Cao su ở vào độ từ 3 đến 8 tuổi.
Bệnh tác hại ở chỗ phân cành rồi từ đó lan ra khắp cành với nhiều tơ nấm dạng mạng nhện, trước thì màu trắng sau chuyển sang màu hồng. Cành cây bị nấm hồng tấn công vỏ bị nứt nẻ nhiều chỗ, có mủ chảy ra sau đó đồng đặc lại.
Do đó cây bị nứt nẻ làm ngưng trệ việc dẫn nhựa nguyên từ rễ đem lên nuôi cây ở phần trên, nên từ chỗ phân cành trở lên, cành bị chết dần mòn, lá khô héo dính tòn ten không rụng được. Phía dưới chỗ bệnh tấn công mọc ra nhiều chồi, chính những chồi này tạo ra bộ tán không cân đối cho cây, thường dẫn đến việc cây dễ bị trốc gốc trong mùa mưa bão.
Để trị bệnh này, với cây chưa đến tuổi cạo mủ thì dùng thuốc Bordeaux phun lên cành, còn cây đang thời kỳ thu hoạch mủ thì dùng thuốc Validacin 3L pha với nồng độ 2% xịt lên cành lá.
Cần phải cưa bỏ phần cây bị bệnh nấm hồng phá hoại đốt bỏ để tuyệt diệt mầm bệnh.
• Bệnh khô miệng cạo: Bệnh tấn công vào vườn cây đang khai thác mủ, không làm cây chết, nhưng gây tổn thất sản lượng mủ một thời gian.
Chưa rõ nguyên nhân từ đâu, cây đang cạo mủ bình thường, bỗng nhiên trên miệng cạo xuất hiện các đoạn khô mủ ngắn, sau đó lan ra khiến miệng cạo hoàn toàn bị khô mủ.
Với cây bị bệnh nhẹ nên giảm cường độ cao để cây có sức nghỉ ngơi. Còn cây bệnh nặng thì ngưng cao một thời gian cho đến khi lành bệnh. Mặt khác nên tăng cường phân bón cho cây và chăm sóc tốt hơn.
• Bệnh rễ Cao su: Bệnh rễ Cao su thường do 3 loại nấm tấn công:
+ Nấm Garnoderma philippii gây ra bệnh rễ đỏ.
+ Nấm Phellinus nosius gây ra bệnh rễ nâu.
+ Nấm Rigidoporus lignosus gây ra bệnh rễ trắng.
Cả ba bệnh rễ trên đây, bệnh rễ trắng ít xuất hiện hơn là bệnh rễ đỏ và rễ nâu.
Bệnh rễ đỏ nhắm vào cây Cao su trong giai đoạn trưởng thành. Còn bệnh rễ nâu thì tấn công vào lứa Cao su già.
Cây bị bệnh rễ đỏ thì rễ của nó có màu đỏ. Còn cây bị bệnh rễ nâu thì có hiện tượng mọc ra nhiều rễ con.
Khi cây nhiễm bệnh rễ quan sát cây sẽ thấy lá héo, ra hoa bất thường, và cây có vẻ kiệt sức.
Để trị, ngoài việc cắt bỏ phần rễ bị bệnh, rồi rắc bột lưu huỳnh quanh những rễ không bệnh, đồng thời phải thường xuyên theo dõi để kịp thời xử lý.
Được biết, hai bệnh rễ đỏ và rễ nâu thường xuất hiện ở một số vườn Cao su tại miền Trung nước ta.