0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Phân bón Cao Su

DÙNG PHÂN BÓN CHO CAO SU

Trồng Cao su xin đừng... nói chuyện “trời sinh voi sinh cỏ”, mọi việc không nên phó mặc cho trời, nghĩa là chỉ trồng chứ không quan tâm đến việc tưới nước vun phân, thế mà lại chờ ngày được làm giàu nhờ... cạo mủ!

Nhiều người trồng Cao su tưởng là thứ... dễ ăn, nên hố trồng chỉ đào sơ sài, còn phân bón ít chỉ vỏn vẹn một vài bụm tay cho có lệ mà thôi. Họ đâu ngờ rằng Cao su không dễ tính như cây điều, hễ thiếu thức ăn cần thiết là phân thì nó còi cọc không sao lớn nổi

Có thể nói mà không sợ lầm, cây Cao su là giống cây cần nhiều phân tro hơn bất cứ giống cây nào khác để phát triển. Không những chỉ vài ba năm đầu kiến thiết cơ bản Cao su mới cần nhiều phân, mà trong thời kỳ kinh doanh, cây cũng cần đến lượng phân bón khá nhiều hàng năm mới tăng và ổn định sản lượng mủ được. Nói cách khác, trồng Cao su không thể phó thác cho đất trời, mà phải đầu tư đúng mức: hà tiện với nó thì sau này đừng trách nó vô tình

Phân bón vườn Cao su gồm có phân hữu cơ và phân vô cơ. Việc bón phân quá nhiều chưa hẳn là điều tốt, mà chính là bón đúng chất mà cây đang cần. Muốn vậy thì cần phải phân tích kỹ các phần lý hóa tính của đất rồi mới quyết định được.

Đất trồng Cao su thường là đất xấu nên cây Cao su tỏ ra thích hợp nhất đối với phân hữu cơ là phân có sẵn trong tự nhiên như phân chuồng (trâu bò, heo, ngựa, gà, vịt, chim...), phân rác mục và phân xanh. Trong phân hữu cơ cũng chứa đủ các chất dinh dưỡng chính như đạm, lân, kali... và các nguyên tố vi lượng như đồng, sắt, kẽm, magiê... có điều hàm lượng không cao. Thế nhưng, đất xấu mà gặp phân hữu cơ dần dần cũng trở nên đất tốt, vì nó đã góp phần cải tạo đất một cách tích cực: đất tơi xốp hơn, màu mỡ hơn, nhiều mùn hơn.

Nhưng, trồng Cao su thì thường với diện tích rộng, không sao tìm đủ số lượng phân hữu cơ để đáp ứng đủ cho nhu cầu. Vì vậy ta phải kết hợp dùng phân hữu cơ với phân vô cơ, tức phân hóa học, bón cho Cao su mới đủ.
 

Phân hóa học tuy giá đắt, nhưng là mặt hàng tốt và ít khi bị hút hàng trên thị trường. Phân hóa học tốt hơn phân hữu cơ là mang đến hiệu quả nhanh: Cây đang còi cọc hễ được bón thúc sẽ thay đổi nhanh trông thấy.

Trước đây khoảng 50 năm, đa số không thích dùng phân hóa học, có người cho rằng loại phân này “nóng”, có người lại tự nhận là không biết cách dùng. Nhưng dần dần, qua thời gian, mọi người lại thích sử dụng phân hóa học hơn là phân hữu cơ.

Phân hóa học có phân hỗn hợp, nhưng lại có loại phân đơn, như đạm riêng, lân riêng, kali riêng. Hỗ xét thấy đất trồng thiếu chất gì thì ta chỉ bón thêm chất ấy vào cho đất là được.

Tuy nhiên, trồng Cao su không nên chỉ trồng mỗi một loại phân như vô cơ hay hữu cơ, mà nên sử dụng cả hai loại mới tốt.

Nếu dùng mỗi loại phân hữu cơ thì tuy đất có trở nên tơi xốp, có nhiều mùn, nhưng hàm lượng lại thấp, cần phải có phân vô cơ bón vào để hỗ trợ thêm. Ngược lại, nếu chỉ bón có mỗi loại phân vô cơ thôi thì đất chỉ tốt nhất thời, còn về lâu về dài lại trở nên xấu. Hai loại phân đó phải hỗ tương cho nhau thì vườn Cao su mới tươi tốt và cho sản lượng cao được.

+ Cách bón phân: Bón phân cho Cao su phải bón vào thời điểm thích hợp trong năm mới có lợi. Có thể bón vào tháng cuối mùa nắng đầu mùa mưa. Còn trong mùa mưa thì nên bón vào thời điểm không có mưa to và mưa nhiều, đề phòng phân vừa bón bị nước cuốn trôi uổng phí.

Mặt khác, trước khi bón phân phải lo làm sạch cỏ dại trong lô, như vậy cỏ dại sẽ không tranh ăn chất dinh dưỡng vừa bón cho cây. Mặt khác nếu cày cuốc sơ trên lớp đất mặt độ mươi phân để đất được thoáng khí, kích thích lớp rễ bàng bên dưới hoạt động hữu hiệu hơn...

Với phân vô cơ nên bón vào vườn cây như sau:

Thuốc kích rể cho cây

+ Năm đầu bón 3 lần: Lần đầu khi cây mọc được một tầng lá ổn định. Sau đó một tháng bón tiếp lần hai, và tháng sau nữa bón lần ba.

+ Từ năm thứ nhì đến năm thứ tư, mỗi năm nên bón 2 lần: lần đầu vào tháng 5 và lần sau vào tháng 10.

Có nhiều cách bón phân cho cây, như bón thẳng vào gốc, bón khắp đều dưới tán lá, nhưng cách sau đây được mọi người áp dụng nhất: Dùng cuốc nhỏ cuốc một rãnh tròn quanh gốc dưới tán lá của cây, sau đó rải phân xuống rãnh rồi lấp đất lại.

Hễ cây còn nhỏ, tán lá hẹp thì vòng rãnh ta thu hẹp lại. Nhưng năm sau cây lớn lên có tán lá rộng thì vòng rãnh được nới rộng ra... Nguyên do là hệ tán lá bên trên của cây tỏa rộng ra đến đâu thì dưới đất rễ bằng của cây cũng ăn lan ra đến mức đó.

Nhưng từ năm thứ 5 trở đi, cây đã lớn, bên trên tán lá của chúng gần như giao nhau thì phải bón phân theo cách khác: nên làm sạch cỏ dại giữa hai hàng cây, rồi cày cuốc trong diện tích bề ngang một thước giữa hai hàng cây, còn bề dài là bề dài của hàng cây. Không nên cày sâu quá một tấc vì có thể làm đứt rễ bằng của cây. Sau đó rải phân khắp bề mặt đường cày rồi lấp đất lại.

Phân hữu cơ cũng nên bón theo cách vừa trình bày, rãnh tròn quanh gốc nên cuốc sâu hơn một chút, từ 15 đến 20 phân, nhưng bề mặt rãnh cần nới rộng ba bốn mươi phân mới rải phân vào. Sau đó lấp đất lại và tưới cho ẩm đất.

Tóm lại trồng Cao su không thể thiếu phân, cả phân hữu cơ lẫn phân vô cơ. Thiếu phân cây sẽ chậm phát triển, ảnh hưởng nặng đến năng suất mủ sau này. Bón phân cần đúng liều lượng, và đúng chất cây đang cần mới tốt.