0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Lập vườn ương hom Tiêu Giống

LẬP VƯỜN ƯƠNG HOM TIÊU GIỐNG

Như quý vị đã biết, cây tiêu tuy cùng chung họ với cây trầu nhưng rất kén đất trồng, cho nên không phải nơi nào cũng trồng tiêu được. Đất thích hợp với sự sinh trưởng của nó là đất đỏ, đất đỏ nâu và đất cát pha thịt, mà loại đất này chỉ có miền Đông và Đông Bắc Nam Bộ và một số nơi khác

Ngoài việc kén đất trồng và đòi hỏi khí hậu ôn hòa ra, cây tiêu còn đòi hỏi đất trồng phải màu mỡ, giàu chất dinh dưỡng, đủ độ ẩm. Vì vậy, việc làm giàu chất dinh dưỡng cho đất trồng cũng tốn nhiều chi phí cho những ai muốn lập vườn tiêu, nhất là những vườn tiêu quy mô rộng hàng mẫu đất trở lên. Phải pha trộn vào đất hàng tấn phân bón lót thì vườn tiêu mới xanh um và sai quả được.

Tiêu có hai cách trồng:

Cắt nhanh và trồng ngay ra vườn. Ươm hom trước tại vườn ươm trước, chờ lúc hom tiêu ra rễ mới bứng ra trồng lại.

Ương hom tiêu giống, tức là cách trồng tạm trong giai đoạn đầu cho tiêu bén rễ, nảy chồi, để một thời gian chừng năm sáu tháng bứng lên trồng ra chỗ vĩnh viễn. Cách trồng này mười phần sống khoẻ mạnh cả mười, không sợ chết hay ương yếu nữa. Tuy vậy, vườn ương cũng phải chọn mảnh đất thích hợp với sự sinh trưởng của tiêu thì mới mang lại kết quả tốt.

Tất nhiên, ương hom với số ít đủ trồng một khoảnh nhỏ trong vườn nhà để làm kinh tế phụ thì không đáng quan tâm, nhưng nếu ương hàng trăm hàng ngàn hom tiêu giống trở lên thì phải lo sửa soạn vườn ương cho đúng kỹ thuật mới đem lại kết quả như ý được.

Trước khi dự định ương hom tiêu giống, thì khoảng ba bốn tháng trước đó, chủ vườn phải bắt tay vào việc lập vườn ương. Công việc lập vườn ương cần phải được tiến hành trước, để đến ngày đặt hom xuống giảm thì đất vườn ương đã được cải thiện tốt, sẵn sàng tiếp nhận việc ương hom tiêu giống rồi.

Việc trước tiên là phải cày bừa thật kỹ, ít ra cũng vài ba lần cho đất được tơi xốp. Những gốc gác rễ chạc của các cây lớn, nhỏ, hoang dại, nếu có cần phải được bứng nhặt thật sạch sẽ, ngay cả rác, gạch đá, mảnh sành cũng phải dọn sạch để đất được mịn màng. Việc kế đó là lên liếp, kích thước lớn nhỏ, dài ngắn ra sao còn tùy vào loại đất và cũng còn tùy vào sự tính toán của chủ vườn. Điều cần là liếp ương cũng phải cao ráo như liếp trồng sau này, chung quanh phải vét rãnh để dễ thoát nước, vì tiêu không chịu được sự ngập úng, dù chỉ trong một buổi...

Việc cần làm tiếp theo là nghiên cứu độ phì nhiêu của đất, tốt xấu thế nào hoặc thừa thiếu chất gì để gia giảm phân bón cho thích hợp. Chẳng hạn gặp đất xấu thì tăng phân đạm, gặp đất nhiễm phèn nặng thì tăng thêm canxi (Ca)... Loại phân căn bản bón cho vườn ương hom tiêu giống vẫn là phân chuồng ủ hoai và phân rác mục.
 

Tóm lại, phân bón cho vườn ươm tiêu giống cũng tốn kém như phân bón cho đất trồng tiêu vĩnh viễn sau này, có khi đòi hỏi tốt hơn nữa là khác. Vì đất có đầy đủ chất dinh dưỡng thì hom tiêu mới sống khoẻ, hứa hẹn sẽ là cây tiêu đúng chuẩn sau này.

Khi liếp ương đã lo xong đâu vào đấy, ta nên làm giàn che khắp mặt liếp. Sở dĩ, phải làm giàn che vì cây tiêu chịu nắng rất kém và cũng không chịu được nhiệt độ cao.

Giàn che nên làm sơ sài với vật liệu nhẹ và rẻ tiền như tầm vông, tre nứa làm khung giàn và bên trên dùng lá dừa hay một loại lá rừng nào đó để che phủ. Mái che không cần lợp kín đáo, tia nắng soi rọi vào ngay đỉnh cũng không sao. Điều yêu cầu của giàn che là trụ vững được trong ba bốn tháng, mưa to gió lớn có xảy ra không ngã đổ được. Mục đích của nó là làm giảm bớt cường độ của nắng nóng và mưa tạt. Khi hom tiêu đã bén rễ, đã nảy chồi thì giàn che cũng bắt đầu được dỡ bớt từ từ để cây tiêu con tập đón nhận dân nắng gió tự nhiên ở ngoài trời... Tuần đầu dỡ khoảng hai mươi phần trăm mái che, tuần sau dỡ khoảng phân nửa khi thấy hom tiêu đủ sức chịu đựng được. Khi hom tiêu giảm được năm sáu tháng sắp bứng ra trồng thì vai trò của giàn che không quan trọng nữa.

Làm xong giàn che nắng che mưa cho liếp ương thì chủ vườn mới yên tâm đem hom tiêu giống ra ương.

Thời gian giâm hom thường được chọn vào buổi chiều khi ánh nắng không còn gay gắt nữa. Việc giâm hom rất dễ dàng, với người chưa có kinh nghiệm thì còn vấp váp gượng gạo, nhưng ai đã thạo tay nghề rồi thì làm thoăn thoắt liền tay chẳng khác gì các tay thợ cấy đang cấy mạ trên ruộng đồng vậy. Giâm cây này vừa xong lại giám ngay cây khác, trong không có gì khó khăn cả.

Người ta dùng tay mọi đất thành cái hố nhỏ bằng cái tô, rồi đặt hom tiêu giống xuống làm sao chìm xuống đất khoảng vài ba mắt là được. Sau đó, phủ kín đất lại, rồi dùng mấy ngón tay ấn nhẹ đất bên trên xuống để hom giống được giữ chặt, sau này không bị xóc lên bởi nước tưới.

Cứ mỗi hố như vậy chỉ ươm một hom tiêu thôi và hom này cách hom kia một khoảng ngắn cỡ gang tay, để sau này còn dùng xẻng nhỏ len vào giữa bứng ra trồng mà không ảnh hưởng xấu đến các rễ non bên dưới.

Ươm xong liếp nào là phải tưới sơ qua để giúp đất được ẩm ướt khiến cây không héo. Sau đó, ngày nào cũng tưới hai lần: lúc sáng sớm và lúc mặt trời sắp lặn. Vào mùa mưa việc tưới hom tiêu giống không nặng nề nữa, trong những ngày nắng ráo, thấy mặt liếp se khô mới phải tưới sơ qua mà thôi.

Hom tiêu ươm một vài tháng, thấy ngọn tiêu đã bắt đầu tăng trưởng mạnh, các chồi ở mắt đốt đã vươn ra thì ta có thể thúc bón sơ sơ phân đạm pha nước ở mỗi gốc tiêu hoặc phân chuồng hoai với phân rác mục cạnh gốc. Có thể dùng phân Urê, cứ 10 gam pha chung với 10 lít nước để tưới nhẹ lên mỗi gốc.

Việc làm cỏ dại và vun gốc cho các hom tiêu giống nên tổ chức theo định kỳ để bảo vệ sức khỏe cho cây trồng. Do đất vườn ương màu mỡ lại có độ ẩm thường xuyên nên là môi trường sinh sôi nảy nở tốt cho các loại cỏ dại. Cần phải triệt để nhổ tận gốc rễ chúng thì tiêu mới sống khoẻ được.
Sống trong vườn ương từ bốn đến sáu tháng, các hom tiêu lơ thơ vài ba chiếc lá lúc ban đầu nay đã là cây giống trưởng thành, có thể bứng ra khỏi vườn ương để trồng vĩnh viễn ở vườn tiêu. Cần bứng có cả “bầu” để bảo vệ bộ rễ khi trồng xuống đất sau này.