Kinh Nghiệm Chọn Đất Trồng Tiêu.
CHỌN ĐẤT TRỒNG TIÊU
Trừ vùng đô thị ra, còn ở các vùng ngoại ô, vùng quê ở miền Đông nói riêng và cả miền Nam nói chung, còn khá nhiều đất đai chưa khai phá hết để trồng trọt. Vì vậy, muốn lập một số vườn tiêu rộng chừng năm ba mẫu đất cũng không phải là chuyện khó đối với nhiều địa phương. Đây được coi là mặt thuận lợi đối với ngành trồng tiêu ở nước ta.
Nhưng, xét ra vẫn còn có cái khó đối với người lập vườn là do cây tiêu rất kén đất trồng. Được trồng vào loại đất thích hợp thì nó tươi tốt lại sai hoa nhiều trái, còn trồng vào nơi đất đai không thích hợp thì tiêu tuy sống nhưng năng suất lại kém. Cây tiêu thích hợp nhất với đất đỏ nâu, rồi đến đất đỏ và sau cùng là đất cát pha thịt. Các loại đất khác không thích hợp với tiêu.
Trong thời gian mới bắt đầu trồng, nhiều người cứ lầm tưởng rằng vương quốc của tiêu ở xứ này chỉ có vùng Bà Rịa, Phước Tuy mà thôi, nhưng dần dần mới thấy ở miền Đông và Đông Bắc Nam Bộ còn rất nhiều tỉnh có đất đai trồng tiêu rất tốt. Những vùng không trồng tiêu được là vùng bị nhiễm mặn, nặng phèn hoặc đất trũng úng nước.
Hiện nay, như quý vị đã biết, cây tiêu được trồng gần khắp các tỉnh ở miền Nam và lan tới một số tỉnh ở miền Trung, đó là những nơi có đất trồng thích hợp và cũng có khí hậu thích hợp nên tiêu mới sống được.
Nếu chịu khó lên đường làm một chuyến du lịch, quý vị sẽ thấy cây tiêu đã có mặt ở khắp nơi như Gia Định - Biên Hoà Bình Dương - Bình Phước - Bình Long - Phước Long - Long Khánh Bà Rịa – Bình Tuy - Rạch Giá - Phú Quốc - Hà Tiên - Côn Đảo... lên đến các tỉnh vùng Tây Nguyên và ra đến tận Quảng Trị nữa...
Tất nhiên qua những nơi vừa kể trên, không phải vùng nào cây tiêu cũng tươi tốt và cho năng suất cao như nhau. Giống cây này sống tốt xấu ra sao là còn tùy vào vùng đất trồng thích hợp nhiều hay ít đối với nó nữa.
Cái khó thứ hai trong việc tìm đất để lập vườn tiêu là có sẵn nguồn nước tưới hay không. Vì như quý vị đã biết, cây tiêu rất cần nước tưới, nhất là trong giai đoạn mới trồng và suốt cả mùa khô.
Nếu chỉ trồng vài ba chục nọc trong vườn thì có thể tưới bằng nước giếng. Nhưng, nếu vườn tiêu rộng một vài mẫu trở lên mà không sẵn nguồn nước tưới, dễ gặp thất bại vì đất trồng tiêu cần được giữ ẩm thường xuyên, như vậy rễ tiêu mới hấp thu được nhiều dưỡng nhất trong đất mà nuôi cây trái.
Vì vậy, nếu mảnh đất trồng tiêu nằm gần sông suối thì vô cùng tiện lợi, chủ vườn chỉ việc khai mương, xẻ rãnh dẫn nước vào vườn tiêu thì đủ nước tưới quanh năm. Ngược lại nếu đất trồng quá xa sông, suối thì ta phải nghĩ đến việc đào giếng, hoặc “đóng” giếng rồi dùng máy bơm, xịt tưới khắp vườn mới xuể được. Nhưng, như vậy thì tốn kém nhiều tiên, mà đôi khi còn gặp trở ngại lớn, vì không phải đâu, vùng nào cũng có thể sử dụng nước giếng được? Có nhiều vùng, giếng đào sâu ba bốn mươi thước nhưng nước vẫn cạn queo! Có nhiều vùng, giếng tuy có nước, nhưng nước lại nhiễm phèn nặng, đành phải lấp vì không dùng được!
Trong khi đó, cây tiêu rất cần nước tưới và công tưới rất nặng. Nếu các mương rãnh ở các liếp trong vườn lúc nào cũng được “no” nước để làm ẩm đất thì công tưới nhẹ nhàng, còn ngược lại phải tưới cho đẫm từ ngọn xuống gốc cho từng nọc tiêu một, thì vừa hao nước lại tốn nhiều công sức!
Cây tiêu là loại cây “nắng không ưa, mưa không chịu được” cho nên phải biết “tính” nó mới “chiều chuộng” được. Nắng gắt thì phải lo che chắn (lúc cây còn non) thiếu nước tưới không được mà ngập nước cũng không được. Vì vậy, không có hệ thống thoát nước tốt dùng trong mùa mưa thì coi chừng vườn tiêu sẽ mất trắng, vốn liếng đổ sông, đổ biển.
Vì vậy, những người trồng tiêu lâu năm có nhiều kinh nghiệm thường ví von: tìm đất lập vườn tiêu cũng khó khăn như tìm đất cất nhà để ở. Nếu làm nhà hay mua nhà chỉ để ở thì làm ở đâu, mua vùng nào cũng có thể được! Cái khó là ở đâu mà được an cư lạc nghiệp. Ở đâu mà thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống của tất cả mọi người trong gia đình từ lớn đến nhỏ là điều cần hướng tới khi tìm nơi ở. Tìm đất trồng tiêu cũng vậy. Đất trồng tiêu thật ra tìm đâu có khó lắm. Các vùng Bình Dương, Bình Phước, Bình Long, Phước Long, Biên Hòa, Bà Rịa... đất chưa trồng tỉa còn bạt ngàn, mua hay mướn năm ba mẫu, thậm chí hàng chục mẫu cũng có thể được. Duy có cái khó là có thuận lợi cho nguồn nước tưới hay không?
Nhiều người muốn trồng tiêu, nhưng nhiều năm “đỏ” mắt tìm một mảnh đất lý tưởng mà không được. Đất trồng tiêu phải là vùng đất đắc địa về mọi mặt, bỏ công ra khai phá cải tạo một lần mà có thể “nhờ cậy” nó đến mấy chục năm, có khi đến cả trăm năm, nếu xong đợt này còn trồng qua đợt khác... Những ai không quan tâm lắm đến vấn đề này, coi chừng bị thất bại chua cay.
Tìm được mảnh đất lập vườn tiêu thuộc loại “đắc địa” là chuyện đáng mừng, nhưng một việc đáng quan tâm nữa đối với chủ vườn là phải dọn đất thật kỹ trước khi trồng tiêu.
Dù là đất vườn hay đất hoang hóa mới được khai quang, hoặc là đất cần cải tạo lại (đất đã trồng cao su, điều, cà phê, các loại cây ăn trái đã quá già cỗi không còn hưởng lợi được nữa, hoặc đã trồng các cây tạp khác...) thì cũng phải lo cuốc cày thật kỹ nhiều lần và dọn sạch cỏ rác, các tạp chất (nếu có) trong đất thì mới trồng tiêu được.
Phải phân biệt hai loại đất: đất vườn đã canh tác hay đất còn hoang hóa chưa khai phá để cải tạo đúng mức, như vậy mới có lợi cho việc lập vườn tiêu sau này.
Đất vườn là đất gần nhà, đang trồng hoa màu phụ hay trồng cây ăn quả là đất đã từng cày bừa, cuốc với nhiều lần và trong đất ít nhiều cũng đã có sẵn dưỡng chất cho sự sống của cây vì đã được bán phân nhiều lần hàng năm. Tuy vậy, khi dùng đất này để lập vườn trồng tiêu, ta cũng nên cải tạo đất trở lại bằng cách:
- Dọn quang đất, tức là đến hết tất cả những cây lớn bé ở trong vườn, trừ những cây xét thấy có thể dùng làm nọc sống cho tiêu. Phải đánh bật hết gốc rễ chúng lên để trừ triệt để hậu họa vì mầm cây có thể nảy ra từ rễ chưa được mọi sạch ở trong đất.
- Nhặt nhạnh gom góp tất cả những cành nhánh cùng cỏ dại, gom hết lại một nơi để phơi khô nhiều nắng, rồi đốt thành tro. Với những phần nào chưa cháy hết nên đốt lại lần hai, lần ba cho đến khi nào cháy sạch mới thôi. Tro than này nên rải đều trên khắp mặt vườn giúp đất được màu mỡ hơn
- Cuốc đất thật sâu, khoảng vài ba tấc hoặc sâu hơn càng tốt, phơi năm bảy nắng; rồi cày ải, cày lật vài lần nữa, bừa cho nhuyễn đất, lại phơi nắng cho di đất để tiêu diệt các mầm mống sâu bệnh trong đất.
- Đào mương rãnh quanh vườn, quanh liếp và làm lại hệ thống cống, bông cho chắc chắn để đảm bảo sự thoát nước hữu hiệu khi triều cường hay lúc mưa to khiến vườn bị úng ngập.
- Liếp phải có độ cao hợp lý, để tránh sự úng ngập, ít ra cũng cao hơn mực nước ngầm khoảng bốn năm tấc.
- Nghiên cứu độ phì nhiêu của đất để bón phân lót đúng cách.
Với đất hoang hóa chưa khai phá, như đất rừng chẳng hạn thì việc dọn quang đất, đào bới gốc rễ và dọn dẹp hết cành nhánh, cỏ rác để đốt sạch... cũng làm giống như cách đã thực hành trên đất vườn. Có điều việc cày xới đất và san lấp cho bằng phẳng cần gia công kỹ hơn.
Theo những người có kinh nghiệm trồng tỉa thì đất hoang hóa nếu được cải tạo kỹ, thường được gọi là... đất mới, trồng tiêu rất thích hợp. Nghĩa là tiêu rất “hợp” với loại đất này.
Cải tạo kỹ ở đây có nghĩa là cày bừa thật kỹ nhiều lần, phải phơi ải đất nhiều đợt để tiêu diệt hết các mầm mống sâu bệnh có hại cho cây trồng ở ẩn trong đất.
Vì như mọi người đều biết, đất là môi trường sống lý tưởng của nhiều loài côn trùng, các loài sâu bệnh, các bào tử nấm, các vi sinh vật... gây hại cho cây cối, mà các vùng đất hoang hóa chưa khai phá, nôm na gọi là đất rừng thường chất chứa nhiều những mầm mống gây bệnh cho cây cối.
Việc cuốc xới kỹ, cày ải, cày thật kỹ nhiều lần là điều bắt buộc phải làm. Vì đất được xới tung lên, phơi nắng nhiều kỳ sẽ làm cho đất khô ráo, thoáng khí, tạo điều kiện cho các khí độc (nếu có) lẫn lộn trong đất sâu được phân giải hết, khiến đất bớt độc hại.
Cày xới đất xong, còn phải bắt tay tận diệt hết các bào tử tuyến trùng, bào tử vi khuẩn, bào tử nấm ẩn chứa trong đất bằng cách phun thuốc sát trùng, hay rắc thuốc sát trùng khắp mảnh đất.
Hơn nữa, cây tiêu thường bị nấm và các tuyến trùng phá hại bộ rễ khiến số cây bị héo úa, bị chết chiếm tỷ lệ khá cao. Vì vậy, trừ tiệt được các loài côn trùng phá hoại có sẵn trong đất là việc nên làm dù có tốn kém cũng không thể tránh né được. Mặt khác, lúc còn là đất mới chính là cơ hội tốt để tiêu trừ hết các mầm bệnh trong đất chờ đến khi đất đai đã cải tạo thành khoảnh đầu vào đó rồi, cây cối cũng đã trồng rồi, thì sau này việc trừ sâu diệt bệnh cho có hiệu quả sẽ gặp nhiều khó khăn và trở ngại hơn.
Thường thì công việc khai quang và cày bừa trên mảnh đất dự tính lập vườn tiêu được tiến hành trong mùa nắng ráo, để bước qua mùa mưa thì mọi công việc đã hoàn tất và bắt tay vào việc cắm nọc tạm để trồng tiêu. Hơn nữa, lợi dụng mùa nắng ráo ta dễ phơi khô tất cả những thứ cần đốt bỏ để mặt bằng được quang quẻ, sạch sẽ.
Đất đã cày bừa xong thì nghĩ đến việc xẻ mương lên liếp. Trong những vùng đất thấp, liếp phải được bồi đắp lên thật cao để mùa ngập lụt vườn tiêu khỏi bị úng nước. Nếu vùng đất cao ráo sẵn, thì chiều cao của liếp đến mức độ nào không
còn là vấn đề cần bàn tính nữa, miễn là bảo đảm không bị ngập úng là được.
Bề mặt liếp rộng hẹp bao nhiêu là do ý muốn của chủ vườn. Có điều khoảng cách giữa hai liếp nên chừa khoảng hai thước, vì còn đào mượng lớn để dẫn nước tưới vào vườn và cũng còn chưa lối đi, tiện cho việc tưới bón và thu hoạch trái.
Vòng ngoài của vườn tiêu cũng nên chừa một lối đi khoảng một thước, cũng với mục đích tiện cho việc tưới bón được dễ dàng như vừa nói ở trên.
Đất hoang hóa mới được cải tạo dù có tốt đi chăng nữa, cũng chỉ đủ dinh dưỡng cho việc nuôi dưỡng vườn tiêu trong một thời gian ngắn ban đầu mà thôi. Trong khi tiêu là giống cây sống lâu năm và chỉ thích nghi được với đất đai màu mỡ, vì vậy dù là bước đầu cũng phải bón thật nhiều phân lót vào đất thì tiêu mới cho kết quả tốt được.
Nói cách khác, ở khu đất mới được cải tạo thành đất vườn, việc bón phân vào đất định đoạt sự thành bại của việc trồng tiêu sau này. Hà tiện phân tro chỉ chuốc lấy sự thất bại.
Như chúng ta đều biết, việc bón phân vào đất mang lại lợi ích rất lớn như:
Cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi cây. Ảnh hưởng đến khả năng chống lại sau bệnh của cây. Cây mà thiếu phân thì yếu ớt, không có sức đề kháng chống lại sâu bệnh. Người ta bảo: “Ruộng không phân như thân không của” thật đúng. Đất xấu, dù có ra sức trồng trọt thì cũng chẳng gặt hái được gì?
Về điều này, chúng tôi thấy cần thiết phải nhấn mạnh một điều: nếu trồng đúng nơi đất đai thích hợp lại đầy đủ chất dinh dưỡng, vườn tiêu sẽ tươi tốt và cho năng suất cao. Chỉ cần liên tiếp ba bốn mùa bội thu, nhà vườn đã có thể thu lại vốn liếng bỏ ra cho việc lập vườn rồi. Nên hiểu điều đó để mạnh dạn đầu tư cho đất được màu mỡ hơn.