0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Hướng dẫn cách chăm sóc vườn tiêu

CHĂM SÓC VƯỜN TIÊU

Chăm sóc vườn trồng tiêu là việc làm có thể không quá khó khăn, nặng nhọc, nhưng lại là việc chiếm nhiều thì giờ vì phải quan tâm thường xuyên và đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật trồng tỉa giống nông sản quý này. Những khó khăn nhất đều xảy ra trong năm đầu, khi cây tiêu còn ở trong giai đoạn non nớt.

Trong năm đầu, từ lúc mới đặt hom giống xuống đất cho đến lúc cây leo bám được đến lưng chừng nọc, cây tiêu rất yếu, quả thật là “nắng không ưa mưa không chịu”, nếu lơ đãng chăm sóc một chút là héo úa, gặp nắng hạn mưa dầm một chút cũng có nguy cơ... cứu không kịp!

Trong giai đoạn cây con mới trồng: Tiêu được trồng bằng nhanh, gọi là hom tiêu. Hom vừa mới cắt rời khỏi cây mẹ liền đem trồng ngay ra vườn (cạnh nọc tạm), hoặc đem hom giâm ra vườn ương chừng năm sáu tháng cho ra rễ mới được bứng ra vườn trồng.

Với hom đã được ươm thì mười cây có thể sống đủ cả mười, nhưng hom mới cắt đem ra vườn trồng liên thì nếu vụng về trong chăm sóc tỷ lệ cây chết héo sẽ khá cao. Vườn nào mà gặp thời tiết thuận lợi, lại gia công chăm sóc kỹ thì số cây bị chết sẽ giảm ít nếu đạt được tỷ lệ tám mươi phần trăm cây sống tốt đã được đánh giá là thành công lớn rồi!

Muốn cho hom tiêu sống, ngoài việc bón phân ra ta còn phải năng tưới cho cây được mát mẻ. Mặt khác, còn phải trồng cây che nắng, hoặc chặt những nhánh cây rừng về cắm ở hai hướng đông và tây để che bớt nắng sớm, nắng chiều chói chang chiếu thẳng vào cây.

Khi cây tiêu còn nhỏ, chúng không chịu nổi ánh sáng trực tiếp cũng như nhiệt độ cao, vì vậy cắm cành hoặc dùng lá dừa che cho chúng lúc nắng gắt là chuyện cần làm.

 

Với hom giống bị chết, thì ta phải trồng giặm vào ngay chỗ hom bị chết một hom giống mới và chăm sóc nó chu đáo. Việc trồng cây giảm này, có nhiều trường hợp phải trồng đi trồng lại nhiều lần. Điều yêu cầu là phải làm sao kiến tạo một vườn tiêu tăng trưởng đồng đều nhau, đừng để nơi này cây đã vươn cao mà nơi kia còn tiếp tục... trồng giặm!

 

Dù vẫn biết có nhiều nguyên nhân khiến hom giống bị chết, nhưng ta cũng phải cố gắng tìm hiểu tại sao lại xảy ra trường hợp này để tìm hướng khắc phục.

  • Nước tưới và công tưới: Tiêu là loại cây cần nhiều nước tưới. Tưới từ khi mới trồng cho đến ngày tàn tạ. Do tiêu không chịu được ánh nắng trực xạ cũng như thời tiết quá nóng nên trong mùa nắng, ngày nào ta cũng phải tưới tiêu: tưới từ thân xuống tận gốc để lúc nào đất cũng được ẩm ướt, có như vậy thì cây mới tươi tốt được. Vì lẽ đó, trồng tiêu là phải lo nguồn nước tưới thật dồi dào. Thế nhưng, tiêu lại không chịu đựng được sự úng ngập, cho nên hệ thống mương rãnh, cống, bông phải thật tốt mới bảo đảm được mức nước cần thiết cho vườn tiêu. Đó là chuyện người làm vườn phải để ý đến thường xuyên, nhất là trong mùa mưa lũ.
  • Bón thúc: Trồng tiêu cũng cần bón rất nhiều phân, ngoài việc bón lót ban đầu với số lượng phân khá nhiều ba bốn chục kilôgam cho mỗi gốc, hàng năm ta còn phải bón thúc cho cây từ một đến hai lần, nhất là đầu mùa mưa. Phân bón thúc thường không nhiều, mỗi gốc chừng vài ba kilôgam phân căn bản, nhưng nhờ đó mà cây như được “hà hơi tiếp sức” để tăng trưởng mạnh thêm. Nhất là trước ngày tiêu trổ bông, ta phải bón phân thúc nhiều hơn năm trước.
  • Ngăn ngừa sâu bệnh: Tiêu cũng bị nhiều thứ bệnh, do sâu rầy, do nấm, do các tuyến trùng phá hoại. Chúng có thể tấn công vào hoa, vào lá và nhất là vào bộ rễ. Ngăn ngừa sâu bệnh thì có nhiều cách, nhưng cách tốt nhất là phải diệt trùng từ lúc còn cày xới đất đai. Đất phải được cày đi cuốc lại, lật tới lật lui, phơi ải ra nắng nhiều ngày, rồi phun xịt thuốc sát trùng để tận diệt cho hết các ổ dịch hại trong đất như bào tử nấm, bào tử vi khuẩn, các sâu non, ấu trùng nhộng...

Trước khi đặt hom tiêu giống xuống trồng mà đất vườn được cày bừa, xử lý kỹ thì vườn tiêu sau này tránh được nhiều mầm bệnh tai hại. Tuy vậy, ta phải thường xuyên theo dõi sự sinh trưởng của từng nọc tiêu, nếu thấy có hiện tượng sâu rầy hoặc côn trùng nào đó phá hại thì phải tận diệt ngay.
 

Ngày nay thì thuốc trừ sâu rầy không thiếu, lại dùng hữu hiệu nữa. Trước đây hàng trăm năm, ông bà mình còn phải tự chế lấy thuốc sát trùng mà dùng, bằng cách ngâm lá thuốc hút vào nước rồi rưới lên những nơi bị sâu rầy tấn công. Nhiều người còn bắt chước cách chế thuốc sát trùng của người Campuchia, là dùng một thứ lá rừng mà người Campuchia gọi là khơ bia, cũng ngâm trước trong nước lạnh nhiều ngày, chờ chất nhựa trong lá tan ra rồi rưới vào gốc tiêu để diệt các tuyến trùng phá hại bộ rễ. Thời trước ở các vùng Rạch Giá, Hà Tiên, người Campuchia và cả người Hoa trồng tiêu khá nhiều và họ gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp nhờ những kinh nghiệm “cha truyền con nối”.

Tóm lại, trong năm đầu, việc chăm sóc vườn tiêu rất vất vả, thường phải tập trung vào những công việc như sau:

  • Nếu nắng nóng kéo dài thì ngoài việc tưới cho tiêu non ra, ta còn phải be đất lại thành hố cạnh gốc tiêu để đổ thêm năm bảy lít nước vào đó cho nước ngấm dần xuống đất để giữ độ ẩm lâu đài.

 

  • Dùng các nhánh cây rừng (có lá nhiều) hoặc dùng lá dừa, lá cây nhãn rừng... để che bớt nắng cho tiêu. Cho đến khi nào dây tiêu leo lên nọc tạm được khoảng thước rưỡi thì lúc đó ta mới khỏi lo đến việc che nắng cho các nọc tiêu.

 

  • Vào mùa mưa, để tránh cho cây khỏi bị úng nước, ta nên phá bỏ những hồ chứa nước mà ta đắp trước đây ở cạnh gốc, đồng thời cũng lo tháo bông cho rút nước kịp thời khi các mương rãnh trong vườn bị nước mưa tràn ngập. Chỉ cần liếp trồng bị ngập trong một buổi, vườn tiêu đã héo úa và có nguy cơ bị chết khá nhiều.

 

  • Khi cây tiêu đã “chịu” phân và tăng trưởng mạnh thì cành nhánh của nó phát ra rất sum suê. Đây không phải là một điều hay, ta cần phải tỉa bớt những nhánh dư thừa này, nhất là những nhánh sà xuống đất gần như phủ kín gốc tiêu. Gốc tiêu cần được thông thoáng và nọc tiêu cũng cần được ánh sáng tán xạ chiếu vào, cho nên việc tỉa bớt những nhánh mọc rườm rà là điều cần thiết. Chính nhờ việc làm này mà cây mới đậu trái sai.

 

Tiêu thường ra bông năm thứ ba, nhưng cũng có cây trổ hoa sớm vào năm thứ hai. Thật ra trổ bông sớm cũng không phải là chuyện đáng mừng, vì kinh nghiệm cho thấy, cây nào trổ bông sớm thì năng suất trong những năm sau cũng bình thường chứ không cao hơn những cây ra hoa trễ. Có cây ra hoa rất sớm, ngay năm đầu đã trổ hoa. Với những cây này, ta nên ngắt bông bỏ hết, vì có làm như vậy cây mới đủ sức để tăng trưởng mạnh và cho năng suất cao sau này. Thay nọc tạm bằng nọc vĩnh viễn là việc phải làm, nếu vụng về cây có thể bị mất sức một thời gian. Phải cẩn thận gỡ từng chiếc rễ lộ thiên ở từng mắt đốt và phải khéo léo ràng buộc cách nào để các rễ lộ thiên này tiếp xúc được một cách nhanh chóng và hữu hiệu đối với nọc vĩnh viễn thì cây mới không mất sức. Vì khi rễ lộ thiên ở một mắt đốt nào đó không bám được vào nọc thì coi như nó bị “trơ” ra và mắt đốt đó cũng không còn khả năng đâm ra nhánh mới. Kết cục là ta sẽ mất một số chùm trái sau này.