Giống cây cao su
GIỐNG CÂY CAO SU (NÊN CHỌN GIỐNG CAO SẢN)
Chọn giống thật tốt để trồng cao su là điều ai cũng đặc biệt quan tâm. Việc chọn giống mang đặc tính tốt lại thích hợp cho từng vùng sinh thái là việc cần phải chọn lựa, tìm hiểu, hoặc tham khảo ý kiến của Viện Nghiên Cứu Cao Su Việt Nam. Vì rằng, ở viện có chuyên viên tuyển chọn giống mới để thay thế dần những giống lạc hậu, năng suất kém... Xét chung, giống được chọn trồng phải mang những tính tốt như sau:
+ Giống có năng suất mủ cao, sản lượng ổn định lâu dài và chất lượng tốt.
+ Giống “mau ăn”, tức thu hoạch mủ sớm hơn những giống khác, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản.
+ Giống có nhiều lớp mủ, vỏ dày, dễ cạo và lớp vỏ tái sinh tốt.
+ Giống sinh trưởng tốt, chịu được khí hậu hơi khắc nghiệt như gió to, lạnh cũng như khô hạn.
+ Giống có khả năng kháng bệnh cao...
Những cây mẹ mang những đặc tính tốt như trên đều được lấy hột để ươm làm gốc ghép. Hiện nay, có nhiều giống được chuộng trồng, trong số đó có:
• RRIM 600: Cây có thân thẳng, tròn, có chân voi, vỏ dày, dễ cạo và sinh trưởng tốt. Giống này có xuất xứ tại Malaysia.
• PB 235: Thường được gọi tắt là giống 235, có thân thẳng, tròn, vỏ dày trung bình, dễ cạo, sinh trưởng tốt, khai thác sớm. PB 235 cũng xuất xứ tại Malaysia.
• GTL: Cây có thân tròn và thẳng, có chân voi, vỏ dày, sinh trưởng tốt, dễ cạo, xuất xứ tại Indonesia.
Khi trồng ra vườn, trong lô ta nên trồng một giống riêng, để tiện cho việc khai thác và chăm sóc. Ngay việc trồng dặm trong năm đầu thay những cây bị chết, cũng phải chọn cây cùng một giống đã trồng trong lô.
A. CHỌN DÒNG CON CAO SẢN:
Thông thường, giống cây gì cũng vậy, ai cũng muốn chọn cây con thuộc dòng cao sản mà trồng để cho nhiều lợi. Ở động vật như giống gia súc gia cầm chẳng hạn, người ta chọn con đực (hay trống) có sức khỏe tốt để phối giống với con cái (hay mái) ngoài sức khỏe tốt còn thuộc dòng cao sản để hy vọng có bầy con thật tốt để nuôi. Còn về thực vật thì từ trước đến nay, khi chọn dòng con thường chỉ căn cứ vào cây “mẹ” mang những đặc tính tốt. Như với cây ăn trái thì cây “mẹ” phải là cây tăng trưởng mạnh, kháng bệnh cao, sai trái và trái có chất lượng... Với cây Cao su thì phải thuộc giống cao sản (như vỏ dày, nhiều mạch mủ, dễ cạo) thân lại thẳng, tròn, có chân voi... Với những cây có tiêu chuẩn tốt như vậy, sau khi thu hoạch suốt năm bảy mùa mà thấy năng suất vẫn ổn định thì được chọn làm cây “mẹ” để giống. Hột mắt ghép của cây mẹ sẽ là dòng cây con cao sản sau này, mang những đặc tính tốt của cây “mẹ”.
Có 2 cách nhân giống được áp dụng từ trước đến nay:
1. Phương pháp hữu tính: Đây là phương pháp “xưa” nhất và dễ thực hiện nhất. Dùng hột của cây Cao su “mẹ” đem gieo thẳng xuống đất là có cây Cao su “con” sau này để trồng.
Xin lưu ý là chọn hột từ cây Cao su “mẹ” vẫn chưa đủ, mà còn phải biết cách lựa hột tốt để gieo.
Hột Cao su để giống phải là hột của cây mẹ có số tuổi còn tơ, từ 12 đến gần 20 năm mới tốt. Hột phải có vỏ màu sáng bóng, nặng vì mới rụng. Những hột bị nứt, bị móp, bị dị hình méo mó đều phải loại bỏ. Những hột đủ tiêu chuẩn để làm giống, trước khi gieo phải gõ nhẹ vào một vật cứng để vỏ nứt ra, kế đó ngâm vào nước lạnh khoảng 20 giờ, sau đó đem ra vườn ươm. Có thực hiện qua những công đoạn như vậy thì khả năng nảy mầm của hột giống Cao su mới cao.
Khi đặt hột giống xuống đất (liếp ươm) cần phải đặt phía lõm (bụng) của hột hướng xuống dưới, phía cong (lưng) hướng lên trên, như vậy khi nẩy mầm rễ cây mới mọc thuận, giúp cây con sinh trưởng tốt.
2. Phương pháp vô tính: Đây là phương pháp tạo cây con mang đúng đặc tính tốt của cây “mẹ” mới hơn phương pháp nhân giống hữu tính vừa trình bày ở trên.
Nhân giống theo phương pháp vô tính không dùng đến hột, mà bằng cách giâm cành, chiết cành và ghép cành lấy từ cây “mẹ”.
+ Giâm cành là lấy một đoạn cành nhỉnh hơn ngón tay út, không non quá mà cũng không già quá đem giảm xuống đất đã làm ấm. Hằng ngày phải
che nắng gió và tưới với tia nước nhẹ, cho đến khi đoạn cành mọc rễ tạo nên cây mới.
+ Chiết cành là chọn một cành nhỏ trên cây “mẹ” mập, không thương tật, dùng dao bén bóc một đoạn vỏ nơi định chiết, sau đó dùng hỗn hợp đất và phân chuồng hoai ốp chặt chung quanh, bên ngoài dùng vải bố quấn chặt lại, và năng tưới để bầu đất lúc nào cũng được ẩm... Vài tháng sau ta thấy nơi bầu chiết có vô số rễ non bắn tua tủa ra ngoài, đó là một cây “con” chiết ra từ cây “mẹ”.
+ Ghép cành là cách dùng cành non của cây “mẹ” hoặc tách một “mắt ghép” từ vỏ của cành cây “mẹ” rồi ghép vào đoạn gốc của một cây cao su non độ chín mười tháng tuổi đang sống trong vườn ươm, hay trong bầu ươm. Cây con này được gọi là gốc ghép, vì sau khi cành ghép hay mắt ghép lấy ra từ cây mẹ có hiện tượng sống và nẩy chồi thì phần thân phía trên chỗ ghép nuôi chồi của cây Cao su “mẹ”, biến thành thân mới của cây đó sau này.
TÓM LẠI :Trong hai phương pháp nhân giống vừa trình bày, kết quả cho thấy:
Với phương pháp nhân giống hữu tính (trồng cây con bằng hột) cây con không mang đúng đặc tính tốt của cây “mẹ”, nếu có thì tỉ lệ cũng rất thấp.
Ngược lại, với phương pháp nhân giống vô tính thì cây con có được những đặc tính tốt của cây mẹ mặc dù không được thập phần hoàn hảo. Dù sao thì đây cũng là phương pháp nhân giống ưu việt nhất, mới nhất được đa số nhà vườn áp dụng.
Thế nhưng, trong phương pháp nhân giống vô tính này cũng có chuyện để bàn: Là cách giâm cành và chiết cành đối với cây trồng lâu năm như cây Cao su không thể áp dụng được, vì nhược điểm của chúng chỉ có rễ bằng mà không nảy ra rễ cái. Do đó, chỉ nên áp dụng cách ghép cành, hoặc ghép bằng mắt, vì cây có sẵn gốc ghép với bộ rễ hoàn hảo và khỏe mạnh.
TIẾP THEO : LẬP VƯƠNG ƯƠM GIỐNG CAO SU