0334535069 - 0938894946
phamcaotrongpct94@gmail.com
VI
Ghép mắt cao su

D. KỸ THUẬT GHÉP CÂY:

Ghép cây là dùng cây con ươm hột tại vườn ươm hay cây con trong bầu ươm làm gốc ghép. Còn mắt ghép (mắt ngủ) là những mầm sinh trưởng tốt của những cây “mẹ” mang những đặc tính tốt lấy từ mắt nách lá, mắt vây cá của một cây khác phải có cùng tuổi với gốc ghép mới tốt.

Đây là cách nhân giống vô tính tốt nhất hiện nay, đang được các nước trồng Cao su trên thế giới và cả nước đang áp dụng.

Hiện có hai cách ghép là: Ghép mắt nâu và ghép mắt xanh

1.Thế nào là ghép mắt nâu?

Cây con sau 10 tháng tuổi, đoạn gốc ghép không còn xanh và trơn láng nữa, mà đã trở thành màu nâu vì lớp vỏ bên ngoài dù chưa đến nỗi xù xì cũng là lớp da bần, gồm những tế bào chết.

Trên nguyên tắc, gốc ghép phải cùng tuổi với mắt ghép mới tốt, nên ta phải chọn mắt ghép cũng đã đến độ ... có vỏ màu nâu. Do đó, gọi là ghép mắt nâu.
 

2. Thế nào là ghép mắt xanh?

Gốc ghép mới được chừng 4 tháng tuổi nên cây còn non, vỏ còn xanh vì chưa hóa gỗ. Dùng mắt ghép cùng non như vậy nên mới gọi là ghép mắt xanh.

 

3. Thế nào là cách ghép mắt nâu?

Khi cây Cao su làm gốc ghép mắt nâu đã có số tuổi từ 10 tháng trở lên, gốc ghép có đường kính từ một phân rưỡi đến hai phân mới tiến hành ghép mắt nâu được.

Trước khi ghép mắt nâu ta phải dùng dao bén tước một đoạn vỏ ở gốc ghép, tiếng trong nghề gọi là “mở cửa sổ gốc ghép”.

Như vậy “mở cửa sổ gốc ghép” có nghĩa là dùng dao bén và nhọn mũi tách ra một mảng vỏ từ dưới gốc lên trên (cách mặt đất tối đa 5cm) bề ngang 20mm và chiều dài khoảng 5cm. Vết cắt nên thực hiện cho khéo không chạm vào phần gỗ của thân cây mới đạt yêu cầu. Cần phải cạy bật đoạn vỏ đó lên để “phơi” trần gỗ bên trong ra gió độ vài giờ rồi mới tiến hành ghép mắt.

Do một lần phải ghép nhiều cây trong vườn ươm nên phải mở một loạt “cửa sổ” của nhiều gốc ghép, sau đó mới trở lại ghép mắt cho cây đầu tiên trở đi.

Mắt ghép được lấy từ vỏ một cây Cao su khác cùng tuổi với gốc ghép, chọn chỗ có mầm ngủ tách ra với kích thước bằng cửa sổ gốc ghép. Cách ghép là đặt mắt ghép vào chỗ cửa sổ ấy sao cho sẹo cuống lá quay xuống dưới, mắt quay lên trên. Sau đó úp phần vỏ cửa sổ xuống rồi băng mối ghép lại cho kín để nước mưa cũng như nước tưới không xâm phạm vào chỗ ghép làm hư thối.

Mảnh vỏ tách từ dưới lên trên.

Cửa sổ gốc ghép nơi sẽ gắn mắt ghép vào. Chỉ sau một thời gian khoảng 3 tuần, ta mở băng để xem mắt ghép thành công hay không. Nếu thấy mắt ghép có màu xanh là điều mừng vì mầm mới đó đã sống. Ngược lại nó có màu nâu thì coi như thất bại. Thực tế ghép theo cách này, sự thất bại cũng có, nhưng không nhiều, tối đa là vài chục phần trăm mà thôi.
 

Sau đó vài tuần chờ cho mắt ghép thực sự ổn định, ta dùng dao bén hoặc lưỡi cưa tiện bỏ phần thân của cây gốc, vị trí ở đoạn trên mối ghép vài phân, để bộ rễ của cây gốc dồn sức vào nuôi mầm mới, tức là thân cây mới sau này. Nên cắt cho ngọt, tránh làm giập hay xước vỏ của phần gốc ngắn còn lại. Mặt khác, vết cắt trên vạt xéo về phía đối diện với chồi mới, sau đó dùng vôi hoặc Oxyt đồng bôi lên để khỏi bị nấm xâm nhập làm thối vết cắt.

Nên tìm cách bảo vệ mầm mới, và kịp thời vặt bỏ những chồi khác mọc ra ở gốc ghép ngoài phạm vi mắt ghép, vì đó là chồi của cây cũ, gọi là chồi dại.

4. Cách ghép mắt xanh:

Cây làm gốc ghép trong bầu ươm thường được ghép sớm có thể độ 4 hay 5 tháng tuổi là ghép được rồi.

Cây ở tháng tuổi này chưa lớn, đường kính ở đoạn gốc cỡ một cm mà thôi. Cây còn nhỏ nên phải khéo tay, nghĩa là thợ phải lành nghề mới ghép được.

Ghép mắt xanh nên ghép ở đoạn gốc, đo từ mặt đất lên đúng 10cm chứ không phải chỉ 5cm như cách ghép mắt nâu. Cách ghép cũng như cách ghép mắt nâu, nghĩa là cũng dùng dao bén mở cửa sổ ở đoạn gốc muốn ghép, sau đó ghép mầm ngủ vào, phủ chụp mảnh vỏ xuống và bằng kín lại.
 

Do vòng thân cây còn nhỏ nên bề ngang của cửa sổ chỉ độ làm, và chiều dài 4,5cm. Trường hợp ghép thất bại thì ta còn cơ hội mở cửa sổ ở phía đối diện của gốc để ghép lần nữa.

Khi biết chắc mắt ghép đã sống, ta cắt bỏ phần thân cây trên mối ghép độ 19cm để cây dồn sức nuôi thân mới.