Chăm sóc vườn cao su
CHĂM SÓC VƯỜN CAO SU
Chăm sóc vườn Cao su là công việc rất nhiều khê và đa dạng. Có việc phải cập nhật mỗi ngày, có việc phải thực hiện định kỳ, do đó gần như quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có việc để làm.
Việc chăm sóc vườn Cao su không phải chỉ có nhiều trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, mà trong thời kỳ kinh doanh cũng có nhiều chuyện phải lưu ý lo toan:
Trồng dặm: Trong một, hai năm đầu mới trồng, tỉ lệ cây Cao su bị chết (kể cả bị chết mầm ghép, bị còi cọc...) trong lô thường từ mức độ 5% đến 15%, có khi hơn. Việc này nếu không thường xuyên quan sát từng hàng cây thì không phát giác được. Nơi nào có cây bị chết thì phải lo ngay việc trồng dặm. Cây trồng dặm phải là cây cùng tháng tuổi và cũng giống với cây trồng trong lô.
Trồng cây phủ đất: Trong ba bốn năm đầu khi cây Cao su còn nhỏ, tàn lá vươn ra chưa được bao nhiêu nên đất trong lô quá trống trải. Trong mùa nắng hạn lô Cao su nóng hừng hực, độ ẩm trong đất không còn vì nước bị bốc hơi nhanh. Vì vậy trồng cây phủ đất là việc nên thực hiện từ đầu, có lợi cho sự phát triển của Cao su, mà còn tận dụng được đất để trồng cây lương thực khỏi uổng phí.
Việc cần là phải tùy vào điều kiện đất đai mới quyết định nên trồng giống cây gì vừa sinh lợi vừa cải tạo được đất.
Ví dụ gặp đất xám, bạc màu thì dứt khoát phải trồng cây họ đậu để cải tạo cho đất đai phì nhiêu hơn. Gặp vùng đất thấp có thể trồng khoai, sắn (khoai mì) bắp, đậu. Đất gần sông suối, nguồn nước tưới dư thừa thì không gì tốt hơn là trồng cây ăn trái.
Nhưng, dù cây gì cũng vậy, điều kiện bắt buộc là phải trồng cách hàng Cao su từ một thước đến một thước rưỡi, và phải bón phân đầy đủ để cây trồng phủ không tranh ăn chất màu của Cao su.
Diệt cỏ dại: Vườn Cao su do được thường xuyên cung cấp phân bón và nước tưới nên chất dinh dưỡng đầy đủ, độ ẩm tốt, vì vậy đây là nơi lý tưởng cho cỏ dại sinh sôi nảy nở tràn lan. Thuốc trừ cỏ basta 15SL – thuốc trừ cỏ không chọn lọc
Công việc diệt trừ cỏ dại ở đâu cũng được đặt lên hàng đầu, tiếng là diệt theo định kỳ nhưng thật ra lúc nào rảnh rỗi là mọi người ra sức diệt cỏ dại.
Cái hại của cỏ dại là tranh ăn chất dinh dưỡng của cây trồng và đây cũng là “chất bồi” rất bắt lửa trong mùa khô, dễ dàng thiêu rụi lô Cao su trong nháy mắt.
Trong vườn Cao su có nhiều loại cỏ, nhất là có tranh, cỏ lau, cỏ đuôi chồn và rất nhiều giống khác. Không có cách nào trừ tiệt được cỏ dại, có điều càng năng diệt thì chúng càng phát triển chậm hơn, ít hơn. Ta có thể diệt cỏ bằng lối thủ công, hay bằng thuốc hóa học.
Trong những năm đầu đất còn quá trống trải, cỏ dại mọc nhiều nên phải tranh thủ làm có từ hai đến ba đợt. Cỏ có thể được phát, cuốc xới hay cày bừa (vì rễ bằng của cây Cao su chưa mọc lan xa) theo đường băng rộng chừng hai mét, cách gốc Cao su khoảng một mét (vì nếu gần có thể làm hư hại cây Cao su vốn còn non yếu). Đám cỏ còn lại cạnh gốc Cao su nên dùng cuốc nhỏ xủi gốc rồi nhặt bằng tay.
Giữa hai hàng Cao su, nếu không trồng cây họ đậu làm thảm phủ (vừa chống cỏ dại vừa chống xoáy mòn) thì cỏ dại sẽ tranh nhau mọc đầy. Qua các năm thứ tư, thứ năm trở về sau, mỗi năm nên phát cỏ ba bốn lần. Mỗi lần phát, nên chừa lại thảm cỏ cao 5 phân để chống xói mòn bảo vệ đất trồng.
Vào những năm này, vườn Cao su đã ở tuổi trưởng thành, ta có thể dùng các loại thuốc hóa chất để diệt cỏ dại.
Thuốc hóa chất có nhiều loại. Có loại diệt được các giống cỏ như Diuron; có loại chỉ có công dụng diệt riêng một giống cỏ nào đó, như thuốc Glyphosate dùng diệt cỏ đuôi chồn.
Khi xịt thuốc nên xịt trực tiếp lên thảm cỏ, tuyệt đối đừng chạm vào cây và lá Cao su.
+ Cắt tỉa: Nhìn vào vườn Cao su thấy cây nào đoạn gốc cũng thẳng đuột, tán lá lại vừa phải, đừng tưởng là khỏi phải cắt tỉa các chồi, các nhánh. Chính ra đây là công việc rất cần làm, không thể bỏ sót được.
+ Cắt chồi ngang: Sau khi ghép mắt độ vài tháng, ở gốc ghép thường mọc ra nhiều chồi ngang. Loại chồi này vô dụng lại có hại nữa vì chúng tranh ăn chất dinh dưỡng với chồi ghép. Khi phát hiện ta nên dùng dao bén cắt bỏ hết, việc làm này nên cẩn thận tránh thương tổn đến chồi ghép.
+ Cắt bỏ chồi dại: Thân cây ghép (tức là thân chính) khi mọc cao cũng xuất phát nhiều chồi dại. Cần phải dùng dao bén tỉa bỏ hết những chồi dại này để thân cây được suôn đuột, tính từ gốc trở lên một đoạn từ 2,5 đến 3m để tiện cho việc khai thác mủ sau này.
+ Ngắt đọt: Khi cây Cao su cao 2,5m đến 3m thì phân cành, tức đâm nhánh. Thế nhưng cũng có nhiều cây chậm phân cành, ta phải giúp chúng bằng cách ngắt đọt để cây đâm nhánh ra. Tiếng trong nghề gọi là “cổ áo”. Sau này đoạn thân cây từ “chân voi” lên đến “cổ áo” là phần khai thác mủ.
+ Tỉa tán: Tán cây Cao su thường hẹp, nhánh cũng không nhiều nên ít có trường hợp phải mé bớt. Tuy vậy gặp cây có tán lớn thì cũng nên tỉa bớt đề phòng khi mưa to gió lớn cây sẽ gây nhánh (vì giòn), hoặc do tàn lớn mà cây có thể bị tróc gốc.
+ Tu sửa đường băng, đường lô: Đường băng trong lô Cao su chức năng chính là đường chống cháy. Còn đường lô và đường liên lô là đường hàng ngày xe cơ giới thường xuyên qua lại để vận chuyển mủ là chính. Đây là hai con đường quan trọng, cần phải được tu sửa luôn.
Trong mùa mưa, nước xói mòn nhiều nơi làm hư hỏng nhiều đoạn đường, nếu không tu sửa kịp thời sẽ gây trở ngại không nhỏ cho sự lưu thông của xe cơ giới, nhất là khi lỡ gặp sự cố hỏa hoạn bất thường.
+ Bảo vệ vườn Cao su: Công việc bảo vệ vườn Cao su rất nhiêu khê. Khâu này làm không tốt sẽ gây thiệt hại khó lường.
+ Đề phòng sâu bệnh: Vườn Cao su thường bị nhiều thứ bệnh hại tấn công, đa số là bệnh nấm. Trong những tháng cây thay lá vào cuối năm cũ và đầu năm mới, coi như là “mùa bệnh” của Cao su. Bệnh tác hại lên lá, hoa, đọt cây, cành cây, miệng cạo... Khi quan sát thấy một cây hay nhiều cây có hiện tượng bị bệnh, ta nên tìm cách xử lý kịp thời.
+ Ngăn cấm gia súc: Vườn Cao su là nơi lắm cỏ nên nhiều trâu bò, dê cừu kéo đến ăn cỏ. Khi cây Cao su còn nhỏ mới lên vài ba tầng lá thì đó là thức ăn khoái khẩu của các giống gia súc này, nếu để cho chúng lọt vào lỗ thì chúng sẽ tàn sát sạch! Với lô Cao su đã trưởng thành, trâu bò không với tới tán lá để ăn thì chúng làm hại cây bằng cách báng sừng, mài sừng, húc đầu vào gốc cây, hoặc cọ xát người vào thân cây để gãi ngứa... làm thương tổn không ít thì nhiều đến lớp vỏ cây. Ngay các giống dê, cừu cũng nguy hiểm, vì chúng vừa có sừng vừa gặm ra từng mảng vỏ cây Cao su, nhiều lúc không phải để ăn mà do bản tính phá phách của chúng.
Vì vậy, nên tìm đủ mọi phương pháp để ngăn ngừa gia súc không lọt được vào lô Cao su để quấy phá. Nếu không canh tác được thì phải rào dậu kỹ.
Ngoài gia súc ra, nhiều nơi còn bị thú rừng đêm hôm đến quấy phá làm hư hại cây trồng, cũng cần phải tìm cách đề phòng hữu hiệu.
Việc ngăn ngừa gia súc thì đại điền hay tiểu điền cũng đều phải lo đề phòng như nhau cả, không nên xem thường việc này.
+Phòng chống cháy: Phòng chống cháy là việc phải thường xuyên đề cao cảnh giác, đồng thời cũng phải hoạch định kế hoạch phòng cũng như chữa cháy hữu hiệu cho lô Cao su khi thình lình gặp sự cố không hay này.
Tất nhiên phải thành lập các đội chữa cháy nếu là đại điền, còn tiểu điền cũng phải cắt người thường trực có mặt để tìm cách giải quyết sự cố. Tất nhiên, còn phải lo trang bị những dụng cụ chữa cháy càng hiện đại càng tốt.
Lô Cao su thường bị bà hỏa tấn công trong mùa khô hạn. Mùa này lại trùng vào mùa cây thay lá, lá khô rụng ngập khắp lô, có nơi cao đến bốn năm cm. Chỉ gặp một tàn lửa nhỏ (như tàn thuốc lá chẳng hạn), là ngọn lửa sẵn sàng bùng lên ngay, vì lá khô vốn dễ bắt lửa.
Trong mùa mưa bão, sét cũng thường đánh vào lô Cao su, ngoài việc làm gẫy cành ngã cây, đôi khi “ngọn lửa Trời” cũng gây ra hỏa hoạn.
Để phòng cháy có nhiều cách: Trước hết là cấm ngặt tất cả các công nhân làm việc trong lô Cao su không được hút thuốc, không được đem theo mình vật dẫn hỏa. Cắm nhiều bảng “cấm lửa” tại các nơi có đông người qua lại. Tuyệt đối cấm đốt lửa, cấm nấu nướng trong lô Cao su...
Chống cháy bằng cách huy động tất cả những công nhân trong và ngoài đội chữa cháy phải nhanh chóng đến nơi bị cháy để dập tắt ngọn lửa càng sớm càng hay. Ngoài việc các xe bồn chứa nước theo đường băng đến chống cháy, nên huy động tất cả các công nhân cấp tốc quét rác tạo một con đường sạch chung quanh đám lửa để ngăn ngừa không để cho ngọn lửa lây lan qua các khu khác.
+ Thu dọn cây ngã đổ: Cây Cao su tuy to cao, nhưng rất giòn. Sau những trận mưa to gió lớn, nhất là cuồng phong, trong lô thường có những cây gãy cành đổ cây, có nhiều trường hợp cây ngã hàng loạt. Cần phải xử lý kịp thời tình trạng này, đồng thời cũng tìm ra biện pháp phòng ngừa.
Thường những vùng thường xuyên có mưa bão, ngay từ đầu đã phải thiết lập hệ thống đai rừng để chắn gió.