Cây bông
Nhân dân ta từ xưa đã biết trồng cây bông để làm vải sợi may mặc, sản phẩm bông tự nhiên rất mềm, nhẹ, xốp, độ bền cao, có khả năng giữ nhiệt tốt cho người sử dụng. Khi nền công nghiệp tơ, sợi nhân tạo phát triển thì sản phẩm từ bông truyền thống vẫn được ưa chuộng. Loài người văn minh đang trở về với sản phẩm may mặc truyền thống. Xu thế dùng vải mặc từ sợi bông tự nhiên ngày càng tăng cao bởi tính ưu việt của nó mà các loại sợi tổng hợp khác không có được.
Hiện nay, nước ta có khoảng 35 ngàn ha diện tích trồng cây bông tập trung với sản lượng 13 ngàn tấn bông xơ. So với nhu cầu tiêu dùng thì sản lượng trên mới chỉ đáp ứng được 15%. Ngành dệt cả nước vẫn đang thiếu nguyên liệu bông để sản xuất, trong khi nước ta lại có lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển cây bông.
Việc tăng diện tích trồng bông tập trung sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp dệt may trong nước phát triển, tận dụng nguồn lao động, cải thiện đời sống của nhân dân vùng trồng bông và công nhân sản xuất ngành dệt may. Trong những năm tới, chúng ta đang phấn đấu đưa diện tích trồng bông lên 230 ngàn ha, đạt sản lượng 180 ngàn tấn bông xơ, đáp ứng đủ nhu cầu cho ngành dệt may cả nước.
Đặc tính của cây bông.
Cây bông có nguồn gốc nhiệt đới nên đòi hỏi cao về nhiệt. Nhiệt độ tối ưu cho bông này mầm, sinh trưởng và phát triển là 25 - 30°C. Dưới 25°C cây phát triển chậm. Còn khi nhiệt độ lên tới hơn 37ºC thì cây ngừng phát triển.
Bông là cây trồng ưa ánh sáng. Lá bông luôn thay đổi góc độ phiến lá luôn nhận được ánh sáng mặt trời nhất.
Cây bông chịu hạn tốt do có bộ rễ khá phát triển. Nhưng để đảm bảo năng suất cao, phẩm chất xơ tốt thì cần có chế độ nước thích hợp.
Hầu hết các loại đất thích hợp cho cây trồng cạn đều có thể trồng bông vải. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả kinh tế, cần chọn đất tốt, giầu chất dinh dưỡng, tơi xốp, khả năng thoát nước cũng như giữ ẩm tốt, đất ít chua. Cần nhớ, cây bông ưa nước, nhưng lại rất sợ úng. Vì vậy, nên chọn nơi đất cao ráo, dể tiêu nước để trồng bông.
Đối với vùng Tây Nguyên, Đông nam Bộ và duyên hải miền Trung, cần chọn các loại đất bazan nâu đỏ, bazan nâu đen, đất đen, đất xám, đất phù sa không được bồi hàng năm. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nên trồng bông trên đất phù sa ven sông Tiền, sông Hậu không bị ngập nước từ tháng 11 đến tháng 5, vùng đất thịt pha cát, gò cao có nguồn nước tưới chủ động để trồng bông vụ Đông Xuân.
Hiện nay, giống bông vải đang được trồng phổ biến là những giống có dạng cành vô hạn (tức là, cây bông ra nụ, hoa, quả từ cành dưới lên cành trên và từ trong ra ngoài, tuỳ điều kiện canh tác mà quả bông có thể nở sớm hay muộn. Bình thường quả bông được 45 - 50 ngày thì bắt đầu nở. Khi quả già, vỏ quả mất nước co lại và tách ra thành 4 - 5 mảnh. Múi bông bị phơi ra nhưng còn dính vào vỏ qủa, xơ bông khô đi và nở bồng lên. Lúc này có thể thu hoạch, phơi 1 - 2 nắng rồi đóng bao.