Cách ủ phân chuồng hiệu quả cho cây hồ tiêu
CÁCH Ủ PHÂN CHUỒNG
Phân chuồng tươi như phân trâu, bò, ngựa, lợn, gà còn mới chưa thể bón ngay cho cây cối được mà phải ủ cho thật hoại, ít ra cũng ba bốn tháng mới dùng làm phân bón cho cây cối được.
Phân chuồng tươi rất hôi hám nên địa điểm ủ phân phải cách xa nhà ở ít nhất cũng phải năm ba mươi thước và chọn địa điểm phía dưới có chiều gió mới tốt.
Ủ phân chuồng không có gì khó khăn nhưng ta cũng phải biết sơ qua vài kỹ thuật cần yếu. Trước hết ta phải chọn một mảnh đất làm nền để ủ phân. Nên cần phải có độ nghiêng, tức là hơi dốc, để nước phân từ chỗ cao dồn xuống chỗ thấp, theo rãnh mà chảy xuống hồ chứa nước phân. Các loại nước tiết ra từ đống phân ủ này được công gia đánh giá là chất giàu dinh dưỡng không thua kém gì các loại phân vô cơ, gọi nôm na là phân hóa học.
Hồ chứa nước phân được đào ở phía thấp của nên ủ phân chuồng, như vậy mới hứng được trọn vẹn không bị thất thoát ra ngoài một cách uổng phí.
Hồ chứa nước phân thường là lu, khạp được chôn xuống đất, hoặc được xây bằng gạch chắc chắn, bốn vách và mặt đáy được láng xi măng để nước phân không thể ngấm ra ngoài. Chính nước phân được hứng trong hố này sẽ được dùng tưới lên đống phân hàng ngày cho mau hoai mục.
Nền ủ phân thường được nện kỹ với lớp đất sét phủ mặt trên để nước phân khỏi rút sâu xuống nền đất. Nhưng, tốt hơn hết là nên tráng xi măng để nước phân không thể thất thoát vào đâu được. Chung quanh nền ủ phân nên xây vách tường để giữ phân khỏi thất thoát vương vãi ra ngoài, đồng thời cũng để che chắn nắng gió và mưa tạt. Nếu không xây tường thì cũng nên dùng đất be bờ cho chắc chắn... Bên trên phải có mái lợp kín đáo để che mưa nắng.
Sở dĩ cần phải thiết kế nơi ủ phân chuồng kỹ như vậy vì nhờ đó mà sự thu hoạch phân ủ sau này mới có kết quả tốt:
- Nếu nơi ủ phân bị ảnh hưởng bởi nắng mưa thì phần dễ bị hao hụt, do khí amoniac trong phân, tức là chất đạm ở thể hơi sẽ bốc lên và tan trong không khí.
- Nếu nước phần không chảy vào hố chứa mà tan biến vào đất thì lượng phân lân và kali cũng bị hao phí nhiều.
- Còn nếu để nước mưa cứ tự do xối xả vào đống phân (do bên trên không có mái che hay chung quanh vách không được che chắn kỹ bằng phên) thì chắc chắn các chất màu mỡ trong đống phân sẽ bị cuốn trôi đi một cách uổng phí...
Do đó, việc làm nền đúng quy cách và việc lợp mái và làm hồ chứa nước phân cần được tính toán kỹ từ đầu, lơ là thiếu sót sẽ gặp thất bại.
Cách ủ hoai phân chuồng không khó. Các loại phân trâu, bò, lợn, ngựa hay gà vịt có thể đổ dồn đống lại với nhau trên nền (ở phía dốc cao), chất chồng cao bao nhiêu là tùy mỗi người, nhưng phải tém gọn cách nào cho chắc chắn, gọn ghẽ để khỏi ngã đổ là được.
Sau đó, mỗi ngày vài lần, ta dùng gàu nhỏ có cán dài múc nước phân ở hố chứa lên tưới khắp đống phân, nhờ đó mà phần không bị khô và chóng hoai mục. Việc tưới nước phân cốt yếu là làm cho đống phân đủ ẩm, cho nên không cần phải tưới với số lượng nhiều thêm tốn công vô ích.
Trong thời gian ủ phân, nếu có phân mới ta vẫn có thể tấp lên phía trên, rồi tưới nước phân cho hoai. Nhưng, mỗi khi đổ phân mới lên đống phân cũ thì tốt nhất là nên rải trên đống phân cũ một lớp rơm rạ hoặc cỏ khô... Sau một thời gian các lớp cỏ rác này cũng bị hoại mục để biến thành phần, nhờ vào nước phân múc tưới lên hằng ngày.
Phân chuồng ủ ba tháng đã hoại, bón riêng vào cây cũng được, nhưng thường được trộn chung với phân bổi mới bón cho vườn tiêu (và các loại hoa màu khác). Tác dụng tức thời của loại phân hỗn hợp này là làm cho cây tăng trưởng rất nhanh, lá cành xanh tốt và đặc biệt nuôi dưỡng cây trồng được tươi tốt lâu bền hơn phân vô cơ (phân hoá học). Trong khi đó, phân vô cơ tuy bộc phát mạnh, nhưng chỉ hiệu nghiệm trong một khoảng thời gian ngắn rồi hết hiệu nghiệm.
- Phân gà: Cây tiêu rất thích hợp với phân gà, phân chim cút. Kinh nghiệm của người trồng tiêu lâu năm cho biết như vậy. Gốc tiêu mà được bón thêm phân gà không những cây sẽ mọc mạnh, tăng trưởng nhanh, nảy nhánh ngang nhiều, sai trái mà hương vị hạt tiêu lại thơm nồng, được nhiều người ưa thích.
Thế nhưng, từ trước đến nay nhiều người trồng tiêu cũng như các nhà vườn khác đều ngại bón phân gà, vì họ cho rằng phân gà có tính nóng, bón vào chỉ có hại cho cây. Đâu ai hiểu rằng phân gà là loại phân có mức bổ dưỡng cao nhất so với các loại phân chuồng khác.
Do không sử dụng đến, nên hàng năm số lượng phân gà bị bỏ đi quá nhiều, thật sự là sự uổng phí lớn lao. Cũng có một số người dùng đến, nhưng họ để lâu ngày, thậm chí đem phơi ngoài nắng cho phân thật khô, thật hoai mới dùng. Họ đâu biết rằng khi phân gà đem phơi khô như vậy thì chất đạm trong phân bị bốc hơi tiêu tan gần hết.
Nhiều thí nghiệm cho thấy ngay phân gà lâu ngày đóng lớp cứng trên nền chuồng, chất đạm trong phân cũng bị mất trên ba mươi phần trăm chứ không phải ít. Nếu đem phân gà ra ngoài nắng gió phơi khô trong nhiều ngày rồi mới bón cho cây thì chất dinh dưỡng đâu còn nữa!
Sự tiêu hao các chất dinh dưỡng trong phân gà là do sự tan biến các hợp chất, hoặc do sự bay hơi làm tiêu hao chất dinh dưỡng và chất đạm bị mất. Sự tiêu hao vì bay hơi xảy ra khi phân gà có hơi nồng, đó là ammoniaque mà chúng ta quen gọi là “nước đái quỷ”. Trong điều kiện ẩm ướt, acide urique biến thành urée và urée phân hóa thành hơi ammoniaque tan biến nhanh vào không khí.
Được biết trong phân gà ngoài ba thành phần cốt lõi là đạm, lân và kali ra còn có nhiều chất khoáng khác như: đồng, kẽm, calcium, manganese, lưu huỳnh, magnesium...
Trong phân gà tươi, các chất dinh dưỡng ở thể hữu cơ và vô cơ nên có rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho tiêu và các loại hoa màu khác.
Trồng tiêu ta có thể bón phân gà tươi, nhưng nên bón xa gốc một chút. Tốt hơn hết là khi bón lót hay bón thúc, ta nên trộn phân gà với phân rác mục và phân chuồng ủ hoai, như thế sẽ tạo được độ dinh dưỡng cao hơn.
Phân gà tươi nên nhập với nhiều loại phân chuồng khác như phân trâu bò chẳng hạn để ủ hoai, chứ không nên loại bỏ một cách uổng phí. Được biết, một con gà mái đẻ, bài tiết mỗi ngày được hơn 150gram phân, nghĩa là trong một năm con gà mái đó “sản xuất được khoảng 60kg phân Nếu nuôi vài trăm gà đẻ, hoặc vài nghìn gà đẻ, trong một năm ta sẽ thu được bao nhiêu là phân để giúp đất canh tác được màu mỡ hơn! Và nếu quy ra tiền để mua phân bón thì con số đó đâu phải là nhỏ?
- Phân cá: Theo kinh nghiệm cổ truyền, nhiều người trồng tiêu ngày nay vẫn đề cao loại phân cá dùng bón cho tiêu. Với họ thì loại phân này có công hiệu rất lớn, nhưng chỉ dùng ở mức hạn chế chứ không dám lạm dụng.
Phân cá ở đây được chế biến từ cá tươi ngâm trong nước tiểu khoảng một tuần cho chất cá tan rã trong nước tiểu. Sau đó, cứ một phần phân công với năm sáu phần nước, khuấy cho tan đều rồi tưới bón cho tiêu.
Loại phân này chỉ được dùng cho tiêu khi dây tiêu được trồng ba bốn tháng. Lúc này tiêu đã bắt đầu tăng trưởng mạnh, rễ đã cắm sâu vào đất. Lúc này nên bón phân cá trợ lực dây tiêu chừng vài ba lần, mỗi lần cách nhau vài ba tuần. Nếu lạm dụng dây tiêu sẽ bị cháy lá và có khi bị chết do quá nóng.
Ngoài những thứ phân bón vừa kể trên, ta có thể dùng phân urée hòa vào nước để tưới bón thúc cho tiêu mau tươi tốt. Cứ 100 gam ure thì pha với một trăm lít nước, khuấy đều rồi tưới vào gốc tiêu.
Mặt khác, ta có thể dùng loại phân sinh hóa hữu cơ pha vào nước theo đúng tỷ lệ cho phép để xịt thẳng vào lá và thân cây tiêu để cây hấp thụ nhanh các chất dinh dưỡng trực tiếp qua lá...
Loại phân sinh hóa hữu cơ mới được giới thiệu gần đây dưới dạng bột bón vào đất và dạng nước để xịt thẳng vào lá, hiện nay được nhiều nước chế biến và xem ra cũng hiệu nghiệm cho mọi thứ cây trồng.
Được biết thành phần chủ yếu của phân sinh hóa hữu cơ cũng là những chất hữu cơ lấy từ thực vật và động vật. Thực vật thì lấy từ đậu nành, lúa mì, mật mía và các loại rong tảo... Còn động vật thì lấy từ tôm, cá, các loại sò ốc, thịt động vật... tất nhiên, là phải qua một quá trình chế biến bằng phương pháp sinh học như lên men vi sinh.
Với tiêu, việc bón phân chủ yếu là bón lót, sau đó hàng năm như trước mùa mưa và sau mùa thu hoạch trái, ta cần bón thúc để cây được tươi tốt hơn.