Cách Trồng Tiêu Trên Liếp
CÁCH TRỒNG TIÊU TRÊN LIẾP
Khi vườn trồng tiêu đã được lên liếp xong xuôi, nghĩa là mọi việc chuẩn bị cho vườn trồng đã được chăm lo chu tất, người ta bắt đầu tiến hành việc trồng hom tiêu ra vườn.
Tiêu được trồng theo hàng ngay thẳng và khoảng cách giữa các nọc cũng bằng nhau, như cách trồng cây cao su vậy. Trồng ngay hàng thẳng lối không những đẹp vườn mà còn đem lại nhiều điều tiện lợi như bón phân, tưới nước, làm cỏ cũng như thu hoạch trái được dễ dàng.
Nếu trong vườn đã có sẵn nọc sống (cây đang sống đã mọc sẵn từ trước) thì cứ lấy nọc sống làm chuẩn cho hàng, rồi giặm nọc chết vào cho đủ chỗ.
Nếu vườn tiêu chỉ trồng nọc chết không thôi, thì bước đầu ít ai trồng ngay nọc vĩnh viễn mà tạm thế bằng loại nọc tạm. Tạm ở đây có nghĩa là tạm thời, chỉ dùng trong một thời gian ngắn rồi bỏ đi.
Loại nọc tạm tốt nhất và thường được nhiều người dùng nhất là thân cây cau (areca catechu L. ), do thân cau thẳng, vỏ bọc bên ngoài rất nhám giúp rễ lộ thiên mọc từ mắt các đốt thân cây tiêu dễ bám chặt vào mà leo lên. Rễ lộ thiên có bám chặt vào nọc thì từ mắt đốt mới nảy chồi ngang để ra hoa kết trái được. Ngược lại, vì một lẽ gì đó mắt đốt nào mà rễ lộ thiên không bám được vào nọc thì rễ đó bị “trơ” ra và mắt đốt đó không còn khả năng đâm nhánh. Chính vì lẽ đó nọc tạm cũng như nọc vĩnh viễn bắt buộc phải có độ nhám bên ngoài để dây tiêu bám chặt vào mà sống.
Cây cau ở vùng quê thì dễ tìm, tất nhiên đó là cau già không còn khả năng ra buồng nữa. Thân cây cau già thường có độ cao từ mười thước trở lên, có cây gần hai mươi thước, có thể chặt được năm sáu khúc để làm nọc tạm.
Trong trường hợp không có đủ nọc cau cần dùng thì người ta dùng các loại cây gỗ khác như xoài, mít, me chẳng hạn, dù sao chúng cũng đủ sức chịu đựng được mưa nắng sáu bảy tháng trở lên.
Nọc tạm chỉ được dùng khoảng một năm, sau đó nó được thay bằng nọc vĩnh viễn chắc chắn hơn.
Chiều cao của nọc tạm không cần cao lắm, chỉ hai thước là đủ, chưa kể đoạn dư cắm sâu dưới đất để giữ nọc đứng vững (khoảng năm sáu tấc). Dù là nọc tạm cũng phải cắm sâu xuống đất cho chắc chắn, không nên để nghiêng ngả, xiêu veo, để rồi phải thay thế hoặc chống đỡ mất công, lại ảnh . hưởng xấu đến sự sống còn của cây tiêu con còn non nớt.
Khoảng cách giữa hai nọc tạm (sau này sẽ là chỗ trồng nọc vĩnh viễn) tùy theo kẻ trồng dày người trồng thưa. Có người chỉ chứa khoảng cách đó cỡ thước rưỡi. Theo chúng tôi khoảng hai thước là tốt nhất, đó là khoảng cách của nọc thường, còn với nọc gạch do phải làm bồn to để trồng được từ sáu đến tám dây tiêu, nên khoảng cách giữa hai nọc phải rộng hơn, ít ra cũng ba thước mới vừa.
Cách nọc tạm khoảng vài ba tấc, người ta đào một hố sâu khoảng bốn tấc bên cạnh, rồi đổ đầy phân bổi mục và phân chuồng hoai xuống (vài ba mươi kilôgam cho mỗi hố), bên trên khỏa lấp đất lại để làm “kho lương thực” cho cây tiêu sau này. Hố phân này thường được đào về hướng đông hay hướng bắc. Sau này rễ tiêu sẽ hướng về hố phân này mà rút chất dinh dưỡng để sống...
Cạnh hố phân lót này, người ta lại mọi một hố khác có kích thước nhỏ hơn, bón sơ vài kilôgam phân chuồng hoai vào đó, trộn chung với một lớp đất mỏng rồi đặt xuống hố hai hom tiêu giống (đặt song song và sát với hai mép hố) rồi khỏa đất lại. Điều cần nhớ là nên dùng tay em cho chặt gốc để rễ tiêu mau tiếp xúc với đất... Không nên ém quá mạnh tay, vì như vậy sẽ làm thương tổn hom giống nếu đó là hom mới cắt đem trồng trực tiếp ra vườn. Mà ngay hom đã qua thời kỳ ương rồi cũng vậy, ấn mạnh tay quá vẫn có thể làm đứt rễ non.
Khi đặt cây hom xuống trồng nên hướng phần gốc về hướng hố phận để sau này rễ cũng hướng về phía ấy. Sau này khi thay nọc vĩnh viễn dù phải đào bới cũng không đụng chạm đến rễ cây khiến cây không bị hư hại. Mặt khác, khi trồng hom tiêu giống, ta cũng để ló lên khỏi mặt đất một đoạn chừng vài ba mắt để sau này các lộc mới sẽ từ các mắt đốt ấy mà đâm ra.
Với nọc gạch là nọc vĩnh viễn, thường có đường kính ở phần gốc khá rộng, độ sâu bảy mươi phân nên thay vì chỉ đào một hố phân như nọc thường, ta phải đào hai ba hố phân chia cách khoảng nhau và mọi ba bốn hố nhỏ để bố trí đủ chỗ trồng từ sáu đến tám hom tiêu giống.
Sau khi đặt hom xuống đất thì cuốc đất làm thành một cái hố nhỏ cạnh gốc tiêu để thời gian đầu đổ đầy nước vào đó cho thấm dần vào đất giúp hom tiêu đủ nước tưới mà sống. Hoặc có thể bị vòng quanh nọc tạm một bờ bao thấp để nước tưới bị giữ lại giúp đất quanh hom tiêu có độ ẩm lâu hơn. Trong trường hợp gặp mưa to thì phải kịp thời phá bỏ những hố nước ấy, để tránh cho cây sự úng nước.
Cụ thể là, sau khi trồng hom tiêu giống xuống đất, nếu trời không mưa, hoặc đất không đủ độ ẩm cần thiết thì nên tưới ngay để hom giống khỏi bị héo úa. Cây trồng xuống đất chưa được bao lâu mà đã bị héo thì đó là triệu chứng xấu, cần phải tìm cách khắc phục ngay: tốt hơn hết nên giặm ngay cây mới, đừng tiếc.
Tiêu thường được trồng vào tháng Bảy, tháng Tám dương lịch, tức là vào giai đoạn mưa chưa nhiều, trời vẫn có ngày nắng rất gắt. Tiêu là giống cây chịu nắng và chịu nóng rất kém, nhất là trong nửa năm đầu, vì vậy sau khi trồng hom giống xuống đất là phải tìm cách che bớt nắng cho cây. Trong việc này thì nọc sống rất có lợi. Với nọc sống, thường được chặt hết cành lá bên dưới, chỉ chừa lại một chỏm ngọn bên trên đủ che mát cho tiêu con.
Nọc gạch thì quá tai hại vì gạch hút hơi nóng lại giữ hơi nóng khá lâu nên dây tiêu khó lòng chịu nổi hơi nóng từ nọc toả ra. Nọc gạch có giảm hết nhiệt cũng phải sáu bảy giờ chiều. Vì vậy, nếu sử dụng nọc gạch thì phải tìm cách che nắng cho kỹ từ trên xuống dưới, nếu không tiêu sẽ héo dần và chết khô. Chỉ khi nào các dây tiêu mọc cao che phủ hết bề mặt nọc gạch thì lúc đó gạch mới không còn hút nhiệt được nữa.
Để che nắng cho tiêu trong thời gian năm sáu tháng đầu, xen kẽ giữa vài hàng nọc tiêu, chủ vườn tạm trồng một hàng cau hay một số loại cây ăn trái “ngắn hạn” để lợi dụng bóng mát của tàn lá các cây này che nắng cho tiêu. Nếu không thì chặt những nhánh cây rừng cắm về hướng tây để che bớt nắng chiều cho tiêu được mát mẻ. Có người dùng lá dừa, có người dùng cành nhãn rừng, loại cây có đặc điểm lá đã khô mà vẫn bám chặt trên cuống nhiều ngày sau đó mới rơi rụng, nhờ đó mà dùng được lâu ngày.
Với những vườn tiêu rộng lớn, đất đai chung quanh còn thừa thải, chủ vườn thường trồng hàng cây lớn bao quanh, vừa làm rào giậu, vừa lợi dụng tàn lá của nó để che nắng sáng chiều cho cả vườn tiêu. Khi tiêu bò lên đến chót nọc thì tự chúng có thể che bóng cho nhau, ta không cần phải lo nữa.
Trong thời gian đầu mới trồng, hàng ngày ngoài việc chăm lo tưới nước và che nắng cho tiêu, ta còn phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe” của từng hom tiêu nữa. Trong thời gian tháng đầu này, có rất nhiều lý do khiến hom tiêu giống bị chết, ít có vườn nào may mắn có được số hom giống sống một trăm phần trăm! Nếu số cây bị chết chỉ có mươi mười lăm phần trăm thì coi như đã thành công rồi.
Với những cây bị chết hoặc héo úa ta nên nhổ lên rồi trồng giặm ngay cây khác vào và tiếp tục theo dõi những cây mới trồng đó.
Một vườn tiêu được đánh giá là thành công trong giai đoạn đầu, là khoảng chín mươi phần trăm các nọc tiêu trong vườn đều tươi tốt sơn sơ như nhau. Cũng như một vườn tiêu được đánh giá là thành công hay không, không phải căn cứ vào mức trái thu hoạch trong vài năm đầu, mà phải chờ đến năm thu hoạch thứ ba, thứ tư ra sao mới đánh giá được chính xác. Có những vườn tiêu ra hoa rất sớm, trước thời hạn cả năm nhưng những trường hợp này chưa chắc đã là điều đáng mừng, vì thường những cây trổ hoa sớm lại mau mất sức, bạo phát thì bạo tàn, có khi còn thua xa cây ra hoa trễ...
Việc bón phân cho cây tiêu con cũng là việc nên làm kịp lúc. Khoảng một tháng sau khi trồng, với nhánh cắt xong trồng ngay ra nọc thì bắt đầu bén rễ, còn nhánh từ vườn ương bứng ra thì đã mọc mạnh, ta nên bón phân đạm vào mỗi gốc để cây được “hà hơi tiếp sức” mà sống mạnh hơn lên.
Khi vườn tiêu trồng được mươi tháng đến một năm, ta nên thay nọc tạm bằng nọc vĩnh viễn. Nọc vĩnh viễn như phần trên chúng tôi đã đề cập đến, đó là những thân cây có gỗ tốt, dài khoảng năm thước (sẽ chôn xuống đất một thước) có sức chịu đựng được mưa nắng ngoài trời trong mười lăm năm hoặc hơn, như cây căm xe, cóc rừng, lồng mứt...
Trước khi nhổ nọc tạm vứt bỏ, ta nên nắm từng dây tiêu để nhẹ tay gỡ từng chiếc rễ lộ thiên bám chặt từ nọc tạm ra và đặt những dây tiêu tơ đó xuống đất. Lỗ nọc tạm tuy có sẵn, nhưng cần phải moi rộng ra, moi sâu hơn (vì đường kính của nọc vĩnh viễn to hơn) để trồng nọc vĩnh viễn xuống. Việc thay nọc tạm bằng nọc vĩnh viễn tuy là công việc nặng nề, nhưng cần phải làm cẩn thận, cố tránh gây ảnh hưởng xấu đến thân và bộ rễ của các dây tiêu.
Và để các dây tiêu bám chắc vào nọc vĩnh viễn, bước đầu ta nên tạm dùng dây lạt buộc lại cho cây khỏi tuột.
Tóm lại, việc trồng tiêu trên liếp, chủ vườn thường trồng theo một trong ba cách sau đây:
- Cách 1: Khi cây tiêu lên cao chừng một thước, người ta ngắt đọt để cây “tức” mà nảy nhiều nhánh ngang. Vì rằng nếu để cây tiêu cứ mọc suôn đuột, ít có nhánh ngang thì sau này không được nhiều chùm, nghĩa là không sai trái. Trong trường hợp đã ngắt đọt một lần mà cây vẫn chưa chịu nảy nhiều nhánh ngang, thì chờ cây tiêu đó mọc cao lên một khúc nữa, khi đó ngắt đọt thêm một lần nữa... cho đến khi nào cây chịu nảy nhiều nhánh ngang mới thôi ngắt đọt.
- Cách 2: Khi thấy cây tiêu đủ sức mọc cao rồi, thì ta cứ mặc cho nó mọc tự nhiên, muốn lên cao bao nhiêu cũng mặc. Cách trồng này là trồng ở nọc sống. Chủ vườn nghĩ rằng cây mọc càng cao thì sức lực nó càng mạnh. Dây tiêu do không được cản trở nên càng ngày càng bò lên cao, vươn tới các nhánh nhỏ của cây sống... Có khi mọc cao cả chục thước mà vẫn chưa chịu ngừng
- Cách 3: Khi cây tiêu mọc cao lên đến lưng chừng nọc hoặc hai phần ba nọc, người ta bưởi một hố rộng dưới gốc của nó, rồi tuột dây tiêu xuống hố đó, bằng cách khoanh khoanh nhiều cho lọt thỏm vào hố, chỉ chừa khúc đọt chừng năm tấc trồi lên, sau đó lấp đất phủ lên... Những đốt tiêu bị chôn vùi trong đất sẽ bắt rễ xuống đất để cùng hút chất bổ nuôi cây khiến cây mọc mạnh hơn. Còn những nhánh bị chôn vùi trong đất, sau đó cũng cố tạo cơ hội trồi lên và mọc mạnh thêm, cuối cùng tạo thành cả một bụi tiêu lớn bao chung quanh nọc.
Việc tuột cây xuống, nếu sau một thời gian thấy cây vẫn mọc yếu ớt thì nên tiến hành tuột thêm lần hai lần ba... Điều cần nhớ là mỗi lần tuột dây tiêu xuống đất như vậy, ta nên cố tránh làm cho dây tiêu giập nát hoặc gãy khúc nếu không lợi đâu không thấy chỉ thấy hại mà thôi.
Trong ba cách trồng kể trên, cách thứ nhất có thể đem lại kết quả tốt, vì dù ngắt đọt cây vẫn không bị mất sức. Hơn nữa, do ngắt đọt, nên chiều cao cây tiêu bị hạn chế chỉ bằng chiều cao của nọc nó leo. Nhờ đó mà việc chăm sóc và thu hoạch trái cũng được thuận lợi, dễ dàng.
Cách thứ hai là cứ mặc cho cây mọc tự nhiên, lên đến đâu thì đến, xem ra bất tiện. Cây để mọc quá cao chưa chắc đã tăng thêm năng suất, mà trước mắt, việc thu hoạch sẽ gặp rất nhiều trở ngại, lại tốn nhiều công sức nữa. Đó là chưa tính đến việc, nếu cây tiêu đó bị sâu rầy hay mắc một chứng bệnh gì đó thì làm sao xử lý sâu bệnh cho cây được đây?
Cách trồng thứ ba là cách từ lâu được đa số người trồng tiêu áp dụng. Đây cũng là phương pháp trồng bầu bí, mướp... của ông bà ta xưa. Do được đốn tuột xuống nhiều lần, thân tiêu đương nhiên bị “lùn” xuống, gốc tiêu bắn ra nhiều rễ nên giúp cây có đủ dinh dưỡng để mọc vượt lên mạnh mẽ. Nhờ đó mà tiêu sai trái. Phương pháp này không phải dễ thực hiện, chỉ những ai thực sự có kinh nghiệm mới thực hiện được.
Trong kinh nghiệm trồng tiêu, có lẽ chúng tôi cũng cần trình bày thêm một điều là chúng ta đừng coi thường những chiếc rễ lộ thiên mọc ở mắt các đốt trên thân cây tiêu. Mỗi khi cần bóc những rễ này rời khỏi nọc (như khi tuột dây tiêu xuống để lấp đất, hay khi cần thay nọc vĩnh viễn) thì tránh đừng để cho đứt rễ. Và khi cần cột dây tiêu vào nọc, ta nên cột các mắt đốt cho sát nọc và rễ hướng về phía nọc để giúp rễ có cơ hội bám chắc vào nọc.
Trường hợp rễ lộ thiên không bám được vào nọc thì rễ đó bị coi như tê liệt và từ mắt đốt đó sẽ không thể nảy nhánh ngang ra để sau này đơm hoa kết trái được.
Nói cách khác, cây tiêu vì lý do nào đó ít có rễ lộ thiên được bám vào nọc thì cây đó ít nhánh và sau này cho trái kém. Thế nhưng, trường hợp những nhánh nhỏ phát ra từ các mắt quá nhiều cũng không tốt, cần phải tỉa bớt, mỗi mắt nên chừa lại một nhánh bụ bẫm mà thôi.