Các Bệnh Trên Cây Cà Phê ( Phần 1 )
Các Bệnh Trên Cây Cà Phê ( Phần 1 )
1. Bệnh rỉ sắt
+ Đặc điểm và triệu chứng gây hại:
Bệnh gây hại trên lá, lúc đầu vết bệnh là những đốm tròn nhỏ màu vàng, sau vết bệnh lớn dần và có lớp phấn màu vàng da cam rất sáng ở dưới mặt lá. Bệnh nặng làm lá vàng và rụng, cây sinh trưởng còi cọc. Bệnh do nấm Hemilena Vastatri gây hại, bào tử phát tán và lây lan mạnh nhờ gió, côn trùng và công nhận chăm sóc. Bào tử có thể chịu đựng được nhiều tháng trong điều kiện bất lợi cho nảy mầm. Bào tử nảy mầm nhanh ở nhiệt độ 24°C sau 2-4 giờ và phát triển nhanh ở độ ẩm 80-90%. Thời gian ủ bệnh là 6- 12 giờ. Các giống cà phê ở Việt Nam đều nhiễm bệnh rỉ sắt. Arabica nhiễm nặng nhất, tiếp đến là Exelsa và Robusta.
+ Biện pháp phòng trừ:
Bón phân đầy đủ và cân đối, tạo hình thông thoáng, tỉa cành hợp lý giúp cây sinh trưởng tốt. Dùng giống kháng bệnh như: S.73, Catimor F6. Hạn chế sử dụng các giống mẫn cảm với bệnh gỉ sắt như Caturra, Typica, Mundo Novo... Có thể dùng các loại thuốc sau để phun kỹ lên hai mặt lá: Hexaconazole (Anvil5SC, Annongvin 50SC); Propiconazole (Tilt 250 EC, Bumper250 EC); Diniconazole (Nicozol 25 SC); Chlorothalonil (Forwanil 50 SC); Mancozeb (Penncozeb 80 WP, Dithane F-448 43SC); Carbendazim (Daphavil 50SC, Arin 25SC); Triadimefon (Bayleton 250EC, Encoleton 25WP); Difenoconazole + Propiconazole Tilt Super 300EC, Tinitaly surper 300.5EC); Isoprothiolane + Propiconazole (Tung super 300EC); Carbendazim + Tricyclazole + Validamycin (Carzole 20 WP).
2. Bệnh khô cành quả (Anthracnose)
+ Đặc điểm và triệu chứng gây hại:
Do nấm Colletotrichum Glossporioides gây nên trong điều kiện - cây bị suy yếu do thiếu dinh dưỡng, bệnh gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây, nhưng bệnh phát triển mạnh lúc cà phê ra hoa, kết quả. Mưa nhiều vào buổi chiều tối làm phát tán bào tử và làm bào tử xâm nhiễm vào quả.
Bệnh gây hại trên lá, quả, cành và thân cà phê, trên lá bệnh xâm nhập vào đầu lá hay phiến lá, triệu chứng ban đầu là những vết loang lổ màu nâu có nhiều vòng đồng tâm, sau đó lan rộng ra chuyển sang màu nâu sẫm hay nâu đen. Các vết bệnh xuất hiện nhiều liên kết với nhau thành từng mảng lớn làm cho lá bị khô rụng; trên cành và thân. Bệnh tấn công lên cành ở các giai đọan cành đang hóa gỗ và xâm nhập vào đầu cành mang quả qua vết nứt của lá.
Trên cành có những vết nâu lõm xuống làm vỏ biến màu nâu đen và khô dần. Bệnh nặng, nấm xâm nhập cả cành lớn và lan cả thân làm rụng lá và cành trơ trụi khô đen. Mô thân bị nhiễm cũng hóa đen; trên quả nấm tấn công vào giai đoạn quả thành thục 6 - 7 tháng. Vết bệnh là những đốm nâu lõm vào phần vỏ quả có kích thước và hình thù khác nhau.
Bệnh xuất hiện bắt đầu từ nơi đính vào cuống hay tại điểm tiếp xúc giữa hai quả, những nơi mà nước có thể đọng lại. Bệnh nặng làm lá, cành, quả khô đen và rụng làm cành trơ trụi.
+ Biện pháp phòng trừ:
Bón phân đầy đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây, dùng cây che bóng. Cắt và gom những đoạn cành bị bệnh đốt tiêu hủy.
Dùng luân phiên một trong các loại thuốc sau: Propineb (Antracol 70WP, Newtracon 70 WP); Copper Hydrocide (Kocide 53.8DF); Mancozeb (Manozeb 80WP); Carbendazim (Carban 50SC, Binhnavil 50SC); Hexaconazole (Tungvil 5SC); Validamycin (Tung vali 3SL); Hexaconazole + Tricyclazole (Forvilnew 250SC).
3. Bệnh đốm mắt cua
+ Đặc điểm và triệu chứng: Bệnh do nấm Cercospora Coffeicola gây ra trong điều kiện cây bị suy yếu do thiếu dinh dưỡng. Gây hại trên lá, quả, cành. Cây bị bệnh nặng thường cằn cỗi, chậm phát triển, lá vàng và rụng, quả chín ép. Vết bệnh trên lá và quả thường có hình tròn, trong có nhiều vùng đồng tâm, chính giữa màu xám có các chấm đen nhỏ, xung quanh nâu đỏ, ngoài cùng vàng. Vết bệnh chạy dọc theo chiều dài cành, quả bị hại nặng có thể bị thối đen từng phần hoặc toàn bộ. Bệnh xuất hiện phổ biến trong vườn ươm và thời gian kiến thiết cơ bản. Bệnh phát triển quanh năm đặc biệt ở các vườn chăm sóc kém, thiếu phân bón hoặc trồng trên đất xấu.
+ Biện pháp phòng trừ: Có thể trồng cây che bóng, bón phân đầy đủ và hợp lý để cây có đủ sức kháng bệnh. Sử dụng thuốc Hexaconazole (Dibazole 10 SC).
4. Bệnh nấm hồng (Corticium Salmonicolor)
+ Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh gây hại trên quả và cành, đầu tiên xuất hiện những chấm rất nhỏ màu trắng giống như bụi phấn. Những chấm này nhiều lên tạo thành một lớp phấn mỏng sau này có màu hồng đó là bào tử của nấm. Nếu xuất hiện ở cành thì thường nằm ở mặt dưới cành, nếu ở quả thường từ cuống quả. Vết bệnh phát triển chạy dọc theo cành và lan dần cả quả làm cành bị chết khô, quả thì héo và rụng non. Đây là bệnh gây hại nặng trên cà phê chè, cà phê vối cũng bị rải rác. Cây cà phê kiến thiết cơ bản có thể chết nếu bị bệnh nặng. Trên cà phê vối kinh doanh bệnh thường gây hại có tính cách cục bộ từng cây, làm chết từng cành, nếu nặng có thể chết cả 1/2 tán cây. Cho đến nay chưa thấy có hiện tượng chết cả cây cà phê vối kinh doanh do nấm hồng. cây bệnh thường xuất hiện ở tầng giữa và tầng trên, ít thấy ở tầng dưới. Khi bệnh phát triển tốc độ làm chết cành rất nhanh, nhưng sự lây lan từ cây này sang cây khác thì chậm, thời gian phát triển của bệnh cũng không kéo dài. Bệnh thường phát sinh từ tháng 6-7, phát triển mạnh tháng 7- 8, cao điểm vào tháng 9. Sự phát triển của bệnh chịu ảnh hưởng nhiều bởi độ ẩm không khí, năm nào mưa nhiều, độ ẩm không khí cao thì bệnh nặng hơn. Các vườn cà phê rậm rạp, tạo hình không thông thoáng, ẩm thấp thường bị bệnh nặng hơn.
+ Biện pháp phòng trừ:
Tạo hình thông thoáng cho vườn cà phê, thường xuyên kiểm tra vườn cây nhất là những năm có mưa nhiều để phát hiện bệnh sớm. Sau đó cắt đốt các cành bệnh. Trên cà phê vối nếu cắt bỏ cành bệnh kịp thời có thể phòng trừ bệnh nấm hồng mà không cần phải dùng thuốc hóa học. Dùng các thuốc sau: Validamycin (Validacin3L, Valivithaco 3L, Vali 5DD); Copperhydroxide (Champion 77 WP); Hexaconazole (Annongvin200SC, Tungvil5SC, , Anvil 5SC, Saizole 5SC); Carbendazim (Arin 25SC); Carbendazim + Hexaconazole (Vilusa 5.5SC); Carbendazim + Tricyclazole + Validamycin (Carzole 20 WP).
5. Bệnh lở cổ rễ
+ Đặc điểm và triệu chứng:
Bệnh do nấm Rhizoctonia sp, Fusarium Oxysporum và Pythium gây ra trong điều kiện mùa mưa, chủ yếu trên cà phê hai năm tuổi bệnh gây hại cả cây non trong vườn ươm. Cây sinh trưởng chậm, lá vàng rất dễ nhầm với vàng lá do thiếu dinh dưỡng. Một phần cổ rễ (phần thân tiếp giáp với rễ cọc, cách mặt đất khoảng 20- 30 cm) bị khuyết dần vào trong, sau đó vết khuyết sâu hơn, cây vàng dần và chết.
+ Biện pháp phòng trừ: Đất trồng cà phê phải có tầng canh tác dày, thoát nước tốt. Cây con phải đủ tiêu chuẩn trồng, sạch sâu bệnh. Trồng cây chắn gió. Tránh tạo vết thương phần gốc cây qua việc làm cỏ và đánh chồi sát gốc. Đối với những cây bị hại nặng cần nhổ bỏ và đốt tiêu hủy. Sau đó xử lý hố như đối với bệnh thối rễ cọc trước khi trồng lại. Đối với cây bị hại nhẹ, luân phiên sử dụng các loại thuốc sau: Dẫn xuất Salicylic Acid ; Trichoderma Viride (Biobus 1.00WP); Validamicin (Valijapane 3SL).